Chủ tịch FED: ‘Mỹ sẽ lấy lại được những gì đã mất nhanh thôi, nhưng không phải trong năm nay’
Chủ tịch FED tin rằng kinh tế Mỹ có thể tránh được được một cuộc đại khủng hoảng về dài hạn.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 17/5, Chủ tịch Jerome Powell của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã thừa nhận nền kinh tế số 1 thế giới có thể suy giảm 30% trong quý II nhưng vẫn có khả năng tránh được một cuộc đại khủng hoảng về dài hạn.
Theo Chủ tịch Powell, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể đạt mức kỷ lục 25% và tương tự như cuộc Đại khủng hoảng trong thập niên 1930. Dẫu vậy, Chủ tịch Powell vẫn tự tin với hệ thống tài chính vững mạnh hiện nay cùng với các chính sách hợp lý của FED sẽ đối phó được với các thách thức và tránh được một cuộc khủng hoảng được cho là lớn nhất lịch sử.
Cũng theo cuộc phỏng vấn, Chủ tịch Powell cho rằng những người trong độ tuổi 20-30 là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất vì khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19. Sự ảm đạm của thị trường tiêu dùng cùng khó khăn của doanh nghiệp sẽ đe dọa sự nghiệp của những người trong độ tuổi này.
Mặc dù vậy, ông Powell cũng dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi trở lại trong quý III khi các nhà máy, doanh nghiệp được mở cửa trở lại và các lệnh giãn cách được nới lỏng.
“Tôi cho rằng nhiều khả năng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng theo hướng tích cực trong quý III và thậm chí là trong nửa cuối năm 2020. Tôi cho rằng chúng ta sẽ lấy lại được những gì đã mất nhanh thôi, nhưng không phải trong năm nay. Nền kinh tế chưa thể hồi phục nhanh được như thế”, Chủ tịch Powell đánh giá.
Một trong những nguyên nhân khiến FED tự tin có thể giúp nền kinh tế Mỹ tránh được một cuộc Đại khủng hoảng tương tự như thập niên 1930 là gói cứu trợ 3 nghìn tỷ USD đã được chính phủ và nghị viện thông qua. Thêm nữa, cuộc khủng hoảng lần này cũng không phải do các yếu tố cơ bản của nền kinh tế như bong bóng xì hơi hay đổ vỡ hệ thống mà chỉ do yếu tố tâm lý khi thị trường bị tạm đóng băng để chống dịch Covid-19.
Trong 2 tháng qua, khoảng 36,5 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và tỷ lệ không có việc làm tại Mỹ đã đạt 14,7%, mức cao kỷ lục.
“Chính phủ và ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang có những động thái mạnh mẽ và nhanh chóng. Bởi vậy tôi cho rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm nhanh thôi. Số người thất nghiệp sẽ nhanh chóng suy giảm hơn nhiều so với thời kỳ Đại khủng hoảng 1930″, CHủ tịch Powel nhận định.
Theo kịch bản tồi tệ nhất từ dự báo của FED chi nhánh Atlanta, nền kinh tế Mỹ trong quý II/2020 có thể suy giảm tới 42%, mức tệ nhất trong lịch sử. Trong khi đó, Chủ tịch Powell cũng thừa nhận nền kinh tế Mỹ chưa thể phục hồi hoàn toàn nếu vaccine chống dịch Covid-19 chưa được sản xuất.
Covid-19 có thể gây thiệt hại 8.800 tỷ USD
Đại dịch Covid-19 có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu từ 5.800-8.800 tỷ USD, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Con số này gấp đôi dự báo trong tháng trước và tương đương với 6,4%-9,7% sản lượng kinh tế thế giới. Nhà kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, cho rằng tác động của dịch Covid-19 cho thấy bức tranh rộng lớn hơn về ảnh hưởng kinh tế, đồng thời cho biết thêm các chính sách can thiệp có thể đóng vai trò quan trọng giúp giảm thiểu thiệt hại cho các nền kinh tế. ADB đưa ra dự báo này với giả định rằng việc phong tỏa các hoạt động kinh tế phòng chống dịch kéo dài 6 tháng.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã cắt giảm mạnh lãi suất và đưa ra các biện pháp kích thích lớn để chống lại tác động của Covid-19. Đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, số người tìm kiếm trợ cấp thất nghiệp đã tăng gần 3 triệu vào tuần trước. Đầu tuần này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cảnh báo sự phục hồi kinh tế của Mỹ có thể sẽ chậm hơn so với dự kiến ban đầu.
Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, vàng đạt đỉnh Giá vàng hôm nay (16/5) tiếp tục đạt đỉnh trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang và khả năng thâm hụt ngân sách lớn của nền kinh tế Mỹ. 6h30 sáng nay, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.742 USD/ounce, tăng 08 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua. Bất chấp sự phục hồi của đồng USD,...