Chủ tịch Đà Nẵng kiểm tra nơi tạm trú và tiếp sức cho bà con về quê qua Đà Nẵng
Ngày 8-10, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã đến điểm tập kết trung chuyển qua hầm Hải Vân của Ban quản lý hầm đường bộ Hải Vân để kiểm tra công tác hỗ trợ người về quê và thăm hỏi bà con tại đây.
Ông Lê Trung Chinh và ông Lê Quang Nam kiểm tra điểm tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống cho bà con về quê tại nhà chờ trung chuyển hầm đường bộ Hải Vân – Ảnh: NGỌC THỦY
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu Hội Chữ thập đỏ TP và các ngành chức năng TP Đà Nẵng phải chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, nước uống, nhiên liệu cho bà con về quê. Ngoài ra, chú ý chuẩn bị các suất cháo và súp nóng cho các em nhỏ và người kiệt sức trên đường về quê.
Ông Chinh cũng kiểm tra nơi tạm trú và vệ sinh môi trường cho bà con trong lúc chờ được dẫn qua hầm. Đồng thời, động viên lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng, tình nguyện viên đang triển khai công tác hỗ trợ tại các chốt.
Sau khi thăm hỏi tình hình bà con, ông Lê Trung Chinh và Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam đã lên xe tiễn một đoàn người về quê qua hầm Hải Vân.
Ghi nhận từ đêm qua đến sáng nay, trời Đà Nẵng tiếp tục có mưa lớn. Trong khuya hôm qua, một đoàn khoảng 300 người đã được các lực lượng tình nguyện và công an giao thông dẫn đường từ đèo Lò Xo, tỉnh Quảng Nam, vào TP Đà Nẵng để qua hầm Hải Vân.
Ông Dương Đình Liễu, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng, cho hay trong sáng nay tổ chức này đã triển khai dựng nhà tạm gần điểm tập kết hầm Hải Vân làm điểm phân phối quà hỗ trợ bà con về quê qua Đà Nẵng.
Việc hỗ trợ người dân sẽ do 3 tổ chức là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP, Thành đoàn Đà Nẵng và Hội Chữ thập đỏ TP đảm nhiệm. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của các hội nhóm và cá nhân thiện nguyện tại TP.
Các hoạt động hỗ trợ mà bà con nhận được khi đi qua Đà Nẵng là hỗ trợ nước uống, thực phẩm, cung cấp các suất ăn miễn phí; hỗ trợ sửa chữa xe máy, thay xăng, nhớt, săm, lốp xe; hỗ trợ sơ cấp cứu và hỗ trợ vận chuyển phương tiện, người dân không đảm bảo sức khỏe đến trạm trung chuyển hầm Hải Vân và từ trạm trung chuyển hầm Hải Vân về quê theo nhu cầu của người dân.
Đại biểu Quốc hội: Nên dùng tàu hỏa, xe khách đưa dân về quê
Miền Trung đang mưa lớn và sắp đón bão, các cơ quan chức năng cần khẩn cấp tổ chức đưa người dân về quê an toàn, theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường.
Năm ngày gần đây, hàng chục nghìn người dân từ phía Nam chạy xe máy về quê ở miền Trung và ra Bắc. Theo thống kê của lực lượng chức năng Đà Nẵng, riêng ngày 6/10 khoảng 7.000 người hồi hương đi qua địa bàn trong bối cảnh thời tiết mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Trước dự báo áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, tiếp tục gây mưa lớn ở miền Trung từ nay đến cuối tuần, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường kiến nghị Chính phủ và chính quyền các tỉnh "có kế hoạch hành động ngay lúc này để hỗ trợ người dân".
Theo ông, dòng người hồi hương đã vượt qua mọi kịch bản và tính toán của chính quyền. Khi người dân buộc phải về quê bằng xe máy, chở theo con nhỏ, thậm chí đi bộ "đều là những quyết định bất đắc dĩ".
Để hỗ trợ người dân, ông Cường nói nên sử dụng hệ thống đường sắt chạy dọc đất nước, đi qua hầu hết các tỉnh. Khi tàu về ga nào thì tỉnh đó điều ôtô đón người dân đi cách ly. Miền Tây không có hệ thống tàu hỏa thì các tỉnh chuyên chở bằng ôtô. Xe khách chở người, xe tải chở xe máy. "Tàu hỏa, xe khách đang nằm im một chỗ mà dân phải chạy xe máy, thậm chí đi bộ về là một nghịch lý", ông Cường nói và đánh giá cao việc một số tỉnh đã chủ động phương án đón người dân về bằng tàu hỏa, đơn cử như Quảng Bình.
Dòng người chạy xe máy trong mưa, trước khi đi vào hầm Hải Vân (Đà Nẵng), đêm 6/10. Ảnh: Nguyễn Đông
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, ở thời điểm hiện nay, không nên dùng biện pháp hành chính ngăn cản người dân về quê. Biện pháp hành chính chỉ phù hợp trong lúc tình hình dịch chưa được kiểm soát và chưa chuyển sang trạng thái "thích ứng an toàn".
"Nếu hành động kịp thời, thậm chí sớm hơn thì dòng người hồi hương đã có trật tự và dễ kiểm soát dịch hơn", ông nhận định và kiến nghị chính quyền các tỉnh sớm ký hợp đồng với đơn vị vận tải ở địa phương để đón dân.
"Người dân đánh cược tính mạng vượt hàng nghìn km về quê rất khổ ải và rất dễ tủi lòng, chúng ta cần sớm hỗ trợ họ bằng phương án tốt nhất có thể", ông nói thêm.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Trung tâm báo chí Văn phòng Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng kiến nghị chính quyền các tỉnh, thành tổ chức đón người dân về quê. Các địa phương có thể công bố đường dây nóng tiếp nhận nguyện vọng của người dân hoặc đăng ký trực tuyến. Sau đó, chính quyền trích ngân sách, kêu gọi xã hội hóa thuê chuyến bay, tàu hỏa đưa người dân hồi hương.
Theo ông, khi người dân về quê, cần tổ chức khám sàng lọc. Trường hợp nào an toàn cho cách ly tại nhà, bởi nhiều tỉnh địa bàn rộng, nhà dân ở xa nhau không cần thiết phải cách ly tập trung tất cả.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng hỗ trợ người dân về quê trước khi bão tới là "việc cấp bách nhất lúc này". Ông nói phản ứng chính sách cần có ngay và nhất quán từ trung ương đến địa phương, bởi đây đã trở thành vấn đề lớn của quốc gia chứ không còn riêng tỉnh nào.
Với người dân đang trên đường về, trung ương nên chỉ đạo các tỉnh lập trạm dừng nghỉ, hỗ trợ, bố trí nơi ăn ở, đợi mưa bão qua rồi bố trí cho người dân di chuyển tiếp. "Nếu cứ để dân đi về giữa lũ bão, có bất trắc xảy ra thì không có gì biện minh và chuộc lỗi được hết", ông nói.
Trong bối cảnh TP HCM và nhiều tỉnh phía Nam đang dần phục hồi kinh tế, TS Nguyễn Sĩ Dũng nói "lý tưởng nhất vẫn là vận động người dân ở lại". Người dân ở lại ngày nào thì TP HCM và các tỉnh trợ giúp ngày đó. Nếu nguồn lực địa phương cạn kiệt có thể bố trí ngân sách Trung ương. Nguồn dự trữ quốc gia cần dùng trong lúc cấp bách này và đó là chi tiêu hữu ích nhất.
Theo ông, nếu chương trình an sinh, tạo việc làm hấp dẫn mà người dân vẫn không ở lại, có nguyện vọng về quê thì nên tổ chức đưa đón có kế hoạch. "Cần có một cơ quan đứng ra làm đầu mối đưa bà con về. TP HCM giao cho Bộ tư lệnh thành phố lên kế hoạch là cách làm hay, thể hiện sự trân trọng tối đa con người và được lòng dân", TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Em bé người Mông bên mẹ, chờ khai báo y tế tại chốt Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) khi từ phía Nam về quê lánh dịch, đêm 5/10. Ảnh: Phạm Chiểu
Ông Huỳnh Đức Thơ, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhận định những ngày tới số lượng người rời các tỉnh phía Nam về nương nhờ quê nhà sẽ còn rất nhiều. Dù muốn hay không thì chính quyền cũng phải hỗ trợ. Các tỉnh có thể phối hợp tạo thành luồng di chuyển riêng cho người dân và dùng xe khách trung chuyển, giúp người dân có thời gian nghỉ ngơi sau đoạn đường dài chạy xe máy.
Theo ông Thơ, hiện nay tín hiệu vui là một số địa phương đã chủ động tạo điều kiện cho người dân về nhà. Như Đà Nẵng đêm qua (6/10) đã mở hầm Hải Vân để người dân chạy xe máy qua, thay vì phải đi đường đèo nhiều khúc cua tay áo, đêm tối, đường trơn, sương mù che khuất tầm nhìn... "Việc này rất được dư luận rất ủng hộ", ông Thơ nói.
Ở góc độ doanh nghiệp vận tải, các đơn vị đường sắt, hiệp hội du lịch cho biết sẵn sàng tham gia vào việc hỗ trợ người dân . Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nói hiện nay các đơn vị lữ hành có rất nhiều đầu xe khách và sẵn sàng hỗ trợ người dân di chuyển thay vì phải chạy xe máy, việc còn lại là chủ trương của các địa phương. Hiện tại, chính quyền Đà Nẵng đã huy động phương tiện của hai doanh nghiệp để hỗ trợ trung chuyển người dân qua hầm Hải Vân.
"Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng sẵn sàng huy động nguồn lực giúp bà con đi qua địa phận của thành phố. Tôi sẽ trao đổi với Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế để thống nhất", ông Dũng nói.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), khẳng định "đường sắt sẵn sàng chuyên chở người dân về quê". Mỗi ngày, ngành có thể chạy 20 đoàn tàu trên tuyến, vận chuyển khoảng 10.000 khách.
Theo ông, vận chuyển bằng đường sắt an toàn cho người dân, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, tàu có thể chở cả người và xe máy. Song tàu chở khách đến đâu phải được địa phương đó đồng ý cho dừng đỗ và tỉnh đó có biện pháp đón khách, cách ly theo quy định. Ngành đường sắt không thể tự đưa khách về các tỉnh mà không có sự đồng ý của địa phương. Do đó, nếu địa phương đề nghị ngành đường sắt vận chuyển công dân thì VNR sẵn sàng.
Thời gian qua, ngành đường sắt đã tổ chức chuyến tàu đưa người dân từ phía Nam về các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Ninh Bình theo đề nghị của địa phương.
Người dân chạy xe máy qua hầm Hải Vân, tối 6/10. Video: Nguyễn Đông
Chủ tịch Đà Nẵng: Khẩn trương xét nghiệm diện rộng các quận, huyện có ca F0 Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các quận, huyện có ca F0 khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm diện rộng người dân trên địa bàn. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Đà Nẵng chiều 15/7, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh lưu ý đợt dịch mới lần này có tính chất phức tạp, cần giải pháp quyết...