Chủ tịch Hà Nội: Tắc buổi chiều chưa chuyển biến nhiều
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, sau thời gian áp dụng một loạt giải pháp giao thông đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên trong giờ cao điểm buổi chiều chưa chuyển biến nhiều.
UBND TP Hà Nội vừa thông báo kết luận của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo về vấn đề giao thông sau khi áp dụng một loạt các biện pháp nhằm hạn chế ùn tắc. Ông Thảo cho rằng, sau khi đổi giờ học, giờ làm; phân làn phương tiện trên 5 tuyến phố; xóa các điểm trông xe dưới lòng đường vỉa hè 262 tuyến phố tai nạn, ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm giảm rõ rệt. Nhiều tuyến đường đã thông thoáng hơn trước, ý thức của người tham gia giao thông cao hơn.
Giờ cao điểm buổi chiều giao thông vẫn ùn tắc
Tuy nhiên, ông Thảo cho rằng, ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm buổi chiều chuyển biến chưa nhiều. Ý thức chấp hành của một số người điểu khiển xe máy, taxi chưa cao. Hiện vẫn còn một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn chưa thực hiện đúng quy định của thành phố về điều chỉnh giờ học, giờ làm. Đặc biệt, ông Thảo nhấn mạnh việc xử lý vi phạm của cơ quan chức năng còn chưa quyết liệt.
Chủ tịch thành phố đề nghị thời gian tới cần khắc phục các yếu kém trên, kiên quyết thực hiện các giải pháp nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào việc điều chỉnh giờ học, giờ làm. Sở Giáo dục phối hợp với Sở Giao thông, Công an và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh giờ học hợp lý cho các trường học xa trung tâm, không gây ùn tắc giao thông. Sở Giao thông có trách nhiệm cùng Công an thành phố kiểm tra các trường đại học, cao đẳng chưa điều chỉnh giờ học.
Tiếp tục duy trì phân làn, phân luồng phương tiện trên 5 tuyến phố. Thời gian tới sẽ triển khai trên một số tuyến phố khác đủ điều kiện, kể cả việc dùng dải phân cách cưỡng bức, nghiên cứu phương án cho phép rẽ phải tại một số nút giao có đèn tín hiệu. Khẩn trương nghiên cứu, tổ chức các tuyến đường giao thông một chiều, tuyến đi bộ ở các trung tâm.
Ông Thảo yêu cầu Giám đốc Sở Giao thông, Công an và chủ tịch các quận huyện nghiêm túc thu hồi giấy phép trông giữ phương tiện dưới lòng đường, hè phố. Chống tái lấn chiếm các điểm đã xử lý đảm bảo lòng đường dành cho phương tiện, hè dành cho người đi bộ, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Sở Giao thông cùng các quận rà soát các điểm đất trống từ đó có đề xuất cụ thể để đầu tư ngay các điểm trông giữ xe theo quy định.
Ngoài việc thực hiện các giải pháp trên, ông Thảo cũng yêu cầu thông xe kỹ thuật hai cây cầu đang xây dựng tại nút giao Láng Hạ – Thái Hà và Chùa Bộc – Thái Hà trong tháng 5 tới. Hai cây cầu tại nút giao đường Láng – Nguyễn Chí Thanh và Láng – Lê Văn Lương khởi công trong tháng 4, phấn đấu hoàn thành trước tết nguyên đán 2013 để góp phần giải quyết ùn tắc giao thông.
Video đang HOT
Theo Dân Trí
Vì sao cướp tại Sài Gòn lại có thể lộng hành?
Ngay sau loạt bài phản ánh về nạn cướp giật ở Sài Gòn, PV VTC News đã ghi nhận hàng loạt ý kiến của những người trong cuộc xung quanh vấn nạn này.
Nỗi ám ảnh của người đi đường
Bức xúc trước vấn nạn cướp giật hoành hành trên đường phố Sài Gòn ngày càng tăng cao, nhất là sau khi VTC News đăng loạt bài về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Vân Anh (nhà ở đường CMT8, phường 13, Q.10) cho biết: "Bọn cướp ngày càng tăng về mặt số lượng, cũng như tính chất ngày càng tinh vi, táo tợn. Hầu như bọn chúng hành động theo một kịch bản dựng sẵn. Ngày nào đi trên đường, tôi cũng chứng kiến vài ba trường hợp kêu la thất thanh bị cướp".
Mới đây nhất, hồi đầu tháng 3/2012 vừa qua, khi đang đi một mình trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình vào buổi tối, chị bị bọn cướp giật chiếc dây chuyền bằng vàng kỉ niệm của chồng tặng. Khi chị hô hoán "cướp, cướp...." cho mọi người cùng biết thì đối tượng đã "cao chạy xa bay".
Một băng nhóm chuyên tổ chức cướp giật tài sản trên đường phố bị Công an bắt giữ.
Hiện cũng giống như rất nhiều người dân khác tại TP.HCM, chị Vân Anh đã cẩn thận hơn rất nhiều khi đi ra đường. Các loại đồ đạc, tư trang cần thiết, có giá trị chị đã không còn dám mang theo, hay nếu có thì cũng cất rất kĩ càng.
Trước thực trạng hiện nay trên đường phố TP.HCM, các vụ cướp ngày càng nhiều, nhưng phần nhiều số vụ bắt được lại do các "hiệp sĩ đường phố" bắt được, chị Vân Anh tâm sự cùng chúng tôi: "Thực ra, như những người dân bình thường ở thành phố này, chúng tôi luôn hoan nghênh tinh thần nghĩa hiệp, dũng cảm bảo vệ an ninh của các anh.
Tôi cho rằng TP.HCM cần phải sớm quy hoạch, thành lập hẳn 1 CLB phòng chống tội phạm, quy tụ các "hiệp sĩ" về một mối, có sự quản lý, đào tạo nghiệp vụ thật chặt chẽ cùng với thường xuyên có các chính sách ưu tiên, phần thưởng thật xứng đáng".
Có như thế, theo chị Vân Anh thì các "hiệp sĩ" mới toàn tâm, toàn ý thực hiện những công việc mà họ yêu thích.
Đối với ngành công an, chị Vân Anh cho biết, theo chị cần phải triển khai sâu rộng hơn nữa các chiến dịch bắt cướp trên diện rộng, tổ chức quy mô và thường xuyên hơn với sự tham gia của nhiều lực lượng, có tổ chức phân công đầu việc cụ thể. Lúc đó thì "chắc chắn nạn cướp giật ở TP này sẽ giảm hẳn, người dân sẽ yên tâm hơn khi đi trên đường, mà công an chắc chắn cũng sẽ làm việc hiệu quả hơn so với hiện nay".
Cần phải quản lý tốt nhân khẩu hơn nữa
Trao đổi với VTC News cách đây chưa lâu, ông Đặng Văn Khoa - nguyên là đại biểu HĐND TP.HCM đã rất bức xúc trước nạn cướp giật hoành hành trên địa bàn. Cướp giật tài sản ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm, táo tợn, không chỉ nhằm vào người Việt mà còn nhằm vào du khách người nước ngoài. Đây là vấn đề hoàn toàn không tốt cho ngành du lịch nước nhà.
Ông Khoa cũng nhấn mạnh thêm rằng: Việc gia tăng tệ nạn cướp giật, trộm cắp đã làm người dân sinh sống trên địa bàn hết sức hoang mang, lo sợ. Nắm bắt được tình hình này, ngành công an và những cơ quan có trách nhiệm cần tập trung giải quyết vấn đề này.
Trước tiên, cần phải tăng cường thêm nguồn cán bộ chiến sĩ tham gia công tác phòng chống tội phạm cướp giật. Thêm nữa, cần phải tổ chức quản lý tốt người từ các tỉnh vào thành phố làm ăn, sinh sống bằng công tác quản lý tạm trú, tạm vắng. Với hình thức này, công an có thể tổ chức sàng lọc, phát hiện các đối tượng nghi vấn của các băng nhóm, tiến tới xóa bỏ nạn cướp giật trên đường phố.
Là một trong những "hiệp sĩ đường phố" tham gia bắt hàng trăm vụ cướp trên địa bàn TP.HCM từ trước tới nay, "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Minh Tiến được xem là 1 trong những chàng Lục Vân Tiên thời hiện đại hiếm có.
Nói về thủ đoạn của bọn cướp giật tài sản trên đường phố, anh Tiến đã rất nhiều lần chia sẻ với VTC News: "Hiện bọn cướp giật tài sản đã không còn đơn giản như trước. Bọn chúng tìm hiểu "con mồi" rất kĩ, nếu thấy an toàn mới hành động, có động tĩnh gì khác biệt là bọn chúng rút ngay.
Thủ đoạn, chiêu thức của bọn chúng cũng liên tục thay đổi, làm mới nên người đi đường chúng ta dễ mất cảnh giác. Việc tổ chức vây bắt bọn chúng nhiều khi cũng rất khó vì phải liên tục tổ chức theo dõi, phục kích. Cách tốt nhất là chúng ta nên tự biết giữ tài sản cho riêng mình, đề cao cảnh giác để tránh bị mắc lừa."
Tang vật của một vụ cướp tài sản trên đường phố bị Công an bắt giữ.
Trước băn khoăn, các "hiệp sĩ" bắt cướp nhiều hơn công an, đại diện Đội CSĐT tội phạm về trật tự XH, Công an quận Bình Thạnh khẳng định: "Số vụ cướp giật mà công an bắt được thật ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Do "hiệp sĩ" là những người dân bình thường, vì "máu" nghề nên họ đi bắt cướp. Từ đó, họ có thể nắm được các diễn biến tâm lý, hành động, và cũng có khi bọn tội phạm ít khi phát hiện được. Còn đối với công an khi đi tuần tra, dù rằng mặc thường phục, họ có thể có những ngôn ngữ, cử chỉ, sắc thái mà đối với bọn cướp chuyên nghiệp là có thể nhận ra ngay và không dám hành động".
Một luật sư khác thuộc Đoàn luật sư Bình Phước (xin được giấu tên) không đồng tình với việc cho rằng ngành công an chưa làm hết trách nhiệm khi tổ chức bắt cướp trên đường phố.
"Chúng ta không thể trách công an được vì hằng đêm họ vẫn phải liên tục tuần tra, canh gác. Thế nhưng, vấn đề là làm sao có thể quản lý hết được ở một thành phố rộng lớn như thế này. Vả lại, hành vi cướp giật là có thể có tổ chức hoặc bộc phát bất ngờ, nên công an cũng khó mà kiểm soát nổi. Vấn đề chính là ý thức tham gia phòng chống tội phạm của mỗi người dân".
Khi chúng tôi đề cập đến việc, liệu luật của chúng ta đã đủ chặt chẽ, đủ răn đe những người tham gia cướp giật, trộm cắp tài sản hay chưa, vị luật sư nói trên đáp rằng: "Về khía cạnh luật, tôi nghĩ là đã đủ sức chế tài. Nếu cướp giật tài sản trên đường quy ra bất kì giá trị bao nhiêu, cơ quan công an cũng có thể làm hồ sơ để xử lý hình sự đối tượng được.
Còn nếu là trộm cắp, theo luật quy định thì phải từ giá trị 2 triệu đồng trở lên mới đủ căn cứ lập hồ sơ xử lý. Các trường hợp còn lại chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính".
Công an TP.HCM cho biết, trong năm 2011, số vụ cướp giật tài sản trên đường phố dù đả giảm được 7% so với năm 2010, nhưng vẫn còn ở mức rất cao, trên 1.000 vụ đã xảy ra trên toàn địa bàn. Trong tổng số các quận huyện, nổi bật nhất là quận Tân Bình chiếm 10% số vụ trên toàn TP. Ngoài ra, các tuyến đường thuộc quận Bình Tân, Thủ Đức, Tân Phú, Q.10... cũng thường xảy ra nạn cướp giật tài sản. Bọn cướp giật sử dụng phương tiện là xe gắn máy phân khối lớn, hoặc xe đã thay đổi kết cấu chế lên tốc độ cao để đi gây án. Dù đã sử dụng rất nhiều các biện pháp để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn ngừa loại tội phạm này, cũng như kiên quyết xử lý hình sự hầu hết các băng nhóm cướp giật tài sản có tổ chức trên đường phố khi bị bắt, nhưng đây vẫn luôn là một vấn nạn chưa có lời giải thích hợp của thành phố lớn nhất Việt Nam.
Theo VTC
Đà Nẵng: Nhiều nữ sinh bỗng dưng mất tích Yêu sớm, giận gia đình với nhiều lý do "lệch lạc", khiến nhiều nữ sinh đã "bỗng dưng" mất tích tạo nên những tin đồn thất thiệt cũng như sự hoang mang lo lắng cho nhiều gia đình tại TP Đà Nẵng. Tin từ Đội cảnh sát hình sự (CSHS) CA quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng cho biết: Từ cuối tháng 2/2012...