Chủ tịch Hà Nội: Các điểm trông giữ đỗ xe vỉa hè đều của người nhà bí thư, chủ tịch
Các bí thư, chủ tịch quận ngồi đây dám cam đoan với tôi các điểm trông giữ xe dưới phường có người nhà, có bãi đỗ xe của bí thư, chủ tịch không? Có đấy. Tôi xin nói các đồng chí có cả. Các đồng chí phải quán triệt, về bảo người nhà thôi thì sẽ đỡ đi rất nhiều rồi”, Chủ tịch TP nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Hồng Nhì
Sáng nay, Ban chỉ đạo 197, TP Hà Nội tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai kế hoạch về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho hay, từ năm 2000 HN đã triển khai Kế hoạch 36.
“TP ra quân bao nhiêu lần theo các kế hoạch đều thất bại và gần đây nhất, Chỉ thị 14 ngày 12/12/2012 của Thành ủy do nguyên Bí thư Phạm Quang Nghị ký vẫn còn nguyên giá trị”, ông nhấn mạnh.
Ông Chung nói: “Tôi nghĩ cứ thực hiện đúng chỉ thị là công việc sẽ tốt. Tôi đề nghị Chánh văn phòng UBND TP cùng Văn phòng Thành ủy về photo lại chỉ thị này gửi cho các sở, ban, ngành, quận huyện thực hiện đúng.
Ông Chung gói gọn lại trong mấy việc. Thứ nhất là tất cả việc liên quan đến lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, lấn chiếm trong ngõ để bán hàng, trông giữ ô tô, xe máy.
Thứ hai, liên quan đến bán hàng rong. Thứ ba, các quảng cáo, biển khoan cắt bê tông.
Ông lấy thí dụ ngay câu chuyện nhà ông: “Tôi về cổng nhà tôi cũng có dán biển khoan cắt bê tông, tôi lấy máy gọi người chủ, nhà tôi muốn khoan bê tông. Khi đến, tôi gọi Trưởng công an phường, sau đó, cả ngõ không còn tình trạng này”, lãnh đạo HN nói.
Theo ông Chung, việc này làm được chứ không phải không và những năm 2013, 2014 HN đã làm rất tốt. TP đã trang bị hơn 140 xe ô tô loại 750kg, sau đó, chuyển sang hình thức xe đạp được người dân đánh giá cao, gần gũi.
“Vừa nãy đồng chí Đình (ông Nguyễn Xuân Đình – Trưởng Phòng Cảnh sát trật tự, Công an TP) có nêu là thu bàn ghế, biển quảng cáo không, có thời kỳ, báo chí nêu về hình ảnh rất phản cảm, anh cảnh sát giằng kéo rổ bán hoa quả, thu mấy cái biển, bàn ghế nhựa về công an các phường nhưng không có chế tài thanh lý.
Video đang HOT
Chúng ta có cách làm nhưng không kiên trì, có những đồng chí lãnh đạo không quan tâm nên mới xảy ra tình trạng bắt cóc bỏ đĩa, lúc làm lúc không”, ông Chung cho hay.
Ông cũng đặt vấn đề, tại sao có những quận làm tốt, có những quận không làm, bởi vì có những lãnh đạo không quan tâm và Bí thư Thành ủy cũng nhắc ông phải nhấn mạnh vấn đề này.
Theo ông, lãnh đạo các sở, chủ tịch UBND các xã, phường, trưởng công an mà quan tâm vấn đề này thì hoàn toàn có thể làm tốt.
“Cách làm của Hà Nội không thể ra quân rầm rộ mà làm như thế nào cho bền vững, để người dân không tái lấn chiếm, mọi người phải tâm phục khẩu phục và thấy mình phải có ý thức với Thủ đô, không vứt rác, lấn chiếm vỉa hè. Chứ còn ra quân, phá dỡ xong lại bán hàng.
Tôi thống kê, hơn 180 quán bia vỉa vè thì có trên 150 quán bia có công an đứng đằng sau nên tất cả các ông công an bỏ mà thôi. Mà có quán triệt là tôi nói trật tự hết.
Các bí thư, chủ tịch quận ngồi đây dám cam đoan với tôi các điểm trông giữ xe dưới phường có người nhà, có bãi đỗ xe của bí thư, chủ tịch không? Có đấy. Tôi xin nói các đồng chí có cả. Các đồng chí phải quán triệt, về bảo người nhà thôi thì sẽ đỡ đi rất nhiều rồi”, Chủ tịch TP nói.
Ông Chung nhấn mạnh, nếu lần này không làm, ông sẽ chỉ rõ chỗ nào bí thư quận nào, chủ tịch, trưởng phường, kể cả lãnh đạo sở cũng có.
Chủ tịch HN hỏi Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm rằng, các điểm bãi đỗ xe xung quanh bến xe Mỹ Đình có những ai, người nhà nhà ai ở đấy, quê ở đâu?
“Các đồng chí cứ nêu xem có phải ở Bắc Ninh không? Ai quê Bắc Ninh thì tra ngược ra. Tôi không tiện nói rõ, nhưng phải có cách làm đúng mới có phương pháp đúng được. Lần này, chúng ta làm cương quyết, bền vững, nhưng không ồn ào. Các đồng chí cứ ồn ào, ra quân, không khéo xuống lại làm ùn tắc thêm đường”, Chủ tịch TP nhấn mạnh.
“Chịu khó đến từng nhà, kiên trì”
Lãnh đạo TP yêu cầu thực hiện phải kiên trì và đi đúng 3 bước. Thứ nhất, tuyên truyền nhắc nhở đến từng gia đình, chủ tịch UBND xã phường phải chịu trách nhiệm thành lập các tổ 2 – 3 người đến từng nhà.
“Các đồng chí đến 1 phường không nhiều đâu, chỉ có người ở mặt đường chứ trong ngõ không ai bán đâu. Đến từng nhà một, đầu tiên là tuyên truyền, thuyết phục. Tôi đề nghị chủ tịch các phường nên có 1 thư ngỏ nêu rõ thực hiện chủ trương của TP, quận về việc yêu cầu các hộ kinh doanh ở mặt đường, mặt ngõ không lấn chiếm vỉa hè để bán hàng, trông giữ trái phép xe đạp, xe máy và đề nghị họ chấp hành.
Các đồng chí phải ra 1 thông điệp gửi cho từng nhà, chịu khó đến từng nhà. Đồng thời ra thông điệp cho họ trong bao nhiêu ngày phải tháo dỡ và trong quá trình bán hàng là không được bày bán.
Bước 2, kiểm tra xem xét việc người dân thực hiện. Chúng ta làm có tình có lý. Hết bước kiểm tra nhắc nhở đến bước 3, cưỡng chế và phạt. Lúc đó người dân không kêu vào đâu được”, ông Chung nêu.
Về đối tượng, theo Chủ tịch Chung, chỉ cần làm tốt 14 loại hàng thì tin TP sẽ sạch đẹp: cửa hàng bán hàng ăn, bán hoa, hoa quả, hàng điện máy, sửa chữa xe đạp xe máy, đồ da và đồ thời trang, đồ thể thao, trông giữ xe máy xe đạp, hàng rong, rau quả, thực phẩm…
“Các quận hiện nay bật đèn xanh cho người bán. Chúng ta phải nhất quán. Có nhiều nhà kinh tế lên tiếng về việc giải quyết công ăn việc làm, vấn đề người nghèo. Tôi xin thưa, nếu để ùn tắc giao thông, để TP nhếch nhác, bẩn thỉu, vệ sinh môi trường như hiện nay thì chúng ta mất đi văn hóa của 1 TP văn minh. Đó là cái mất lớn. Chúng ta phải nhất quán chuyện không phải vì mấy hộ này, không phải vì mấy người bán hàng rong các tỉnh, ngoại thành vào đây để Thủ đô nhếch nhác được”, ông Chung nhấn mạnh.
Nếu làm 14 việc này thì Chủ tịch TP tin HN sẽ phong quang hết.
Ông cũng nêu cụ thể chủ tịch UBND các quận, trưởng công an các quận, phường và chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm chính liên quan 14 việc này.
“Năm nay là năm kỷ cương hành chính, nếu các đồng chí về không tổ chức triển khai, làm không nghiêm túc, không hiệu quả, làm không kiên trì, để tái diễn. Các đoàn kiểm tra công vụ của TP về kiểm tra lần thứ 3 là xem xét trách nhiệm.
Tôi xin nói thẳng thắn lần này TP cũng sẽ phải xem xét một vài đồng chí. Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã có chỉ thị rồi, trưởng công an phường tham gia cấp ủy. Với góc độ ngành dọc, chúng tôi sẽ cách chức về mặt Đảng, chứ không phải chờ ý kiến anh Khương ( GĐ Công an TP Đoàn Duy Khương – PV). Lần này TP sẽ làm một cách nghiêm túc”, Chủ tịch TP khẳng định.
(Theo Vietnamnet)
Bộ trưởng Công an: Hàng nghìn băng nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, trong năm 2016, lực lượng công an đã tập trung tấn công các tổ chức tội phạm núp bóng doanh nghiệp. Có hơn 1.000 băng nhóm đã được "bóc gỡ" cho thấy hiện tượng thông qua hình thức lập doanh nghiệp để tập hợp tổ chức, hoạt động xã hội đen...
Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói về xu hướng diễn biến của tội phạm trọng năm 2016.
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ với các địa phương sáng nay, 29/12, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, trong năm, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, giải pháp đảm bảo môi trường cho doanh nghiệp (DN) phát triển, chủ động phát hiện sơ hở yếu kém của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các ngân hàng thương mại để thúc đẩy tái cơ cấu lại hệ thống DNNN, các ngân hàng, chống gian lận thương mại... góp phần làm lành mạnh hoá thị trường, chống thất thu thuế, đảm bảo thu ngân sách nhà nước.
Hoạt động của ngành công an góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn cho DN phát triển.
Một điểm nổi bật trong hoạt động của lực lượng công an năm nay là tập trung chỉ đạo đảm bảo an ninh kinh tế, đảm bảo an toàn các công trình trọng điểm quốc gia, chống các hoạt động thông qua kinh tế làm chuyển biến chính trị...
"Chúng tôi đã đề xuất và được Bộ Chính trị thông qua Chỉ thị về an ninh kinh tế, chống các hoạt động chuyển hướng trong kinh tế. Đây là việc làm rất quan trọng mà từ đầu năm tới, lần đầu tiên chúng ta sẽ triển khai thực hiện chỉ thị này" - Thượng tướng Tô Lâm phát biểu.
Theo hướng diễn biến này, theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong năm, lực lượng công an đã thực hiện nghiêm chỉ đạo về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tấn công các tổ chức tội phạm núp bóng doanh nghiệp. Có hơn 1.000 băng nhóm tội phạm đã được "bóc gỡ", trong đó có nhiều nhóm núp bóng để hoạt động, ảnh hưởng đến môi trường lành mạnh của các hệ thống doanh nghiệp.
Bộ trưởng Công an nêu rõ, các băng nhóm tội phạm thông qua hình thức lập DN để tập hợp các tổ chức hoạt động kiểu xã hội đen, gây ảnh hưởng, tác động đến hoạt động làm dự án, đấu thầu...
Các lĩnh vực hoạt động là "mảnh đất" núp bóng của tội phạm là san lấp mặt bằng, giải phóng mặt bằng, thu hồi nợ, khai thác khoáng sản, kinh doanh vận tải....
Theo thống kê, cả năm, lực lượng Công an đã xử lý 18.000 vụ án kinh tế, nhiều hơn 900 vụ so với năm ngoái, phát hiện hàng trăm DN lợi dụng chính sách hoàn thuế VAT, gian lận thuế xuất nhập khẩu. Lực lượng cũng điều tra xử lý 339.000 vụ buôn lậu... góp phần làm giảm tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, giúp bình ổn thị trường trong nước...
Ngoài ra, Bộ trưởng Công an cũng nêu nhiều con số về xử lý vi phạm pháp luật về môi trường, giải quyết các vụ khiếu kiện, đình công lãn công, tăng cường việc phòng cháy chữa cháy, cứu nạn ở các khu kinh tế, khu công nghiệp...
Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị Chính phủ lưu ý hơn vấn đề quản lý xã hội, di dân, di cư vì nếu không, đây sẽ là một nguy cơ gây bất ổn tình hình.
"Di dân, di cư giờ đã là một vấn đề quốc tế, Việt Nam phải đề phòng làn sóng di cư từ bất ổn của các nước xung quanh. Trong phạm vi quốc gia, các vấn đề di dân di cư cũng phải được đánh giá kỹ. Riêng Tây Nguyên của chúng ta, trước đây, dân số chỉ 1,1 triệu người, giờ đã tăng lên hơn 5 triệu người, người nơi khác đến đã nhiều hơn dân bản địa, nhiều địa bàn xã, huyện dân cư nhập cư "áp đảo" dân cư tại chỗ, tạo xung đột xã hội, gây mất ổn định" - Bộ trưởng Công an phân tích, cần chính thức thừa nhận sự di dân để đảm bảo điều kiện sống của người lưu trú ở khu vực.
Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị tăng cường bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đời sống dân sinh, nhất là ở những khu công nghiệp, các thành phố lớn với tinh thần "phát triển phải đi liền với ổn định".
P.Thảo
Theo Dantri
Thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài: Chỉ áp dụng khi "có đi có lại"? Chính phủ đề xuất thí điểm cho phép người nước ngoài tự truy cập cổng thông tin điện tử của các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam để thực hiện thủ tục xin thị thực điện tử. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho rằng nên giới hạn phạm vi, chỉ áp dụng với công dân một số nước...