Chủ tịch Quốc hội gợi ý Thanh Hoá thí điểm thuế nhà ở
Theo ông Vương Đình Huệ, khi được trao cơ chế đặc thù, Thanh Hóa có thể đi đầu thí điểm đề án thuế nhà ở, sau này áp dụng cho Hà Nội, TP HCM.
Gợi ý này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra khi góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hoá, sáng 16/9.
Theo dự thảo nghị quyết, tỉnh Thanh Hoá được đề xuất hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản côn g để đầu tư hạ tầng, kinh tế của tỉnh. Đề xuất này tương tự chính sách đang áp dụng với TP HCM.
Thường trực Ủy ban Tài chính khi thẩm tra đề nghị bổ sung quy định chỉ để lại 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chi phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc trình Quốc hội ban bành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa là hoàn toàn có đủ cơ sở chính trị và pháp lý. Ông cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo có thể rộng hơn, điều chỉnh cả về tổ chức bộ máy.
Video đang HOT
Thành phố Thanh Hoá. Ảnh: Lê Hoàng
Chẳng hạn, về tài chính, ông Huệ gợi ý Thanh Hoá nghiên cứu thí điểm chính sách thuế tài sản (thuế nhà ở) tại khu vực đô thị. Dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) ông Huệ cho rằng, thuế nhà chỉ phát huy tốt nếu áp dụng ở địa phương cụ thể, chứ không nên triển khai cả nước, vì số thu thuế không lớn (khoảng 2.500 tỷ đồng) nhưng chi phí để thu thuế rất tốn kém.
“Thuế nhà chỉ nên áp dụng thí điểm cho chính quyền đô thị lớn. Thanh Hoá nên nghiên cứu thí điểm chính sách này ở khu vực đô thị để có thêm nguồn thu”, ông gợi ý.
Nếu Thanh Hoá thí điểm thành công áp dụng thuế nhà ở, sau này có thể nghiên cứu áp dụng cho Hà Nội, TP HCM.
Theo các chuyên gia, nếu áp dụng thuế tài sản sẽ là công cụ hữu hiệu để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản, nhưng đòi hỏi dữ liệu thị trường phải thật chuẩn xác. Đây là loại thuế đánh trực tiếp lên người sở hữu bất động sản chứ không phải thuế chuyển nhượng bất động sản, nên sẽ hạn chế được đầu cơ vào thị trường này và lo ngại tăng giá bất động sản khi thêm thuế này khó xảy ra.
Năm 2017, Chính phủ từng đề xuất thí điểm thuế tài sản (nhà ở) tại TP HCM khi xin cơ chế đặc thù cho địa phương này, song vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, nên chính sách này không được thực hiện.
Năm 2018, Bộ Tài chính cũng đưa ra dự thảo Luật Thuế tài sản trình Chính phủ với mục tiêu điều tiết nhóm có thu nhập cao, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà, đất và chống thất thoát lãng phí trong quản lý tài sản công, nhà đất công. Tuy nhiên, chính sách này sau đó không được cấp thẩm quyền phê duyệt và đặc biệt, nhận được nhiều phản đối từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật này nếu ban hành, khó đạt mục tiêu điều tiết thu nhập của người nhiều nhà ở mà lại ảnh hưởng tới người nghèo, người chỉ có một căn nhà.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Uỷ ban Tài chính ngân sách tiếp thu, cùng Bộ Kế hoạch & Đầu tư hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 tới.
Nhiều trường học ở Thanh Hóa bỏ hoang
Sau đề án sáp nhập, 8 trường THPT ở Thanh Hóa đang bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí tài sản công.
Thực hiện đề án sắp xếp các trường THPT công lập đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đã sáp nhập, giải thể 13 trường học, từ 101 hiện còn 88. Đề án nhằm giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức.
Sau sáp nhập, tỉnh có 8 công trình dôi dư, hầu hết được bàn giao cho các địa phương quản lý, song đến nay đang bị bỏ hoang.
Trường THPT Đinh Chương Dương, huyện Hậu Lộc, giải thể năm học 2018-2019 với lý do "vị trí và quy mô không phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh". Năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi hơn 10.800 m2 đất của trường cũ giao cho địa phương quản lý.
UBND huyện Hậu Lộc có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp nhận, quản lý tài sản được bàn giao, lập phương án đưa quỹ đất vào sử dụng. Tuy nhiên, hai năm qua, công trình này bỏ hoang, không có người trông coi bảo quản khiến xuống cấp nghiêm trọng, nhiều bức tường mọc rêu, nứt nham nhở, cây cối cỏ dại mọc um tùm.
"Trường bỏ hoang lâu rồi, gần đây tạo thành điểm cho người ta đổ rác, gây ô nhiễm mỗi trường, mất mỹ quan đô thị...", anh Đỗ Huy Vang, khu 3 thị trấn Hậu Lộc, phản ánh.
Phế thải đổ đầy sân trường THPT Đinh Chương Dương cũ. Ảnh: Lê Hoàng.
Lãnh đạo Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Hậu Lộc cho biết, huyện đang tính toán, báo cáo tỉnh xin thanh lý tài sản của trường THPT Đinh Chương Dương để tổ chức đấu giá đất ở. Tuy nhiên, do đang vướng một số quy định về quản lý tài sản công nên chưa thực hiện được.
Huyện Hoằng Hóa có hai trường THPT Lê Viết Tạo và THPT Lưu Đình Chất thuộc diện dôi dư, đã sáp nhập. UBND huyện đang lên kế hoạch chuyển đổi thành mô hình trường liên cấp chất lượng cao tại trường Lê Viết Tạo cũ, còn trường Lưu Đình Chất chưa được tỉnh thu hồi, bàn giao.
Theo ông Nguyễn Văn Duy, Phó trưởng phòng Tài chính Kế hoạch huyện Hoằng Hóa, tài sản cả hai ngôi trường vẫn còn tương đối tốt, song hiện giao cho các xã quản lý nên không tránh khỏi tình trạng xuống cấp.
Ông Lê Duy Hiếu, Phó trưởng phòng Quản lý công sản - giá cả, Sở Tài chính Thanh Hóa, cho hay với 8 trường thuộc diện dôi dư đã sáp nhập, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với ngành giáo dục chuyển giao 6 trường cho các địa phương quản lý sử dụng. Hai trường THPT Lưu Đình Chất (Hoằng Hóa) và THPT Trần Ân Chiêm (Yên Định) do vướng một vài thủ tục nên chưa được chuyển giao.
UBTVQH xem xét điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính Phiên họp thư 55 của Ủy ban Thương vụ Quôc hôi (UBTVQH) đươc khai mạc sáng nay (27/4) sẽ xem xét, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định việc thành lập, điều chỉnh địa giới một...