Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Phải tôn trọng những ý kiến khác biệt
Sáng 2.12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổ đại biểu số 1, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri quận 1 (TP.HCM) sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi bà con cử tri quận 1
Là cử tri đầu tiên đăng ký phát biểu, ông Lê Văn Minh cho biết có 3 vấn đề còn nhiều trăn trở, đó là bội chi ngân sách, phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, chất vấn và trả lời chất vấn.
“Tỷ lệ bội chi Quốc hội đã thông qua rồi, giờ phải tăng cường giám sát như thế nào để mang lại hiệu quả? Tiết kiệm thì tiết kiệm như thế nào? Chống lãng phí thì chống ra sao?”, ông nói, và đề nghị: “Quốc hội cần phải thay đổi cách giám sát để tránh các hậu quả tiêu cực sau này; cần phải đi đến cùng các vấn đề một cách cụ thể”.
“Cách điều hành cần phải kiên quyết hơn bởi có những chất vấn về vấn đề cũ, trong khi đó không thấy các vị Bộ trưởng sửa chữa những bất cập của ngành”, ông Minh đề nghị thêm, vì theo ông “có những trả lời rất tốt (Bộ trưởng trả lời chất vấn – PV) nhưng cử tri vẫn thấy không ngon lành”.
Video đang HOT
Cử tri quận 1 phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri – Ảnh: Diệp Đức Minh
Cử tri Trần Quang Tuấn lo ngại về tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời đòi hỏi các vị đại biểu Quốc hội và Trung ương phải hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn “chứ không chỉ dừng lại ở mức chia sẻ, đồng cảm với bức xúc của người dân”.
“Chúng ta nói nhiều về đột phá nhưng không thấy người đột mà chỉ thấy người phá. Nói quyết liệt nhưng không thấy ai quyết cho nên mọi chuyện nó cứ liệt”, ông Tuấn nói thêm.
Nhiều ý kiến cử tri tiếp tục phản ánh chất lượng nền giáo dục còn nhiều bất cập, bệnh viện quá tải, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, môi trường ô nhiễm, chưa có văn hóa từ chức…
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận các ý kiến phản ánh của cử tri; đồng thời cho biết sẽ chuyển tải đầy đủ đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương để xem xét, giải quyết, chấn chỉnh trong thời gian tới.
Liên quan đến ý kiến của cử tri về việc thông qua Hiến pháp mới nhưng tỷ lệ đồng thuận của đại biểu Quốc hội không đạt 100%, Chủ tịch nước cho rằng: “Chúng ta phải tập và phải tôn trọng những ý kiến khác nhau; cần phải biết lắng nghe, tranh luận để tìm tiếng nói chung, chứ trong hội trường ý kiến đồng thuận 100% nhưng bước ra cổng thì lại ý kiến khác, như vậy là nguy hiểm”.
Chủ tịch nước cho biết sẽ nghiên cứu cách tiếp xúc cử tri hay hơn, hiệu quả hơn nhằm đáp ứng đầy đủ nguyện vọng của bà con cử tri “chứ thư từ mà kính chuyển miết thì cũng gay go”.
Theo TNO
'Bất cứ ai tham nhũng đều sẽ xử nghiêm'
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13, chiều 16.10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri H.Vĩnh Bảo để thông báo những nội dung chính của kỳ họp thứ 6 cũng như lắng nghe và giải đáp kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau buổi tiếp xúc cử tri H.Vĩnh Bảo (Hải Phòng) chiều qua - Ảnh: TTXVN
Tại cuộc tiếp xúc, các cử tri H.Vĩnh Bảo đề nghị với Thủ tướng xem xét việc triển khai kịp thời, chặt chẽ các chính sách đối với người có công, đặc biệt, cần khẩn trương hơn trong việc công nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, để các mẹ được hưởng chế độ lúc cuối đời. Về chủ trương xây dựng nông thôn mới, cử tri Lê Thuận (xã Tam Đa) cho biết: đời sống nông dân đang rất khó khăn vì vật tư nông nghiệp tăng giá, trong khi sản phẩm bán rẻ, thu nhập mỗi sào ruộng chỉ 300.000 - 500.000 đồng mỗi vụ, bằng "vài ngày đi làm thuê" nên ở nhiều nơi nông dân đã bỏ ruộng hoặc "thuê người cấy hộ để đi làm thuê".
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng, Thủ tướng ghi nhận và tiếp thu ý kiến tâm huyết của các cử tri Hải Phòng, đồng thời thông báo một số nét chính về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Thủ tướng khẳng định nước ta đang phát triển trên nhiều lĩnh vực, dự kiến GDP năm nay tăng 5,4%, bình quân 3 năm qua tăng khoảng 5,6% - bằng mức tăng trưởng của các nước ASEAN. Năm nay, đã có 2,3 triệu sinh viên được vay 40.000 tỉ đồng để đi học; 71% người dân đã được mua bảo hiểm y tế; mỗi năm giải quyết hơn 0,5 triệu việc làm; hộ nghèo giảm mỗi năm 2%...
Liên quan đến xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng nêu rõ, xây dựng nông thôn mới chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đảm bảo nâng cao đời sống vật chất cho người dân nông thôn. Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối, tăng nguồn lực đầu tư để phục vụ cho Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như xem xét, điều chỉnh các tiêu chí về nông thôn mới cho phù hợp với tình hình thực tế. Thủ tướng đề nghị Hải Phòng tiếp tục phát huy tinh thần chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Đề cập tình trạng tham nhũng, tiêu cực, Thủ tướng nhắc đến vụ án tại Tổng công ty hàng hải Việt Nam: "Có cán bộ tham ô hàng triệu đô la để mua nhà cho bạn gái. Đó là những cái ung nhọt trong một cơ thể, dù đau xót đến đâu cũng phải cắt bỏ. Bất cứ ai tham nhũng thì đều sẽ xử nghiêm".
Theo TNO
Bộ trưởng GD-ĐT: Học giả, bằng thật... là có thật Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: "Chúng tôi đã tham gia xác minh, phát hiện khá nhiều trường hợp bằng cấp giả mạo". Tại phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 20/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tham gia giải trình thêm về câu hỏi của ĐB Quốc hội về nạn học giả, bằng thật, mua...