Chủ tịch thành phố Hà Nội yêu cầu rà soát việc chặt hạ cây xanh
Chiều nay 18.3, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản gửi Sở Xây dựng yêu cầu cơ quan này rà soát lại việc chặt hạ, thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu rà soát việc chặt hạ, thay thế cây xanh trên nhiều tuyến phố – Ảnh: Lê Quân
Cụ thể, văn bản của UBND TP.Hà Nội nêu rõ, vài ngày gần đây thông tin báo chí phản ánh việc thay thế một số cây xanh đô thị, đồng thời có thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam gửi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nêu một số kiến nghị về việc thay thế cây xanh trên một số tuyến phố.
Về việc này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố, đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ trong quá trình triển khai thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố.
Lê Quân
Theo Thanhnien
Video đang HOT
Người Hà Nội tiếc đứt ruột hàng nghìn cây cổ thụ bị chặt
Vài ngày gần đây, việc chặt hạ để trồng thay thế mới hàng loạt cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối hàng cây gắn bó lâu năm.
Hàng cây xanh quen thuộc trên đường Nguyễn Chí Thanh bị chặt hạ để trồng thay thế cây khác
Theo khảo sát của phóng viên Thanh Niên Online, hàng cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh dài gần 2 km thì đoạn từ cầu vượt Kim Mã đến cổng ĐH Luật Hà Nội đã bị chặt hạ khoảng một tuần nay. Thay vào đó là hàng cây mới trồng cao chừng 6 - 7m, trụi lá. Trước cổng khách sạn Bảo Sơn, khoảng gần 10 công nhân đang lát đá hoàn trả lại vỉa hè sau khi chặt cây cũ, trồng cây mới. Đoạn từ ĐH Luật đến cầu vượt giao với đường Láng, đa số là cây hoa sữa cao hơn 10m cành lá xum xuê tỏa bóng mát chưa bị chặt nhưng đã được đánh dấu "X" chờ hạ.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc chặt hạ cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh nằm trong kế hoạch của đề án cải tạo thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố đã được UBND TP.Hà Nội thông qua từ cuối tháng 1 vừa qua. Cụ thể, trong gần 200 tuyến phố thuộc 10 quận của TP.Hà Nội có hơn 29.600 cây xanh thì nhiều cây bị cong, chết, sâu mục và một số loại không phù hợp như dâu da, dướng, trứng cá, vông... tiềm ẩn nguy hiểm trong mùa mưa bão.
Sau khi sàng lọc, Sở Xây dựng đã đề xuất chặt hạ 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố. Sau khi chặt hạ số cây này sẽ trồng bổ sung cây xanh vào những vị trí hè phố có mặt cắt ngang hơn 2m kết hợp đặt chậu hoa, cây cảnh, bó vỉa gốc cây, đánh số thứ tự để quản lý. Tổng kinh phí chi cho đề án này gồm các việc khảo sát, chặt, trồng cây thay thế, bó vỉa hè, hoàn trả vỉa hè... là hơn 73 tỉ đồng, lấy từ nguồn ngân sách thành phố.
Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, một trong những tuyến phố đầu tiên thực hiện thay thế cây là đường Nguyễn Chí Thanh với 381 cây bóng mát thuộc 15 loài, trong đó chiếm số nhiều là cây hoa sữa với 228 cây, cây keo có 81 cây, số còn lại thuộc 13 loài khác nhau. Do sự thiếu đồng bộ này nên Sở Xây dựng đã đề xuất thay thế toàn bộ số cây trên đường Nguyễn Chí Thanh bằng cây vàng tâm, TP.Hà Nội đã chấp thuận.
Cũng theo ông Dục, trong thời gian tới sẽ đốc thúc các đơn vị được cấp phép xã hội hóa thay thế cây xanh trên các tuyến khác Láng Hạ, Giảng Võ, Trần Nhân Tông, Ngô Thì Nhậm, Trần Hưng Đạo... đều phải hoàn thành trong quý 1 năm nay.
Chị Nguyễn Thị Tạo, 34 tuổi, bán trà đá gần cổng Đài truyền hình Việt Nam than thở: "Chả hiểu sao, hàng cây xanh đang rợp bóng mát lại đi chặt hết để thay thế cây mới. Vài hôm đầu mới chặt, trời còn mưa phùn nên chưa cảm nhận được cái nóng. Hôm nay, trời mới hửng nắng mà đã thấy nóng nực rất khó chịu. Không biết bao giờ loạt cây vàng tâm này mới lớn được như hàng cây cũ. Mùa hè này không biết trốn nóng ở đâu".
Cùng chung nỗi lo giống chị Tạo, ông Nguyễn Văn Quý (45 tuổi), làm nghề xe ôm trước cổng Trung tâm y tế dự phòng chia sẻ, bản thân đã gắn bó với hàng cây gần 5 năm từ khi làm nghề xe ôm, nay hàng cây bị chặt hạ cũng đồng nghĩa phải bỏ nghề hoặc chuyển chỗ vì không có bóng mát trú chân. "Nếu nhà nước có chủ trương thay thế cây xanh đô thị mới thì nên chặt điểm bớt hoặc trồng xen kẽ, chờ cây mới lớn lên hẵng chặt cây cũ. Chặt hạ kiểu cuốn chiếu như hiện nay, mùa hè đi đường nóng sao chịu nổi", ông Quý nói.
Việc chặt hạ cây xanh hàng loạt không chỉ gây xôn xao dư luận ngay trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh mà trên mạng xã hội cũng thu hút rất nhiều thành viên. Tài khoản Facebook của ông Trần Đăng Tuấn - Phó chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam đã đăng một bức thư gửi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội dài hơn 400 chữ nêu ý kiến về việc thay thế hàng loạt cây xanh ở nhiều tuyến phố, trong đó có đường Nguyễn Chí Thanh. Theo ông Tuấn, TP.Hà Nội nên tạm dừng việc chặt hạ cây xanh như kế hoạch đề ra. Đồng thời, thông báo rộng rãi cho người dân, các nhà khoa học biết cụ thể chặt bao nhiêu cây trên mỗi tuyến phố và góp ý chặt cây nào, trồng cây gì, cách thức thay thế đồng loạt hay dần dần...
Cây xanh hai bên đường Nguyễn Chí Thanh đoạn gần hồ Ngọc Khánh đã bị chặt hạ và trồng cây mới
Đoạn đường gần ngã ba Nguyễn Chí Thanh - Nguyễn Công Hoan không một bóng mát
Đoạn đường giao gần ngã tư Nguyễn Chí Thanh - đê La Thành cũng không có bóng mát
Cây vàng tâm mới được trồng xuống cao chừng 6 - 7m chưa biết bao giờ mang lại bóng mát
Trong khi đó, hàng loạt cây hoa sữa xanh tốt tỏa bóng mát rượi phía gần cầu vượt giao với đường Láng bị đánh dấu "X", sắp bị chặt hạ
Đan Hạ
Theo Thanhnien
Rà soát, làm rào chắn tại những "điểm đen" đường sắt liền kề quốc lộ Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ GTVT rà soát Dự án đầu tư xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) giữa đường bộ và đường sắt để tiếp tục đầu tư các vị trí có đường sắt và đường bộ song song liền kề. Dự án đầu tư hệ thống đảm bảo an toàn giao thông...