Chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu dừng họp, dồn lực đối phó với bão số 12
Tỉnh Bình Định đang lên phương án dự kiến di dời đến 26.000 hộ dân trước sự uy hiếp của trận bão số 12 ngày một tiến dần vào đất liền.
Tối ngày 3.11, ông Phan Trọng Hổ – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay tỉnh này đã lên phương án cụ thể dự kiến chuẩn bị di dời hơn 26.000 hộ dân ra khỏi những vùng nguy hiểm trong cơn bão số 12.
Theo ông Hổ, những hộ dân đang đặt trong tình trạng ở những khu vực ven biển như ở các xã Nhơn Hải, Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), Cát Tiến, Cát Hải (huyện Phù Cát), Hoài Mỹ, Hoài Hải, Hoải Hương (huyện Hòa Nhơn)… và một số vùng có nguy cơ sạt lở, nhất là tại các huyện miền núi như: An Lão, Vân Canh, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh… sẽ phải di dời khi bị bão số 12 tiến sát bờ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – Hồ Quốc Dũng kiểm tra đê kè ven biển ở xã Nhơn Lý. Ảnh: Báo Bình Định.
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác chỉ đạo ứng phó trận bão số 12, ông Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu: Các cơ quan, địa phương dừng tất cả các cuộc họp để lo ứng phó với bão, lũ, không được chủ quan, duy trì trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ và thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để chỉ đạo.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, tối nay tại Bình Định xuất hiện mưa lớn và gió mạnh. Nhiều người dân tại địa phương này đang khẩn trương chèn chống nhà cửa, đưa tài sản, vật dụng… lên nơi cao ráo trước khi bão lũ tấn công.
Theo ông Đỗ Tùng Lâm – Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, các phương án phòng chống bão số 12 đã được địa phương chuẩn bị chu đáo theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Đặc biệt để bảo vệ an toàn 5 hồ chứa nước xung yếu trên địa bàn, huyện đã chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, phương tiện cần thiết để đề phòng các sự cố có thể xảy ra. Huyện cũng đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn củng cố lực lượng xung kích sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai, bão lũ. Chủ động di dời, sơ tán các hộ dân sinh sống tại các địa điểm có nguy xảy ra lũ quét, sạt lở núi như xã An Nghĩa, An Quang, An Toàn, An Dũng…
Ông Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho hay, địa phương này đã chủ động sơ tán người dân sinh sống tại các khu vực nguy hiểm ven biển, vùng có nguy cơ bị lũ quét đến nơi an toàn trước 19h cùng ngày.
Theo Danviet
Video đang HOT
Đêm nay trên đất liền ven biển từ Bình Định đến Ninh Thuận gió giật cấp 15
Do ảnh hưởng của bão số 12 nên từ đêm nay trên đất liền ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 10-12, giật cấp 15.
Tàu thuyền vào tránh bão ở cảng cá Tam Quang, Hoài Nhơn, Bình Định (ảnh báo Bình Định)
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong 6 giờ vừa qua bão số 12 tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ từ 15-20km một giờ.
Hồi 16 giờ ngày 3/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển Phú Yên-Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 4 giờ ngày 4/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội.
Bộ đội biên phòng tỉnh thông báo tình hình bão số 12 cho các ngư dân biết (ảnh báo Bình Định)
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, khoảng sáng sớm mai (4/11) bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần. Đến 16 giờ ngày 4/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,1 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam- Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Cấp độ rủi ro thiên tai bão: cấp 3; riêng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận cấp 4.
Dự báo trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20-25km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực miền Nam Campuchia.
Do ảnh hưởng của bão vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm đảo Lý Sơn, Phú Quý) gió mạnh cấp 7, đêm gió mạnh lên cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội.
Hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Biển động mạnh.
Nước dâng do bão ở ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận từ 0,5-1,0m. Sóng vùng tâm bão 6-8m, ven bờ Quảng Ngãi đến Bình Thuận 3-5m. Ngoài ra, ven biển Nam Bộ đề phòng triều cường cao trong những ngày tới do thủy triều lên cao kết hợp với nước dâng do gió mùa.
Hướng di chuyển của bão số 12 (ảnh Trung tâm dự báo KTTVTƯ)
Từ đêm nay (3/11), trên đất liền ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 10-12, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền (bao gồm cả Nam Tây Nguyên) có gió mạnh cấp 7-9, giật cấp 11.
Tại Khánh Hòa:
Chiều 3.11, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa xác định cơn bão số 12 là cơn bão mạnh, nên đã tập trung toàn bộ lực lượng phòng chống bão. Yêu cầu các nhà mạng nhắn tin đến từng người dân thông qua số điện thoại di động chủ động chống, chằng nhà cửa, trú tránh bão an toàn. Trên biển, toàn bộ tàu và thuyền viên đã vào khu tránh, trú an toànYêu cầu tất cả các cơ quan có khu du lịch biển, đảo phải đảm bảo an toàn cho du khách. Đặc biệt không cho du khách ra tắm biển hoặc tham qun biển đảo nữa.
Theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, tỉnh đã sơ tán 6.000 người dân đến nơi an toàn, đến 18h tối nay cưỡng chế tất cả các hộ dân còn lại.
Từ 22h trở đi phải cấm đường, không cho ai lưu thông để đảm bảo an toàn.
Do ảnh hưởng của bão nên trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã có 3 người chết và mất tích.
Tại Bình Định:
Để tập trung ứng phó bão số 12, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu các cơ quan, địa phương dừng tất cả các cuộc họp để lo ứng phó với bão, lũ, không được chủ quan; duy trì trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ.
Chủ tịch tỉnh Bình Định cũng nhấn mạnh: "Địa phương nào để xảy ra thiệt hại về người do bão lũ, chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm". Sở GD ĐT tỉnh cũng đã chỉ đạo các trường ra thông báo cho học sinh nghỉ học để tránh bão.
Tại Phú Yên:
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết, để ứng phó với cơn bão số 12, tỉnh đã khẩn trương di dời người dân, tài sản của bà con ở những vùng xung yếu đến nơi an toàn. Các địa phương cũng đã kêu gọi ngư dân đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Lực lượng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án ứng cứu trong trường hợp cần thiết...
Tại Ninh Thuận
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết đến lúc này, công tác ứng phó cơn bão số 12 cơ bản đã hoàn tất, tàu thuyền trong tỉnh đã vào bờ trú ẩn, chỉ còn một chiếc chưa liên lạc được. Hiện tại, có hơn 24.000 hộ dân vùng xung yếu cần được di dời đến nơi an toàn. Theo ông Vĩnh, khi bão ập vào, kèm mưa lớn, gió và thủy triều lên nên các vùng này hết sức nguy hiểm. Tỉnh đã yêu phải di dời toàn bộ người dân trước 21h tối nay nhằm đảm bảo an toàn.
Theo Danviet
Nóng 24h qua: "Giải mã" hiện tượng TP.HCM hửng nắng dù bị bão đe dọa "Giải mã" hiện tượng Sài Gòn vẫn hửng nắng dù bão số 12 đe dọa; Điều chuyển công tác Thượng tá Võ Đình Thường... là những tin nóng 24h qua. "Giải mã" hiện tượng Sài Gòn vẫn hửng nắng dù bão số 12 đe dọa Những ngày qua, thông tin áp thấp nhiệt đới gần bờ rồi sau mạnh lên thành bão đã...