Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói gì sau phán quyết?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12/7 nói TQ cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông nhưng không chấp nhận bất cứ quan điểm hay hành động nào dựa trên phán quyết của Tòa Trọng Tài.
Trong buổi hội kiến Chủ tịch của Hội đồng Châu Âu, ông Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại quan điểm coi Biển đông và các đảo trong khu vực “là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại”.
“Chủ quyền, quyền hàng hải và lợi ích của Trung Quốc ở BIển Đông sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết và vụ kiện do Philippines khởi xướng”, truyền thông Trung Quốc đăng tải tuyên bố của ông Tập sau khi Tòa Trọng Tài thường trực ( PCA) ra phán quyết vào 16 giờ chiều ngày 12/7 (giờ Việt Nam).
Trên thực tế, ông Tập đã đưa ra tuyên bố trước thời điểm PCA công bố phán quyết, nhưng nó được công bố sau phán quyết nhằm tiếp tục khẳng định lập trường bất biến của Bắc Kinh trong vấn đề này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đưa ra tuyên bố tương tự trong một cuộc gặp riêng biệt với các nhà lãnh đạo EU. Ông Lý Trung Quốc sẽ cố gắng giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế cũng như Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) mà nước này đạt được với ASEAN.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với các phóng viên sau phán quyết bằng các từ ngữ mạnh mẽ rằng vụ kiện “là một trò hề chính trị dựa trên cái cớ của pháp luật”. Ông Vương nói điều này đã “đặt vấn đề tranh chấp lãnh thổ vào thế rủi ro căng thẳng và đối đầu”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó đã đưa ra hai tuyên bố về Biển Đông phản đối phán quyết. Tờ Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc cam kết bảo vệ lợi ích hàng hải của nước này.
Video đang HOT
Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo Trung Quốc được biết đến với những quan điểm cứng rắn phán quyết của tòa là “đáng hổ thẹn”. “Cái gọi là phán quyết Biển Đông chỉ là một mảnh giấy. Nhưng nếu Mỹ và Nhật Bản sử dụng để gây áp lực chính trị và quân sự lên Bắc Kinh thì người dân Trung Quốc sẽ ủng hộ chính phủ đáp trả”.
Trong một bài xã luận đăng tải trên tờ People’s Daily, báo Trung Quốc nói nước này sẽ không chấp nhận phán quyết, biện minh cho hành động để bảo vệ chủ quyền và lợi ích hàng hải cũng như duy trì luật pháp quốc tế.
“Dù trong quá khứ hay hiện tại, bất kỳ nỗ lực nào thách thức Trung Quốc sẽ giống như dùng chân đập vào tảng đá. Người dân Trung Quốc luôn quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích an ninh hàng hải một cách vững chắc”.
People’s Daily cho rằng, chính quyền cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã hành động như một “con rối” và vì quyền lợi cá nhân của Philippines để đưa vụ kiện ra tòa quốc tế.
Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã đăng tải bài viết sau phán quyết, nói vụ kiện là mưu đồ của phương Tây để cản trở Bắc Kinh trong chiến lược phát triển và trỗi dậy cũng như muốn kiềm chế Trung Quốc trên con đường trở thành cường quốc lớn trên thế giới.
Dù vậy, chính phủ Trung Quốc tái khẳng định rằng nước này mong muốn một giải pháp hoà bình, thông qua đàm phán và tham vấn trực tiếp “trên cơ sở lịch sử và luật pháp quốc tế”.
Những tuyên bố của giới chức và truyền thông Trung Quốc cho thấy sẽ Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì các yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế.
Theo Người Đưa Tin
Truyền thông quốc tế ca ngợi phán quyết của PCA
Nhiều tờ báo và hãng tin lớn như Reuters, CNN, BBC, Nikkei đều có bài viết ca ngợi phán quyết của PCA và gọi đây là kết quả mang tính bước ngoặt.
Lúc 16h ngày 12/7 theo giờ Việt Nam, hàng loạt các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã chính thức đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông với phần thắng thuộc về Phillipines.
Tòa Trọng tài tuyên bố yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và Trung Quốc không có "quyền lịch sử" với các vùng biển ở Biển Đông.
Thông cáo của PCA nêu rõ: "Tòa Trọng tài kết luận rằng trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để khẳng định nước này có quyền lịch sử đối với các tài nguyên, theo các quyền được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), ở các khu vực biển trong phạm vi đường chín đoạn".
Reuters đưa tin về phán quyết PCA bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Các hãng tin và tờ báo lớn trên thế giới đều đưa ra bình luận chung ca ngợi phán quyết từ Tòa Trọng tài Thường trực.
Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố: "Quyết định ngày hôm nay của Tòa án trong việc phân xử Philippines-Trung Quốc là đóng góp quan trọng đối với mục tiêu chung hướng tới một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông".
Tờ báo này bình luận rằng tòa án quốc tế đã chính thức phủ nhận cái gọi là "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông, bất chấp trước đó Bắc Kinh bày tỏ tức giận và gọi phán quyết là "trò hề".
"Kết quả này là một đòn giáng về pháp lý vào tuyên bố quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông", Reuters dẫn lời ông Ian Storey, chuyên gia tại Viện ISEAS - Yusof Ishak, Singapore.
CNN trong bản tin của mình nói rằng phán quyết từ PCA không chỉ tác động đến Trung Quốc và Philippines mà còn tạo tầm ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác trong khu vực. Mặc dù được coi là một quyết định mạnh mẽ chống lại Trung Quốc, tuy nhiên kết quả này "chưa thể cho biết được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo".
Tờ báo này gọi kết quả của vụ kiện lần này là sự kiện "đánh dấu lần đầu tiên một tòa án quốc tế giải quyết về những tranh chấp kéo dài ở Biển Đông trong nhiều năm qua".
Trong khi đó BBC đăng tải bài phỏng vấn ông Paul Reicher, luật sư tư vấn chính cho Philippines trong vụ kiện Biển Đông gọi phán quyết của PCA là "thắng lợi của nước nhỏ trước nước lớn. Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc xâm lấn lợi ích của nhiều nước láng giềng trong khu vực. Bởi vậy thắng lợi hôm nay về mặt pháp lý của Philippines hôm nay cũng là chiến thắng cho cả khu vực".
BBC cũng dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói tại một cuộc họp báo: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và tỉnh táo. Philippines khẳng định hết sức tôn trọng quyết định này".
Ngay sau khi có kết quả từ Tòa Trọng tài, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đã tuyên bố "không chấp nhận và không công nhận phán quyết yếu kém" từ Tòa Trọng tài về "đường chín đoạn".
Tờ Nikkei của Nhật Bản gọi phán quyết của PCA đưa ra trong ngày hôm nay là văn bản pháp lý khẳng định rằng "một số hành động của Trung Quốc ở khu vực trong những năm gần đây đã đi quá giới hạn".
"Đây là một bản án vô cùng nghiêm khắc đối với Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ phải xấu hổ trước dư luận quốc tế vì điều này", Nikkei dẫn lời giáo sư Makoto Seta từ Đại học Yokohama.
Straitstimes của Singapore gọi phán quyết dài 497 trang của Tòa Trọng tài Thường trực là "quyết định mang tính bước ngoặt" ủng hộ Philippines và bác bỏ chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phán quyết từ Tòa Trọng tài ở The Hague "sẽ tăng cường và củng cố vị thế của Philippines ở các cuộc đối thoại song phương trong tương lai với Trung Quốc, đặc biệt khi giờ đây yêu sách đường chín đoạn đã chính thức bị vô hiệu", Rappler dẫn lời ông Carlos Isagani Zarate, nghị sĩ đảng Bayan Muna.
Theo Người Đưa Tin
Gặp thẩm phán trưởng phiên tòa Biển Đông Thẩm phán trưởng phiên tòa Biển Đông đã 84 tuổi, đến từ một đất nước rất xa xôi, xa cả với Philippines, với Trung Quốc, với tất cả các nước có tranh chấp hay từng đưa tàu chiến tới Biển Đông. Ông người Ghana, tên Thomas Mensah. Thẩm phán trưởng Phiên tòa Biển Đông, Thomas MensahInternational Maritime Organization Điều đưa ông Mensah đến...