Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam
Sáng 3/6, tại Phủ Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân đã chủ trì buổi Lễ trao quyết định bổ nhiệm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định bổ nhiệm chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho Thượng tướng Nguyễn Tân Cương.
Cùng dự buổi Lễ có Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, gồm có: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội…
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao quyết định bổ nhiệm Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, giữ chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Phát biểu chúc mừng và giao nhiệm vụ cho Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương là cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được đào tạo cơ bản, được rèn luyện, thử thách qua nhiều cương vị công tác. Trên mọi cương vị được giao, đồng chí Nguyễn Tân Cương đều hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ.
Video đang HOT
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chúc mừng và giao nhiệm vụ cho Thượng tướng Nguyễn Tân Cương – tân Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam
Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng hiện nay đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi Quân đội nhân dân phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Các lực lượng vũ trang, trong đó có quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, thường xuyên nâng cao cảnh giác, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, đập tan mọi âm mưu của kẻ thù, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cuộc sống bình yên của nhân dân.
Đối với cá nhân Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân; nỗ lực cùng Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng làm tốt hơn nữa công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm Quân đội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương – Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu nhận nhiệm vụ.
Phát biểu tại buổi lễ, bày tỏ cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất đến Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các ban, bộ, ngành và cá nhân đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương khẳng định luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; ra sức tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời hứa tiếp tục nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên từng cương vị công tác; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương chúc mừng Thượng tướng Nguyễn Tân Cương.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, sinh ngày 12/2/1966; quê quán: xã Tiên Ngoại, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng tham mưu… chúc mừng Thượng tướng Nguyễn Tân Cương.
Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí đã đảm nhiệm các chức vụ: Từ 2011-2013: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XI, Tư lệnh Quân đoàn 1; năm 2012: Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 1; từ tháng 11/2014: Thiếu tướng, Tư lệnh Quân khu 4; Năm 2016: Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII (1/2016), Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 4; Từ tháng 11/2018: Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Từ tháng 12/2019: Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Từ tháng 1/2021: Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Ngày 30/1/2021: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026./.
Vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm vào sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh
Sáng 19-3, tại TP Đông Hà, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Chiến thắng Đường 9-Nam Lào 1971-Giá trị lịch sử và hiện thực".
Chủ trì hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, đồng Trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4. Đồng chủ trì hội thảo có Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tham dự hội thảo có các đồng chí: Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng; hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.
Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược
Hội thảo nhận được hơn 80 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; các cơ quan Trung ương, các địa phương; các tướng lĩnh, sĩ quan, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Hội thảo khẳng định: Mùa Xuân 1971, đế quốc Mỹ và chế độ ngụy quyền chủ trương tổ chức cuộc hành quân Lam Sơn 719 nhằm thực hiện 3 mục tiêu chiến lược: Kéo dài, mở rộng chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Đông Dương, dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương; thử thách và chứng minh ngụy quân Sài Gòn đủ khả năng thay thế vai trò của quân Mỹ trên chiến trường; phá hủy, ngăn chặn sự tiếp tế của miền Bắc cho cách mạng miền Nam, đi đến cô lập, bóp nghẹt cuộc kháng chiến.
Tiến hành cuộc hành quân Lam Sơn 719, quân Mỹ và quân ngụy đã huy động những đơn vị thiện chiến nhất, bao gồm 55.000 quân, trong đó có 15.000 quân Mỹ. Toàn bộ lực lượng trên được tổ chức thành 11 trung đoàn bộ binh, trong đó 10 trung đoàn quân ngụy, 1 trung đoàn bộ binh Mỹ, 2 thiết đoàn thiết giáp với 578 xe tăng, xe bọc thép, 21 tiểu đoàn pháo... Với lực lượng mạnh, chuẩn bị hậu cần chu đáo, đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy hy vọng sẽ giành được thế chủ động tiến công trước khi Quân Giải phóng miền Nam cơ động đến chiến trường.
Các đại biểu dự hội thảo trao đổi trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh: TRẦN KHÁNH
Trước tình hình trên, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương kịp thời quyết định mở chiến dịch phản công, nhanh chóng thành lập Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9-Nam Lào bảo đảm tập trung lực lượng lớn cho chiến dịch, gồm: 5 sư đoàn bộ binh, 26 trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng và hàng chục trung đoàn, tiểu đoàn tại chỗ thuộc Đoàn 559, Mặt trận Đường 9-Bắc Quảng Trị (B5), Quân khu Trị-Thiên (B4)... cùng phối hợp tác chiến với lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân Lào.
Quá trình chiến đấu, quân, dân ta phối hợp chặt chẽ với nhân dân các bộ tộc và LLVT cách mạng Lào, mở chiến dịch phản công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân Lam Sơn 719 của quân ngụy (được Mỹ yểm trợ) ra khu vực Đường 9-Nam Lào. Trải qua 3 đợt chiến đấu, với sự phối hợp của LLVT cách mạng và nhân dân Lào, bộ đội ta chiến đấu kiên quyết, chặn đánh, bẻ gãy nhiều mũi tiến công trên các hướng của địch; bao vây, chia cắt, cô lập và tiến công tiêu diệt địch, giành thắng lợi lớn, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch, bảo vệ vững chắc tuyến vận chuyển chiến lược Trường Sơn.
Trải qua hơn 50 ngày đêm chiến đấu liên tục (từ ngày 3-1 đến 23-3-1971), quân và dân Mặt trận Đường 9-Nam Lào đã giáng nhiều đòn chí mạng vào quân địch, tiêu diệt 2 lữ đoàn, 1 trung đoàn và 5 tiểu đoàn bộ binh, 4 thiết đoàn tăng thiết giáp, 8 tiểu đoàn pháo binh; đánh thiệt hại nặng 2 trung đoàn bộ binh, 1 liên đoàn biệt động quân, 1 lữ đoàn và 3 tiểu đoàn khác; loại khỏi vòng chiến đấu hơn 21.000 tên địch (bắt 1.142 tên). Lực lượng không quân, tăng thiết giáp Mỹ và ngụy bị tổn thất nặng nề... Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược to lớn cả về quân sự và chính trị, tác động mạnh mẽ đến cục diện chung trên chiến trường 3 nước Đông Dương.
Khẳng định tình đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào
Xuất phát từ quan điểm khách quan, khoa học, dựa trên những tư liệu tin cậy và bằng phương pháp nghiên cứu đúng đắn, hội thảo khoa học đã nhìn nhận một cách đầy đủ, sâu sắc và có sức thuyết phục về tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi của Chiến thắng Đường 9-Nam Lào; cung cấp những cứ liệu quan trọng để bổ sung vào kho tư liệu lịch sử dựng nước, giữ nước và quan hệ quốc tế của dân tộc ta. Thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào 1971 là minh chứng cho tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt, sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của quân và dân hai nước Việt Nam-Lào nói chung, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savanakhẹt nói riêng. Trung ương Đảng hai nước khẳng định: "Thắng lợi ở Đường 9-Nam Lào đã đánh gục vai trò nòng cốt của quân ngụy trong âm mưu "dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương" của Mỹ, mở ra triển vọng mới cho cách mạng Lào và toàn bộ chiến trường Đông Dương. Chiến thắng Đường 9-Nam Lào không chỉ khẳng định sức mạnh to lớn của quân đội và nhân dân Việt Nam mà còn là sự khẳng định sức mạnh vĩ đại của tình đoàn kết Việt Nam-Lào trong suốt cuộc kháng chiến".
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Trần Khánh
Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, quân và dân Việt-Lào từng bước đánh bại các cuộc tiến quân, bẻ gãy từng hướng tiến công của địch. Trên tất cả các hướng, quân dân hai nước Việt Nam-Lào đã triển khai thế trận, bố trí sẵn lực lượng tại các khu vực được phân công theo phương án tác chiến chung, phối hợp tiến công quyết liệt vào các vị trí của địch, tiêu diệt địch và làm chủ nhiều vị trí quan trọng, làm đảo lộn kế hoạch phối hợp chiến đấu của địch, tạo điều kiện để quân và dân hai nước đẩy mạnh tiến công, giành thắng lợi.
Chiến thắng Đường 9-Nam Lào là minh chứng sinh động cho thấy tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam-Lào trở thành quy luật để đánh thắng quân xâm lược và giữ gìn độc lập, tự do của mỗi nước. Nhận thức rõ quy luật đó, Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân hai nước thường xuyên củng cố, tăng cường và làm sâu sắc mối quan hệ đoàn kết, cùng giúp nhau xây dựng đất nước giàu mạnh.
Những bài học kinh nghiệm quý báu
Tham luận của các đại biểu tại hội thảo tập trung khái quát, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng, củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân (ANND). Đây thực sự là những bài học kinh nghiệm quan trọng trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh (QPAN) hiện nay.
Đó là bài học về sự chỉ đạo chiến lược và chiến dịch tài tình, sắc bén trên cơ sở nắm vững tình hình địch, phán đoán chính xác âm mưu, khả năng, ý đồ hành động của chúng, đề ra chủ trương, quyết tâm và kế hoạch tác chiến đúng, kịp thời. Vận dụng trong xây dựng quân đội ngày nay, chính là quân đội phải nắm chắc, dự báo chính xác, đánh giá đúng tình hình, nhất là những diễn biến phức tạp liên quan, tác động đến QPAN của đất nước; kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, có biện pháp đối phó hiệu quả với mọi tình huống xảy ra, kiên quyết không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Chiến thắng Đường 9-Nam Lào còn cho thấy bài học về sự chủ động chuẩn bị chiến trường và phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng cơ động kết hợp với lực lượng tại chỗ, của các binh chủng, của 3 thứ quân trong suốt quá trình thực hành chiến dịch. Do đó, hiện nay, chúng ta phải coi trọng xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, có chiều sâu; đồng thời, tích cực xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận ANND trên từng địa bàn, nhất là những địa bàn trọng điểm, chiến lược, nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT nhân dân...
Qua Chiến thắng Đường 9-Nam Lào, chúng ta thấy rằng, vấn đề tổ chức lực lượng chủ lực cơ động chiến lược luôn là vấn đế cốt yếu trong suốt quá trình xây dựng quân đội. Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ, vận dụng hiệu quả, nhất là hiện nay chúng ta đang thực hiện xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân, binh chủng, lực lượng; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng "tinh, gọn, mạnh"; đến năm 2030 xây dựng một số quân, binh chủng, lực lượng hiện đại; phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Chiến thắng Đường 9-Nam Lào cũng đã để lại bài học sinh động về liên minh đoàn kết chiến đấu giữa 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Đây là di sản lịch sử quý báu, góp phần quan trọng vào hình thành, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt, trong sáng, thủy chung giữa 3 dân tộc. Chân lý đó vẫn còn nguyên giá trị trong quan hệ quốc tế cũng như đối ngoại quốc phòng của Quân đội ta.
Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương khẳng định: Chiến thắng Đường 9-Nam Lào là kết quả của nhiều nhân tố. Đó là sự lãnh đạo tài tình, thao lược của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, tinh thần chiến đấu anh dũng của các lực lượng tham gia chiến dịch, thành quả của liên minh chiến đấu 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia... 50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và những bài học lịch sử rút ra từ thực tiễn chỉ đạo, tổ chức, điều hành Chiến dịch Đường 9-Nam Lào vẫn có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, đòi hỏi quân đội có sự kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp trong sự nghiệp củng cố QPAN, góp phần xây dựng Quân đội ta cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới.
Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, đòn chí mạng vào nguỵ quân Sài Gòn Hôm nay (19/3), tại TP Đông Hà, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 giá trị lịch sử và hiện thực. Tham dự hội thảo có Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Lê Quang Tùng, Ủy...