Chủ tịch Hà Nội kêu gọi chấm dứt ăn thịt chó
Chó mèo có thể là nguồn lây nhiễm dịch Covid-19 vào Hà Nội. Tôi kêu gọi cộng đồng chấm dứt ăn thịt chó, động vật hoang dã – ông Nguyễn Đức Chung nói.
Thông tin tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội chiều nay, Chủ tịch UBND TP cho hay, đại dịch Covid-19 đã lan ra 158 nước và vùng lãnh thổ với tốc độ lây lan nhanh về cả số ca nhiễm và số người tử vong.
Việt Nam có những ca siêu lây nhiễm như ở Bình Thuận. Ở Hà Nội chưa phát sinh nguồn lây nhiễm chưa rõ nguồn gốc; các ca lây nhiễm trong 10 ngày qua đều xác định đi về từ các nước châu Âu, lây nhiễm chéo.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lưu ý: “TP đã chứng kiến 2 trường hợp ban đầu xét nghiệm âm tính nhưng sau 7 – 8 ngày thì phát bệnh. Tất cả trường hợp tiếp xúc gần âm tính chưa phải yên tâm hoàn toàn mà đó chỉ là 1 yếu tố đánh giá”.
Có thể xử lý hình sự người không cách ly nghiêm túc
Lý giải về việc TP áp dụng các biện pháp cách ly, phong toả khác nhau tại Trúc Bạch, Núi Trúc, Cầu Giấy…, ông Chung cho biết mỗi biện pháp phải dựa trên cơ sở thực tiễn.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Ở phố Trúc Bạch (nơi ở của bệnh nhân 17) có người lây nhiễm và lây nhiễm chéo được nhận định là có thể trở thành ổ dịch. Những người lây nhiễm chéo đã tiếp xúc, mua bán với nhiều người ở các cửa hàng xung quanh nên phải cách ly cả đoạn phố. 10 ngày nay chưa phát hiện ca lây nhiễm mới tại đây.
Còn ở phố Núi Trúc (nơi ở của bệnh nhân thứ 50), cơ quan chức năng xác định bệnh nhân chỉ về nhà trong thời gian ngắn, lên thẳng tầng 10. Cùng với đó, việc khử khuẩn hàng ngày ở toà nhà rất tốt nên chỉ cần xử lý ở tầng 10 là nơi ở của bệnh nhân.
Còn ở Cầu Giấy chỉ cần cách ly cụm dân cư mà người nhiễm có tiếp xúc gần.
Theo Chủ tịch Hà Nội, với các trường hợp F1 ở trong các căn hộ rộng rãi, tòa nhà chung cư thoáng mát, không ảnh hưởng đến người khác và có thể kiểm soát được thì không nhất thiết phải cách ly toàn bộ toà nhà.
Về năng lực xét nghiệm, trung tâm xét nghiệm của các bệnh viện cấp TP có thể lấy từ 1.500 – 2.000 mẫu/ngày, tới đây có thể lên từ 2.000 – 2.500 mẫu.
Từ thực tiễn diễn biến dịch Covid-19, nhiệm vụ đầu tiên được Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh là tuyên truyền để người dân thủ đô nâng cao nhận thức, tiến tới mức độ cảnh báo cao hơn.
Video đang HOT
Nhắc bài học hơn 16.000 người tham gia buổi sinh hoạt tôn giáo ở Malaysia và chỉ 2 ngày sau đã 5.000 người nhiễm bệnh, ông Chung nhấn mạnh, mỗi người phải nâng cao ý thức, trách nhiệm với chính mình, gia đình và cộng đồng.
Nhiệm vụ tiếp theo là tập trung cao độ mọi nguồn lực để phát hiện, kiểm soát chặt chẽ các công dân từ nước ngoài vào Việt Nam.
Theo ông Chung, vẫn có khách nước ngoài vào Việt Nam, Hà Nội mà không được kiểm soát chặt chẽ nên vẫn có nguy cơ. TP cần sớm phát hiện, có biện pháp ngăn chặn để giảm thiểu việc lây nhiễm.
Thứ ba, quản lý chặt chẽ hành trình của những người tiếp xúc thuộc diện F1, F2, F3.
Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu giám sát chặt tất cả các công dân đang cách ly tại nhà, cơ sở tập trung hay cơ sở y tế, đặc biệt cách ly tại nhà.
“Qua phản ánh, có một số người đang cách ly tại nhà vẫn đi lại nên đề nghị rà soát, kiểm tra. Nếu đã có quyết định cách ly tại nhà mà không thực hiện, sau này phát hiện bệnh và để lây nhiễm ra cộng đồng thì có thể sẽ xử lý hình sự”, ông Chung nói.
Ông nhấn mạnh với trường hợp cách ly tại nhà không nghiêm túc và gây hậu quả, ông sẽ đề nghị Công an TP lập hồ sơ xử lý và có thể truy tố theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu chính quyền TP yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các đơn vị phải xây dựng phương án cụ thể, đảm bảo đủ chỗ để cách ly, đảm bảo công tác hậu cần và các trang thiết bị bảo hộ.
Để có thể có nguồn lực chống dịch, ông Chung lưu ý có thể tập huấn cho sinh viên Học viện Quân y hay Đại học Y.
Kiểm soát những người sang nước ngoài mua chó mèo
Ông Chung gợi ý, các hãng hàng không hiện đang không có hoạt động bay, TP có thể liện hệ để làm các suất ăn cung cấp cho các khu tập trung.
Công an TP, quản lý thị trường phải đẩy mạnh kiểm tra kiểm soát phòng chống buôn bán động vật hoang dã, ngay cả với chó mèo.
“Hiện nay có người đi tận sang Lào, Campuchia mua chó mèo. Đây hoàn toàn có thể là nguồn lây nhiễm vào TP. Tôi kêu gọi cộng đồng chấm dứt ăn thịt chó, động vật hoang dã”, Chủ tịch Hà Nội đề nghị.
Trong trường hợp có nhiều người đi từ vùng dịch, từ các nước châu Âu, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng dự kiến lập các khu cách ly: Khu nhà sinh viên ở Tứ Hiệp (Hoàng Mai); một số trường dạy nghề ở Phú Xuyên, Chương Mỹ, Sơn Tây; BV đa khoa Sóc Sơn, Mê Linh, khu tái định cư Thượng Thanh. Ông Chung nói: “Các quận huyện phố biến cho người dân hiểu, yên tâm đây là khu cách ly để phòng ngừa, không phải khu để điều trị bệnh”.
TP có đủ bộ kit xét nghiệm từ 4 – 6 tiếng đồng hồ. Đối với trường hợp F1, F2, những người từ vùng dịch sẽ được xét nghiệm miễn phí 2 lần. Toàn bộ kinh phí sẽ do TP chi trả. Các công dân ở trong nước có biểu hiện, được bác sĩ chỉ định thì cũng được xét nghiệm.
Hiện nay có 2 bệnh nhân có diễn biến nặng, thở bằng máy. “Tôi đề nghị người dân hết sức bình tĩnh, chúng ta đang kiểm soát tốt”, ông Chung phát biểu.
Chủ tịch UBND TP tin rằng với những biện pháp quyết liệt của TP từ trước đến nay, tình hình dịch tại TP sẽ giảm vào cuối tháng 4, tuy nhiên cũng không được chủ quan, lơ là.
Trần Thường (vtc.vn)
Hà Nội: Một trường hợp âm tính đến ngày thứ 8 thì nhiễm Covid-19
Thông tin này được Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Hà Nội, chiều 16/3.
Cụ thể, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, trên địa bàn quận có một trường hợp đặc biệt, đó là bệnh nhân tên là L.T.Q. (thuê trọ tại ngõ 162 Nguyễn Văn Cừ) lần 1 xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính.
"Thời điểm có kết quả âm tính, bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư về Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm. Nhưng khi ở Bệnh viện đa khoa Gia Lâm thì lại có biểu hiện bệnh nên được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư" - ông Hà nói.
Theo Chủ tịch UBND quận Long Biên, ngày 15/3, kết quả xét nghiệm Covid-19 của bệnh nhân này cho kết quả dương tính. "Như vậy, sau 8 ngày có xét nghiệm âm tính thì kết quả xét nghiệm của bệnh nhân lại cho kết quả dương tính" - ông Hà nói và cho biết, khi biết kết quả bệnh nhân dương tính với Covid-19, quận đã phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC Hà Nội) rà soát lại toàn bộ các trường hợp tiếp xúc.
"Các trường hợp trước đây cho là F2 thì giờ thành F1. Có 6 người trên địa bàn quận, 2 trường hợp ở Nam Định và Hải Dương. Hiện cơ quan chức năng đã thông báo về các địa phương để có biện pháp xử lý".
Qua điều tra của quận Long Biên, ngày 16/3, quận bổ sung thêm 7 trường hợp F1 liên quan đến ca bệnh này, trong đó 3 người ở Long Biên, 1 ở tập thể sân bay Nội Bài, 1 trường hợp ở Hà Đông, 1 trường hợp ở Nam Định, 1 ở Hải Dương.
"Với các trường hợp ở Long Biên, quận đã chỉ đạo các UBND phường ra quyết định cách ly. Các trường hợp khác đã báo cáo về các địa phương" - vị Chủ tịch quận này nói và thông tin, trên địa bàn quận, tổng số trường hợp F1 là 96 người, F2 là 430 người, F3 là 435 người.
Quang cảnh cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội họp chiều 16/3.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP. Hà Nội tại cuộc họp, tính đến 15h00 ngày 16/3, thế giới đã ghi nhận 169.928 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19), trong đó có 6.521 trường hợp tử vong (Cụ thể, tại Trung Quốc có 3.213 trường hợp; 3.308 trường họp tử vong bên ngoài Trung Quốc).
Bệnh đã xâm nhập sang 156 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại các quốc gia như Italy, Iran, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Hoa Kỳ..., dịch đang có xu hướng gia tăng.
Từ ngày 6/3, trên cả nước liên tục ghi nhận các trường hợp dương tính vói Covid-19. Tính đến 15h00 ngày 16/3 đã ghi nhận 57 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó đã có 16/57 trường hợp đã khỏi bệnh và được xuất viện. Hiện tại còn 41 trường hợp đang được điều trị cách ly theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện.
Các trường hợp mắc bệnh phân bổ tại 12 tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc (11), Hà Nội (11), Bình Thuận (09), TP Hồ Chí Minh (08), Quảng Ninh (05), Quảng Nam (03), Đà Nẵng (03), Lào Cai (02), Huế (02), Khánh Hòa (01), Thanh Hóa (01), Ninh Bình (01).
Tại Hà Nội, đến chiều 16/3, đã ghi nhận 11 trường hợp nhiễm Covid-19, chưa có trường hợp tử vong. Từ ngày 6-8/3 có 4 ca, từ ngày 9-16/3 có 7 ca mắc mới, trong đó có 2 ca là người nước ngoài (1 người Đức và 1 người Anh).
"Hiện tại tất cả những bệnh nhân này đều đang được cách ly, điều trị tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2" - báo cáo nêu rõ.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, 11 bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên đã tiếp xúc với 376 người, trong đó 364 người đã âm tính với Covid-19, 7 trường hợp chưa có kết quả, 5 trường hợp đã di chuyển đi nơi khác.
Trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) là 918 người, tất cả các trường hợp này đều được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi cư trú), lấy 128 mẫu xét nghiệm. Kết quả 128/128 mẫu âm tính.
Sở Y tế cho biết đã cách ly các khu vực phố Trúc Bạch, Bệnh viện Hồng Ngọc, phố Nguyễn Khắc Nhu, Ngõ 165 Cầu Giấy và phố Núi Trúc. Tất cả các khu vực trên được phun khử khuẩn và đảm bảo sinh hoạt cho người dân trong khu vực cách ly.
Từ 0 giờ ngày 15/3, Thành phố đã thực hiện kiểm dịch y tế và khai bảo y tế đối với tất cả các hành khách nhập cảnh từ các nước khu vực Schengen, Anh, Bắc Ai-len, Iran, Hàn Quốc; đến 12h00 ngày 16/3, kiểm dịch cho 826 hành khách từ các quốc gia có dịch về sân bay Nội Bài và chuyển tới các khu cách ly tập trung theo quy định.
Tổng số người được cách ly tại 9 khu cách ly tập trung của Hà Nội là 2.913 người, trong đó đã hết thời hạn cách ly trở về địa phương 1.450 người, hiện còn cách ly 1.463 người.
Theo danviet.vn
Dịch Covid-19: Vì sao xét nghiệm âm tính vẫn phải cách ly 14 ngày? "Thời điểm lấy mẫu âm tính với Covid-19 có nghĩa là thời điểm đó chưa phát bệnh chứ không có nghĩa là không bị bệnh, phải tiếp tục giám sát, cách ly chặt chẽ trong 14 ngày để khẳng định rằng bệnh nhân không phát bệnh trong 14 ngày đó". Đó là đánh giá của ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung...