Chủ tịch huyện Trường Sa chăm vợ con bệnh nặng
Vợ nhập viện bởi căn bệnh ung thư vú hành hạ, chưa đầy một tháng sau đứa con trai lớn cũng phải phẫu thuật tim khiến “thủ lĩnh” của huyện đảo Trường Sa như “chưa từng thấy đau đến thế”.
Nhiều ngày nay, người đàn ông với gương mặt rắn rỏi, rám đen vì nắng gió luôn tay luôn chân với việc bón cơm, thay quần áo cho con trai đã trở thành hình ảnh quen thuộc với những bệnh nhân ở khu vực hành lang Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Đó là anh Nguyễn Viết Thuân, Phó Lữ đoàn trưởng Đoàn 146, thuộc Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân, đồng thời cũng là chủ tịch huyện đảo Trường Sa.
Nhập ngũ từ năm 1983, sau hơn một năm công tác ở biên giới phía Bắc anh quay về làm giảng viên ở Trường Sĩ quan lục quân sau đó chuyển công tác ra Trường Sa. Hơn 30 năm là người lính, cuộc đời của anh gắn với từng mảnh đất của huyện đảo tổ quốc. Thế nhưng, gần một tháng nay, anh vừa phải quán xuyến công việc ở đảo, vừa tất bật chạy qua chạy lại giữa Bệnh viện Ung bướu (quận Bình Thạnh) và Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5) để lo cho vợ và con.
“Là người lính đảo, cuộc sống của tôi gắn liền nơi đầu sóng ngọn gió, đã quen với những tình huống khó khăn. Thậm chí có những lúc tính mạng con người như nghìn cân treo sợi tóc cũng có thể bình tĩnh xử lý. Nhưng giờ, thấy vợ con mình đau đớn thế này…”, anh Thuân đưa mắt nhìn cậu con trai Nguyễn Viết Khuê, bỏ lửng câu nói.
Anh Nguyễn Viết Thuân đang chăm con ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Nguyễn Loan
Vợ anh, chị Nguyễn Thị Huyền trông hom hem và già hơn so với tuổi 49. Vốn là giảng viên trường Cao đẳng y tế Khánh Hòa, hơn một năm nay chị phải rời bục giảng để chống chọi với căn bệnh ung thư vú. Vuốt những sợi tóc lưa thưa còn lại sau những lần hóa trị, chị bảo, gần 20 năm làm vợ người lính đảo, thời gian của anh Thuân ở nhà với vợ con cộng lại chỉ được khoảng 2 năm.
Từ việc nuôi dạy con cái, đến đổ móng làm nhà chị đều phải cáng đáng để chồng yên tâm làm nhiệm vụ. Dù phát hiện bệnh đã hơn một năm, nhưng chồng vẫn phải đi công tác ngoài đảo xa trong khi cậu con lớn chuẩn bị thi đại học, đứa kia thi lên lớp 10 nên chị cứ lần lữa. “Mãi đến đầu tháng 6 không thể chịu đựng nổi những cơn đau, tôi đành phải gửi con, thuê người đưa vào TP HCM nhập viện. Còn anh Thuân vì điện thoại không có sóng nên tôi không thể liên lạc được”, giọng chị Huyền nhẹ hẫng như chất chứa sự tủi thân.
Video đang HOT
Hướng ánh mắt đầy chia sẻ về phía vợ, anh Thuân bảo, dù trụ sở cơ quan đặt ở Vịnh Cam Ranh, từ đó về TP Nha Trang cũng chỉ hết 1 tiếng chạy xe nhưng là chỉ huy trưởng, lại là chủ tịch huyện nên anh không thể về thăm nhà thường xuyên chưa kể những chuyến đi tuần tra, làm nhiệm vụ trên biển. Đầu tháng 7, sau khi kết thúc chuyến công tác ngoài biển gần một tháng, về đến đơn vị anh mới biết vợ nhập viện. Vậy là vội vội vàng vàng, anh đưa cậu con lớn Nguyễn Viết Khuê lên TP HCM dự thi đại học, đồng thời chăm sóc vợ đang nằm điều trị trong bệnh viện.
Sau lần vào thuốc, chị Huyền tiều tuỵ và yếu đi nhiều, lòng người lính đảo như có dao cắt. Anh cảm thấy như mình có lỗi trong nỗi đau mà vợ phải chịu đựng. Được nghỉ phép một tháng, như để bù đắp, anh Thuân ân cần lo từng giấc ngủ, miếng ăn cho vợ.
Sau khi chị Huyền kết thúc đợt hóa trị đầu tiên, Khuê cũng vừa thi xong đại học cả gia đình dự định sẽ về quê Thái Bình bởi suốt 20 năm qua anh chỉ đưa vợ con về thăm quê được một lần. Vậy mà, vừa về tới Nha Trang được 3 ngày thì Khuê kêu đau vai và ngực. “Lúc đầu tôi cứ nghĩ là do cháu học thi nhiều quá nên bị vậy. Đến khi đi khám thì bác sĩ cho biết có một khối u lớn đang nằm trong lồng ngực nên vợ chồng con cái tôi lại mang nhau vào TP HCM. Bệnh viện kết luận con trai tôi có một khối u lớn ở trung thất”, giọng anh Thuân buồn rượi.
Nằm ở một góc ngoài hành lang bệnh viện, nuốt từng miếng cơm khó khăn, lâu lâu Khuê lại phải ôm ngực vì cơn đau bất chợt ùa về. Chàng trai có đôi mày rậm và ánh mắt thật sáng cho biết vừa hoàn thành kỳ thi đại học khối D1 vào ngành Quản trị kinh doanh của ĐH Tôn Đức thắng và khối A vào ngành Truyền thông và mạng máy tính trường ĐH Công nghệ thông tin. Giấc mơ trở thành chàng kỹ sư công nghệ thông tin đang đến gần vì cậu hoàn thành bài thi khá tốt. Nhưng giờ đây, khi đối diện với bệnh tật, Khuê bảo chỉ mong sao mình vượt qua được ca phẫu thuật sắp tới.
“Mình dày dặn đã quen nên ước gì có thể gánh được nỗi đau của vợ con. Mỗi lần thấy cô ấy bước vào phòng hóa trị hay nhìn con ôm ngực, mình thấy bất lực quá”, anh Thuân chia sẻ.
Theo VNE
Thêm học giả Trung Quốc yêu cầu bãi bỏ "đường lưỡi bò"
Nhiều học giả, nhà nghiên cứu có lương tri, thức thời ở Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ yêu sách ngang ngược, vô lý của chính phủ họ về cái gọi là "Đường 9 đoạn".
Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa, quần đảo Trường Sa, Việt Nam.
Mới đây nhất, ngày 30/4, một học giả Trung Quốc lấy bút danh là Lý Oa Đằng đăng trên Sina, diễn đàn mạng lớn nhất Trung Quốc, bài viết "Cửu đoạn tuyến đích tồn phế" (Đường 9 đoạn, giữ lại hay xóa bỏ). Bài viết đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ của bạn đọc và được đăng lại trên nhiều trang mạng cá nhân, trong đó có học giả Trung Quốc nổi tiếng Lý Lệnh Hoa.
Khi đăng lại bài này, ông Lý Lệnh Hoa bày tỏ trong lời giới thiệu: "Bài viết của ông Lý Oa Đằng rất đáng coi trọng. "Đường 9 đoạn" do nước ta đơn phương chủ trương chồng lên diện tích rất lớn vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý mà các nước xung quanh Nam Hải (Biển Đông) chủ trương theo tinh thần Công ước biển Liên Hợp Quốc (LHQ) năm 1982, từ đó xuất hiện một loạt bất đồng và mâu thuẫn. Trong tình hình kinh tế toàn cầu đang không ngừng nhất thể hóa, nhà nước ta cần nghiêm túc xem xét kiến nghị của Lý tiên sinh, sớm bãi bỏ cái đường "lịch sử truyền thống" này để mở đường cho việc giải quyết tận gốc vấn đề Nam Hải (Biển Đông)".
Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của học giả Lý Oa Đằng:
"Trong giới học thuật quốc tế, tiêu điểm của vấn đề Nam Hải (cách gọi của Trung Quốc, dưới đây vẫn để như tác giả dùng nhưng xin độc giả hiểu là Biển Đông - TP) không phải là vấn đề chủ quyền của các hòn đảo ở đây, mà là vấn đề "Đường 9 đoạn". Đó chính là điều cần phải xử lý đầu tiên cho việc giải quyết hòa bình vấn đề Nam Hải. Xem xét việc bãi bỏ "Đường 9 đoạn" vừa có tính lý luận, vừa có tính hiện thực; xin phân tích như sau:
Thứ nhất, lập ra "Đường biên giới 9 đoạn" không có căn cứ gì
Các bên ở Nam Hải đều có căn cứ lý lẽ nhất định của họ về vấn đề quy thuộc các đảo, chỉ duy nhất "Đường 9 đoạn" của Trung Quốc là không có bất cứ căn cứ gì.
Từ tiền thân của nó, bắt đầu với việc Bạch Mi Sơ năm 1936 tự vẽ ra đường đứt đoạn trong "Trung Quốc kiến thiết tân đồ" đã thiếu căn cứ. Ông ta viết những nơi đó "là nơi ngư dân chúng ta mưu sinh, đương nhiên chủ quyền thuộc về ta".
Không hề có bất cứ chứng cứ nào cho thấy các vị văn nhân đó có được căn cứ gì, đã điều tra gì khi vẽ ra cái đường ấy. Có thể khẳng định rằng: đó là một cái đường được vẽ ra một cách hết sức chủ quan.
"Đường 9 đoạn" được chính thức vẽ vào bản đồ Trung Quốc là khi vẽ bản đồ Nam Hải lần thứ hai (lúc đó là Đường 11 đoạn). Từ bấy đến nay, "Đường 9 đoạn" cũng không có bất cứ định nghĩa nào, chẳng ai biết rốt cục nó là cái gì, chính phủ cũng chưa hề có sự giải thích chính thức. Có một giả thuyết: đó là kết quả của việc một quan chức phụ trách Vụ Nội chính hồi đó tên là Trịnh Tư Ước, tiện tay vẽ vào.
Thứ hai, "Đường 9 đoạn" không phải là đường lãnh hải của Trung Quốc và cũng thiếu tính pháp luật
Trung Quốc luôn nói về "Đường 9 đoạn", nhưng Trung Quốc xưa nay chưa hề nói rõ "Đường 9 đoạn" rốt cục là cái gì. Điều nực cười là, "Đường 9 đoạn" đã vẽ trên bản đồ Trung Quốc hơn 60 năm mà các chuyên gia trong nước đến nay vẫn tranh cãi chưa ngưng nó là cái gì. Chính phủ cũng chưa bày tỏ thái độ, cũng chẳng có lấy một văn bản nào tuyên bố hoặc định nghĩa về "Đường 9 đoạn".
Theo nghiên cứu thì thấy "Đường 9 đoạn" liên tục được sửa đổi trên bản đồ Trung Quốc. Ngoài 2 đoạn bị loại bỏ trong Vịnh Bắc Bộ do đã phân định ranh giới với Việt Nam (nên mới từ "Đường 11 đoạn" thời Dân quốc biến thành "Đường 9 đoạn" bây giờ), còn có rất nhiều những thay đổi nhỏ khác. Điều này cho thấy, "Đường 9 đoạn" căn bản không có địa vị pháp luật rõ ràng.
Xét về mặt pháp luật, "Đường 9 đoạn" không phải là đường lãnh hải của Trung Quốc. Do "Luật Lãnh hải và vùng phụ cận nước CHND Trung Hoa" ban hành năm 1992 quy định lãnh hải Trung Quốc là 12 hải lý tính từ đường cơ sở; "Tuyên bố về đường cơ sở lãnh hải nước CHND Trung Hoa" năm 1996 đã quy định đường cơ sở lãnh hải cho quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam - TP), vì vậy vùng biển phía bên ngoài 12 hải lý tính từ đường cơ sở lãnh hải đều không thuộc lãnh hải Trung Quốc, nhưng những vùng biển đó lại nằm bên trong "Đường 9 đoạn".
Điều này chứng minh "Đường 9 đoạn" không phải là đường lãnh hải của Trung Quốc! Khá nhiều chuyên gia về luật biển của Trung Quốc cho rằng "Đường 9 đoạn" không phải là đường lãnh hải hay đường thể hiện lãnh thổ Trung Quốc mà chỉ dùng để chỉ các đảo phía trong là lãnh thổ Trung Quốc (theo quan điểm của Trung Quốc - TP) mà thôi. Như vậy thì việc xóa bỏ "Đường 9 đoạn" không có bất cứ trở ngại nào về pháp luật, chỉ cần loại bỏ nó hoặc sửa đổi lại bản đồ là xong.
(Còn nữa)
Theo Dantri
Những hình ảnh thân thương từ Trường Sa Cuộc sống quân dân trên đảo Trường Sa được các tác giả tái hiện sinh động tại triển lãm ảnh mang tên "Biển đảo Việt Nam" tổ chức tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn Hà Nội. Triễn lãm với nhiều hình ảnh và hiện vật về Trường Sa kéo dài đến hết ngày 15/5, do Bảo tàng Nhân học thuộc...