Chủ tịch nước: Nhà khoa học phải được hưởng lợi ích xứng đáng
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã yêu cầu phải tạo môi trường thuận lợi, điều kiện tinh thần và vật chất để cán bộ khoa học và công nghệ phát triển bằng tài năng, hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại lễ trao giải
Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KHCN) đã được Bộ KH&CN tổ chức tối qua (15.1).
Đây được coi là giải thưởng cao quý trong lĩnh vực KHCN và năm 2016 là lần thứ 5 giải thưởng này được tổ chức xét tặng.
Ông Chu Ngọc Anh – Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết: “Đợt xét tặng năm 2016 có 102 công trình được đề xuất. Các công trình được đề xuất đều có hàm lượng khoa học rất lớn và đóng góp tích cực vào thực tiễn xây dựng phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng tại Việt Nam, đóng góp chung cho sự phát triển thế giới”.
Để đánh giá, xét chọn các công trình đã có hơn 200 nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và quốc tế tham gia vào 19 hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước và hội đồng nhà nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao giải thưởng Nhà nước về KHCN cho 7 tác giả, nhóm tác giả
“Các công trình đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN lần này đã được xem xét thông qua hệ thống tiêu chí minh bạch, chặt chẽ, khoa học về nhiều phương diện, cả về giá trị khoa học, công nghệ và giá trị thực tiễn, hiệu quả kinh tế-xã hội” – ông Chu Ngọc Anh cho biết.
Video đang HOT
Tại lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN lần thứ 5, đã có 16 cụm công trình được trao giải. Trong đó, có 9 công trình, cụm công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 7 công trình, cụm công trình được trao Giải thưởng Nhà nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng tiềm lực KHCN của nước ta đã được nâng lên; hệ thống pháp luật, quản lý nhà nước về KHCN được đổi mới; thị trường KHCN được hình thành, bước đầu phát huy hiệu quả.
“Đặc biệt trong thời gian gần đây, những thành tựu khoa học và công nghệ đã góp phần quan trọng giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc do thực tiễn đặt ra trong hầu hết các lĩnh vực phát triển. Một số ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn đã đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và tăng cường quốc phòng an ninh của đất nước” – Chủ tịch nước cho biết.
Các công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN đợt này được Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá là những công trình xuất sắc, tiêu biểu được ứng dụng hiệu quả nhất, có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế, trình độ KHCN của đất nước.
Thời gian tới, Chủ tịch nước yêu cầu Bộ KH&CN cùng các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KHCN, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
“Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện tinh thần và vật chất để cán bộ KHCN phát triển bằng tài năng, hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình” – Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu.
Danh sách các công trình/cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: 1. Công trình: Nghiên cưu thiêt kê chi tiêt va ưng dung công nghê đê chê tao, lăp rap va ha thuy gian khoan tư nâng ơ đô sâu 90m nươc phu hơp vơi điêu kiên Viêt Nam. 2. Cụm công trình: Xây dưng đông bô hê thông ha tầng ky thuât đô thi, nông thôn, bao vê môi trương, phong chông thiên tai va ưng pho vơi biên đôi khi hâu. 3. Cụm công trình: Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị. 4. Cụm công trình: Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch. 5. Cụm công trình: Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác. 6. Cụm công trình: Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam. 7. Cum công trinh: Ngư dung hoc. 8. Cụm công trình: Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc. 9. Công trình: Lịch sử và Văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận. Danh sách các công trình/cụm công trình được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước: 1. Công trình: Nghiên cưu phương an tôi ưu đê chê tao, ha thuy va lăp đăt chân đê siêu trương siêu trong ơ vung nươc sâu hơn 100m phu hơp vơi điêu kiên ơ Viêt Nam. 2. Công trình: Cầu Hàm Luông – QL60, tỉnh Bến Tre. 3. Công trình: Nghiên cứu chọn tạo và phát triển 2 giống lúa mới OM6976 và OM5451 có năng suất và chất lượng cao phục vụ sản xuất và xuất khẩu. 4. Cụm công trình: Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó với một số dịch bệnh nguy hiểm. 5. Công trình: Khái luận văn tự học chữ Nôm. 6. Công trình: Nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng các vật liệu từ liên kim loại đất hiếm – kim loại chuyển tiếp. 7. Cụm công trình: Lịch sử tư tưởng Việt Nam Tác giả: GS.TS. Nguyễn Tài Thư, cố Học giả Minh Chi, cố Học giả Lý Kim Hoa, PGS.TS. Hà Thúc Minh, GS. Hà Văn Tấn, GS. Phan Đại Doãn, PGS. Nguyễn Đức Sự.
Theo Danviet
Thứ trưởng Bộ KH&CN trả lời về nguyên nhân cá chết bất thường
Chiều 14/5, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc đã trả lời phỏng vấn báo chí về hiện tượng thủy hải sản chết hàng loạt vừa qua tại 4 tỉnh miền Trung.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc
Thưa Thứ trưởng, những ngày qua hiện tượng hải sản chết hàng loạt tại miền Trung là vấn đề mà người dân tại các địa phương này cũng như cộng đồng xã hội trong và ngoài nước rất quan tâm, lo lắng. Với trách nhiệm được giao chủ trì xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng nêu trên, ông có thể cho biết Bộ KH&CNđã thực hiện những chỉ đạo của Chính phủ như thế nào?
Như nhà báo và cộng đồng xã hội đã biết, hiện tượng hải sản chết bất thường, hàng loạt bắt đầu xảy ra từ ngày 06/4/2016 tại Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của Thị xã Kỳ Anh), sau đó tiếp tục xảy ra tại các tỉnh: Quảng Bình ngày 10/4/2016, Thừa Thiên Huế ngày 15/4/2016, Quảng Trị ngày 16/4/2016 với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng 04/5/2016.
Trong đó, hải sản chết nhiều tại tỉnh Hà Tĩnh từ ngày 06-07/4/2016, tỉnh Quảng Bình từ ngày 14-15/4/2016, tỉnh Thừa Thiên Huế từ ngày 16-17/4/2016 và tỉnh Quảng Trị từ ngày 18-19/4/2016. Từ ngày 24-26/4/2016, cùng với hiện tượng hải sản chết hàng loạt tại Hà Tĩnh quay trở lại thì trên biển xuất hiện dòng triều màu nâu; ngày 04/5/2016 xuất hiện dòng nước màu nâu đỏ tại Quảng Bình. Qua theo dõi của Tổ công tác hiện trường, từ ngày 04/5/2016 đến nay không còn phát hiện hiện tượng bất thường tại khu vực này nữa.
Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Môi trường Nông nghiệp là những tổ chức KH&CN đầu tiên tham gia tiếp cận thực địa hiện trường. Tại thời điểm đó, quy mô và tính chất của hiện hiện tượng hải sản chết chưa thể hiện dấu hiệu đầy đủ của một sự cố thảm họa môi trường trên diện rộng.
Sau đó, tất cả các Viện Nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các ngành NN&PTNT, TN&MT, Y tế, ... cũng đã tổ chức lấy và phân tích mẫu hải sản chết tại 4 tỉnh miền Trung này. Cho đến nay, các hiện tượng bất thường, từ góc độ khoa học đều đã được tiếp cận, duy trì cập nhật và xử lý làm cơ sở cho việc phân tích xác định nguyên nhân.
Ngay khi có thông tin và báo cáo, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã kịp thời, quyết liệt và thường xuyên chỉ đạo, giao nhiệm vụ theo đúng trách nhiệm và lĩnh vực quản lý của các Bộ ngành và yêu cầu báo cáo kịp thời. Đặc biệt Bộ KH&CN nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hàng ngày với tinh thần xuyên suốt là đảm bảo khẩn trương, nhanh chóng làm rõ nguyên nhân, có kết luận độc lập, khách quan với đầy đủ căn cứ khoa học thuyết phục, không bao che cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào nếu vi phạm.
Bộ KH&CN đã phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức đoàn công tác liên ngành gồm các nhà khoa học của các Viện nghiên cứu liên quan đi khảo sát thực địa tại vùng biển 04 tỉnh miền Trung để tổng hợp thông tin, lấy mẫu và tiến hành phân tích mẫu để đánh giá hiện tượng và tìm hiểu nguyên nhân; đã chỉ đạo Sở KH&CN các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế phối hợp chặt chẽ với các Sở NN&PTNT, Sở TN&MT theo dõi diễn biến, lấy mẫu hiện trường để phục vụ cho công tác phân tích, xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp giải quyết; báo cáo nhanh kết quả và các đề xuất, kiến nghị về Bộ.
Ngay khi các tổ chức KH&CN độc lập có được một số kết quả phân tích chỉ tiêu ban đầu, Bộ KH&CN đã chủ trì tổ chức cuộc họp với tất cả các tổ chức KH&CN, các Cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan để trao đổi thông tin, kết quả nghiên cứu độc lập, từ đó định hướng kịch bản và các phương án phối hợp nghiên cứu nhằm xác định nguyên nhân hải sản chết hàng loạt.
Căn cứ vào diễn biến kết quả thu được của các nhóm nghiên cứu, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các Bộ ngành, tổ chức KH&CN có liên quan họp thống nhất và ra quyết định thành lập Hội đồng chuyên gia KH&CN quốc gia với 03 Tổ chuyên gia tập trung vào nghiên cứu các nhóm tác nhân (1) hóa học, (2) sinh học và nhóm (3) khí tượng, thủy văn và động lực học biển để phân tích đối chứng, so sánh, bổ sung căn cứ, đánh giá chéo và độc lập nhằm đi đến các kết luận đủ căn cứ khoa học; thành lập Tổ công tác hiện trường thường trực tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế; thành lập Tổ công tác điều phối, hỗ trợ để thực hiện các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, làm việc với các Bộ, ngành và Hội đồng chuyên gia KH&CN quốc gia.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng chuyên gia KH&CN quốc gia cũng đã mời một số chuyên gia khoa học nước ngoài (Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel) có kinh nghiệm tham gia phối hợp xác định nguyên nhân của hiện tượng nêu trên.
Có thể nói, tất cả lực lượng các tổ chức KH&CN, nhà khoa học trong nước với những chuyên ngành có liên quan đã tham gia vào quá trình phân tích, đánh giá và xác định nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết hàng loạt này. Chúng tôi hoan nghênh trách nhiệm và sự quan tâm của các nhà khoa học độc lập và trên thực tế, chúng tôi đã mời một số nhà khoa học tham gia Tổ chuyên gia và tiếp nhận những kết quả, thông tin nghiên cứu độc lập để tăng cường bằng chứng và căn cứ khoa học.
Với tính chất là vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều ngành: hải dương học, địa chấn thủy văn, động học dòng chảy, hóa học, sinh học, bệnh học, sinh thái... việc xác định nguyên nhân thực sự là một vấn đề lớn, phức tạp và đặt ra yêu cầu tiếp cận, xử lý bài bản, khoa học, khách quan, chặt chẽ và đúng pháp luật. Các nhà khoa học đã được tạo mọi điều kiện để trả lời bằng luận cứ khoa học của mình một cách độc lập và khách quan nhất.
Thưa ông, từ những chỉ đạo của Chính phủ, rồi sự vào cuộc của các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ KH&CN như ông nói trên, đến nay chúng ta đã thu nhận được những kết quả gì? Ông có thể cung cấp để công đồng biết không?
Bộ KH&CN và cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ý thức được trách nhiệm trước nhân dân và xã hội về việc nhanh chóng xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt nêu trên để sớm báo cáo Chính phủ, công bố trước nhân dân.
Thực chất đến nay đã xác định đây là sự cố môi trường trên diện rộng, mà việc giải quyết về mặt khoa học vừa đòi hỏi huy động liên ngành vừa yêu cầu tính chuyên sâu cao trong từng xem xét phân tích khoa học.Đó là chưa nói đến yêu cầu phân tích hồi tố về điều kiện thực địa ban đầu. Các kết quả phân tích riêng lẻ không đủ cơ sở để có câu trả lời đầy đủ căn cứ khoa học vững chắc. Khi làm việc với các nhà khoa học, có những thời điểm ban đầu, đôi khi có cảm nhận là thực sự khó khăn để có được một kết luận tổng hợp, toàn diện và thuyết phục.
Bằng sự nỗ lực vào cuộc không kể ngày đêm của các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học liên ngành như: hải dương học, địa chấn thủy văn, động học dòng chảy, hóa học, sinh học, bệnh học, sinh thái, viễn thám, kỹ thuật hạt nhân..., tính đến thời điểm ngày 26/4/2016 các kết quả phân tích cho thấy đã đủ căn cứ khoa học để loại trừ hầu hết các nhóm nguyên nhân tự nhiên từ địa chấn, sốc nhiệt, dịch bệnh... và khu trú tập trung vào hai nhóm nguyên nhân chính độc tố học và tảo độc.
Có thể khẳng định việc cập nhật liên tục diễn biến hiện trường và phối hợp tổ chức lấy các mẫu vật, kết hợp với phân tích hồi tố về điều kiện thực địa lúc xảy ra sự cố môi trường, đã đáp ứng cho yêu cầu nghiên cứu, phân tích để xác định nguyên nhân một cách khoa học. Các đối tượng lấy mẫu: cá, nước (tầng mặt và tầng đáy), trầm tích, san hô, sinh vật phù du, hệ sinh thái biển, động vật đáy, các dữ liệu ảnh viễn thám... là cơ sở để phân tích đánh giá đầy đủ kết luận khoa học.
Thực chất đã có sự hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học nước ngoài (Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel) để bổ sung dữ liệu đánh giá, tăng cường độ tin cậy, tính chính xác và tính khách quan. Các nhà khoa học nước ngoài khi được trao đổi tham vấn với Hội đồng chuyên gia KH&CN quốc gia đã khẳng định về việc tiếp cận và đi đúng hướng của các nhà khoa học trong nước để từng bước xác định nguyên nhân.
Cho đến nay, các kết quả phân tích mẫu, kết quả đối chứng đã cơ bản thể hiện sự hội tụ và phù hợp với những quy luật và diễn biến thực địa. Kịch bản nguồn phát sinh tác động, lan truyền ra sao, ảnh hưởng đến cá và sinh vật biển kể cả san hô như thế nào đã dần được sáng tỏ. Trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học cho thấy hơn một tháng qua chúng ta đã nỗ lực và cũng đã đi một chặng đường dài đến giai đoạn nước rút cuối cùng thực hiện mục tiêu đề ra.
Như vậy có thể nói đã đủ cơ sở để khẳng định sẽ có được câu trả lời với căn cứ khoa học thuyết phục, được quốc tế thừa nhận. Bộ KH&CN đang nỗ lực cùng với Hội đồng chuyên gia KH&CN và các Bộ, ngành liên quan để đưa ra kết luận cuối cùng sớm nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và nhân dân.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Thứ trưởng KH&CN trả lời hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung Chiều 14/5/2016, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc đã trả lời phỏng vấn báo chí về hiện tượng thủy hải sản chết hàng loạt vừa qua tại 4 tỉnh miền Trung. Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, những ngày qua, hiện tượng hải sản chết hàng loạt tại miền Trung là vấn đề mà người dân tại các...