Chủ tín dụng đen khoác áo giám đốc và nhân viên là đàn em “hổ, báo”
Để việc làm ăn trái pháp luật được trót lọt, không ít đường dây tín dụng đen sẵn sàng thuê dân anh chị máu mặt đảm nhận nhiệm vụ đòi nợ. Sự “bắt tay” ngầm của tội phạm khiến nhiều băng nhóm xã hội đen ngày càng hoạt động tinh vi, bất chấp pháp luật.
Những “chiếc bình phong” của giới đòi nợ thuê
Xuất phát từ mảnh đất “màu mỡ” tín dụng đen, tội phạm xã hội tại TP.HCM, đặc biệt là các băng nhóm chuyên hành nghề đòi nợ thuê xuất hiện nhiều và hoạt động phức tạp. Để việc làm ăn phi pháp được “thuận buồm xuôi gió”, các băng nhóm xã hội đen này tìm mọi cách ngụy trang nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
Theo tìm hiểu của PV, hiện có không ít băng nhóm lấy danh nghĩa là doanh nghiệp để thực hiện đòi nợ thuê, nhằm đánh lạc hướng cơ quan chức năng. Với chiêu thức này, các băng nhóm xã hội đen đóng vai chủ nợ đến “gõ cửa” con nợ bằng cách cố tình làm xấu hình ảnh đối tác. Vụ đòi nợ của công ty V.T. (trụ sở tại TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) diễn ra tại đường Trần Quốc Thảo (quận 3, TP.HCM) vào những ngày cuối tháng 1/2016 là một điển hình cho chiêu trò làm ăn trá hình này. Vào thời gian nói trên, người dân không khỏi kinh hãi khi chứng kiến cảnh không ít thanh niên xăm trổ đem theo hàng loạt chiếc băng rôn đòi nợ: “Công ty H.H lừa đảo khách hàng”, “yêu cầu công ty H.H phải trả tiền cho khách hàng vì dự án ma” với thái độ thách thức…
Ngay sau đó, PV báo ĐS&PL đã có cuộc gặp gỡ với Giám đốc của công ty H.H.. Vị giám đốc này cho biết: “Trước đó, tôi có ký hợp đồng mua bán bất động sản với công ty V.T. nói trên. Tuy nhiên, việc làm ăn đang gặp sự cố thì xảy ra sự việc đáng tiếc như trên”. Theo lời vị này, đáng nói, những người kéo đến đòi nợ không phải là người làm của công ty V.T. mà chính là dân anh chị xã hội đen. Theo đó, những người này lấy danh nghĩa người làm của công ty V.T. đến đây gây áp lực và cố tình làm xấu hình ảnh công ty.
Một băng nhóm đòi nợ thuê núp bóng tiệm cầm đồ bị bắt giữ.
Không chỉ “núp bóng” doanh nghiệp, một số băng giang hồ đòi nợ thuê còn tìm cách tạo cho mình “vỏ bọc” hợp pháp. Đó chính là các tiệm cầm đồ. Với hình thức này, các băng nhóm mở tiệm cầm đồ rồi tiến hành cho những khách hàng cần tiền gấp vay nóng với mức lãi suất cắt cổ từ 15-30%/tháng. Chỉ đến khi gặp những con nợ thuộc dạng “rắn”, các băng nhóm này mới thực sự lộ diện bản chất giang hồ, đao búa của mình ra để đòi nợ cho bằng được.
Ngoài ra, không ít băng nhóm xã hội đen chuyên đòi nợ thuê trên địa bàn TP.HCM còn dựa vào “chiếc bình phong” là những doanh nhân, thậm chí nhân viên vận tải với những luật ngầm mà không phải ai cũng biết. Một đối tượng giang hồ tên D. chuyên đòi nợ thuê ngụ tại quận Thủ Đức cho biết: “Khi hợp tác làm ăn, chúng tôi sẽ thu được khoản lợi nhuận từ 20-30%/tổng số nợ mà chủ nợ đòi được. Với những con nợ khó đòi, lợi nhuận có thể cao hơn 40-50%. Nguyên tắc hoạt động là sau khi đồng ý phối hợp làm ăn với đối tác, đàn em của các băng nhóm đòi nợ thuê có nhiệm vụ đi xác minh, tìm hiểu xem con nợ thuộc diện nào”.
Cũng theo lời D., với những con nợ “yếu bóng vía”, nhiều khi chỉ cần nhắn tin, gọi điện hoặc gặp trực tiếp đe dọa để lấy được nợ. Còn đối với những con nợ thuộc diện “máu mặt”, sẽ phải cắt cử thêm lực lượng theo dõi người thân của con nợ khiến cho họ phải khiếp sợ. Tuy nhiên, với những trường hợp cương quyết không chịu trả thì các băng nhóm đòi nợ sẽ phải dùng “biện pháp mạnh”.
Bài ca cao chạy xa bay…
Không chỉ tạo điều kiện cho dân “anh chị” lộng hành, hoạt động tín dụng đen cũng là nơi giúp cho nhiều kẻ gian “núp bóng”, ung dung đứng ngoài vòng pháp luật lừa gạt người dân. Ông Nguyễn Văn T. (SN 1974, ngụ quận 9) – một trong những nạn nhân của chiêu trò này kể lại: “Cách đây gần 2 năm, tôi có nhận được một tờ rơi của công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu H.G. (có trụ sở tại quận 9) về chương trình vay vốn theo lãi suất ngân hàng. Nội dung tờ rơi ghi rõ tất cả những người có độ tuổi từ 21-58 tuổi với nam và 21-55 tuổi với nữ đều có thể tham gia chương trình vay vốn này. Điều kiện để tham gia vay vốn, người dân chỉ cần chứng minh thu nhập từ 3 triệu đồng trở lên. Còn những ai không đủ điều kiện thì vẫn có thể vay được nhưng phải đóng phí”.
Cho rằng, đây là cơ hội hiếm có để được vay vốn tạo lập mơ ước kinh doanh của mình, ông T. cũng như nhiều người dân khác tìm đến địa chỉ công ty H.G. làm thủ tục. Ông T. giải thích: “Khi đến địa chỉ nói trên, tôi có gặp một người đàn ông là H.M.T. Người này không chỉ xưng là Giám đốc của công ty H.G. và cho biết có quen biết với một lãnh đạo ngân hàng trên địa bàn TP.HCM nên việc giải ngân cho khách hàng sẽ rất nhanh chóng”. Sau đó, người đàn ông tên T. đã đồng ý kí kết một hợp đồng tư vấn dịch vụ cho ông T. vay 100 triệu đồng với lãi suất 1,4%. Để vay được khoản tiền này, ông T. phải đóng cho công ty H.G. số tiền 3,3 triệu đồng. Tương tự, chị Nguyễn Thị H. (35 tuổi, ngụ quận 12) làm thủ tục, hợp đồng để vay 100 triệu đồng nhưng phải đóng phí tới 3,5 triệu.
Tuy nhiên, một thực tế đáng tiếc đã xảy ra, không những không mượn được vốn như lời hứa của lãnh đạo công ty H.G, mà nhiều người dân còn ngậm ngùi vì bỗng mất trắng số tiền đã đóng cho công ty này. Bà Nguyễn Thị X. (SN 1961, ngụ tỉnh Đồng Nai) cho hay: “Sau một tháng chờ đợi mà không nhận được tiền, tôi và hàng chục khách hàng cùng đến công ty H.G. thì ông T. tìm mọi cách “hoãn binh” và nói ngân hàng vẫn đang làm thủ tục giải ngân”.
Video đang HOT
Những tưởng vị giám đốc sẽ giữ đúng lời hứa, bà X. cùng nhiều khách hàng khác yên tâm ra về. Và chỉ một thời gian sau đó, họ nhận ra mình đang bị kẻ gian “núp bóng” tín dụng đen để lừa gạt. Chị Phạm Thị Mỹ A. (ngụ tỉnh Bình Dương) chia sẻ: “Khi nhận ra mình đang bị công ty này lừa gạt, mọi người quyết định yêu cầu ông T. thực hiện việc hủy hợp đồng và trả lại số tiền đã nộp vào ban đầu”.
Biết không thể tiếp tục kéo dài thời gian, ông T. đồng ý làm thủ tục thanh lý hợp đồng nhưng không chịu trả lại phí cho người dân mà tiếp tục hứa lèo. “Lần cuối cùng chúng tôi đến công ty H.G. để lấy lại tiền phí theo giấy hẹn thì công ty dán trước cửa tờ thông báo công ty nghỉ lễ để đánh “bài chuồn”. Điều này khiến mọi người vô cùng bức xúc nên đã lần lượt kéo nhau đến trụ sở Công an quận 9 trình báo với hy vọng lấy lại được số tiền phí”, bà X. chia sẻ thêm.
Dù hơn 2 năm trôi qua nhưng hàng chục người vẫn không có cách nào lấy lại tiền phí đã đóng vào công ty H.G. “Sau thời gian dài chờ đợi, quá mệt mỏi, họ đành ngậm ngùi bỏ số tiền mình đã nộp cho công ty H.G. Ông T. và những người làm việc tại công ty này vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật. Không những thế, sau khi bị chúng tôi vạch trần, ông T. đã chuyển trụ sở công ty sang một quận khác để tiếp tục việc làm theo chiêu bài cũ”, chị H. bức xúc.
Mong người vay không trả được nợ để xiết tài sản Trao đổi với PV báo ĐS&PL, Thiếu tá Nguyễn Anh Bảo (cán bộ Công an TP.HCM) phân tích: “Một nghịch lý thể hiện sự khác biệt cơ bản giữa tín dụng đen và tín dụng chính thống là trong quá trình làm thủ tục cho vay, ngân hàng có trách nhiệm hướng dẫn người vay sử dụng vốn, khuyến cáo các nguy cơ để đảm bảo an toàn vốn cho người vay. Ngược lại, hoạt động tín dụng đen chỉ nhằm mục đích lợi dụng người vay để thu tiền lãi cắt cổ. Thậm chí, các đối tượng này còn mong người vay không trả được nợ để xiết tài sản. Đồng thời, đối tượng hoạt động tín dụng đen thường tìm cách lợi dụng chính sách ngân hàng để thực hiện hành vi trục lợi”.
NHÓM PHÓG VIÊN
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Giang hồ đất Cảng và Dũng "mặt sắt" bắt tay thế nào?
Dũng "mặt sắt" cho đàn em đứng ở các đầu đường nối giao nhau, buộc hàng của doanh nghiệp phải qua đó.
Dũng "mặt sắt" cho đàn em đứng ở các đầu đường nối giao nhau, buộc hàng của doanh nghiệp phải qua đó.
Sau khi trở thành "ông trùm" giang hồ vùng biên thực thụ, oai hơn cả đại ca mình đã lật kèo, bội nghĩa, tự thấy cái sự mafia có thể làm được tất cả, Dũng "mặt sắt" bất chấp những cảnh báo, hệ luỵ khó lường và cả chuyện có thể "ăn cơm nhà lạnh" vươn cái ""vòi bạch tuộc"" về Hải Phòng, nơi mà theo Dũng làm thủ tục tạm nhập hàng hóa để tái xuất đi nước thứ ba dễ như trở bàn tay.
Mục tiêu của Dũng "mặt sắt" là dựa vào lực lượng giang hồ sẵn có và mối quan hệ giang hồ của em rể tại đất Cảng cộng với tiền để hình thành một quy trình tạm nhập, tái xuất hàng lậu khép kín. Dũng muốn thu bộn tiền, còn đàn em phục vụ được ban chút nghĩa, tý tiền lẻ để sống, chơi bời, cán bộ làm công cụ kiếm tiền, VIP là nấc thang để tiền của Dũng chồng cao hơn.
Khó chịu với "mắt cú" của giang hồ
Người thạo tin nói rằng, nếu Dũng là một doanh nhân thực thụ thì hay biết bao. Tên này có "cái nhìn ra tiền" rất nhanh nhưng phương pháp để đạt được tiền thì đúng là giang hồ cộm cán nên phải vào khám cũng chẳng lạ.
Điều đáng lưu tâm, mặc dù trên địa bàn Hải Phòng có rất nhiều chi cục hải quan làm thủ tục tạm nhập tái xuất nhưng trong những năm vừa qua, doanh nghiệp do Dũng "mặt sắt" và em rể hoạt động, chỉ chủ yếu làm thủ tục tạm nhập rồi tái xuất ở cửa khẩu Hải quan KV3 - cục Hải quan Hải Phòng.
Dũng "mặt sắt" được giang hồ coi là kẻ bạc nghĩa, cạn tình.
Dũng chỉ làm thủ tục ở đây vì nhiều lý do. Thứ nhất, giang hồ đất Cảng đã tìm được "phốt" của cán bộ để khống chế. Thứ hai, giang hồ và những doanh nghiệp khác, làm thủ tục ở đây rất khó nhưng lại phải dễ với hàng của Dũng nên càng thuận lợi cho Dũng và đàn em. Thứ ba, VIP của Dũng ở đất Mỏ thân quen với VIP ở đây nên đã có sự giới thiệu từ trước.
Về tâm lý, đã có sự giới thiệu, được giang hồ bảo kê, lại có "tiền thù lao" hàng tháng, chẳng vị cán bộ nào không giúp; mà không giúp cũng chẳng được, lý do chính đáng không bao giờ được giang hồ chấp nhận.
Thực tế, thời gian đầu, Dũng "mặt sắt" cũng chưa được tin tưởng, bị khước từ làm thủ tục nhiều chuyến hàng. Thấy thế, Dũng đưa giang hồ "cài cắm" vào các chủ hàng làm thủ tục khác, thậm chí ép họ khi làm thủ tục phải cho giang hồ đi theo để giám sát. Thế là bao nhiêu những thủ thuật ở đây bị lộ, bị đàn em của Dũng "nắm chắc như chân tơ, kẽ tóc". Khi đã có "tài liệu" trong tay, Dũng "mặt sắt" dùng nó để khống chế.
Người thạo tin thừa nhận, biết Dũng và em rể là những tên giang hồ cộm cán, bội nghĩa, bạc tình, họ không muốn hợp tác nhưng không được. Dũng cho đàn em chặn xe, tắc cả một hàng dài, gây lộn xộn giao thông. Ai vào làm thủ tục hải quan đều bị đàn em của Dũng bảo, đi nơi khác làm, cán bộ ở đây quan liêu, hách dịch lắm. Người nào cố tình vào, bị đàn em của Dũng đứng chặn ngay trước mặt, không đi được.
Tóm lại, con "mắt cú" của giang hồ thật lợi hại và thường đi trước một bước nên chúng khống chế cán bộ hải quan thật đơn giản.
Tư "điếc", một giang hồ cũng dính dáng ít nhiều đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng tạm nhập, tái xuất, cùng thời với Dũng "mặt sắt" cho biết: "Anh em nhà Dũng hành động nhanh, gọn, dùng tiền đè chết người không được thì dùng thịt đè chết người. Chúng xuống tay tàn độc nên không ai muốn hợp tác, trừ những trường hợp bất đắc dĩ.
Giang hồ đất Cảng chỉ làm giá, không được thì làm kiểu khác chứ không có kiểu triệt hạ, trừ trường hợp phát hiện ra đối phương chuẩn bị hoặc ra tay trước thì đối phó tàn độc ngay. Nhưng Dũng thì khác, chúng kiếm tiền bằng mọi giá, bắt đàn em nhập vai, tạo ra các cơ hội để cán bộ vi phạm rồi dùng chính "phốt" ấy khống chế họ. Sự trắng trợn này của Dũng không được bền, Dũng đã "vô khám" cũng với đại ca trước thời hạn mà giang hồ dự tính khá nhiều".
Theo Tư "điếc", những người đi làm thủ tục xuất hàng ở Hải quan Hải Phòng phần lớn là cán bộ của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Họ làm theo chỉ đạo của sếp chứ có phải hàng của họ đâu.
Họ phải bỏ công sức ra mới kiếm được đồng tiền để lo lắng cho gia đình, thế mà Dũng cho đàn em quậy họ, làm họ mất việc làm, mất miếng cơm, manh áo. Dũng quá hợm nên mới phải mua xe chống đạn để đi, vì sợ giang hồ trả thù, bắn tỉa.
Ăn chặn trắng trợn
Sau khi đã khống chế được một số cán bộ hải quan dưới nhiều hình thức, Dũng tuyên bố đầy tự tin rằng, doanh nghiệp, cá nhân nào muốn xuất, nhập hàng lậu vào Việt Nam, tái xuất đi nước thứ ba đến gặp Dũng là an toàn, hiệu quả nhất. Nếu Dũng phát hiện, doanh nghiệp "dám đi đêm" với cán bộ hải quan để "qua mặt" Dũng thì chủ hàng cứ bình tĩnh nhận những hậu quả không thể lường trước được.
Hàng loạt siêu xe của Dũng "mặt sắt" nằm đắp chiếu, phủ đầy bụi.
Dũng cho đàn em đứng ở các đầu đường nối giao nhau, buộc hàng của doanh nghiệp phải qua đó, nếu chủ hàng không "làm luật" với Dũng, Dũng cho đàn em quậy tới bến để hàng của chủ hàng đó không còn nguyên vẹn; báo cơ quan chức năng kiểm tra; rồi thì khi vào đến cửa khu làm thủ tục, sẽ có người gây khó khăn, xảy ra chuyện bất ngờ, không thể làm thủ tục được. Dũng còn trắng trợn đến mức, sai đàn em vứt hàng cấm, hàng lậu vào hàng của chủ hàng không "qua tay" Dũng, báo cơ quan bảo vệ pháp luật kiểm tra, bắt hàng...
Người thạo tin nhận định: Những kiểu hàng tạm nhập, tái xuất, nếu có tin báo, kiểm tra thì thường bị ách lại, vì có nhiều vấn đề. Nhiều chủ hàng đã bỏ hàng để chạy lấy người khi lô hàng tạm nhập, tái xuất ấy có vấn đề thực khi cơ quan chức năng kiểm tra. Còn hàng xuất trực tiếp của doanh nghiệp đi nước ngoài bình thường thì Dũng có "nổ" đến mấy cũng không làm gì được họ. Dũng chỉ trắng trợn đòi "bảo kê" hàng lậu, hàng tạm nhập, tái xuất. Vì Dũng "thám" được rằng, những lô hàng tạm nhập, tái xuất và hàng lậu mới có vấn đề.
Để ăn chặn tiền của doanh nghiệp một cách trắng trợn mà lại có gì đó hợp pháp (theo suy nghĩ của giang hồ - PV), Dũng cho thành lập chi nhánh công ty tại Hải Phòng.
Đàn em của Dũng là nhân viên công ty. Ngoài ra, để hoạt động ăn chặn được "thường xuyên" và "thông thương", Dũng "bắt tay" với một cán bộ hải quan thải hồi, trả lương cao cho người này để người này chỉ việc ngồi, rồi chỉ điểm và vạch lỗi của hải quan để Dũng "hành" họ.
Từ đó, Dũng lùa hết các doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất phải qua chi nhánh công ty làm "thủ tục bảo lãnh", đóng phí. Sau đó, chỉ cần một đàn em của Dũng hoặc một cú điện thoại là hàng của chủ đã đóng phí, làm "thủ tục bảo lãnh" được thông thương. Dũng đã "sử dụng" nhân viên hải quan như công cụ để kiếm bộn tiền cho mình.
Trụ sở công ty của Dũng "mặt sắt" là bình phong để gã bôn tẩu giang hồ.
Buôn lậu ô tô theo đường tạm nhập, tái xuất
Theo đàn em của Dũng "mặt sắt", Dũng luôn mơ ước thành "ông trùm" buôn lậu ô tô, nhất là xe siêu sang. Đã sống trên núi tiền nhưng Dũng vẫn thích phải sống trên cả một xưởng xe ô tô siêu sang. Thế là một công ty mới được thành lập chỉ phục vụ cho mục đích nhập lậu siêu xe.
Đàn em của Dũng thừa nhận, cái xe ô tô chống đạn của Dũng cũng là xe nhập lậu, là xe trong "công" hàng tạm nhập, tái xuất. Một số phụ kiện khác thì trên phà, qua cửa khẩu Lục Chắn, vào Móng Cái. Nhiều siêu xe khác của Dũng cũng về Móng Cái qua cửa khẩu này.
Người thạo tin thừa nhận, Dũng sử dụng đồng tiền rất đúng mục đích. Tại đất Mỏ, Dũng đưa VIP vào ma trận của mình để đạt mục đích, tại đất Cảng, ngoài tiền, Dũng còn dùng giang hồ để đối phó. Tất cả những siêu xe, xe ô tô nhập lậu đến cả trăm chiếc mà cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ ấy là hàng nhập lậu. Nó ở trên phà, được phủ bằng vải bạt (che mưa, che nắng - PV) đơn sơ rồi qua cửa khẩu Lục Chắn, lượn lờ trên sông, vào Móng Cái, về kho của Dũng.
Thực chất, những lô hàng ô tô lậu của Dũng vẫn có tỳ vết nhưng được cán bộ công ty nguyên là cán bộ hải quan bị sa thải "phù phép". Tên người làm công ăn lương của Dũng đã chỉ đạo cán bộ hải quan, bỏ qua các lỗi - thực chất là làm sai quy trình thủ tục hải quan đối với các lô hàng nhập lậu.
Hàng hóa tạm nhập-tái xuất gửi kho ngoại quan phải được niêm phong kẹp chì tại kho ngoại quan trước khi làm thủ tục tái xuất. Đối với những lô hàng nhập lậu của Dũng "mặt sắt", mặc dù được khai báo là hàng gửi kho ngoại quan nhưng vẫn được niêm phong kẹp chì ngay tại bãi cảng, rồi được nhân viên thi hành nhiệm vụ hoàn thiện hồ sơ sau.
Vì thế, những siêu xe do doanh nghiệp của Dũng làm thủ tục tạm nhập tái xuất bị phát hiện cũng là những lô xe ôtô tạm nhập-tái xuất lậu. Số xe này đã được tân trang lại tình trạng kỹ thuật cũng như hồ sơ pháp lý từ nước ngoài trước khi được nhập khẩu vào Việt Nam dưới hình thức tạm nhập, rồi tái xuất lậu đi nước thứ ba qua khu vực TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Theo_Kiến Thức
Dũng 'mặt sắt' liên kết với giang hồ đất Cảng để "thị uy" (kỳ 5) Dũng cho đàn em đứng ở các đầu đường nối giao nhau, buộc hàng của doanh nghiệp phải qua đó, nếu chủ hàng không "làm luật" với Dũng, Dũng cho đàn em quậy tới bến. Sau khi trở thành "ông trùm" giang hồ vùng biên thực thụ, oai hơn cả đại ca mình đã lật kèo, bội nghĩa, tự thấy cái sự mafia...