Chủ tịch TP HCM phê bình quận 5 ‘dẹp vỉa hè chưa tốt’
Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu bí thư, trưởng công an các địa phương phải xắn tay vào lập lại trật tự vỉa hè; phê bình quận 5 làm chưa tốt, phải chấn chỉnh ngay.
Nói trong cuộc họp kinh tế – xã hội quý 1, ngày 31/3, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, việc sắp xếp lại trật tự vỉa hè thời gian qua được người dân thành phố đồng tình và đánh giá cao, đặc biệt là tại quận 1.
“Tất nhiên khi làm cũng còn chuyện này chuyện khác, phải lắng nghe góp ý để tiếp thu nhưng tinh thần chung là kiên quyết thực hiện. Quận huyện nào đã làm tốt thì không được để tái lấn chiếm, sau đó tổ chức lại kinh tế vỉa hè chứ không phải thấy ổn ổn rồi thôi”, ông Phong nói và yêu cầu tất cả bí thư, chủ tịch cho đến trưởng công an quận huyện phải vào cuộc chứ không chỉ giao cho “anh phó chủ tịch” làm chuyện vỉa hè.
Dẫn chứng trường hợp ở quận 5, ông Phong nói: “Có vỉa hè buổi sáng xe đậu kín hết, học sinh, người dân không có chỗ đi bộ, tôi phải gọi lãnh đạo quận ra xem. Tại sao thành phố đã có chỉ đạo rồi mà tình hình vẫn còn như vậy? Quận 5 phải chấn chỉnh ngay”.
Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu các quận huyện không làm trật tự vỉa hè theo kiểu phong trào, không được để tái chiếm. Ảnh: T.S
Riêng các chợ tạm, các điểm kinh doanh tự phát còn tồn tại, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận huyện phối hợp Sở Công thương tổ chức các khu vực cho người dân buôn bán, không làm ảnh hưởng đến giao thông
Video đang HOT
“Tôi nhấn mạnh là không phải dẹp, đẩy đuổi mà phải sắp xếp tổ chức lại cho nghiêm túc, khoa học, tạo điều kiện cho người dân. Không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn giao thông”, ông Phong lưu ý.
Đề cập đến thông tin cho rằng thành phố có ý định lập phố đi bộ trên quy mô 221 ha tại khu vực trung tâm, ông Phong cho biết “chưa hề nghe kế hoạch biến trung tâm thành nơi đi bộ”, cần phân biệt rõ đó là chỉ đạo của thành phố hay chỉ là đề xuất của một đơn vị.
“Chỉ có đường Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão) là đang được quận 1 xin ý kiến để lập phố đi bộ”, ông Phong nói và nhấn mạnh “đề án này cùng việc thành lập ‘Chợ phiên’ tại Công viên bến Bạch Đằng cũng chỉ là đề xuất chứ chưa được Thường trực UBND thành phố thông qua”.
Chánh văn phòng UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết thêm, đề án quy hoạch khu trung tâm thành phố của một công ty Nhật Bản có chia ra các phân khu, trong đó có một số tuyến đường đi bộ như Nguyễn Huệ, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Lợi, Trần Cao Vân…
“Thành phố giao cho Sở Giao thông vận tải nghiên cứu vấn đề này. Sở cũng có kế hoạch lấy ý kiến chuyên gia, nhân dân… Tinh thần là chúng ta đang nghiên cứu chứ chưa có chủ trương, quyết định nào cả”, ông Hoan khẳng định.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho biết, trên địa bàn có 260 hộ nghèo. Trong đó có 130 hộ đồng ý chuyển đổi qua học nghề như: giúp việc nhà, bảo vệ…
100 hộ được tổ chức buôn bán tập trung ở đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp. Còn 30 hộ không có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp (hoặc người già) được tiểu thương chợ Bến Thành hỗ trợ mua túi giấy (30 hộ này làm túi giấy tại nhà) thay cho túi nylon.
Theo tính toán, các tiểu thương sẽ sử dụng khoảng 110.000 túi giấy mỗi tháng, tính ra tiền cũng đảm bảo thu nhập cho 30 hộ này.
Trung Sơn
Theo VNE
TP HCM muốn cho kinh doanh trên vỉa hè rộng 5 mét
Những vỉa hè rộng trên 5 m và lòng đường một số tuyến có thể được sử dụng phục vụ việc kinh doanh, buôn bán, giữ xe...
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đang lấy ý kiến các sở ngành, quận huyện về dự thảo Sửa đổi quy định quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn, để trình UBND thành phố. Việc này là để sử dụng lòng đường, vỉa hè hiệu quả và đúng mục đích.
Dự thảo lần này nêu chi tiết, cụ thể các hoạt động bị cấm khi sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè như: cấm tự ý xây dựng, đào bới; xây dựng trái phép trong phạm vi chỉ giới đường đỏ; đặt, dựng bục, bệ dắt xe, bậc tam cấp vào nhà...
Tuy nhiên, dự thảo cũng đề xuất được phép sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường các tuyến được UBND thành phố chấp thuận cho phép kinh doanh, được cấp có thẩm quyền cấp phép.
Dự thảo đề xuất cho phép trông giữ xe và kinh doanh trên vỉa hè rộng 3-5 m. Ảnh:Hữu Nguyên.
Trong đó, bề rộng vỉa hè sử dụng để trông giữ xe phải đạt tối thiểu 3 m và khi cho thuê kinh doanh phải đạt 5 m. Phần còn lại phải rộng ít nhất 1,5 m để cho người đi bộ. Lòng đường phải bảo đảm phần đường còn lại có bề rộng tối thiểu cho 2 làn xe trên một chiều.
Phần được phép sử dụng phải được kẻ vạch sơn phân định, lát gạch khác, rào chắn cố định, biển báo... Việc này cần đảm bảo giao thông thông suốt, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và không làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của các tổ chức, hộ gia đình hai bên đường.
Người thuê vỉa hè phải nộp các khoản phí, lệ phí theo mức UBND thành phố ban hành.
Hữu Nguyên
Theo VNE
Hà Nội cấm tự ý chặt cây xanh khi dẹp vỉa hè Thành phố yêu cầu, trường hợp buộc phải di chuyển, chặt hạ cây xanh nằm trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn giao thông thì các quận, huyện phải có phương án gửi cấp trên. Sở Xây dựng thành phố Hà Nội vừa có văn bản gửi các quận, huyện về việc kiểm soát việc đánh chuyển, chặt hạ cây xanh...