Chủ tịch Hà Nội: Có thể dùng xe cứu hỏa cấp nước sạch cho dân
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị cấp nước sạch không để nơi nào thiếu nước kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Trường hợp mất nước, chưa khắc phục ngay thì dùng phương án cấp nước lưu động, nếu xe téc không đủ có thể dùng xe cứu hỏa.
Ngày 14/5, tại buổi việc về tình hình cung cấp nước sinh hoạt trong mùa hè với Công ty nước sạch Hà Nội và các đơn vị liên quan, ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu không để xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội – cho biết, hiện nhu cầu nước sạch trên địa bàn dao động khoảng 900.000 m3/ngày đêm, trong đó Công ty nước sạch Hà Nội cung cấp khoảng 585.000 – 620.000 m3/ngày đêm và nhà máy nước sạch sông Đà 220.000-240.000 m3/ngày đêm, còn lại là của nhà máy nước sạch Sơn Tây, Hà Đông.
Nhu cầu nước sạch trên địa bàn Hà Nội ngày một tăng cao, nhất là vào dịp hè.
Nguồn nước ngầm đang có xu hướng giảm từ 1-2% mỗi năm, trong khi dự báo nhu cầu nước sạch trong năm nay tăng từ 5-7%, tương ứng với lượng nước thiếu hụt của toàn thành phố từ 40.000-60.000 m3/ngày đêm. “Tình hình cung cấp nước sạch được đánh giá rất khó khăn. Do vậy, ngoài việc vận hành tối đa các nhà máy nước, chúng tôi còn tuyên truyền đề nghị nhân dân sử dụng tiết kiệm”, ông Dục nói.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho nhân dân trong thời gian tới, Sở Xây dựng đang cùng các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây đựng nhà máy nước sạch sông Hồng. Đặc biệt, đến giữa năm 2016, dự kiến sẽ hoàn thành tuyến đường ống nước sạch sông Đà số 2. Đối với khu vực được dự báo trước sẽ được cấp nước sạch theo giờ.
Video đang HOT
Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội Nguyễn Bảo Vinh cho biết, từ giữa tháng 4 đến nay, trên địa bàn xảy ra một số khu vực thiếu nước. Bằng biện pháp lắp đặt thêm đường ống, tình trạng thiếu nước cơ bản được khắc phục. Ông Vinh dự báo tình hình xấu nhất trên địa bàn thành phố xảy ra trên 60 điểm thiếu nước.
Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex cho biết, ngoài việc đảm bảo an toàn cho tuyến đường ống nước sạch sông Đà, đơn vị này đã chuẩn bị máy móc với tinh thần “trực chiến” khi xảy ra sự cố. Ông Tốn kiến nghị Hà Nội di dời các cây đè trực tiếp lên đường ống nước sạch sông Đà số 1 ra ngoài để đảm bảo an toàn.
Về đường ống nước sạch sông Đà số 2, ông Tốn cho biết, đến nay đã thu xếp xong nguồn vốn đầu tư, đang thuê khảo sát thiết kế sau đó trình Bộ Xây thẩm tra để thực hiện các bước tiếp theo. Dự kiến vào cuối tháng 8, Vinaconex khởi công đường dẫn nước sạch sông Đà số 2 và vào khoảng giữa năm 2016 mới hoàn thành.
Ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá đường ống nước sạch sông Đà số 2 là công trình cấp bách. Do vậy, các đơn vị liên quan phải làm thật nhanh mới đảm bảo nhu cầu nước sạch cho nhân dân Thủ đô. “Trong tháng 5, Vinaconex phải báo cáo thành phố tiến độ tuyến đường ống nước sạch sông Đà số 2. Phải tập trung bằng mọi biện pháp để đủ nước cho bà con, không để thiếu nước cục bộ kéo dài”, ông Thảo nói.
Theo ông Thảo thời điểm này mới là đầu mùa hè, nhu cầu sử dụng nước của nhân dân Thủ đô chưa tới đỉnh điểm. Do vậy, mục tiêu quan trọng nhất thời gian tới là không để nơi nào thiếu nước kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.
Ông Thảo yêu cầu các đơn vị rà soát lại hệ thống trạm bơm, đường dẫn, phân phối nước sạch đến các hộ dân. Đặc biệt, khi đường ống nước sạch xảy ra sự cố phải có biện pháp khắc phục ngay. “Phải bám sát các khu vực có nguy cơ thiếu nước để đưa ra phản ứng kịp thời cung cấp nước sạch cho dân. Trong trường hợp xảy ra sự cố nhưng chưa khắc phục ngay được phải sử dụng phương án cấp nước lưu động, nếu xe téc không đủ, có thể chủ động dùng xe cứu hỏa”, ông Thảo đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước.
Quang Phong
Theo Dantri
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu rà soát việc chặt hạ 6.700 cây xanh
Chiều ngày 18/3, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, dư luận phản ánh về việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố, điển hình trong đó có bức thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn gửi Chủ tịch UBND thành phố nêu lên những băn khoăn về việc chặt hạ hàng nghìn cây xanh trên địa bàn Thủ đô.
Ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố, đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị.
Hà Nội đã chặt hạ hàng loạt cây xanh trên đường Nguyễn Trãi (Ảnh Nguyễn Dương)
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn.
Trước đó, Sở Xây dựng cho biết, Hà Nội lên kế hoạch chặt hạ, thay thế khoảng 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố. Theo Sở Xây dựng hiện có khoảng hơn 29.000 cây xanh được trồng hai bên tuyến phố của 10 quận nội thành không thuộc chủng loại cây đô thị. Trong đó phổ biến như cây trứng cá, vông, dâu da... Bên cạnh đó còn có một số cây cong, nghiêng gây cản trở giao thông; một số cây chết, sâu mục không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Sau khi chặt hạ hàng nghìn cây trên, đơn vị chức năng sẽ trồng bổ sung thay thế.
Về kế hoạch trên, ông Trần Đăng Tuấn đã thông qua Báo Dân trí gửi bức thư ngỏ tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Nội dung bức thư ông Tuấn kiến nghị Chủ tịch Hà Nội nên tạm dừng việc hạ chặt cây một thời gian để người dân tự kiểm tra: Có đúng 6.700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không?
Ông Tuấn kiến nghị thông báo trên báo chí cho mọi người biết có bao nhiêu cây như vậy ở trên mỗi tuyến phố cụ thể. Đánh dấu nhận biết 6.700 cây đó để người dân bằng mắt mình kiểm nghiệm và thấy việc này thoả đáng không. Nếu thoả đáng, người dân không có lý gì không ủng hộ. Nếu không thoả đáng, người dân sẽ có ý kiến và Sở Xây dựng cần có sự xem xét điều chỉnh lại danh mục cây cần loại.
Hãy để các nhà khoa học và người dân đưa ra ý kiến của mình về việc nên giữ lại hay bỏ những cây gì. Cây gì giữ nhưng nên bớt.
Việc thay thế (nếu thực sự cần) theo cách thức nào: Trồng mới xen thay dần cây cũ hay trồng mới một loạt, bỏ cây cũ một loạt.
Chọn cây mới trên cơ sở gì, có thoả đáng không và khía cạnh kinh phí thì như thế nào. Đã là hợp lý, tiết kiệm hay không trong thời điểm này. Bao nhiêu kinh phí từ ngân sách, bao nhiêu do các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ. Việc sử dụng ngân sách mua cây, trồng cây, thay cây... theo phương thức nào.
Quang Phong
Theo Dantri
Khu vực nào tại Hà Nội sẽ "khát" mùa hè này? Nhu cầu nước sạch cho sinh hoạt sẽ đặc biệt tăng cao vào mùa hè. Hiện nay, do nguồn nước ngầm tiếp tục bị suy giảm cũng như các sự cố liên quan đến mạng lưới cấp nước, mất điện cục bộ... khiến cho mùa hè năm 2015, một số khu vực trên địa bàn Thủ đô sẽ có khả năng mất nước...