Chủ tịch Quốc hội: Không chấp nhận làm thuế kiểu “ngứa đâu gãi đó”
“Muốn sửa gì thì phải trình trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Làm lắt nhắt, theo kiểu ngứa đâu gãi đó thì không bao giờ có một hệ thống pháp luật đồng bộ” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói rõ.
Cho rằng việc đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô điện sẽ không thể được Quốc hội thông qua như việc Quốc hội đã từng bác đề xuất về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, Chủ tịch Quốc hội đặt ra vấn đề các bộ, ngành cần tích hợp vào sửa đổi các luật về thuế khi bản thân các luật này đang rất cần phải sửa đổi.
Tài liệu về đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 được Chính phủ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 57 mới đây lên tới 1.815 trang. Không biết có giữ “kỷ lục” về số trang hay không nhưng chắc chắn đề nghị chương trình này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu bởi sự thiếu vắng của nhiều dự luật quan trọng, trong đó có “chùm” các luật về thuế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Tại phiên họp này, giải trình về sự hoàn toàn vắng bóng trong dự kiến chương trình lập pháp năm 2022 của các luật về thuế, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết đã làm việc nhiều phiên với Bộ Tài chính.
“Các anh ấy nói rằng, thuế có liên quan với nhau và chỉ được quy định trong luật thuế thôi. Cho nên, những chỗ nào chưa đúng và có liên quan trực tiếp với nhau, sắc thuế này liên quan đến sắc thuế khác, đặc biệt liên quan đến hệ quả phát triển kinh tế, xã hội tổng thể và của từng ngành, lĩnh vực nên Bộ Tài chính xin phép tiếp tục nghiên cứu.
Chính phủ đang đôn đốc, nếu có những cái thỏa đáng, khả thi thì sẽ đề nghị bổ sung vào chương trình năm 2022″. Là cơ quan “gác cổng” cho Chính phủ nhưng cái khó của Bộ Tư pháp là cũng chỉ là một Bộ thôi, quan trọng nhất vẫn là các Bộ – các chủ thể kiến nghị sửa đổi luật và trình Chính phủ xem xét để báo cáo Quốc hội” – ông Long cho biết.
Dù khó, song nếu không đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các luật thuế như: Luật Thuế Giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… một cách căn cơ sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với hệ thống pháp luật.
Video đang HOT
Một hệ lụy “nhãn tiền” được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ là sự thiếu đồng bộ khi một số luật chuyên ngành có quy định các chính sách ưu đãi thuế đã được Quốc hội ban hành nhưng không thể đi vào cuộc sống, không thực hiện được vì “vướng” các luật thuế.
Đơn cử như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy định doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế nhưng thuế thì phải quy định trong Luật Thuế. Nếu chưa sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì tất cả từ hộ kinh doanh đến doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ như thế nào, được hưởng thuế suất bao nhiêu là chịu, không làm được.
Hay với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, muốn hạn chế rượu, bia thì một giải pháp quan trọng nhất, hiệu quả nhất là phải điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia. Nhưng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì không thể quy định thuế suất bao nhiêu phần trăm đối với mặt hàng này được mà bắt buộc phải quy định trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong khi chờ các luật thuế được sửa đổi căn cơ thì hiện nay nhiều cơ quan quản lý nhà nước lại chỉ muốn trình Quốc hội ban hành các Nghị quyết đơn lẻ, lẻ tẻ để xử lý những việc cụ thể liên quan đến chính sách thuế như Tờ trình số 570 của Chính phủ ngày 29/10/2020 về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, nhưng đã không được Quốc hội chấp thuận.
Trực tiếp nêu vấn đề này tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Muốn sửa gì thì phải trình trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Tại sao các đồng chí không trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt luôn? Không trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng luôn? Cứ làm lắt nhắt, theo kiểu ngứa đâu gãi đó thì không bao giờ có một hệ thống pháp luật đồng bộ được”.
Việc sửa đổi, bổ sung các luật thuế để thực hiện Chiến lược cải cách thuế, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về thuế nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung đã được Trung ương kết luận. Trên cơ sở quan điểm của Trung ương, tại Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2021, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ phải rà soát và sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật thuế.
Sự thiếu vắng hoàn toàn việc sửa đổi các luật thuế trong chương trình lập pháp năm 2021 và 2022 thì chiến lược cải cách thuế sẽ được thực hiện như thế nào? Đặt câu hỏi này, tại phiên họp sáng 14/6, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu các “tư lệnh ngành” về báo cáo, tham mưu với Chính phủ phải cương quyết thực hiện cho được chiến lược về cải cách thuế, trong đó các luật thuế phải được giải quyết một cách cặn kẽ, căn cơ và đồng bộ.
Sửa đổi các luật thuế, chính sách thuế là ví dụ khá điển hình cho thấy tư duy lập pháp, tư duy quản lý của một số bộ, ngành vẫn chưa theo kịp với đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Một số cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn lấn cấn, xử lý tình huống, thiếu tầm nhìn, thiếu tính dự báo trong việc trong xác định các ưu tiên lập pháp. Từ đây, khởi nguồn cho những hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật đã được Quốc hội Khóa XIV tổng kết như còn thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, thiếu tính tiên lượng, tuổi thọ của luật còn ngắn…
Cải cách, hoàn thiện thể chế không chỉ là một trong ba đột phá chiến lược được Đảng ta tiếp tục khẳng định tại Văn kiện Đại hội XIII mà đây chính là “đột phá của đột phá”. Khung khổ thể chế pháp lý minh bạch, hiệu quả không chỉ khơi thông những “điểm nghẽn” mà còn thúc đẩy mọi nguồn lực phát triển đất nước.
Tại Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần khẳng định quan điểm dứt khoát của Quốc hội là phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động lập pháp. Trong đó, kỷ luật, kỷ cương phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, phải cá thể hóa trách nhiệm ở từng công đoạn của quy trình lập pháp để cơ quan soạn thảo, cơ quan trình đề xuất xây dựng luật phải đoạn tuyệt với tư duy lập pháp kiểu “ăn đong, chập chững”.
Người đứng đầu Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan thẩm tra của Quốc hội phải thực hiện đúng vai trò “gác cổng” của mình, kiên quyết không chấp nhận các đề xuất xây dựng luật và các dự luật không bảo đảm chất lượng.
'Đẩy mạnh tìm kiếm nguồn vaccine ngừa Covid-19'
Để sớm đạt miễn dịch cộng đồng tiến tới mở cửa nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tìm kiếm nguồn cung vaccine.
Chiều 13/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội và một số cơ quan của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đánh giá của Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách về tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội, hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện nhằm hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp cũng như các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tổng cộng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 9 nghị quyết, văn bản về các nội dung này. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42 và Nghị quyết số 154 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì Covid-19 và nhiều chính sách mang tính chất trực tiếp và gián tiếp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị có kế hoạch tiêm vaccine cụ thể. Ảnh: Doãn Tấn.
Theo đánh giá, việc ban hành các chính sách đã góp phần khắc phục khó khăn cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhất là các chính sách về giảm, giãn, hoàn thuế. Cả nước đã gia hạn hơn 99.000 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất đối với 57.000 hộ kinh doanh và tiền thuê đất cho hơn 128.000 doanh nghiệp.
Ngoài ra, hơn 19.000 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt trong năm 2020 đối với ôtô cũng được gia hạn.
Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ thuế đã kịp thời giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, bảo đảm cho tăng trưởng và nguồn thu cho các doanh nghiệp và ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo Thường trực Ủy ban, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ vẫn còn nhiều vướng mắc, tỷ lệ giải ngân thấp.
Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ sớm tổng kết đánh giá các gói hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó có cả khối đơn vị sự nghiệp, khu vực kinh tế phi chính thức, tổng hợp để báo cáo tại kỳ họp Quốc hội.
Phân tích tình hình kinh tế - xã hội quốc tế, khu vực khi nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đã tiêm chủng vaccine diện rộng, tiến tới mở cửa nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ quan điểm của Bộ Chính trị là tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép".
Trong đó, mục tiêu cao nhất là phòng chống dịch, bảo đảm sức khoẻ cho người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn tài chính, ngân hàng và nợ công. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện giải pháp 5K công nghệ và coi vấn đề tiêm chủng vaccine là chiến lược; nghiên cứu vaccine cho trẻ em.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị có kế hoạch, lịch trình tiêm vaccine cụ thể để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong tìm kiếm nguồn cung vaccine.
Để góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chính sách hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng vì Covid-19 nói riêng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ sớm có kịch bản tăng trưởng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Ông Huệ cũng đề nghị tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế số và kích cầu nội địa; không chủ quan với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, tiếp tục tăng cường phối hợp hiệu quả trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, quan tâm kiểm soát bong bóng tài sản...
Chủ tịch Quốc hội: lên kế hoạch tiêm vắc xin để sớm đạt miễn dịch cộng đồng Quan điểm của Bộ Chính trị là tiếp tục thực hiện giải pháp 5K công nghệ và coi vấn đề tiêm chủng vắc xin là chiến lược và nghiên cứu vắc xin cho trẻ em. Có kế hoạch, lịch trình cụ thể để tiêm vắc xin nhằm sớm đạt được miễn dịch cộng đồng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì...