Chủ tọa ‘rất đau lòng’ khi xét xử vụ 11 anh chị em ruột tranh chấp một mảnh đất
Chủ tọa phiên tòa xét xử vụ tranh chấp thửa đất 1.213 m 2 do cha mẹ để lại xảy ra tại Phú Thọ, liên quan giữa 11 người con là anh chị em ruột, nói rằng “rất đau lòng”, “anh em kiện nhau đã là thua cả hai bên rồi”.
TAND cấp cao tại Hà Nội vừa mở lại phiên xét xử phúc thẩm, quyết định hủy bản án của TAND tỉnh Phú Thọ để giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm, đối với vụ tranh chấp chia tài sản thừa kế xảy ra trên địa bàn H.Thanh Thủy (Phú Thọ).
Đầu tháng 4, phiên tòa từng được mở song phải tạm dừng để xác minh thêm thông tin và dành thời gian cho các bên hòa giải. Đến nay, hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đưa ra phán quyết như đã nêu.
Ảnh minh họa. Ảnh TUYẾN PHAN
Tranh chấp vì cha mẹ không để lại di chúc
Vụ án liên quan đến 11 người là anh chị em ruột, đều trú tại H.Thanh Thủy (Phú Thọ). Nguyên đơn là ông V.T.A (73 tuổi), bị đơn là ông V.K.B (65 tuổi).
Theo đơn khởi kiện, cha mẹ những người này (cha mẹ) sinh được 11 con chung, trong đó ông A. là con cả, ông B. là con thứ tư. Năm 1962, cha mẹ nhận chuyển nhượng thửa đất 1.213 m 2 từ một người địa phương, chưa được cấp “sổ đỏ”.
Năm 1984, cha mẹ cho ông B. 138 m 2 đất để làm nhà riêng, hơn 1.000 m 2 còn lại gồm nhà, cây cối và công trình xây dựng của cha mẹ. Năm 2001 và 2015, cha mẹ lần lượt qua đời, không để lại di chúc; một trong số 11 người con cũng mất vào năm 2014.
Năm 2020, ông A. họp anh chị em bàn xây nhà từ đường của dòng họ trên phần đất hơn 1.000 m 2 vì đây tài sản thừa kế chung. Tuy nhiên, ông A. “bất ngờ và sốc” khi ông B. không đồng ý và cho hay toàn bộ 1.213 m 2 đất đã đứng tên ông B., được cấp “sổ đỏ” từ năm 2005.
Ông A. cho rằng em trai sử dụng thửa đất khi cha mẹ không có di chúc, gia đình không họp mặt để phân chia tài sản, cũng không ai ủy quyền làm thủ tục đứng tên, là trái quy định pháp luật. Do vậy, ông A. đại diện cho 9 anh chị em cùng khởi kiện (vợ và con trai của người đã mất ủy quyền cho ông A. khởi kiện), đề nghị hủy “sổ đỏ” đã cấp cho ông B., chỉ cho ông B. được hưởng 138 m 2, phần còn lại chia đều.
Ngược lại, ông B. khẳng định từ năm 1992, cha đã tới UBND xã làm thủ tục cho ông toàn bộ 1.213 m 2 đất. Suốt quá trình sử dụng, ông đã tôn tạo, trồng trọt, chăn nuôi, đóng thuế đất… đến năm 2005 thì được UBND H.Thanh Thủy cấp “sổ đỏ”.
Vẫn theo lời ông B., sau khi cho ông toàn bộ 1.213 m 2, cha mẹ mua một khu đất khác cùng xã để sinh sống ổn định. Đến nay, thửa đất này đã bán để lấy tiền chia cho 11 anh chị em. Ông B. cho rằng toàn bộ di sản thừa kế của cha mẹ đã được định đoạt xong, không ai có ý kiến gì, nay do “sốt đất” nên các anh chị em mới đòi quyền lợi. Ông không chấp nhận yêu cầu của phía nguyên đơn.
Video đang HOT
Là người duy nhất ủng hộ ông B., bà V.T.C, con thứ hai trong gia đình, xác nhận lời khai của ông B. về việc cha mẹ để lại toàn bộ 1.213 m 2 đất cho ông là đúng; khi cho cha mẹ có nói cho các con biết. Bà C. không đồng ý việc các anh chị em khác kiện ông B. để đòi đất, đồng thời nói rằng nếu được chia cũng sẽ không lấy mà cho ông B. theo đúng ý nguyện của cha mẹ.
Tòa án dành nhiều cơ hội để hai bên tìm tiếng nói chung, nhưng cả hai đều kiên quyết sẽ theo kiện tới cùng (ảnh minh họa). Ảnh TUYẾN PHAN
“Anh em kiện nhau đã là thua cả hai bên rồi”
Tháng 8.2022, TAND tỉnh Phú Thọ mở phiên tòa sơ thẩm, nhận định UBND H.Thanh Thủy cấp “sổ đỏ” cho ông B. mà không có văn bản phân chia tài sản thừa kế hoặc di chúc, không có hồ sơ về việc tách, hợp 2 thửa đất (138 m 2 và hơn 1.000 m 2) là không đúng quy định, nên quyết định huỷ “sổ đỏ” đã cấp cho ông B. để phân chia tài sản thừa kế.
Theo đó, ông B. hưởng 138 m 2 đã được cha mẹ cho từ trước. Hơn 1.000 m 2 còn lại được định giá 6,7 tỉ đồng, chia đều cho 11 người. Không đồng ý, ông B. kháng cáo, đề nghị hủy án sơ thẩm.
Đầu tháng 4, tại phiên phúc thẩm lần đầu, HĐXX nhiều lần động viên nguyên đơn và bị đơn cố gắng tìm tiếng nói chung để hòa giải với nhau. Vị chủ tọa nói “rất đau lòng” khi xét xử vụ kiện này, bởi cả nguyên đơn và bị đơn đều đã già cả, từng trải qua gian khổ, nghèo khó nhưng vẫn rất hòa thuận, nay lại không thể ngồi bàn bạc mà tố nhau ra tòa.
“Mục đích xây nhà thờ là để tưởng nhớ tổ tiên, đoàn kết con cháu, nhưng chỉ vì nó mà mất tình anh em, có đáng không, anh em kiện nhau đã là thua cả hai bên rồi”, HĐXX phân tích.
Tuy nhiên, cả hai bên không thay đổi quan điểm. Ông B. nói từ đầu muốn hòa giải nhưng anh mình muốn hơn thua vì thấy đất lên giá, đến nay thì đã quá muộn để ngồi lại với nhau, ông quyết kiện đến cùng. Tương tự, ông A. cũng nói sẽ theo đuổi vụ việc tới cùng.
Ngày 3.8, khi mở lại phiên tòa sau 4 tháng tạm dừng, HĐXX tạo thêm cơ hội để hai bên có thể tìm được tiếng nói chung, bằng việc hỏi ông A. và ông B. có thay đổi quan điểm hay không. Cả hai vẫn nhất định không hòa giải.
Sau khi đánh giá tài liệu, chứng cứ và quan điểm của các bên liên quan, HĐXX phúc thẩm nhận thấy, tháng 3.2022, vợ chồng ông B. đã thế chấp thửa đất 1.213 m 2 tại ngân hàng để đảm bảo cho khoản vay theo hợp đồng tín dụng.
Giai đoạn sơ thẩm, TAND tỉnh Phú Thọ tuyên hủy “sổ đỏ” cấp cho ông B. là tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng, nhưng ngân hàng lại không nhận được thông báo nào về ý kiến liên quan đến tài sản vừa nêu.
TAND cấp cao tại Hà Nội cho rằng cần xác định phía ngân hàng tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, để đảm bảo quyền lợi cho bên nhận thế chấp; đồng thời cần xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ về nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng, tặng cho thửa đất 1.213 m 2 để có cơ sở đánh giá toàn diện giải quyết vụ án.
Vì vậy, tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án về TAND tỉnh Phú Thọ để giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm.
Nghịch cảnh cho ở nhờ mất luôn nhà: Bỗng dưng vô gia cư
Sau khi chồng qua đời, nghe theo lời cháu ruột ký giấy tờ chia đất cho con, cụ Lê Thị Tứ (70 tuổi, ngụ Bến Tre) lâm vào nghịch cảnh 'cho ở nhờ mất luôn nhà'.
Chưa kịp chia đất cho con nuôi thì mất sạch
Trình bày với PV Thanh Niên, cụ Lê Thị Tứ (70 tuổi, ngụ số 109, đường Nguyễn Huệ, P.Phú Khương, TP.Bến Tre, Bến Tre) cho biết mình đang mòn mỏi chờ cơ quan chức năng thi hành bản án mà TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên, liên quan đến căn nhà mà cụ Tứ "cho cháu ở nhà, bỗng dưng mất nhà".
PV Thanh Niên ghi nhận địa chỉ người cháu ruột mà cụ Tứ phản ánh là một tiệm bách hóa lớn tên Anh Trung. Vị trí tiệm bách hóa thuộc "đất vàng" tại TP.Bến Tre.
Theo xác nhận của UBND P.Phú Khương, khoảng 5 năm trước, cụ Tứ có ủy quyền cho ông Nguyễn Anh Trung (48 tuổi, gọi cụ Tứ là dì ruột) làm thủ tục chuyển hộ khẩu về xã Tam Phước, H.Châu Thành, Bến Tre. Ngôi nhà bằng gỗ gõ đỏ cụ Tứ trình bày trong đơn tọa lạc trên thửa đất rộng gần 450 m 2 (hiện do vợ, chồng ông Trung sử dụng) mà trước đó vợ, chồng cụ ở, hiện cũng không còn. Quyền sở hữu thửa đất này hiện do ông Nguyễn Anh Trung đứng tên.
Cụ Lê Thị Tứ hiện phải ở nhờ tại nhà người quen ở H.Châu Thành, Bến Tre. Ảnh BẮC BÌNH
Liên lạc lại với cụ Tứ thì được biết sau khi bị mất nhà và đất, trong khoảng 5 năm qua, cụ không có nơi ở ổn định, phải nương tựa trong nhà những người quen, mỗi chỗ ở được vài ngày. Bệnh đau không tiền chạy chữa.
Theo trình bày của cụ Tứ và hồ sơ có trong vụ án liên quan, từ trước năm 1980, cụ Tứ và chồng là cụ Trần Văn Năm ở trong ngôi nhà bằng gỗ gõ đỏ, cất trên thửa đất rộng 450 m 2, thuộc thửa số 06, tờ bản đồ số 11, P.Phú Khương, TP.Bến Tre (tức diện tích đất mà vợ, chồng ông Trung đang sử dụng). Thửa đất và ngôi nhà gỗ là tài sản riêng của cụ Năm. Do không có con nên vào năm 1983, vợ chồng cụ nhận Trần Thị Tường Vi làm con nuôi. Năm 2005, chị Tường Vi theo chồng, định cư bên Mỹ cho đến nay.
Năm 2012, cụ Năm qua đời mà không để lại di chúc. Lúc này, vợ chồng cháu ruột cụ Tứ là Nguyễn Anh Trung và Lê Thị Thùy Diễm dọn đến, ở nhờ trong ngôi nhà tiền chế cất trên thửa đất của cụ Năm để làm nơi bán tạp hóa mưu sinh.
Sau khi cụ Năm qua đời, do tuổi già, không am hiểu pháp luật nên cụ Tứ ủy quyền cho cháu ruột Nguyễn Anh Trung chia 1/2 di sản thừa kế cho Tường Vi. Theo lời khai cụ Tứ, tháng 1.2014, Trung đưa cụ đến Văn phòng Công chứng Đồng Khởi khai nhận di sản thừa kế và ký các loại giấy khác mà cụ không biết là đã ký tên vào những giấy tờ gì.
Tháng 2.2014, thửa đất rộng 450 m 2 cụ Năm để lại được UBND TP.Bến Tre cấp quyền sử dụng đất cho vợ, chồng Nguyễn Anh Trung - Lê Thị Thùy Diễm.
Năm 2016, đất bị giải tỏa 85 m 2 để mở rộng đường Nguyễn Huệ, số tiền bồi thường gần 400 triệu đồng. Trung làm thủ tục nhận đủ tiền rồi giao cho cụ Tứ 350 triệu đồng. Lúc này, cụ vẫn đinh ninh đất vẫn thuộc quyền sở hữu của mình. Trung cũng ký giấy hứa trả lại toàn bộ thửa đất cho cụ Tứ khi cụ muốn.
Nhắc tới câu chuyện "cho cháu ở nhờ rồi bị mất luôn nhà", cụ Tứ rất đau lòng. Ảnh BẮC BÌNH
Cuối năm 2016, bà Lâm Thị Kim Hoàng (chị dâu của Trung, ngụ Đồng Nai, gọi cụ Tứ bằng dì) phát hiện Trung đứng tên chủ sở hữu thửa đất của vợ chồng cụ Tứ.
Lúc này, chị Tường Vi đang ở bên Mỹ biết tin nên ủy quyền cho người thân khởi kiện, đòi lại 1/2 giá trị di sản của người cha nuôi để lại. Năm 2017, vợ chồng ông Trung tiến hành xây nhà kiên cố trên thửa đất của cụ Tứ. Lúc này, hộ khẩu của cụ đã bị chuyển về H.Châu Thành - nơi cụ hoàn toàn không có chủ quyền nhà, đất.
Thực hiện xong nghĩa vụ tòa tuyên thì bị tạm dừng thi hành án
Năm 2018, TAND tỉnh Bến Tre tuyên án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của chị Tường Vi. Bản án bị vợ, chồng Trung - Diễm kháng cáo. Đến năm 2019, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về TAND tỉnh Bến Tre xét xử lại theo thủ tục chung.
Tháng 9.2020, TAND tỉnh Bến Tre tuyên án sơ thẩm lần 2, hủy văn bản khai nhận di sản thừa kế của cụ Tứ; hủy hợp đồng công chứng mà cụ Tứ ký với nội dung chuyển quyền sử dụng đất 450 m 2 cho ông Trung với giá 100 triệu đồng; yêu cầu UBND TP.Bến Tre chuyển sở hữu thửa đất từ vợ, chồng Trung - Diễm sang cho cụ Tứ.
Thửa đất cụ Năm để lại cho cụ Tứ và Tường Vi đang bị vợ, chồng Nguyễn Anh Trung chiếm dụng để ở và bán tạp hóa. Ảnh BẮC BÌNH
Tòa cũng định giá trị hơn 372 triệu đồng đối với ngôi nhà vợ, chồng Trung tự ý xây cất trên thửa đất này. Tòa buộc cụ Tứ có trách nhiệm trả lại bằng tiền giá trị ngôi nhà cho vợ, chồng Trung. Vợ, chồng Trung được lưu cư trong thời gian 6 tháng, tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, rồi phải chủ động dọn đi nơi khác trả lại toàn bộ thửa đất cho cụ Tứ. Ngoài ra, trên cơ sở định giá thửa đất, cấp sơ thẩm buộc cụ Tứ có trách nhiệm trả cho Tường Vi số tiền hơn 2,3 tỉ đồng (giá trị 1/2 thửa đất, do Tường Vi ở Mỹ, không đủ điều kiện được sở hữu đất tại Việt Nam).
Theo tòa sơ thẩm, biên bản khai nhận di sản thừa kế của cụ Tứ mà không có ý kiến của Tường Vi là trái với quy định pháp luật nên phải bị hủy bỏ; Trung khai mua quyền sử dụng đất của cụ Tứ trên thực tế là 500 triệu đồng chứ không phải 100 triệu đồng như trong hồ sơ công chứng, nhưng vợ chồng Trung không chứng minh được có hoạt động trả tiền cho cụ Tứ và cụ cũng bác bỏ việc này. Mặt khác, số tiền Trung khai quá chênh lệch so với giá trị thực tế của thửa đất. Ngoài ra, còn do văn bản khai nhận di sản thừa kế của cụ Tứ đã bị hủy bỏ.
Bản án sơ thẩm lần 2 tiếp tục bị vợ chồng Trung, Diễm kháng cáo. Ngày 21.3.2022, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên y án sơ thẩm với các nội dung mà TAND tỉnh Bến Tre đã tuyên xử.
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật được TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên, cụ Tứ vay mượn khắp nơi để hoàn thành nghĩa vụ về án phí, về số tiền 372 triệu đồng trả giá trị căn nhà mà vợ chồng Trung - Diễm xây trên đất mình, về nghĩa vụ trả hơn 2,3 tỉ đồng cho Tường Vi... Đến tháng 10.2022, tất cả các nghĩa vụ trong bản án đều được cụ Tứ thực hiện xong.
Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bến Tre ghi nhận đầy đủ việc thực hiện nghĩa vụ theo bản án của cụ Tứ, tuy nhiên sau đó lại ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành bản án giữa cụ và cháu ruột vì lý do khá bất ngờ! (còn tiếp)
Trọng tài thương mại sẽ giải quyết tranh chấp liên quan đất đai? Theo chuyên gia, dự thảo luật Đất đai (sửa đổi), cho phép trọng tài thương mại có quyền giải quyết đối với các tranh chấp liên quan đến đất đai là cần thiết, nhưng cần thận trọng. Như thế nào là t ranh chấp liên quan đến đất đai? Dự thảo luật đất đai (sửa đổi) đã bổ sung quy định trọng tài...