Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ra công điện khẩn số 4 phòng, chống dịch Covid-19
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các trạm xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn vừa thực hiện test nhanh vừa kết hợp lấy mẫu để xét nghiệm RT-PCR ngay tại trạm lấy mẫu di động.
Chiều 2/4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có công điện khẩn số 4 chỉ đạo việc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Cụ thể, Chủ tịch TP.Hà Nội yêu cầu giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, chủ tịch UBND các quận, huyện thị xã tổ chức lấy mẫu để thực hiện xét nghiệm vừa theo hình thức test nhanh vừa lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR tại trạm lấy mẫu di động đặt ở các quận, huyện, thị xã. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải thực hiện ngay công điện này.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ra công điện khẩn số 4 chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng chỉ đạo, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội khẩn trương nghiên cứu, xây dựng quy trình xét nghiệm tạm thời đối với xét nghiệm nhanh dịch bệnh Covid-19 tại quận, huyện, báo cáo xin ý kiến Bộ Y tế để triển khai nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo đúng quy định trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Trước đó, chiều 31/3, Hà Nội triển khai tổ chức 10 trạm xét nghiệm nhanh Covid-19 cho người dân trên địa bàn. Mỗi trạm có diện tích là 3×3 m, có điện, WiFi, làm việc được 24/24. Kết quả xét nghiệm sẽ có trong 10 phút, thông qua việc lấy mẫu máu.
Các trạm xét nghiệm này đã được thiết lập ngay trong đêm 30/3 và được đặt tại phố Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng), Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa), Công viên Bách Thảo (quận Ba Đình) và khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai).
Video đang HOT
Tại Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố liên hệ với các bệnh nhân dương tính với Covid-19 từ Bệnh viện Bạch Mai, người lao động tại Công ty Trường Sinh phục vụ tại Bệnh viện Bạch Mai để làm rõ lịch trình đi lại, sinh hoạt, ăn uống, tiếp xúc của các bệnh nhân này từ ngày 10/3đến thời điểm đưa đi cách ly, điều trị.
Sau khi làm rõ, kiểm tra đảm bảo độ chính xác của thông tin, thông báo toàn bộ lịch trình của bệnh nhân cho người dân biết để từ đó giúp mọi người dân ý thức về khả năng lây nhiễm, tự kiểm tra và rà soát phát hiện ra những trường hợp đã tiếp xúc với bệnh nhân, từ đó liên hệ với các Trung tâm Y tế trên địa bàn để được cách ly và xét nghiệm theo quy định.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Quỳnh An
Việt Nam có nên mở rộng xét nghiệm nhanh Covid-19?
PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, chúng ta không đủ sức xét nghiệm nhanh Covid-19 cho 100 triệu dân.
Trong giai đoạn 3 của cuộc chiến chống Covid-19, nhiều người cho rằng Việt Nam nên mở rộng xét nghiệm nhanh Covid-19 ra cộng đồng để phát hiện nhiều ca mắc Covid-19 tiềm ẩn.
PGS Phu cho biết, việc xét nghiệm nhanh chỉ tập trung vào những vùng có nguy cơ cao, phải xét nghiệm xem quần thể đó như thế nào để phát hiện nhanh những người có thể mắc Covid-19; từ đó triển khai các biện pháp tiếp theo để chẩn đoán chính xác người mắc bệnh, các biện pháp dự phòng, cách ly...
"Chúng ta không đủ sức để xét nghiệm toàn bộ gần 100 triệu dân mà chỉ có thể tập trung vào vùng có nguy cơ cao. Đây cũng chỉ là test nhanh của Hàn Quốc mà hiện mới chỉ Hà Nội có chứ không phải tất cả các tỉnh, thành phố đều có", PGS Phu nói.
Xét nghiệm nhanh cho kết quả nhanh nhưng độ chính xác chỉ đạt 65-80%.
Lý giải về 1 số trường hợp xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính, xét nghiệm khẳng định lại là âm tính, PGS Phu cho biết: "Kết quả âm tính là vì có thể người ta mắc rồi nhưng hiện tại virus không còn tồn tại trong cơ thể nữa nên xét nghiệm âm tính. Nhưng đối với xét nghiệm nhanh, kể cả khi kết quả dương tính, chúng ta cũng chưa thể khẳng định 100% là người này đã nhiễm corona hay chưa mà phải kiểm tra lại bằng xét nghiệm khẳng định với kỹ thuật Realtime PCR (RT-PCR) trong phòng xét nghiệm".
Theo PGS Phu, ý nghĩa của xét nghiệm nhanh là cho kết quả rất sớm, thứ hai là sàng lọc trong cộng đồng nguy cơ cao. Khi phát hiện được người dương tính với SARS-CoV-2 thì ta vẫn phải làm lại xét nghiệm khẳng định. Xét nghiệm khẳng định cho kết quả chính xác 100% nhưng thời gian lâu hơn.
"Mỗi phương pháp có hạn chế và thuận lợi nhất định. Và trong thời điểm hiện nay, chúng ta cần áp dụng cả hai phương pháp xét nghiệm"- PGS Phu nhấn mạnh.
Về vấn đề xét nghiệm Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đối với loại test thử nhanh, kết quả đọc được trong vòng 10-15 phút và không cần máy móc. Việt Nam đã nhập khẩu test thử nhanh từ Hàn Quốc (tuy nhiên tại Hàn Quốc không sử dụng loại test thử nhanh này).
Test thử nhanh có đặc điểm là độ nhạy, độ chính xác thấp hơn (độ nhạy khoảng 65 - 80% và cơ thể càng bị nhiễm lâu càng nhạy; độ đặc hiệu khoảng 60 - 70% vì phản ứng chéo với kháng thể sinh ra đối với các loại virus, vi khuẩn khác). Do đó, cần phải xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật Realtime PCR (RT-PCR) mới có thể chắc chắn người nào đó có thực sự mắc Covid-19 hay không.
Thứ trưởng Sơn lý giải, xét nghiệm nhanh sẽ phát huy tác dụng tốt nhất trong tình huống đã có rất nhiều người nhiễm bệnh, cần xét nghiệm để lọc ra những người đã mắc bệnh nhiều ngày (hơn 3 ngày) để tập trung theo dõi, điều trị. Vì vậy, Bộ Y tế đã cho nhập một số lượng để dự phòng cho tình huống này (cụ thể là 200.000 test).
Theo Thứ trưởng Sơn, đối với Việt Nam, hiện chưa có nhiều người lây nhiễm nên phương án tốt nhất là cách ly những người nghi nhiễm và làm xét nghiệm bằng máy để xác định chính xác. Trường hợp có một cộng đồng nhỏ cần đánh giá nhanh để dự báo mức độ nhiễm bệnh thì có thể sử dụng test nhanh, nhưng không được dùng kết quả đó để kết luận là nhiễm bệnh hay chưa nhiễm bệnh. Các kết quả này cần được kiểm tra lại bằng xét nghiệm khẳng định với kỹ thuật Realtime PCR (RT-PCR) mới được coi là kết quả cuối cùng.
Phát hiện 3 ca dương tính nCoV qua test nhanh Trong 753 mẫu test nhanh nCoV tại các trạm xét nghiệm dã chiến, ghi nhận 3 ca dương tính. Ba người này là cư dân sinh sống ở quận Đống Đa, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết tối 31/3. Ngành y tế Hà Nội đã chuyển ngay 3 trường hợp này về...