Chú trọng dự phòng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên
Dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên đã tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã; cải thiện chất lượng và tiếp cận dịch vụ y tế tại bệnh viện và tăng cường năng lực quản lý tại các tuyến.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn sẽ sàng lọc được một số bệnh không lây nhiễm ngay từ tuyến cơ sở. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Ngày 11/1, tại tỉnh Lâm Đồng, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2″, tổng vốn của dự án từ nguồn ODA của ADB là 70 triệu USD, tương đương 1.457,96 tỷ đồng, cùng với vốn đối ứng của Trung ương và địa phương là 137,5 tỷ đồng.
Tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã
Dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2″ từ nguồn vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống y tế 5 tỉnh Tây Nguyên, gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng. Dự án gồm 3 hợp phần: Tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã; cải thiện chất lượng và tiếp cận dịch vụ y tế tại bệnh viện, tăng cường năng lực quản lý tại các tuyến.
Ông Hà Văn Thúy, Giám đốc Dự án cho biết, Dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp sửa chữa 83 công trình với tổng kinh phí 21,439 triệu USD. Dự án cũng sẽ cung cấp trang thiết bị và xe ôtô cho 99 đơn vị, gồm: 3 bệnh viện tỉnh, 26 bệnh viện/trung tâm y tế huyện, 54 trạm y tế xã, 11 phòng khám đa khoa khu vực, 4 trường Trung cấp y tế và viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên với tổng kinh phí được phân bổ là 25 triệu USD, chiếm 36,23% tổng vốn ODA. Đến nay, Dự án đã trao hợp đồng 39 gói thầu, dự kiến 34 gói thầu còn lại sẽ trao trong tháng 1/2019.
Để phát triển nguồn nhân lực của 5 tỉnh Tây Nguyên, ông Hà Văn Thuý cũng cho biết, Dự án hỗ trợ đào tạo cả dài hạn (bác sĩ chuyên khoa I,II, bác sĩ liên thông…) và ngắn hạn về chuyên môn và năng lực quản lý cho cả tuyến huyện và tuyến xã. Hoạt động đào tạo của Dự án được chia thành 25 nội dung, với tổng kinh phí khoảng 6,5 triệu USD, chiếm 8,9% tổng kinh phí vốn ODA. Hiện nay, đã có 8.850 cán bộ đã được Dự án hỗ trợ đào tạo cả dài hạn và ngắn hạn, đạt 75% kế hoạch.
Dự án cũng đã triển khai cung cấp các gói dịch vụ y tế thích hợp tại cộng đồng đến năm 2018 tại 40% số xã, thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông cộng đồng tại 11 huyện nghèo, thực hiện hoạt động giáo dục và truyền thông nhóm nhỏ tại 108 xã nghèo.
Ths.BS Nguyễn Xuân Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông – một đơn vị được đánh giá thực hiện rất tốt việc nâng cao chăm sóc sức khỏe cho người dân thông qua Dự án, cho biết, Trung tâm hiện có 11 trạm y tế xã, thị trấn. Các trạm này đã được xây và cung cấp trang thiết bị y tế gắn với giai đoạn 2 của Dự án trên, đặc biệt có 4 trạm y tế xã được xây mới.
Video đang HOT
“Từ đó, số lượt khám chữa bệnh tại tuyến xã đã tiếp đón 40-60 bệnh nhân/ngày, không còn vắng vẻ như ngày trước. Hầu hết là các bệnh lý như: Tăng huyết áp, đái tháo đường… đặc biệt, huyện cũng đang hướng tới mô hình nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế tuyến xã. Ngay trong năm 2019, huyện sẽ triển khai thực hiện sàng lọc và phát hiện sớm bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp cho người trên 45 tuổi trên địa bàn, dự kiến khoảng 22.000 người, Ths.BS Nguyễn Xuân Oanh chia sẻ.
Chú trọng công tác dự phòng từ cơ sở
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá Ban quản lý Dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên” đã rất nỗ lực thực hiện các kế hoạch được phê duyệt. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết những năm gần đây, Bộ Y tế và các địa phương vùng Tây Nguyên đã triển khai thực hiện nhiều chính sách củng cố và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế, hệ thống y tế cơ sở của vùng đã có những bước phát triển mới đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác khám chữa bệnh cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, các chỉ số về tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi, tỷ lệ tử vong mẹ, số bệnh nhân sốt rét ở 5 tỉnh Tây Nguyên trong Dự án vẫn còn ở mức cao hơn trung bình của cả nước. Đặc biệt là vấn đề nhận thức về dự phòng, đây không chỉ là phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường mà còn phải tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe cho những người còn đang khỏe như phòng chống các bệnh không lây nhiễm (tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73% tổng số các ca tử vong), phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia…
“Chúng ta cứ nói dự phòng là chỉ phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn nhưng tôi cho rằng dự phòng bệnh chính là người dân được chăm sóc sức khoẻ ban đầu, sàng lọc phát hiện bệnh sớm. Tôi không dám mơ ước như các nước phát triển, tất cả người dân được kiểm soát tiểu đường, tim mạch, ung thư hay bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ngay từ cơ sở nhưng tôi mong muốn và chắc chắn sẽ thực hiện trong thời gian tới là người dân sẽ được theo dõi và sàng lọc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường ngay ở tuyến cơ sở”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng nhân lực, để hạn chế bệnh nhân lên tuyến trên. Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị mỗi tỉnh trong Dự án này cần chọn 3 trạm y tế xã điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình theo mô hình 26 trạm y tế xã mà Bộ Y tế đang thí điểm trên cả nước.
Thuý Hà
Theo Chinhphu.vn
Tây Nguyên: Nhiều hộ vỡ mộng vì nghe lời đồn trồng "cây bạc tỷ"
Sachi, cà chua thân gỗ là những loại cây trồng mới, được đồn thổi cho thu nhập tiền tỷ, nên người dân Tây Nguyên đổ xô trồng dù chưa biết đầu ra như thế nào. Hệ quả, nhiều nơi sản phẩm làm ra không bán được, hoặc bán với giá không như kỳ vọng.
Đổ xô trồng sachi
Những năm qua, tại các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, hồ tiêu chết hàng loạt khiến nông dân điêu đứng. Nghe đồn thổi giá hạt sachi từ 500.000 - 800.000 đồng/kg, nhiều gia đình đã đổ xô trồng. Sachi là loài cây họ thầu dầu, xuất xứ từ Nam Mỹ, được ví như "vua của các loại hạt" bởi chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe con người.
Nhiều hộ nông dân ở Gia Lai đang "quay lưng" lại với cây sachi. Ảnh: Lê Kiến
Khoảng 3 năm trước, ông Trinh (thôn Brếp, xã Đắk Djrăng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) trồng xen khoảng 100 cây sachi vào 3 sào tiêu, cà phê bị chết, 6 tháng sau sachi cho thu hoạch. Tuy nhiên, vườn sachi của ông dù phát triển tốt nhưng quả lại rất ít, giá cũng không cao như tin đồn.
Ông Trinh cho biết: "Mới tháng đầu, thương lái từ TP Pleiku xuống tận làng mua với giá 120.000 đồng/kg nhưng sau đó... mất dạng. Không còn cách nào khác, tôi phải bán rẻ cho chủ tiệm tạp hóa trong làng với giá 70.000 đồng/kg, trong khi kỳ vọng ban đầu là 500.000 đồng/kg. Đáng lo là khi trồng xen, cây này có bộ rễ tốt nên hút hết dinh dưỡng của cà phê và tiêu. Giá thấp, quả lại ít, thu hái lắt nhắt, thu nhập không cao nên tôi dự tính sắp tới sẽ phá bỏ diện tích sachi để trồng lại cà phê".
Ông Vốt, Trưởng thôn Brếp, xã Đắk Djrăng, cho biết, thôn có 30/142 hộ trồng sachi. Ban đầu, dân trồng vì nghe giá cao, khoảng 500.000 đồng/kg chứ chưa nghĩ sau này bán cho ai, trồng thế nào. Tuy nhiên đến khi thu hoạch, giá chỉ được 70.000 đồng/kg, quả lại ít nên dân vỡ mộng làm giàu từ sachi, nhiều hộ phá bỏ, hoặc bỏ bê không chăm sóc vườn sachi.
Tại Đắk Lắk, nhiều người dân cũng đổ xô trồng sachi vì nghe đồn thổi giá cao. Anh Phạm Trí Độ (xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, vào tháng 5-2018, thấy người dân đổ xô trồng sachi và đồn thổi lợi nhuận của cây này nên anh cũng tận dụng bờ rào, số trụ tiêu chết để trồng hơn 500 cây. Đến nay, vườn sachi của anh Độ đã cho thu hoạch, dự tính được khoảng 300kg quả khô nhưng đến giờ anh vẫn chưa biết bán cho ai.
"Ở vùng này đã có hàng chục hộ trồng sachi. Tuy nhiên, hiện tại các đại lý thu mua nông sản chưa đứng ra thu mua quả nên chúng tôi đang rất lo, chưa biết sẽ bán cho ai đây. Nếu mà không ai mua thì chỉ có nước đổ bỏ, lúc ấy phải ôm đống nợ", anh Độ phân trần.
Theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M'gar, thời gian qua, người dân tự phát trồng sachi nhưng chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Hiện nay, đơn vị đã gửi văn bản xuống các xã để khuyến cáo người dân nên thận trọng, không nên trồng thuần, đồng thời phải xem xét thật kỹ đầu ra cho sản phẩm, tránh trường hợp mở rộng diện tích nhưng cuối cùng không có thị trường tiêu thụ.
Hạt sachi do người dân thôn Brếp làm thành phẩm đang chờ bán. Ảnh: HỮU PHÚC
Còn theo bà Vũ Thị Thanh Bình, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, cây sachi chưa có trong danh mục giống cây trồng sản xuất tại Việt Nam. Theo khảo sát sơ bộ, khá nhiều khu vực trên toàn tỉnh đã phát triển diện tích cây sachi như Krông Pắk, Buôn Hồ, Ea Kar... nhưng chưa thể thống kê chính xác diện tích do người dân trồng tự phát.
Cây trồng này được một số công ty ở khu vực khác đưa về giới thiệu sản phẩm tới bà con nông dân. Đã có nhiều nơi, các công ty đưa sản phẩm về bán cây giống cho bà con nông dân nhưng khi cây tới thời kỳ thu hoạch thì công ty này lại không thu mua.
Bán bò, chặt cây để trồng cà chua thân gỗ
Tại Lâm Đồng, cà chua thân gỗ một thời gian được "thổi" là cây tiền tỷ, bởi lúc cao điểm, giá quả cà chua thân gỗ lên tới gần 1 triệu đồng/kg. Nhiều hộ gia đình sẵn sàng chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng loại cây này mong sẽ thu về tiền tỷ sau vài vụ. Nhiều chuyên gia cho rằng, trái cà chua thân gỗ một thời gian được rao bán với giá gần 1 triệu đồng/kg là bởi nhiều điểm bán quảng cáo nó có công dụng tốt cho sức khỏe.
Dù ở nước ngoài, cà chua thân gỗ chỉ được bán với giá từ 2 - 4 USD/kg nhưng khi về Việt Nam, qua các thủ tục nhập khẩu và bị thổi giá, cà chua thân gỗ được bán với giá khoảng 1 triệu đồng/kg. Trước tình trạng giá cao, hút hàng, nhiều điểm quảng cáo bán hạt giống cà chua thân gỗ giá khoảng 50.000 đồng/hạt hay cây giống giá 400.000 - 500.000 đồng/cây.
Tại xã Tu Tra (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng), nhiều hộ gia đình đang khó khăn trong khâu tiêu thụ quả cà chua thân gỗ, điển hình như gia đình ông Nguyễn Bá Tôn. Hơn 1 năm trước, gia đình ông đã bán 26 con bò sữa rồi cùng chung vốn với những người khác mua 1.100 cây cà chua thân gỗ về trồng. Tuy nhiên, khi cà chua cho thu hoạch thì việc tiêu thụ trở nên khó khăn.
Cụ thể, từ tháng 6 đến tháng 10 vừa qua, nhóm của ông mới chỉ bán được khoảng 2,8 tấn quả cà chua thân gỗ cho Công ty TNHH sản xuất thực phẩm Đà Lạt với giá 150.000 đồng/kg đối với hàng loại 1 và 50.000 đồng/kg đối với hàng loại 2. Việc tiêu thụ khó khăn do nguồn thu mua chưa ổn định nên một số hộ gia đình tại xã Tu Tra đã mua tủ đá để bảo quản cà chua thân gỗ sau khi thu hoạch.
Tại xã Mê Linh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), nhiều hộ gia đình đã phải chặt bỏ những cây cà chua thân gỗ do không bán được quả hoặc cây không ra quả do mua phải giống kém chất lượng.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, trên địa bàn, cây cà chua thân gỗ được trồng nhiều năm qua với diện tích khoảng 44,8ha. Trong đó, diện tích đã cho thu hoạch là 39,8ha với tổng sản lượng khoảng 377 tấn/năm. Ông Lại Thế Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, cho biết, hiện địa phương chưa có đề án cụ thể về việc đưa cây cà chua thân gỗ vào trồng đại trà. Những hộ dân trồng là do tự phát, không tính toán được đầu ra, thị trường nên rơi vào tình trạng khó tiêu thụ khi có sản phẩm.
"Chi cục đang phối hợp với các phòng nông nghiệp trong tỉnh thống kê diện tích, sản lượng, các loại dịch bệnh đối với loại cây này để có những tư vấn và hỗ trợ kịp thời cho người dân. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo người dân nên cân nhắc kỹ trước khi trồng một loại cây nào đó, từ việc lựa chọn cơ sở ươm giống chất lượng, cho đến phải tính toán được thị trường tiêu thụ lâu dài để tránh cung vượt quá cầu", ông Hưng nói thêm.
Theo Nhóm Phóng viên (Sài Gòn giải phóng)
Giá cà phê hôm nay 4/1 bỗng tăng nửa triệu/tấn, giá tiêu đứng im Theo ghi nhận trên thị trường nông sản, giá cà phê hôm nay tại các tỉnh Tây Nguyên bất ngờ tăng mạnh tới 500 đồng/kg, theo đó giá cà phê cao nhất nhảy lên mức 34.200 đồng/kg, thấp nhất đạt mức 33.300 đồng/kg. Trong khi đó thị trường hồ tiêu vẫn tiếp tục giao dịch ảm đạm, giá hạt tiêu đen nguyên liệu...