Chủ tịch TP HCM không tán thành sáp nhập các sở
Cho rằng khối lượng công việc của các Sở Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Giao thông, Xây dựng… ở TP HCM là “khủng khiếp”, ông Nguyễn Thành Phong không đồng ý đề xuất sáp nhập các cơ quan này.
Chiều 27/3, làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định quan điểm của thành phố là không đồng ý đề xuất việc hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Tài chính, Xây dựng nhập với Giao thông Vận tải, Quy hoạch và Kiến trúc mà Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong không đồng ý sáp nhập các sở. Ảnh: Mạnh Tùng.
Lấy ví dụ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, ông Phong khẳng định khối lượng công việc của riêng phòng đăng ký kinh doanh ở đây là “kinh khủng”. Theo lộ trình tăng doanh nghiệp của thành phố đến 2020 thì mỗi tháng sẽ có hơn 4.000 doanh nghiệp mới thành lập. Sở này đang theo dõi hơn 6.700 dự án, làm việc với các doanh nghiệp đến từ 87 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chỉ riêng năm 2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư giải quyết 273 nghìn hồ sơ, tiếp nhận hơn 50.000 văn bản và phát đi hơn 35.000 văn bản.
“Tôi chỉ nói một vài con số ở Sở Kế hoạch thôi, chưa nói đến Sở Tài chính. Nếu anh nhập hai sở lại như vậy thì sao làm nổi? Mà không làm nổi sẽ dẫn đến đình trệ công việc, ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp, tác động đến sự phát triển của thành phố”, ông Phong trăn trở.
Ông Phong cũng cho rằng không thể sáp nhập ba Sở Xây dựng, Quy hoạch và Kiến trúc, Giao thông bởi dân số thành phố đang lên đến 13 triệu người, các vấn đề về đô thị, dân sinh là rất phức tạp. Việc tổ chức lại bộ máy nhà nước tại TP HCM phải căn cứ vào đặc thù của thành phố.
Chủ tịch TP HCM lấy ví dụ, trước đây, việc chuyển Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất ở các quận, huyện về chung một đầu mối thành phố song thực tế công việc phát sinh, phải thành lập chi nhánh văn phòng ở quận, huyện. Bộ máy chưa thấy gọn nhưng việc giải quyết giấy tờ đất đai của người dân đã bị ngưng trệ một thời gian.
Tại buổi làm việc, ông Phong cho biết, cải cách hành chính là một trong 7 chương trình đột phát của thành phố. Lãnh đạo thành phố xác định thủ tục hành chính tốt sẽ tạo một động lực mạnh mẽ để kinh tế phát triển, nên sẽ chỉ đạo quyết liệt.
Thành phố đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để thể chế hóa, giữ vững ổn định bộ máy, không thành lập tổ chức trung gian, phân biệt rõ chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Trong quá trình tổ chức thực hiện, TP HCM chấp hành nhưng vẫn kiên trì kiến nghị trung ương chuyển một số nhiệm vụ từ cơ quan chuyên môn này sang cơ quan khác cho phù hợp thực tiễn.
Video đang HOT
Song, ông Phong muốn trung ương chia sẻ với TP HCM về việc tạo cơ chế riêng để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của thành phố. Hiện, tốc độ đô thị hóa của TP HCM là hơn 80% đặt ra nhiều vấn đề an ninh trật tự, áp lực giáo dục, y tế rất lớn.
Tổ chức bộ máy chính quyền tại TP HCM được đánh giá là không chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Ảnh: T.L
Trước đó, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, qua rà soát về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, TP HCM đã xác định thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan đã rõ ràng nên không có sự chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ.
Thành phố hiện có 20 cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND thành phố, 24 quận huyện, 322 phường xã, đồng thời đang sử dụng biên chế vượt trên 3.000 chỉ tiêu được giao.
“Biên chế sử dụng cao hơn so với biên chế được giao vì nhiều năm liền thành phố không được tăng biên chế so với yêu cầu nhiệm vụ và tốc độ tăng dân số của thành phố. Nếu không có số biên chế này thì sức ép từ mức độ tăng dân số ngày càng cao, chủ yếu là tăng cơ học, thành phố không đủ nhân lực để hoàn thành các nhiệm vụ được giao”, ông Tuyến lý giải.
Ngoài ra, TP HCM khẳng định không có tình trạng lạm quyền và lộng quyền trong việc thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp.
Tại buổi làm việc, Trưởng đoàn giám sát – ông Uông Chu Lưu (Phó chủ tịch Quốc hội) ủng hộ việc TP HCM có cách tổ chức bộ máy chính quyền đô thị một cách riêng biệt, phù hợp với điều kiện dân số, kinh tế – xã hội.
Ông Lưu cho rằng, TP HCM cần được phân cấp mạnh trong việc tổ chức thi, xét tuyển cán bộ công chức. Ngoài ra, địa phương cần đẩy mạnh chuyển đổi để một số đơn vị sự nghiệp công lập có thể tự chủ, tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành. Một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh sẽ được hợp nhất như: nhập Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch – Tài chính.
Riêng tại Hà Nội và TP HCM, Sở Xây dựng được đề xuất sáp nhập với Sở Giao thông Vận tải và Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị. Cơ cấu Sở mới gồm Văn phòng, Thanh tra và không quá 9 phòng chuyên môn, nghiệp vụ
Mạnh Tùng
Theo VNE
Chủ tịch TP HCM: 'Phải giảm kẹt xe trước Tết Nguyên đán'
Cho rằng việc xử lý dứt điểm kẹt xe cần phải có thời gian, song ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành có giải pháp khẩn cấp để giảm tình trạng này trước Tết Nguyên đán.
Chiều 27/12, làm việc về tình hình ùn tắc giao thông, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở ngành tập trung vào các giải pháp trước mắt, phải giảm được kẹt xe trước Tết Nguyên đán.
"Về lâu dài thành phố đã có các chương trình, các giải pháp cụ thể cần có thời gian để thực hiện. Tuy nhiên, từ nay tới Tết Nguyên đán lượng xe ra vào thành phố rất đông, nguy cơ ùn tắc, tai nạn rất cao. Vì vậy, các sở ngành cần đưa ra các giải pháp cấp bách có thể thực hiện ngay", ông Phong yêu cầu.
Tình trạng ùn tắc trên địa bàn TP HCM ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: L.G
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường cho biết, ngay trước Tết có thể thực hiện việc đồng bộ hệ thống thu phí tự động ở các trạm thu phí để kéo giảm ùn tắc.
"Hiện các trạm đều có làn thu phí tự động không dừng nhưng chưa đồng bộ gây khó khăn cho các phương tiện. Vướng mắc là, để chuyển đổi công nghệ cần phải đầu tư thêm, phát sinh tổng vốn cho các dự án BOT nên cần phải có cơ chế", ông Cường nói.
Theo ông Cường, ngay đầu năm 2017 Sở GTVT cho ra mắt cổng thông tin giao thông giúp người dân nắm bắt và phản ánh các sự cố hạ tầng, bất cập trong lĩnh vực giao thông đô thị. Website này cũng cung cấp cho người dân bản đồ giao thông trực tuyến tích hợp với các tiện ích như dẫn đường, hướng dẫn lộ trình, tìm kiếm bãi đỗ xe, bệnh viện, trạm xăng, nhà vệ sinh công cộng...
Trong khi đó, Phó giám đốc Công an TP HCM Trần Đức Tài đề nghị Sở GTVT hỗ trợ thông tin về các địa điểm, thời gian có thể xảy ra kẹt xe ở từng khu vực để lực lượng CSGT có mặt phân luồng kịp thời.
"Có như vậy mới giảm được kẹt xe, chứ đợi đến khi ùn tắc CSGT mới tới thì khó mà xử lý được", ông Tài nói và yêu cầu các quận huyện tăng cường dân quân tự vệ, bảo vệ tổ dân phố để làm lực lượng tại chỗ phân luồng giao thông.
Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Khoa đánh giá tình trạng ùn tắc hiện rất nghiêm trọng: "Không nói nhiều bàn nhiều nữa, giải pháp đã đưa ra hết rồi giờ bắt tay vào làm thôi. Trong năm 2017 phải chuyển biến tình trạng này, Sở GTVT nhất định phải hoàn thành 34 công trình giao thông cấp bách như kế hoạch đã đề ra", ông Khoa nói.
Phó chủ tịch UBND thành phố phụ trách lĩnh vực giao thông và đô thị lưu ý 2 công trình đặc biệt là xây dựng bến xe Miền Đông phải xong trong năm 2017, còn bến xe Miền Tây mới phải hoàn thành năm 2018. "Dời được 2 bến xe này ra ngoại thành chắc chắn sẽ giảm kẹt xe đáng kể. Tôi chịu trách nhiệm về 2 dự án này, vướng ở đâu phải báo cáo để tháo gỡ ngay", ông Khoa yêu cầu.
Về vấn đề thu phí tự động tại các trạm, ông Khoa cho biết ngay tuần sau sẽ làm việc với Sở GTVT để sớm có hệ thống thu phí tự động đồng bộ.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành cùng quận huyện phải kéo giảm được tình trạng kẹt xe trước Tết Nguyên đán. Ảnh: Q.T
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nói rằng, ùn tắc giao thông tạo ra sự lãng phí rất lớn cho xã hội, ảnh hưởng chất lượng sống của người dân. "Vấn đề kéo giảm ùn tắc cũng là 1 trong 7 chương trình đột phá mà thành phố phải tập trung thực hiện. Các sở ngành, quận huyện phải vào cuộc hết sức quyết liệt, phối hợp đồng bộ để tạo sự chuyển biến", ông Phong nói.
Người đứng đầu chính quyền TP HCM yêu cầu Ban an toàn giao thông tổng kết, đánh giá kết quả việc thực hiện 159 tuyến đường kiểu mẫu mà các quận huyện đã đăng ký với UBND thành phố vào năm 2012.
"Thành phố sẽ phê bình chủ tịch, phó chủ tịch các quận không thực hiện cam kết. Giải quyết được việc lấn chiếm 5 triệu m2 vỉa hè trên địa bàn thành phố sẽ giảm đáng kể tình trạng ùn tắc", ông Phong nói.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu Phó chủ tịch Lê Văn Khoa làm việc cụ thể với Sở GTVT, Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố nghiên cứu giải pháp nhắn tin qua điện thoại để cảnh báo những điểm kẹt xe giúp người dân chủ động tìm kiếm lộ trình phù hợp.
Hữu Công
Theo VNE
Những e ngại về khu đi bộ ở trung tâm Sài Gòn Giao thông rối loạn, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng... và hàng loạt bất cập khác được các chuyên gia chỉ ra, nếu TP HCM biến 220 ha khu trung tâm thành nơi đi bộ. Theo TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông - đề án chuyển một phần khu trung tâm thành khu đi bộ (rộng hơn 220 ha) mà...