Chủ tịch thành phố họp khẩn về vụ nổ kho phân bón
Trước việc nhiều vụ cháy nổ liên quan đến mua bán, sử dụng hóa chất liên tiếp xảy ra, đặc biệt là vụ nổ kho phân bón tại quận 12 gây hậu quả hết sức nghiêm trọng, chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân chủ trì cuộc họp khẩn về vấn đề này
Ngày 22/10, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã chủ trì cuộc họp, nghe đại diện quận 12 và Công an TP, Cảnh sát PCCC thành phố, cùng các sở, ngành liên quan báo cáo công tác khắc phục hậu quả sau vụ nổ xảy ra trên địa bàn quận 12 và tình hình cháy nổ liên quan đến hóa chất trên địa bàn thành phố trong 2 năm qua.
Kết thúc giai đoạn điều tra tại hiện trường tại quận 12
Hiện trường vụ nổ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản tại công ty Đặng Huỳnh (phường Thới An, quận 12)
Ông Nguyễn Toàn Thắng, chủ tịch UBND quận 12 cho biết, vụ nổ xảy ra tại chi nhánh công ty TNHH sản xuất dịch vụ thương mại Đặng Huỳnh (viết tắt là công ty Đặng Huỳnh) tại địa chỉ 66/2 Lê Thị Riêng, phường Thới An, quận 12 làm thiệt mạng 3 người, 5 người bị thương làm sập hoàn toàn 7 căn nhà, 5 căn nhà sập một phần, hơn 100 căn nhà khác bị ảnh hưởng.
Hiện tại, trong số 5 người bị thương đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy tình hình sức khỏe đã ổn định và được xuất viện. Hai người còn lại tiếp tục nằm điều trị để bác sĩ theo dõi. Riêng đối với trường hợp 2 mẹ con bị thiệt mạng trong vụ nổ, thì người chồng cũng mới chết nên hiện tại 3 con nhỏ của nạn nhân trở thành mồ côi, rất thương tâm. Đoàn công tác của quận 12 đã xuống dưới Đồng Tháp thăm hỏi gia đình, hỗ trợ kinh phí học tập và làm sổ tiết kiệm cho các cháu. UBND quận 12 cũng hỗ trợ 30 triệu đồng/1 người chết và 15 triệu đồng/1 người bị thương.
Theo chủ tịch UBND quận 12, đối với 12 căn nhà bị sập hoàn toàn và sụp một phần, UBND quận phối hợp cùng với Công an thành phố sẽ trưng cầu đơn vị kiểm định để xác định giá trị thiệt hại để làm cơ sở cho các bước tố tụng sau này. Trong số hơn 150 căn nhà bị ảnh hưởng mà phía quận 12 đã báo cáo trước đây, hiện có 28/86 hộ tham gia đợt kiểm định chất lượng và giá trị thiệt hại này. Nhiều hộ bị ảnh hưởng nhẹ cũng chia sẻ đây là chuyện thương tâm, không ai mong muốn nên đã tự đứng ra sửa chữa. Trong 2 ngày nữa việc kiểm định sẽ hoàn thành để hướng dẫn người dân sửa chữa hoặc xây lại. Song song đó, UBND quận 12 cũng hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở trong vòng 3 tháng trong thời gian xử lý các công việc tiếp theo đối với 12 hộ bị sập nhà.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, các cơ quan chức năng thống nhất phương án kết thúc giai đoạn điều tra tại hiện trường, di dời toàn bộ các thùng hóa chất còn lại đến một địa điểm khác. Về tình hình xử lý môi trường, thì trong ngày 22/10, các đơn vị liên quan sẽ cùng phối hợp xử lý hóa chất tại hiện trường vụ nổ, tiến hành phun, xịt thuốc tránh ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân nơi đây.
Siết chặt công tác kiểm tra, quản lý hóa chất
Báo cáo chủ tịch UBND TP, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC – Đại tá Trần Thanh Châu cho biết, từ năm 2010 đến 2014, trên địa bàn thành phố xảy ra 7 vụ cháy nổ liên quan đến hóa chất, làm chết 8 người và bị thương 7 người, thiệt hại tài sản trên 40 tỷ đồng. Riêng trong năm 2014 xảy ra 4 vụ, làm chết 7 người, bị thương 6 người, thiệt hại trên 30 tỷ đồng, chưa tính thiệt hại về tài sản của vụ nổ tại công ty Đặng Huỳnh.
Theo Sở Cảnh sát PCCC thành phố, nguyên nhân cháy nổ chủ yếu xuất phát từ quá trình vận chuyển, chế biến và chế tạo thuốc nổ. Công ty Đặng Huỳnh chỉ được phép mua bán giống cây trồng, mua bán vật tư nông nghiệp, mua bán hóa chất; công ty này không được phép sản xuất phân bón tại trụ sở. Nhưng, vụ nổ lại liên quan đến hóa chất mà công ty này mua tự do bên ngoài về chế biến phân bón. Theo như kiểm tra, thì công ty này chỉ hoạt động khi có hợp đồng, mỗi tháng có khi chỉ hoạt động có 4 ngày.
Theo Sở Cảnh sát PCCC thành phố, công tác kiểm tra phòng cháy chữa cháy cho thấy, nhiều nơi công nhân không được trang bị về kiến thức phòng cháy chữa cháy. Đối với hóa chất, có nhiều mặt hàng nhập lậu, không có nguồn gốc, không rõ xuất xứ, không nhãn mác lại rất nhiều, càng nguy hiểm hơn khi đây là những hóa chất có khả năng gây nổ.
Theo thống kê, về các cơ sở kinh doanh, sản xuất hóa chất trên địa bàn thành phố thì có 96 cơ sở nằm trong khu công nghiệp và 249 cơ sở nằm trong các cụm công nghiệp và các công ty độc lập trên địa bàn thành phố. Có 135 cơ sở kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư. Đặc biệt là khu vực xung quanh chợ Kim Biên, quận 5 có tới 51 cửa hàng. Hóa chất tràn lan và người ta có thể mua một cách dễ dàng, ai mua cũng được, đặc biệt là những hóa chất là tiền chất gây nổ.
Video đang HOT
Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân yêu cầu sở Công thương sớm xây dựng đề án quy hoạch khu vực sản xuất, kinh doanh hóa chất trong năm 2014
Nghe báo cáo từ các cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân chỉ đạo các đơn vị chức năng, sở ngành và UBND quận, huyện phải tăng cường kiểm tra, rà soát lại tất cả các địa điểm sản xuất phân bón; các nơi buôn bán, chế biến hóa chất; những địa điểm dễ xảy ra cháy nổ để tránh việc xảy ra những sự việc thương tâm trong thời gian qua. Chủ tịch TP đề nghị sở Công thương phối hợp cùng với đơn vị liên quan, trong năm nay phải trình được đề án quy hoạch khu vực sản xuất, kinh doanh hóa chất xa khu dân cư.
Chủ tịch TPHCM nhấn mạnh đối với một đô thị đặc biệt như TPHCM thì công tác quản lý đô thị phải hết sức cảnh giác, nâng cao tinh thần trách nhiệm. Qua sự việc tại quận 12, phải rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Chính quyền các cấp, ngành công an phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về an toàn cháy nổ, siết chặt công tác quản lý ở địa phương về hộ tịch hộ khẩu. Ngoài việc chăm lo làm ăn, thì bà con phải chú ý đến việc bảo vệ an toàn cho mình và cộng đồng.
Cuối cùng, chủ tịch TP lưu ý các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét việc buôn bán mặt hàng hóa chất, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tiến tới việc kiểm soát đăng ký kinh doanh, người mua, người bán, hóa chất gì, số lượng bao nhiêu để kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán hóa chất.
Tại cuộc họp này, TPHCM cũng đã công bố Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố ngang tầm với các nước trong khu vực do ông Tất Thành Cang, phó Chủ tịch UBND TP làm trưởng ban.
Quốc Anh
THeo Dantri
Điêu đứng sau bão Thần Sấm
Tưởng chừng như vụ này lúa này người dân Lạng Sơn sẽ được mùa. Vậy nhưng, chỉ trong phút chốc thành quả lao động cả năm của không ít người đã bị lũ sau cơn bão số 2 "oanh tạc", hóa thành... bùn đất.
Nghèo thì chẳng mấy chốc...
Những ngày này, mặc dù cơn bão số 2 đã đi qua, nhưng không khí ảm đạm vẫn bao trùm nhiều nơi ở Lạng Sơn.
Dọc tuyến QL4B đi qua một số huyện Lộc Bình, Đình Lập, bà con đang hối hả ra đồng. Ai ai cũng tất bật quang gánh, người ra đồng để gặt, người thì phơi lúa kín khắp cả mặt đường.
Bà con tranh thủ thu hoạch lúa để tránh bị hư hại
Cơn bão số 2 đã gây ra trận lũ lịch sử, không chỉ làm ngập lụt khu vực thành phố Lạng Sơn mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới người nông dân toàn tỉnh Lạng Sơn. Theo thống kê, đã có tới hàng nghìn ha lúa nước bị ngập và hư hỏng, nhiều diện tích bị mất trắng hoàn toàn. Khi nước rút, mặt trời ló lên, bà con đã tranh thủ ra đồng gặt để lúa tránh bị hư hỏng.
Ghi nhận thực tế của PV Dân trí tại Lạng Sơn thì phần lớn những cánh đồng lúa trải dài theo tuyến Quốc lộ 4B đều bị xô đổ, nằm rạp xuống mặt đất sau cơn bão do nước sông dâng, lũ tràn qua. Một số ít diện tích lúa ở trên cao không bị nước sông ngập, nhưng gió bão thổi làm đổ tơi tả gây nên thiệt hại nghiêm trọng.
Lúa đều bị nhuốm đỏ bởi bùn đất
Do nhà neo người nên đến chiều ngày 23/7, chị Hoàng Thị Thanh ở xã Xuân Lễ, huyện Lộc Bình vẫn đang cặm cụi gặt nốt diện tích lúa nước cuối cùng. Gánh lúa trên đôi vai gầy còm của chị Thanh trở nên nặng trĩu khi nhuốm màu đỏ của bùn và cát sỏi.
Chia sẻ với phóng viên, chị Thanh xót xa: "Gia đình tôi có 8 sào ruộng, năm nay có thể thấy lúa tốt hơn mọi năm, ai cũng hí hửng tưởng chừng được mùa. Nhưng công cả năm chăm lụng, vậy mà chỉ sau một đêm, khắp cánh đồng đều chìm nghỉm dưới nước. Lúa chín sớm còn đỡ, chứ nhà tôi lúa còn non, giờ gặt cũng chẳng để làm gì, chắc chỉ để chăn gà vịt thôi."
Hiện, chị Thanh có một người con đang học dưới Hà Nội, một cháu khác năm nay đang vào lớp 12. Theo chị, cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng để nuôi sống. Thỉnh thoảng những lúc rảnh rỗi, nông nhàn chị đi bốc vác, lao động ở các cửa khẩu cũng có đồng ra đồng vào trang trải sinh hoạt.
Anh Lường Văn Thiện ở xã Tân Liên, huyện Cao Lộc đang chở chuyến xe "công nông" đưa lúa về nhà tuốt. Trông cảnh bùn đỏ choét chảy từ thùng xe xuống mặt đường, anh không khỏi xót xa.
Những gì còn lại sau khi cơn lũ lịch sử đi qua
"Làm giàu thì khó nhưng nghèo thì chẳng mấy chốc. Cơn lũ xảy ra chỉ trong vài ngày đã khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân trong làng điêu đứng. Nhà tôi có khá khá ruộng, mỗi năm ngoài gia đình sử dụng, số gạo còn dư ra đem bán thu được hơn chục triệu đồng. Năm nay, khi biết tin cơn bão về, gia đình đã tranh thủ ra đồng nhưng chỉ gặt được hơn 3 sào, diện tích còn lại đều bị ngập nước. Đã trồng thì phải gặt thôi, thử đem về rửa đi xem có dùng được không. Nếu không thì chắc chỉ cho gia súc, gia cầm ăn thôi".
Lao động cả năm hóa... bùn đất
Chiều 24/7, chúng tôi có mặt tại xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng - đây là địa phương vùng cao nhưng thiệt hại về nông nghiệp cũng không nhỏ. Theo ông Mao Xuân Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Kiên, địa phương có địa hình phức tạp nên diện tích để trồng lúa rất ít.
Hơn nữa, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn khoảng 66%, bà con vùng cao chủ yếu thu nhập chính bằng chăn nuôi và làm nương. Tuy nhiên, trận lũ vừa rồi đã khiến rất nhiều diện tích lúa của bà con bị hư hại, ngô của bà con cũng bị đổ sàn sạt xuống đất, nếu không được thu hoạch sớm sẽ bị hư hỏng.
Nhiều điểm sạt lở trên tuyến QL 4B vẫn chưa được khắc phục
Anh Nông Quốc Lập, người dân thôn Co Hương, xã Hữu Kiên (Chi Lăng) cho biết: "Nước lũ đầu nguồn tràn về đã làm rất nhiều lúa và nương ngô của chúng tôi bị phá hoại. Sống ở trên cao nên lúa trồng được đã rất ít, không ngờ lại bị lũ cuốn làm mất trắng. Vụ này lúa tốt lắm, chỉ khoảng một tuần nữa là có thể thu hoạch được thành quả mỹ mãn. Nhưng chỉ trong phút, công sức lao động cả năm đã hóa bùn đất. Giờ những bông lúa đã bết bát, tiếc công sức thì gặt về thôi chứ lúa như này thì dùng thế nào được nữa".
Theo một cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn chủ yếu là lúa, ngô, dưa hấu và một số cây hoa màu khác. Đa phần những cây nông nghiệp này đều chịu ngập kém, đang vào độ thu hoạch nên khi nước lũ tràn về đã gây thiệt hại rất lớn cho bà con
Lúa bết bát bùn đất, người dân chỉ mang về chăn gà vịt
Theo số liệu thống kê từ ngành Nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn, mưa lũ đã làm ngập úng 5.600ha lúa xuân. Trong đó làm mất trắng 2.300ha; hơn 20.000 cây lâm nghiệp bị gãy đổ; trên 100 tấn phân bón bị hư hỏng; trên 2.300 con gia súc bị chết...
Ngoài ra mưa bão cũng khiến 3 tuyến QL và 9 tuyến đường tỉnh lộ bị chia cắt. Trong đó, có tới 130 điểm sạt lở khối lượng trên 100 nghìn m3; 47 công trình thủy lợi và 20 công trình cấp nước bị hư hỏng... Ước tính thiệt hại lên tới 460 tỷ đồng.
Mưa lũ khiến nhiều con sông chảy qua địa bàn bị sạt lở
UBND tỉnh Lạng Sơn đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, ban ngành huy động lực lượng đến hiện trường để hỗ trợ bà con trong công tác khắc phục hậu quả. Trước sự thiệt hại nặng nề về nông nghiệp, tỉnh Lạng Sơn cũng đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 2.000 tấn gạo, một số loại giống, vật tư nông nghiệp và 380 tỷ đồng để giúp bà con ổn định đời sống.
Quốc Cường - Xuân Thái
Theo Dantri
Nội các an ninh Mỹ họp khẩn về thảm kịch máy bay Malaysia Nhà Trắng cho biết ngày 17/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với Ngoại trưởng John Kerry và các thành viên cấp cao trong đội ngũ an ninh quốc gia về vụ máy bay Malaysia bị bắn hạ ở Ukraine. Mỹ đã xác nhận máy bay Malaysia mạng số hiệu MH17 bị hạ bằng tên lửa đất đối không. Nhà Trắng...