Chủ tịch EuroCham: EVFTA được thiết kế riêng cho DNNVV
Tại Hội thảo đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam-EU (EVFTA) chiều 1/7, ông Nicolas Audier – Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh EVFTA được thiết kế riêng cho DNNVV.
Ông Nicolas Audier – Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh EVFTA được thiết kế riêng cho DNNVV. Ảnh: Đức Tân/DNVN.
Theo ông Nicolas Audier, trong vòng 15 năm qua, EuroCham đã làm việc với 1000 thành viên trên rất nhiều lĩnh vực để cùng nhau hướng tới mở rộng hợp tác thương mại. Hiệp định EVFTA được ký kết là dấu mốc, thể hiện kết quả 15 năm thương thảo đàm phán.
EuroCham đảm bảo rằng Hiệp định này EVFTA là nội dung hàng đầu trong các phiên nghị sự của Nghị viện châu Âu thời gian tới. Khoảng 600 triệu dân của Việt Nam và EU sẽ được kết nối với nhau về dịch vụ thương mại, lao động.
EuroCham vừa thảo luận với Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc hiện nay có rất nhiều dự án đang được chuẩn bị để đảm bảo người Việt Nam có được năng lượng sạch và phát triển bền vững.
EuroCham cũng vừa phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để cùng hỗ trợ cho cộng đồng hai bên mở rộng hợp tác đầu tư thương mại.
EVFTA không chỉ là hiệp định thương mại đầu tư, mà là hiệp định thường mại công bằng, hiệp định được thiết kế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Cho dù doanh nghiệp châu Âu sang Việt Nam hay ngược lại thì đều hướng tới việc làm sao doanh nghiệp có được cách đầu tư có tổ chức, thủ tục đơn giản. Chúng tôi đã có dự án của Ủy ban châu Âu trong 3 năm vừa qua để hỗ trợ DNVVN của 28 nước. Chúng tôi sẽ thúc đẩy tối đa doanh nghiệp sang Việt Nam, có kế hoạch tổng thể để thực hiện hiệp định này”, ông Nicolas Audier nói.
Video đang HOT
Ông Nicolas Audier chia sẻ: EVFTA được ký kết chứng tỏ Việt Nam hoàn toàn có thể ký kết những hiệp định phức tạp có rất nhiều vấn đề bao quát. Các nước sẽ biết Việt Nam có năng lực và đây là tín hiệu tốt cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Sẽ thành lập hội đồng DN hỗn hợp trên cơ sở Diễn đàn DN Việt Nam-EU
Tại Hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ VCCI và EuroCham sẽ tiếp tục nắm tay nhau, mở cơ hội cho doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường với hy vọng mang lại giá trị gia tăng lớn.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, hiện còn nhiều rào cản phi thuế quan, rào cản kỹ thuật cần vượt qua, đặc biệt là chi phí tuân thủ và chi phí vệ sinh dịch tễ là không dễ dàng. Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Việt Nam và EU vẫn theo quy định của WTO.
“Để thực sự EVFTA là hiệp định tốt nhất, chúng tôi sẽ hướng tới việc thành lập hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp trên cơ sở Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-EU để kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Hiệp định theo từng năm. Hy vọng đây là mẫu hình liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Chính phủ đã gắn kết thì hai bên doanh nghiệp cũng gắn kết. Sẽ có hội nghị thượng đỉnh, liên minh doanh nghiệp trên từng ngành hàng”, ông Lộc nói.
Đức Tân
Theo DNV
Khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nghị định số 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chính thức được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, đang được các DN, hiệp hội ngành hàng phía Nam đánh giá cao và kỳ vọng trở thành trợ lực cho doanh nghiệp tiếp cận vốn phát triển.
Loay hoay với bài toán vốn
Theo đánh giá Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2018, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV - đây là luật đầu tiên về hỗ trợ DNNVV. Song thực tế phát triển các DNNVV vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất là vấn đề tiếp cận vốn. Cũng từ một khảo sát của VCCI cho thấy, có đến 70% DNVVN chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
Tăng cơ hội tiếp cận tín dụng cho DNVVN
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến 31/5/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,74% so với cuối năm 2018. Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá, tuy nhiên thực tế tiếp cận vốn của khu vực DNVVN vẫn còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân được chỉ ra là do DNVVN không có tài sản thế chấp, hệ thống kế toán, tài chính chưa chuẩn mực, phương án kinh doanh chưa phù hợp với thị trường, chưa phù hợp với năng lực kinh doanh nên chưa thể thuyết phục được ngân hàng rót vốn... Thêm vào đó, việc nhiều nhà băng chưa mặn mà với phân khúc khách hàng DNNVV bởi khả năng thu hồi vốn còn mang tính rủi ro cao. Để tìm kiếm vốn đầu tư, các DN này buộc phải tìm tới dòng vốn tín dụng đen.
Quỹ phát triển DNVVN - trợ lực cho DN
Trước những khó khăn về vốn của nhiều DNVVN đang gặp phải, Nghị định số 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNVVN và vừa chính thức được ban hành và có hiệu lực từ 1/7/2019 được đánh giá là tăng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực DN này. Bởi đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Quỹ hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, với số vốn tối thiểu là 2.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh đánh giá chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNVVN vay vốn tổ chức tín dụng, hỗ trợ vốn thông qua Quỹ phát triển DNVVN đã tạo thêm lực đẩy cho khu vực DNVVN giải tỏa bớt khó khăn về vốn, thêm lực đẩy cho DN thực hiện các mục tiêu sản xuất kinh doanh dài hạn.
Theo ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh một trong những cản trở lớn nhất của DNNVV hiện nay là không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp; hoặc không có phương án sản xuất kinh doanh hay không có các dự án khả thi để các NHTM xem xét cho vay... Vì thế để tháo gỡ khó khăn về vốn cho DNVVN thông qua Quỹ Phát triển DNVVN sẽ tạo trợ lực cho DN phát triển.
Theo nghị định, quỹ thực hiện cho vay dưới hai hình thức là trực tiếp và gián tiếp. Cho vay trưc tiêp là việc quỹ trực tiếp thực hiện cho vay đối với DNNVV. Cho vay gián tiếp là việc quỹ thực hiện cho vay đối với DNNVV thông qua giao vốn cho ngân hàng thương mại được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Lãi suất cho vay trực tiếp bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại. Mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại được xác định trên cơ sở so sánh lãi suất cho vay của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và có tổng tài sản lớn nhất tại thời điểm xác định lãi suất cho vay của quỹ.
Ngoài ra, mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án. Tổng mức cho vay của quỹ đối với một DNVVN không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của quỹ...
Cũng với mục tiêu giải quyết những khó khăn về vốn cho DNVVN, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.
Thanh Thanh
Theo congthuong.vn
Room ngoại 30% "bó chân" Fintech? Lần đầu tiên khối doanh nghiệp nước ngoài nêu quan ngại về các chính sách trong lĩnh vực Fintech tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2019. Theo nhiều chuyên gia, việc hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại sẽ làm hạn chế nghiêm trọng khả năng phát triển của ngành Fintech Việt Nam. Các...