Chủ tịch nước: ‘Cảnh giác với dịch nhưng cũng không thể đóng cửa mãi’
Với các ổ dịch mới xuất hiện và các biến chủng mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý không được chủ quan mà phải có báo động đỏ để tiếp tục đề cao cảnh giác, nhưng cũng không thể đóng cửa mãi đất nước.
Chủ tịch nước nhấn mạnh yêu cầu cảnh giác với dịch bệnh nhưng phải khôi phục và phát triển kinh tế – Ảnh: TT
Sáng 21-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, công tác phòng chống dịch và kế hoạch ngân sách nhà nước.
Nêu vấn đề quản trị đất nước 100 triệu dân là rất khó khăn, đặc biệt trong thời điểm thiên tai, dịch bệnh và điều kiện đất nước hiện nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần phải hết sức chú ý về quản trị.
Đánh giá cao sự cố gắng của toàn dân, lực lượng tuyến đầu đã xông pha trận mạc, vất vả, song với tình hình hiện nay khi nhiều nước vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội, Chủ tịch nước cho rằng không được chủ quan hay đơn giản hóa, với điều kiện kiên quyết vẫn là 5K vắc xin.
Đặc biệt khi vừa qua xuất hiện nhiều ổ dịch mới tại Cà Mau, Phú Thọ, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Nam Định, Chủ tịch nước cho rằng Chính phủ cần phải có báo động đỏ để tiếp tục đề cao cảnh giác, có biện pháp kiên quyết kịp thời, rốt ráo hơn nữa để khoanh ổ dịch ở mức độ giãn cách khác nhau.
Chủ tịch nước lưu ý cùng với việc đề cao cảnh giác thì cũng không thể đóng cửa mãi đất nước, mà phải mở cửa để giải quyết việc làm, thu nhập, phát triển kinh tế – xã hội.
Video đang HOT
Với những khó khăn, thách thức đặt ra trong phát triển kinh tế – xã hội như tăng trưởng thấp, hụt thu ngân sách trung ương, Chủ tịch nước cho rằng cần phải trân trọng, dựa vào sức dân, dựa vào xã hội hóa để hỗ trợ cho khám chữa bệnh COVID-19.
“Tôi tin nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới và sẽ đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, đặc biệt là năm 2022, tăng GDP 6-6,5%”, Chủ tịch nước nhận định.
Cũng tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay cử tri, nhân dân cả nước đang mong đợi quyết sách về công tác phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, về phòng chống dịch cần phải thay đổi tư duy, đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh, điều kiện tiên quyết là bao phủ vắc xin.
Về chương trình tổng thể phục hồi kinh tế, ông Huệ cho biết tới đây Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để làm rõ. Vấn đề quan trọng là điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ cho phù hợp, tăng tổng cầu, tổng cung, gắn với nguồn lực thực hiện.
“Với tinh thần lo xa, Ủy ban Thường vụ tính đến việc xin đại biểu Quốc hội tổ chức thêm kỳ họp bất thường vào tháng 12 để quyết đáp vấn đề này, không để đến tháng 5-2022 sẽ lỡ nhịp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thêm là công tác phòng chống dịch gắn với an sinh xã hội và phải coi như “cuộc kháng chiến trường kỳ”, nguồn lực tính toán dài hơi, nếu không sẽ khó khăn.
Không thể kéo dài mãi lùi cải cách tiền lương
Về cải cách tiền lương bị chậm lại, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng do tác động của dịch bệnh nên nhiều tỉnh hết nguồn lực. Đặc biệt, người dân cũng đang khó khăn, thiếu việc làm rất lớn nên nếu nâng lương công chức, viên chức thì sẽ không có ý nghĩa về mặt chính trị.
Tuy vậy, Chủ tịch nước cũng cho rằng không thể kéo dài mãi mà xem xét dành nguồn lực nâng 1 bước lương cho những người nghỉ hưu trước năm 1995. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, dành nguồn lực tốt hơn để tính toán năm sau, báo cáo trung ương để tiếp tục cải cách tiền lương cho cán bộ công chức.
“Yêu cầu này vẫn phải đặt ra trên cơ sở có nguồn thu, không thể đi vay mà tăng lương. Rồi giảm biên chế, nhất là các đơn vị sự nghiệp… thì những cải cách đó đồng bộ với các cải cách tiền lương. Chính phủ tiếp tục suy nghĩ, lập phương án để sớm trình phương án tăng lương, cải cách tiền lương trong thời gian tới”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
'Tăng quyền cho công an xã được tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm là cần thiết'
Các đại biểu Quốc hội đồng tình bổ sung chức năng tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của công an xã tại phiên thảo luận ở tổ vào chiều 20-10 về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự.
Các đại biểu Quốc hội đồng tình bổ sung chức năng tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của công an xã - Ảnh minh họa
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, được đề xuất bổ sung khoản 3 điều 146, trong đó "Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền".
Với nội dung này, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng bổ sung chức năng tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm đối với công an xã là cần thiết.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng bổ sung chức năng xử lý tố giác, tin báo tội phạm cho công an xã rất cần thiết và đáp ứng kịp thời theo quy định của luật. Đồng thời, đây cũng là chỉ tiêu rất quan trọng mà Quốc hội đưa ra, đó là tỉ lệ xử lý tin báo tố giác tội phạm.
"Tình hình an ninh trật tự trong bối cảnh mới, nhất là kinh tế thị trường, có quá nhiều phức tạp, không những thành phố mà ở cả nông thôn, vấn đề trộm cắp, tội phạm, kể cả tội phạm công nghệ cao ở nông thôn phát triển. Vì thế, nhiệm vụ xử lý tin báo tố giác tội phạm thành nhiệm vụ chính trị của công an xã là rất cần thiết. Chúng ta yêu cầu công an xã nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, gắn với dân, lo cho dân, chứ không phải cấp gây trở ngại, khó khăn", Chủ tịch nước nói.
Theo Chủ tịch nước, công an xã là lực lượng trực tiếp biên chế nhà nước, còn dân quân tự vệ là lực lượng trong dân nên việc phối hợp giữa các lực lượng rất quan trọng.
Nói thêm về dự thảo luật này, viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nêu thực tế quy định trước đây chỉ đề cập đến lực lượng công an phường và đồn công an, không nhắc đến công an xã.
Trong khi đó, những năm gần đây, Bộ Công an đã chuyển công an chính quy làm công an xã, cho thấy lực lượng này đã có thay đổi căn bản về chất. Tuy nhiên, tính pháp lý trên thực tế lại không có, vì vậy cần thiết phải bổ sung để lực lượng công an xã được "chính danh".
Ông Trí phân tích tất cả diễn biến phức tạp về tội phạm ở cơ sở chủ yếu ở cấp xã, làm tốt ngay từ đầu sẽ giảm được áp lực giải quyết ở cả cấp huyện và cấp tỉnh.
Còn đại biểu Nguyễn Sỹ Quang - phó giám đốc Công an TP.HCM - cho hay 2 năm qua, công an đã chuyển đổi lực lượng về công an xã rất lớn, hầu hết công an xã đều có cán bộ công an chính quy.
Theo ông Quang, lượng xử lý tin báo, tố giác tội phạm đã có hiệu quả hơn, số lượng tin báo tố giác tội phạm và năng lực xử lý của công an xã được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu. Do đó, ông Quang nhận định việc bổ sung thẩm quyền là phù hợp với tình hình hiện nay.
Tuy đa số ý kiến tán thành, song trong báo cáo thẩm tra về dự án luật này, Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng cho hay có ý kiến đề nghị chưa sửa đổi khoản 3 điều 146 trong lần sửa đổi này vì cho rằng việc bổ sung, giao thêm trách nhiệm cho công an xã cần được xem xét, đánh giá kỹ về năng lực đội ngũ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật để bảo đảm tính khả thi.
Chủ tịch nước: Nhiệm vụ quan trọng của TPHCM là níu chân người lao động Đối với huyện Củ Chi và Hóc Môn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng 2 địa phương này sẽ trở thành những đô thị sôi động ở phía tây TPHCM. Trên bình diện thành phố, Chủ tịch nước mong muốn đô thị đông dân nhất cả nước sẽ hướng tới mô hình kinh tế sáng tạo trong thời gian tới. Trong...