Chủ tịch nước “sánh bước yêu thương” cùng người khuyết tật
Sáng 1/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo và hơn 6.000 người dân TPHCM đã tham gia chương trình đi bộ gây quỹ từ thiện “Sánh bước yêu thương” nhằm hưởng ứng ngày khuyết tật thế giới 3/12.
Các em nhỏ tham gia chương trình trong vòng tay Chủ tịch nước
Mở đầu chương trình mang đậm ý nghĩa nhân văn này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các cán bộ cấp cao và người dân thành phố mang tên Bác được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc do người khuyết tật biểu diễn, chứng kiến nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thành phố đóng góp những “đồng tiền công đức” trong chương trình “Heo đất yêu thương”.
Linh mục Phan Khắc Từ, Giám đốc Quỹ Vì trẻ em khuyết tật (VTEKT) chia sẻ: “Các em cần chúng ta bảo vệ sự sống khi mà các em không thể tự sống đó là trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, trẻ bị bại não, bị xương thủy tinh, trẻ em bị ung thư. Các em cần chúng ta giúp sức để các em được đến trường trên đôi nạng, trên chiếc xe lăn, được bạn cõng vào lớp học vì gia đình quá nghèo. Các em cần có việc làm, cần một con đường để bước vào đời. Các em khuyết tật tài năng thì cần được bảo trợ để thăng tiến”.
Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Chủ tịch UBND TPHCM – gửi lời động viên, lời chúc sức khỏe và những điều tốt đẹp nhất đến những người đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật sống khỏe mạnh, hội nhập tốt với xã hội.
“Hiện tại, bên cạnh chúng ta có hơn 6 triệu người khuyết tật trên cả nước cần được giúp đỡ. Cơ thể không lành lặn, mắt có thể không nhìn thấy, tai không thể nghe, nhưng trái tim, trí tuệ của người khuyết tật vẫn luôn sáng người. Hãy trao cho người khuyết tật những cơ hội tình thương, họ sẽ sống bình thường như chúng ta”, bà Hồng nhấn mạnh.
12 gương mặt tài năng của trẻ em khuyết tật Việt Nam nhận phần thưởng cao quý từ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng 12 phần thưởng cao quý cho 12 tấm gương tiêu biểu cho trẻ em khuyết tật các vùng miền khắp cả nước. Các em là những tấm gương tiêu biểu do Quỹ Vì trẻ em khuyết tật chọn trong chương trình học bổng “Hỗ trợ tài năng khuyết tật Việt Nam”.
Sau chương trình khai mạc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn người đẩy xe lăn cho người khuyết tật, người sáng mắt dắt tay người mù cùng sánh bước yêu thương là một minh chứng hùng hồn cho sự cao đẹp và là thông điệp kêu gọi xã hội hãy cùng sánh bước yêu thương người khuyết tật.
Đoàn người đi bộ sánh bước với người khuyết tật trên “cung đường yêu thương” ven hồ Bán Nguyệt với hơn 6.000 “hoa hướng thiện” trên tay mỗi người, hành trình qua cầu “Ánh sao nhân ái” để bước vào “công viên nghị lực sống”.
Video đang HOT
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng nhiều cán bộ cao cấp khác hòa cùng 1.000 em học sinh ngồi viết thư, ghi lời cầu chúc, ước nguyện cho người khuyết tật Việt Nam trong “Vườn hoa hướng thiện”. Hơn 5.000 hoa hướng thiện được người dân viết lời yêu thương, chia sẻ ước nguyện sẽ được gửi đến tận tay của người khuyết tật.
Trong ngày hội “Sánh bước yêu thương” còn có nhiều hoạt động khác vì người khuyết tật như: triển lãm về 100 tấm gương khuyết tật Việt Nam, đêm nhạc “Ngôi sao yêu thương” tại sân khấu Lan Anh với sự biểu diễn của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng nhằm gây quỹ giúp đỡ tài năng khuyết tật Việt Nam.
Được biết, chương trình “Sánh bước yêu thương” sẽ hành trình qua 6 tỉnh, thành: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Quảng Trị trong năm 2014 để gây quỹ giúp đỡ các trẻ em khuyết tật tại đây.
Một số hình ảnh tại chương trình mà PV Dân trí ghi lại:
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng Linh mục Phan Khắc Từ, Giám đốc Quỹ vì trẻ em khuyết tật
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hỏi thăm sức khỏe, động viên các gương mặt tài năng của trẻ em khuyết tật Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM (bên trái) và bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đẩy xe lăn cho các gương mặt tài năng khuyết tật Việt Nam
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết thư, ghi lời chúc, ước nguyện cho người khuyết tật Việt Nam
Các bạn học sinh và những lá thư tạo nên “Vườn hoa hướng thiện” ấm áp tình yêu thương.
Công Quang – Quốc Anh
Theo Dantri
Gia đình "1 ông 2 bà" kì lạ ở Bắc Giang
Qua 7 lần mang thai, sinh nở nhưng đều không may mắn đảm nhận thiên chức làm mẹ, bà Nguyễn Thị Hồng (thôn Trung Hưng, xã Mai Trung, Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đưa ra quyết định táo bạo: tìm vợ lẽ cho chồng.
Chuyện ngỡ như đùa về tình cảm "một ông hai bà" vẫn sống thuận hòa đến nay được người dân xã ở địa phương kể tường tận. Nhìn vào cuộc sống hiện tại của họ, ít ai ngờ được rằng hạnh phúc ấy được đánh đổi bằng rất nhiều cay đắng, xót xa, bằng những cố gắng và cả lòng vị tha, nhân ái của những người trong cuộc.
Luật của trái tim
Ông Nguyễn Văn Thông, trưởng thôn Trung Hung (xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) cho biết: "Gia đình ông Thục không thể đem ra làm gương điển hình được vì vi phạm chế độ một vợ một chồng nhưng họ có nhiều thứ mà gia đình khác phải nhìn vào noi theo về cách sống thuận hòa và nuôi con ngoan ngoãn. Ở đây, ai cũng biết họ đã vi phạm luật hôn nhân và gia đình nhưng dân làng và chính quyền địa phương không ai che trách, phàn nàn. Bởi dân làng cũng thương cảm cho thân phận của ba con người trong ngôi nhà nhỏ ấy".
Ký ức đau buồn
20 tuổi, bà Nguyễn Thị Hồng xây hạnh phúc với ông Nguyễn Văn Thục, người cùng làng. Hạnh phúc tiếp tục mỉm cười khi bà Hồng có thai đứa con đầu tiên. Thế nhưng, đứa bé ấy sau vài ngày chào đời thì mất, bắt đầu chuỗi ngày đau thương mà họ phải gánh chịu đến suốt cuộc đời. Bởi 6 lần mang thai tiếp theo, bà Hồng liên tục bị sẩy.
Ông Thục hạnh phúc bên 2 bà vợ và con nhỏ. Ảnh TG
Bà Hồng cho biết: "Tôi cũng không hiểu sao số mình lại khổ về đường con cái như vậy. Lúc đó may nhờ có chồng động viên gắng vượt qua, tìm đủ các thầy thuốc giúp nhưng đều bất lực. Có người ác khẩu còn bảo do vợ chồng còn nợ nần gì ở kiếp trước nên kiếp này phải trả. Mỗi lần nghe dân làng phao tin, tôi càng thương cho phận mình và người chồng trót vướng hệ lụy". Dù canh cánh trong lòng nỗi đau và dằn vặt chuyện con cái nhưng sợ vợ lo lắng, buồn tủi thêm nên ông Thục luôn động viên và chăm sóc bà Hồng tận tình, chu đáo. Ông kể: "Ở làng quê này, chuyện không có con là cả một nỗi tủi nhục. Thế nên tôi càng thương vợ hơn. Có mấy người trong làng gợi ý tôi đi "gửi' con với người đàn bà khác nhưng lương tâm mình không cho phép. Đôi lần bà ấy còn bảo tìm vợ hai cho chồng nhưng tôi không bằng lòng".
Năm 1978, chiến tranh biên giới nổ ra, theo lệnh tổng động viên, ông Thục lên Lạng Sơn tham gia công tác, phục vụ chiến dịch. Tại đây ông gặp bà Nguyễn Thị Minh, một người cùng xã. Bà Minh là người hiền lành, ngại giao tiếp nên phải khá lâu hai người mới nói chuyện với nhau. Bà Minh là chị gái trong một gia đình nghèo chỉ có hai chị em. Lúc còn nhỏ, do tính nhút nhát lại mải làm việc chăm lo gia đình cùng bố mẹ, không nghĩ đến chuyện lấy chồng nên thành quá lứa, lỡ thì. Qua những câu chuyện, cả hai tâm sự rất tâm đầu ý hợp nhưng chỉ dừng lại tình cảm bạn bè, anh em. Ông Hồng vẫn luôn đau đáu nghĩ về người vợ ở quê đang chịu nhiều đau khổ, mất mát.
Trong khi hạnh phúc đang ở bên bờ tuyệt vọng thì bà Hồng đột nhiên mang thai lần thứ bảy. Dù đã thuốc thang, tẩm bổ, giữ gìn rất kỹ lưỡng... nhưng đứa trẻ thứ bảy này cũng không kịp chào đời, bỏ lại bà Hồng bất lực giữa nước mắt đắng cay... "Một lần sa bằng ba lần đẻ", vấn đề sức khỏe cạn kiệt làm bà Hồng nhận ra mình không còn khả năng sinh con thêm được nữa nên nỗi đau của bà càng nhân lên gấp bội. Vì vậy, bà Hồng nhất quyết đi hỏi vợ cho chồng. Người bà chọn làm vợ hai của ông Thục, không ai khác lại chính là bà Nguyễn Thị Minh, cô gái quá lứa lỡ thì, người cùng xã Mai Trung mà chồng đã gặp đã quen trước đó.
"Khi bà Hồng đặt vấn đề tôi cũng rất lúng túng. Thời còn ở Lạng Sơn, vốn có tình cảm với bà Minh nhưng phần thì thương vợ nên ái ngại, phần thì cũng muốn trọn về con cái nên càng trở nên khó xử hơn trước quyết định của vợ. Bà ấy đã động viên và chủ động "đặt quan hệ" với bà Minh cho tôi đấy", ông Thục thừa nhận. Người cùng làng bây giờ vẫn nhớ chuyện ông Thục chở theo vợ trên chiếc xe đạp cà tàng cùng đi "tìm hiểu" bà Minh. Câu chuyện khó tin ấy được bà Minh mỗi khi nhớ lại vẫn cứ ngỡ như trong cổ tích: "Thấy vợ chồng anh Thục tìm đến, ngồi nói chuyện được lúc thì chị Hồng trình bày, đặt thẳng vấn đề muốn tôi về làm vợ lẻ cho chồng. Thoạt nghe, tôi còn tưởng chị ấy đem số phận lỡ làng của mình ra làm trò đùa, nào ngờ đến khi hiểu chuyện mới thấy thương cảnh ngộ của người phụ nữ. Tôi cũng hiểu sự phức tạp cảnh làm vợ chung nhưng lỡ thương hai người đó rồi nên chấp nhận".
Trả trầu vẫn theo nhau
Có một điều rất đặc biệt trong lần đi hỏi vợ lẻ cho ông Thục, người mang lễ đại diện họ nhà trai hôm ấy là bà Hồng. Chuyện chuẩn bị đám cưới đang trên đà xuôi chèo mát mái thì bất ngờ nhà gái mang cau trầu sang trả lại. "Việc trả trầu cau là do bác trưởng họ quyết định. Ông bắt trả bằng được vì không muốn tôi làm lẽ ai cả. Có nhiều người can ngăn bảo tôi đã chịu cảnh vất vả ở nhà bố mẹ đẻ rồi mà đến khi có được tấm chồng, lại phải sống kiếp chồng chung thì sẽ khốn đốn như thế nào. Tôi không dám trái ý gia đình và họ hàng", bà Minh nhớ lại. Sự việc nằm ngoài dự tính, khiến vợ chồng bà Hồng hụt hẫng ít nhiều. Chưa kịp giải quyết chuyện gia đình, ông Thục lại phải lên Lạng Sơn công tác. Không ngờ đến ngày hôm sau, bà Minh cũng bắt tàu lên thăm ông.
Bà Hồng và ông Thục vui vẻ tâm sự với PV. Ảnh TG
Hai tháng sau ngày con gái "theo giai" ông cụ thân sinh bà Minh đã gạt bỏ định kiến, nhờ người nhắn tin gọi "hai con" về cưới. Người vui nhất lúc bấy giờ thật bất ngờ lại là bà Hồng. Bà tâm sự: "Đã xác định lấy vợ hai cho chồng rồi nên sớm muộn cũng phải cưới. Tôi đã rất dằn vặt nghĩ chuyện này rất nhiều. Bỏ chồng để ông ấy vui vẻ với duyên mới thì cả hai không đành lòng, thôi đành chịu kiếp chung chồng. Tôi và bà Minh đã nói chuyện với nhau nhiều nên cũng thấy mến. Bà ấy cũng khổ, lại sống tình cảm nữa". Nghĩ như vậy nên được đà, bà Hồng "cưới vợ liền tay" cho chồng.
Đám cưới ông Thục với bà Minh diễn ra năm 1980, đơn giản nhưng đầy đủ nghi thức ngoại trừ... đăng ký kết hôn. Ngày hôm ấy, có người trông thấy trên nét mặt của hai người phụ nữ đều thoáng sự ngậm ngùi. Cưới xong gia đình nhà ngoại không cho bà Minh về làm dâu vì sợ cảnh con gái sẽ bị tổn thương nếu ở cùng nhà với bà cả. Họ còn tuyên bố: "Khi nào bà Hồng mất đi mới cho bà Minh về đấy ở". Không biết làm thế nào để đón vợ lẽ cho chồng, bà Hồng bàn với ông Thục: "Bà Minh chuẩn bị sinh ở trạm xá, nhân lúc này ông nên đến đón hai mẹ con họ về nhà mình để chăm sóc ngay, kẻo đằng ngoại lại đón về mất".
Ban đầu, bà Minh được đón về ở với bố mẹ chồng, bố mẹ ông Thục muốn xem cách bà Hồng đối xử với vợ lẽ của con trai họ như thế nào. Không ngờ, ngày ba buổi, bà Hồng mang cơm cho bà Minh, rồi tự tay chăm bẵm, hái lá tắm cho đứa bé khiến ông bà cảm động. Trước nghĩa cửa thấm đượm tình người của con dâu xấu phận, bố mẹ ông Thục đồng ý để bà Minh về sống kiếp chung chồng với ông Thục. Qua mấy năm chung sống, bà Minh lần lượt đẻ được ba người con kháu khỉnh.
Tục ngữ "Mấy đời bánh đúc có xương mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng" nhưng chuyện ở gia đình ông Thục thì tuyệt nhiên khác với quy luật đó. Những người ở làng vẫn nói cứ trông cách bà Hồng đối xử thì chẳng biết ai là mẹ đẻ ai là "mẹ hờ". Nhìn vào cách vợ chồng nhà ấy đối xử với nhau thì cũng chẳng bao giờ thấy nỗi khổ của những người phụ nữ chung chồng. Ở nhà này không có bà cả bà hai mà chỉ có hai người người vợ hòa thuận. Bà Hồng tâm sự: "Tôi không đẻ con nhưng đối với tôi, ba đứa trẻ là con mình, chăm sóc chúng từ bé, tôi có cảm giác đang chăm con mình. Chúng lớn lên mỗi ngày trong sự bao bọc của hai mẹ và cha, không có cảnh mẹ ghẻ, con chồng. Mình là người mẹ tốt thì con mình sẽ trở thành đứa con ngoan hiếu thảo với bậc sinh thành, nuôi dưỡng".
Tuy nhiên, một biến cố của cuộc sống đã xô đẩy ông Thục rơi vào lao lý. Đấy chính là giai đoạn mà mỗi lần kể lại, cả bà Hồng, bà Minh đều ứa nước mắt. Bởi trong tình cảnh tưởng như tuyệt vọng nhất, họ lại tìm thấy điểm tựa để cùng nhau gắng vượt qua trở ngại, vun vén mái ấm giữa thời giông bão.
Theo Ngọc Tú - Diệp Anh
Gã đàn ông thú tính hành hạ vợ con kiểu kỳ quái Nhiều khi hắn xé tan quần áo của vợ rồi bắt người phụ nữ đó quỳ gối giữa sân trong đêm lạnh. Với con, gã còn thú tính đến mức bắt đứa trẻ phải ngậm cái bát cho chó ăn sau đó bắt bò từ nhà ra ngõ rồi từ ngõ vào nhà 3 lần mới được ăn cơm... Khó có từ nào...