Chủ tịch Yeah1: “Tôi thành tội đồ sau sự cố YouTube”
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống thừa nhận nguyên nhân sự cố vận hành YouTube xuất phát từ chính sự chủ quan và men say chiến thắng của bản thân.
Năm 2015, Yeah1 bắt đầu cung cấp dịch vụ giải trí kết hợp quảng cáo khi thành đối tác đa kênh (Multi Channel Network – MCN) của YouTube, với vai trò có thể hiểu đơn giản là kết nối người sáng tạo nội dung video với YouTube. Đến cuối năm 2018, mảng này đã mang về doanh thu hàng chục triệu USD, trở thành trụ cột tăng trưởng chính và nhóm lên g iấc mơ tăng trưởng phi mã trong dài hạn cho Yeah1.
Thế nhưng, một thông báo đến vào những ngày đầu tháng 3 đã nhấn nút “Pause” giấc mơ ấy. YouTube thông báo Yeah1 bị chấm dứt thoả thuận lưu trữ nội dung vì có hoạt động tuyển chọn kênh chưa phù hợp với quy trình. Từ đây, những sóng gió bắt đầu ập đến với Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ảnh Nhượng Tống và hơn 500 nhân viên .
- Thông báo của YouTube đã khởi đầu cho chuỗi ngày cổ phiếu Yeah1 rớt giá liên tục và doanh thu, lợi nhuận bị ảnh hưởng nặng nề, như quý I lãi của công ty giảm tới 80% so với cùng kỳ. Lúc nhận thông báo đó, điều đầu tiên ông nghĩ là gì?
- Tôi thắc mắc vì sao họ làm mạnh tay thế. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình thua và mất mảng kinh doanh này suốt thời gian đó! Hầu như đối tác đa kênh nào trên thế giới cũng nhận thư cảnh báo mỗi tháng bởi sơ sót trong công tác vận hành kênh, tiền kiểm, hậu kiểm nội dung… là không thể tránh.
Chúng tôi cũng không ngoại lệ khi mỗi ngày cao điểm có đến 400 giờ nội dung mới đăng lên YouTube, nhiều hơn thời lượng các chương trình truyền hình ở Việt Nam cộng lại.
Phản ứng của tôi, như những lần trước, là yêu cầu nhóm vận hành lập tức rà soát hệ thống và kháng cáo quyết định của YouTube. Một vài người trong nhóm cũng bay sang Mỹ và Singapore để đàm phán trực tiếp.
- Trong lần thông tin đầu tiên với nhà đầu tư, Yeah1 gọi việc YouTube chấm dứt thoả thuận lưu trữ nội dung là “sự cố vận hành”. Nhưng giờ, chứng kiến những hệ quả sau đó, theo ông nên định danh sự việc này ra sao cho đầy đủ?
- Thông báo của YouTube khởi nguồn cho một sự cố vận hành của Yeah1, nhưng sau đó trở thành một khủng hoảng thật sự. Mọi thứ diễn ra, thực tình mà nói, giống một cuộc khủng hoảng truyền thông hơn trục trặc bên trong bộ máy vận hành.
Tôi có tính toán ảnh hưởng trước khi công bố nhưng không thể ngờ mức độ nghiêm trọng như vậy. Nhiều thông tin bên lề, nhiều dấu hỏi được đặt ra khiến sự việc vượt ngoài tầm kiểm soát.
Nhiều người nói tôi công bố thông tin vào chiều Chủ nhật nhằm hạn chế sự chú ý, nhưng thực tế không phải vậy. Trách nhiệm của một công ty niêm yết là phải cập nhật cho nhà đầu tư trong vòng 24 giờ nếu hoạt động kinh doanh gặp vấn đề.
Đội truyền thông cũng thường xuyên cập nhật thông tin báo chí viết về chúng tôi. Họ đặt ra câu hỏi vì sao Yeah1 bị YouTube trừng phạt, Yeah1 còn sống hay sẽ chết sau sự cố này…
Còn câu hỏi tôi quan tâm là làm thế nào để vá lỗ hổng và trấn an nhà đầu tư. Chúng tôi là một công ty truyền thông nên dĩ nhiên có công cụ phòng thủ, nhưng chúng được sử dụng cho mục đích kinh doanh chứ không phải để tìm cách đối phó. Tôi muốn im lặng để xem bản thân chịu được mũi dùi dư luận đến lúc nào.
- Lý do YouTube đưa ra là Yeah1 sở hữu gián tiếp một đối tác đa kênh tại Thái Lan đang hoạt động chưa phù hợp với quy trình của họ. Ông nghĩ như thế nào về nguyên nhân này?
- Nguyên nhân của sự cố chính xác xuất phát từ Spring Me Ltd, công ty chúng tôi sở hữu gián tiếp 16,93% vốn, nhưng khủng hoảng truyền thông lại đến từ chỗ, công việc chúng tôi đang làm quá mới mẻ với thị trường Việt Nam nên thành công hay thất bại cũng gây nhiều sự chú ý hơn.
Nếu chúng tôi chậm lại, ít tham vọng bành trướng hoạt động ra nước ngoài để vừa xây nền tảng và đề phòng rủi ro thì sự việc không lớn như vậy. Đây là một bài học rất dễ hiểu nhưng trước đó chúng tôi không nhìn thấy. Nếu còn trẻ nhưng chạy quá nhanh thì sớm muộn cũng vấp ngã.
- Không ít ý kiến phân tích rằng thiệt hại của Yeah1 sau sự cố này là doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh, mất rất nhiều thời gian cho giá cổ phiếu và vốn hóa thị trường trở lại như ban đầu… Là người đứng đầu công ty, ông nghĩ đâu là thiệt hại lớn nhất?
- Chắc chắn không phải những thứ vừa kể.
Video đang HOT
Nhóm vận hành còn trẻ nên nhiều bạn lao đao, không biết mình sẽ đi đâu về đâu nếu đóng cửa mảng kinh doanh này. Tôi nói đùa “cổ phiếu rớt 13 phiên liên tiếp, anh mất vài nghìn tỷ không xi-nhê thì các chú có gì phải buồn”.
Tiền bạc, cổ phiếu… chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trong vài quý nhưng có thể sớm mang lại được khi mình kinh doanh tốt. Điều tôi tiếc nhất và cũng cho rằng công ty mất nhiều nhất là phải ngừng một kế hoạch mà tôi cho là “hoàn hảo”. Chắc khôi phục cũng mất ít nhất sáu tháng hoặc hơn. Không ngờ sau men say chiến thắng và chuẩn bị sẵn sàng để tấn công thị trường Nhật Bản, Mỹ… thì bây giờ chúng tôi lại ngồi đây kháng cáo, đàm phán và chờ phán quyết từ YouTube. Dừng kế hoạch mình đang máu lửa, với một người làm kinh doanh, thực sự bực bội và tôi cũng chưa quen với điều đó.
- Nhưng ngược lại, ông nghĩ mình được gì sau sự cố này?
- Dĩ nhiên là một bài học đáng giá. Chúng tôi như “con lai”, một công ty mang tinh thần khởi nghiệp vừa niêm yết, nên rất cần những bài học. Nếu không xảy ra ở thời điểm này thì sự cố tương tự trong tương lai có thể lớn gấp nhiều lần bởi tốc độ phát triển của Yeah1 quá nhanh.
Nhiều người thường hỏi tôi bí quyết thành công là gì, tôi trả lời nhờ có nhiều vết sẹo trên người. Mỗi vết sẹo không khác gì một bài học ứng xử cho tôi trưởng thành và dày dặn hơn.
- Cảm xúc của ông như thế nào khi đối diện với sự cố kéo dài gần hai tháng qua và vẫn chưa có hồi kết?
- Không đơn giản chút nào khi chúng tôi cùng lúc gặp trục trặc với đối tác và trở thành tâm điểm của mũi dùi dư luận. Nhìn cổ phiếu rớt một mạch từ 245.000 đồng xuống 96.000 đồng, tôi căng thẳng tột độ, lo và thấy trách nhiệm với nhà đầu tư nhiều hơn vì họ dùng tiền thật đầu tư vào công ty của tôi.
Nói không buồn là nói dối, nhưng thực tế tôi không có nhiều thời gian để buồn. Tôi đặt vào quá nhiều tình cảm nên nhìn vấn đề trầm trọng hơn tất cả, muốn cảm giác nhẹ nhàng thì phải xem nó như một mảng kinh doanh đơn thuần và không nhiều kỳ vọng.
Suy cho cùng, cuộc đời ngắn ngủi nên được tham gia những game (cuộc chơi – PV) thách thức, giàu cảm xúc và cái giá phải trả quá lớn như thế này cũng là một phúc phần.
- Ông làm gì để cân bằng cảm xúc trong những ngày bão lửa?
- Hút thuốc và ngồi một mình nhiều hơn. Không chỉ lúc đó, mà hầu như trước khi bước ra ngoài đối diện với nhân viên và cổ đông lớn, tôi luôn phải như thế.
“Nhân sinh thế thượng thùy vô nghệ
Lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh
Đã chắc ai rằng nhục rằng vinh
Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ”
- Ông trích lại bài ‘Chí anh hùng’ (Nguyễn Công Trứ) trên trang cá nhân trong lúc khủng hoảng căng thẳng nhất. Bài thơ này tác động như thế nào đến ông tại thời điểm đó?
- Tôi đồng cảm vì bài thơ nói thay trăn trở của mình: đừng lấy vinh nhục, thành bại để bàn luận phiến diện về một người mà nên nhìn nhận họ đóng góp thế nào cho cái chung. Tôi thấy mình có quá nhiều nỗi oan khiên, chỉ người trong cuộc mới hiểu được.
Vì muốn chứng minh công ty mình điều hành có thể tay không tấc sắt làm những gã khổng lồ e ngại, có thể biến khát vọng làm chuyện kinh thiên động địa thành hiện thực… mà giờ chịu điều tiếng chiêu trò, lừa dối. Sau sự cố này, tôi chẳng khác gì một tội đồ. Giá cổ phiếu lên cao thì thị trường đồn đoán bán chui, “thổi giá” để trục lợi trong khi tôi chỉ muốn cho mọi người thấy tiềm năng của ngành truyền thông xứng đáng với con số đó.
- Ông nghĩ thế nào nếu nói rằng việc niêm yết trên sàn chứng khoán và sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khiến sự việc trở nên nghiêm trọng?
- Không nhiều công ty truyền thông ở Việt Nam niêm yết. Khi thành công các công ty như vậy sẽ khiến nhiều người bất ngờ. Nhưng đồng thời, khi gặp sự cố, mọi người nhìn chúng tôi qua lăng kính tiêu cực hơn.
Áp lực phần lớn do chính chúng tôi tạo ra chứ không đến từ bên ngoài. Nhà đầu tư, trong lẫn ngoài nước, là động lực phía sau đẩy chúng tôi lên. Mọi chuyện rất đơn giản khi chưa niêm yết, còn bây giờ thì mục tiêu kinh doanh mang tính cam kết rất lớn. Chúng tôi ngày trước sống chết với mục tiêu vì đó là đam mê, còn bây giờ thì làm cật lực vì uy tín với nhà đầu tư.
Trên một số diễn đàn chứng khoán, không ít nhà đầu tư còn cảm giác hả hê vì cho rằng sự cố này là “quả báo” bởi trước đó chúng tôi niêm yết giá quá cao. Tôi không quan tâm lắm vì đó là những người không đầu tư vào Yeah1. Nếu họ xuống tiền, câu chuyện sẽ khác ngay.
- Tại sao ông không chọn niêm yết cổ phiếu trên một sàn chứng khoán của thế giới nếu muốn thu hút nhà đầu tư nước ngoài?
- Thị trường cách đây một năm diễn biến cực kỳ tốt nên dù muốn hay không, đó vẫn là thời gian vàng để chúng tôi niêm yết nhanh nhất. Tôi không khẳng định hay phủ nhận, nhưng rất có thể, niêm yết tại Việt Nam là bàn đạp cho chúng tôi xuất hiện trên các sàn chứng khoán nước ngoài như Singapore, Hong Kong hoặc thậm chí là Nasdaq (Mỹ).
- Bức tranh hệ sinh thái của Yeah1 trong vài năm tới sẽ như thế nào, thưa ông?
- Bức tranh lâu dài gần như không thay đổi, nhưng tốc độ phát triển sẽ phụ thuộc nhiều vào phán quyết của YouTube thời gian tới. Nếu mảng đối tác đa kênh tiếp tục, tham vọng trở thành đơn vị dẫn đầu thị trường quốc tế có chăng sẽ chậm lại ít nhất nửa năm. Chiến lược sắp tới của chúng tôi là quay về Việt Nam, “đổ bê tông” cho tất cả mảng kinh doanh liên quan đến kỹ thuật số để làm bàn đạp cho thị trường nước ngoài như Ấn Độ, Pakistan, Ấn Độ…
Tôi và nhân viên, tất cả đều là người Việt, xây mảng đối tác đa kênh với YouTube từ con số không và có mức tăng trưởng trong mơ nên đó là niềm tự hào lớn nhất. Nếu phải chấm dứt, tôi vẫn tin sẽ sớm xuất hiện một niềm tự hào nào đó thay thế. Đó có thể là mảng kinh doanh tiếp theo chúng tôi đầu tư.
Theo VNE
Sinh viên 'cổ phần hóa' bản thân rồi bán cho nhà đầu tư
Để có tiền học đại học, cô Amy Wroblewski cũng như một số sinh viên khác đã bán đi một phần tương lai của mình. Trong vòng 8,5 năm, mỗi tháng có phải trả một tỉ lệ % nhất định trong thu nhập của cô cho các "nhà đầu tư".
Hiện nay - khoảng khoảng một năm sau ngày tốt nghiệp, cô Wroblewski có thu nhập khoảng 50.00 USD mỗi năm với công việc tuyển sinh sau đại học tại thành phố Winchester. Với thu nhập này, hàng tháng cô phải trả 279 USD cho "nhà đầu tư" đã cấp tiền để cô học đại học, con số này vẫn thấp hơn tiền mà cô phải trả nợ vay mua xe.
Cô Amy Wroblewski. Ảnh: Bloomberg.
Nếu cô trở thành một "siêu sao" trong công việc của mình, thu nhập của cô sẽ tăng lên và số tiền cô phải trả cho các nhà đầu tư có thể gấp đôi số hiện nay. Nếu cô mất việc, cô sẽ không phải trả đồng nào và những người đầu tư vào cô đành phải chờ đợi trong đau khổ cho tới khi cô tìm được việc mới.
Từ nợ vay chuyển sang "vốn chủ sở hữu"
Cô Wroblewski tham gia thỏa thuận kì lạ này khi cô còn học tại Đại học Purdue, bang Indiana. Để có tiền trang trải chi phí hàng tháng, cô không nhận các khoản vay cho sinh viên vốn rất phổ biến mà thay vào đó cô đồng ý trả một tỉ lệ cố định thu nhập trong tương lai thông qua một công cụ tài chính mới có tên gọi "Thỏa thuận chi sẻ thu nhập" (Income-sharing agreement - ISA).
Nói cách khác, các nhà đầu tư đang chuyển hướng từ cho vay sang mua cổ phần. Khoản thu nhập mà một người phải "chia sẻ" hay trả cho nhà đầu tư có thể được so sánh với cổ tức mà công ty trả cho cổ đông. Nếu một người có thu nhập cao (doanh nghiệp làm ăn có lãi lớn) thì trả cho NĐT nhiều. Nếu một người kiếm được ít hay không kiếm được tiền (doanh nghiệp lãi ít hay thua lỗ) thì không cần trả cho nhà đầu tư.
Nếu cá nhân và doanh nghiệp đi vay, cho dù thu nhập cao, thấp hay thua lỗ cũng đều phải trả nợ đủ và đúng hạn cho chủ nợ, bằng không sẽ bị siết nợ và tuyên bố phá sản. Đây chính là điểm khác biệt căn bản giữa ISA và các khoản vay sinh viên.
Ở Wall Street, cô Wroblewski có thể được coi là một công ty siêu nhỏ. Mẹ cô làm phục vụ bàn, cha cô làm chuyên viên quản lí chất lượng tại một xưởng ô tô. Là một người chăm chỉ, khi học đại học cô luôn làm ít nhất hai công việc bán thời gian (part-time) gồm trợ giảng tại trường Purdue, nhân viên thu ngân tại chuỗi bán lẻ Target và một lao động mùa vụ tại Amazon. Thể hiện được tiềm năng lãnh đạo cũng như thu nhập, cô thăng tiến đến vị trí Phó Chủ tịch của Delta Sigma Pi, một hội sinh viên làm kinh doanh.
Những tố chất này của cô đã gây ấn tượng mạnh với một tổ chức có tên Vemo Education - chuyên đầu tư vào các sinh viên đại học tại Purdue và một số trường khác.
Cơ hội làm ăn của Wall Street
Dư nợ từ thời sinh viên của toàn bộ dân Mỹ hiện nay là khoảng 1.500 tỉ USD và trở thành một gánh nặng đối với giấc mơ của mỗi người cũng như cả nền kinh tế Mỹ. Theo thống kê của Cục dự trữ Liên bang Mỹ, khả năng một người trẻ tuổi hiện nay mua được nhà thấp hơn nhiều so với một người trẻ tuổi vào năm 2005. Ngay cả những người già đến trên 60 tuổi vẫn chưa trả hết nợ vay từ thời học đại học.
Nguồn: Fed chi nhánh New York/Bloomberg.
Các tổ chức tài chính Wall Street coi cuộc khủng hoảng nợ sinh viên này là một cơ hội. Trung bình, một người tốt nghiệp đại học tại Mỹ có tổng thu nhập cao cả đời hơn so với người không tốt nghiệp đại học khoảng 1 triệu USD. Do vậy, các nhà đầu tư có thể kiếm được một phần thu nhập trội lên này thông qua các thỏa thuận ISA.
Ông Chuck Trafton, quản lí quĩ đầu cơ FlowPoint Capital Partners LP nhận định: "Hiện nay các sinh viên chỉ biết đi vay nhưng tôi nghĩ sẽ có cả một thị trường vốn chủ sở hữu (equity market) mới cho sinh viên trong 5 năm tới đây". Quĩ của ông đầu tư khá nhiều vào các thỏa thuận chia sẻ thu nhập ISA, bao gồm cả ở trường Purdue của cô Wroblewski.
Các chuyên gia về ISA cho biết họ nhận được những cuộc gọi từ một số nhà quản lí quĩ đầu tư thuộc hàng lớn nhất thế giới, bày tỏ quan tâm và ý định rót tiền vào ISA. Ông Tony James, Phó Chủ tịch điều hành tại tập đoàn quản lí tài sản Blackstone Group LP thì thành lập Viện Tài chính Giáo dục để giúp các trường nghiên cứu và phát triển mô hình ISA.
Đến thời điểm này, qui mô của thị trường ISA chỉ ở khoảng vài chục triệu USD, một con số tí hon khi so với khoảng 170 tỉ USD chứng khoán được bảo đảm bằng nợ sinh viên. Chỉ một số trường cho phép nhà đầu tư từ bên ngoài mua "cổ phần" của sinh viên. Các trường khác tìm kiếm các nhà tài trợ cá nhân, chủ yếu là các cựu sinh viên giàu có, hoặc sử dụng tiền quyên giúp (endowment) của mình.
Sau khi Purdue bắt đầu chương trình ISA năm 2016, một số trường tư thục nhỏ hơn như Lackawanna College và Norwich University cũng đang mời chào ISA. Đại học Utah mới đây cũng thông báo bắt đầu một chương trình thử nghiệm.
Những câu hỏi được đặt ra
Thỏa thuận chia sẻ thu nhập ISA làm dấy lên rất nhiều câu hỏi như: Bao nhiêu sinh viên sau khi ra trường sẽ thất nghiệp và không có khả năng trả tiền cho nhà đầu tư? Các nhà đầu tư tại Wall Street sẽ đòi hỏi lợi nhuận thế nào để bù lại rủi ro này?
Nhìn chung, sinh viên học những ngành hấp dẫn có tiềm năng thu nhập cao thì tỉ lệ thu nhập phải chia sẻ cho nhà đầu tư sẽ thấp hơn. Chẳng hạn ở đại học Purdue, sinh viên ngành Tiếng Anh vay 10.000 USD phải trả 4,52% thu nhập tương lai trong vòng 10 năm, sinh viên ngành kĩ sư hóa học chỉ cần trả 2,57% thu nhập trong khoảng hơn 7 năm.
Sinh viên các ngành khác nhau, có thu nhập tương lai khác nhau sẽ trả tỉ lệ thu nhập khác nhau trong khoảng thời gian khác nhau. Nguồn: Bloomberg/Purdue/Vemo.
Để tránh việc sinh viên phải trả số tiền quá lớn khi nhận được công việc thu nhập cao, trường Purdue giới hạn tổng số tiền mà một sinh viên trả không được vượt quá 2,5 lần giá trị khoản vay. Những người có thu nhập thấp dưới 20.000 USD một năm sẽ không phải trả tiền, miễn là họ đang làm việc toàn thời gian (full time) hoặc vẫn đang tìm việc. Những người làm việc bán thời gian hoặc không chủ động tìm việc sẽ chỉ được hoãn trả nợ, đồng nghĩa với việc họ sẽ phải trả trong thời gian dài hơn.
Trường Purdue đã thu xếp hơn 700 hợp đồng chia sẻ thu nhập tổng trị giá 9,5 triệu USD và đã đóng hai quĩ đầu tư trị giá 17 triệu USD. Ông David cooper - Giám đốc đầu tư của Purdue đã giúp phát triển chương trình ISA này và quảng cáo nó tới các nhà đầu tư sau gần một thập kỉ giám sát đầu tư cho hệ thống hưu trí tại Indiana. "Chúng tôi cảm thấy mức định giá là khá hấp dẫn cho sinh viên, đồng thời lợi suất cho nhà đầu tư cũng ở mức hợp lý", ông Cooper nhận định.
Cô Charlotte Hebert năm nay 23 tuổi, tốt nghiệp trường Purdue năm 2017. Cô có những cảm xúc buồn vui lẫn lộn về thỏa thuận ISA trị giá 27.000 USD mà cô nhận khi học năm cuối đại học ngành viết văn chuyên nghiệp. Theo thỏa thuận này, cô Charlotte phải trả 10% thu nhập hàng năm của mình cho nhà đầu tư (một người học làm kĩ sư chỉ cần trả 7,5% vì có thu nhập cao hơn).
Cha và mẹ cô là giáo viên và y tá, bản thân cô hiện nay là một người viết kĩ thuật cho một công ty thiết kế và có thu nhập khoảng 38.000 USD một năm. Mỗi tháng cô phải trả cho nhà đầu tư 312 USD. Cô tâm sự: "Tôi không nghĩ đây là một giải pháp hoàn hào. Tôi cho rằng trong một xã hội mà hầu hết người lao động đều cần có một tấm bằng cử nhân để tìm được một công việc giúp ích cho bản thân và cộng đồng, chi phí học đại học không nên cao tới mức này".
Song Ngọc, Đức Quyền
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
Xuất khẩu tôm lao dốc, thách thức mục tiêu 4,2 tỷ USD Xuất khẩu tôm những tháng đầu năm 2019 không mấy suôn sẻ khi giá trị sụt giảm mạnh mẽ. Kết quả đó khiến cho mục tiêu XK tôm 4,2 tỷ USD trong cả năm 2019 trở nên khó khăn, thách thức hơn. Giảm ở mọi thị trường chủ lực Nhật Bản là thị trường NK tôm lớn thứ hai của Việt Nam. Ảnh:...