Chủ tịch Fed: Nền kinh tế Mỹ không còn quá nóng
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 9/7, trong buổi điều trần trước Thượng viện, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang ( Fed) Jerome Powell đã đánh giá nền kinh tế Mỹ không còn quá nóng, với thị trường việc làm đã hạ nhiệt và nhiều mặt đã quay trở lại tình trạng trước đại dịch COVID-19, khiến khả năng cắt giảm lãi suất đang trở nên mạnh mẽ hơn.
Theo ông Powell, sau khi không đạt được tiến bộ trong mục tiêu lạm phát 2% vào đầu năm nay, số liệu hàng tháng gần đây nhất đã cho thấy những bước tiến triển nhỏ. Người đứng đầu Fed cho rằng những dữ liệu tốt hơn sẽ củng cố niềm tin rằng lạm phát đang hướng tới mức 2% một cách bền vững.
Người dân mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ, ngày 15/5/2024. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Chủ tịch Fed cũng đánh giá thị trường lao động dường như đã hoàn toàn cân bằng trở lại. Báo cáo việc làm hôm 5/7 của Bộ Lao động cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ đang chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 4,1%, điều mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho rằng sẽ giúp lạm phát tiếp tục giảm.
Ông Powell coi tỷ lệ thất nghiệp là “vẫn thấp”, song cũng lưu ý rằng với những tiến bộ đạt được trong việc giảm lạm phát và hạ nhiệt thị trường lao động 2 năm qua, lạm phát tăng cao không phải là rủi ro duy nhất nước Mỹ phải đối mặt. Ông cho rằng chính sách quá chặt chẽ trong thời gian quá dài có thể làm suy yếu quá mức hoạt động kinh tế và việc làm. Người đứng đầu ngân hàng trung ương cũng đánh giá tăng trưởng kinh tế của Mỹ “vẫn vững chắc”, với nhu cầu tư nhân “mạnh mẽ”, điều kiện cung ứng tổng thể được cải thiện và “sự phục hồi” trong đầu tư nhà ở.
Người lao động đăng ký tìm việc tại hội chợ việc làm ở Sunrise, bang Florida (Mỹ) ngày 26/6/2024. Getty Images/TTXVN
Trước đó, trong báo cáo gửi Quốc hội được công bố ngày 5/7, Fed lưu ý rằng có lý do chính đáng để tin rằng áp lực giá cả đang giảm, đặc biệt là trên thị trường nhà đất, lĩnh vực chính dẫn đến lạm phát dai dẳng gần đây.
Sau những đánh giá của Chủ tịch Jerome Powell, các nhà đầu tư tiếp tục đặt cược xác suất gần 70% Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024. Dự kiến ngày 10/7, ông Powell sẽ tiếp tục có phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ.
Video đang HOT
Biên bản cuộc họp Fed bộc lộ nỗi lo về lạm phát ngày càng tăng
Một nền kinh tế mạnh mẽ và lạm phát tiếp tục gia tăng đã khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kết luận rằng tiến trình chống lại đà tăng giá cả của họ đã bị đình trệ.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo biên bản công bố hôm 22/5 của cuộc họp gần đây nhất, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã bỏ phiếu giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 23 năm khi họ vẫn phải tìm cách giải quyết lạm phát duy trì dai dẳng trên ngưỡng mục tiêu dài hạn 2% của ngân hàng này.
Biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) cho thấy các quan chức Fed nhìn chung cảm thấy rằng các số liệu gần đây không đủ để củng cố niềm tin rằng lạm phát đang tăng bền vững ở mức 2%.
Fed cho biết, báo cáo lạm phát đáng thất vọng cùng số liệu kinh tế mạnh mẽ trong quý I/2024 khiến họ kết luận rằng "sẽ mất nhiều thời gian hơn dự đoán trước đây" để giới chức tin tưởng lạm phát đang giảm dần.
Một số thành viên của FOMC chia sẻ suy nghĩ rằng tăng trưởng tổng cầu sẽ cần phải chậm lại để đạt được mục tiêu lạm phát đề ra.
Fed cho biết thêm, nhiều nhà hoạch định chính sách khác cũng đề cập đến việc sẵn sàng thắt chặt chính sách hơn nữa, nếu rủi ro lạm phát xảy ra theo cách khiến một hành động như vậy trở nên phù hợp.
Trong một tín hiệu tích cực hơn, biên bản của Fed lưu ý rằng các biện pháp trung và dài hạn về lạm phát dự kiến vẫn được giữ vững.
Điều này được coi là rất quan trọng để đáp ứng mục tiêu lạm phát của Fed một cách bền vững.
Theo dữ liệu từ công ty dịch vụ tài chính CME Group, thị trường hiện đặt cược rằng Fed có gần 60% khả năng sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào giữa tháng Chín.
Nếu kịch bản nêu trên thực sự xảy ra, động thái của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ trở nên nổi bật giữa chiến dịch tranh cử Tổng thống giữa ông Joe Biden và ông Donald Trump. Trong các đề tài tranh luận, tình hình nền kinh tế Mỹ cũng như vấn đề chi phí sinh hoạt dường như sẽ trở thành điểm thu hút nhiều sự chú ý nhất.
Theo một khảo sát hàng năm công bố mới đây của Fed, các gia đình Mỹ tiếp tục cảm nhận tác động của lạm phát vào cuối năm 2023, dù sức ép giá cả giảm.
Khoảng 72% số người trưởng thành đảm bảo về tài chính vào tháng 10/2023, giảm so với mức 78% năm 2021 và thấp nhất kể từ năm 2016, dù không thay đổi nhiều so với con số 73% của năm 2022.
Tỷ lệ các bậc cha mẹ đảm bảo về tài chính giảm 5 điểm phần trăm, xuống 64%, mức thấp nhất kể từ năm 2015, khi số liệu bắt đầu được thống kê.
Lạm phát vẫn là mối lo ngại lớn nhất liên quan đến tài chính. 65% số người trưởng thành cho rằng giá cao đã khiến tình hình tài chính của họ khó khăn hơn, dù lạm phát giá tiêu dùng giảm mạnh từ mức khoảng 9% vào tháng 6/2022 xuống dưới 4% vào thời điểm khảo sát được thực hiện.
Trong khi 34% cho biết thu nhập hàng tháng của gia đình tăng trong một năm, 38% nói mức chi của họ cũng tăng.
Trong bối cảnh trên, tập đoàn bán lẻ Target đã giảm giá hơn 1.500 mặt hàng phổ biến, từ bơ đến bột giặt, giữa bối cảnh khi Target đang cố gắng thu hút những người mua sắm thận trọng với lạm phát do giá hàng hóa tăng cao.
Các nhà bán lẻ lớn khác, như Ikea và Aldi, cũng đã triển khai những chương trình giảm giá trong những tháng gần đây nhằm thu hút người tiêu dùng đến cửa hàng và lôi kéo họ tiêu tiền, vì nhiều người có xu hướng cắt giảm chi tiêu vì lạm phát.
Nợ Chính phủ Mỹ đã tăng gần 50% kể từ đầu đại dịch COVID-19, làm dấy lên quan ngại cho cả Phố Wall và chính phủ nước này.
Hiện khoản nợ của chính phủ liên bang lên tới 34.500 tỷ USD, nhiều hơn khoảng 11.000 tỷ USD so với tháng 3/2020. Trước đây, những lo ngại về mức nợ "khủng" phần lớn thường xuất hiện trong cuộc tranh cãi giữa các đảng cầm quyền, cũng như những tổ chức giám sát như Ủy ban Ngân sách Trách nhiệm liên bang.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự báo thâm hụt ngân sách trong năm tài chính 2024 ở mức 1.600 tỷ USD, con số này đã lên tới 855 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 10/2023-4/2024, và sẽ tăng lên 2.600 tỷ USD trong năm 2034. Tỷ lệ thâm hụt trên GDP sẽ tăng từ 5,6% trong năm nay lên 6,1% trong 10 năm.
Theo ông Andrew Hollenhorst, chuyên gia trưởng về kinh tế Mỹ của ngân hàng Citigroup, thị trường lao động xấu đi sẽ là nguyên nhân khiến nền kinh tế Mỹ nhanh chóng trở nên xấu đi. Trên thực tế, ông nhận thấy sẽ có sự thay đổi đột ngột trong tình hình kinh tế Mỹ vào cuối năm nay.
Chuyên gia trên cho hay các công ty đang hạn chế tuyển dụng hơn, cũng như yêu cầu công nhân làm việc ít giờ hơn. Vì vậy, quá trình suy yếu kinh tế dần dần này đã bắt đầu. Xu hướng này sẽ ngày một lan rộng và có thể đẩy nền kinh tế rơi vào kết thúc "hạ cánh cứng".
Mặc dù dữ liệu thị trường lao động gần đây không nhất thiết chỉ ra tình huống thảm khốc như vậy, ông Hollenhorst lập luận rằng một số báo cáo cho thấy một môi trường bi quan hơn nhiều người có thể nhận ra. Hạ cánh cứng là một viễn cảnh rắc rối vì có thể xảy ra một cuộc suy thoái toàn diện.
Các nhà phân tích khác cũng lên tiếng cảnh báo khả năng kinh tế Mỹ "hạ cánh cứng" vì sự suy thoái của thị trường lao động. Nhà dự báo kỳ cựu Danielle DiMartino Booth cho biết, số lượng việc làm bị cắt giảm mạnh cho thấy một cuộc suy thoái đã đến.
Lạm phát của Mỹ tiếp tục chậm lại trong tháng 12 Phóng viên TTXVN tại Washington đưa tin, theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 26/1, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của nước này đã tăng trở lại trong tháng 12/2023, song mức lạm phát hàng năm vẫn được duy trì dưới 3% tháng thứ ba liên tiếp, có thể cho phép Cục Dự trữ liên bang...