Chủ tịch Cao Bằng: ‘Phòng dịch từ xa để giữ tỉnh xanh’
Từ khi đại dịch bùng phát đầu năm 2020 đến nay, Cao Bằng là địa phương duy nhất chưa ghi nhận ca nhiễm và đang triển khai nhiều biện pháp để giữ “tỉnh xanh”
Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, trả lời phỏng vấn VnExpress về chiến lược phòng chống Covid-19 của địa phương này.
- Cao Bằng đã xây dựng các biện pháp chống dịch như thế nào trong hai năm qua, thưa ông?
- Dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) từ giữa tháng 12/2019. Cao Bằng có tuyến biên giới trải dài hơn 330 km giáp Trung Quốc, địa hình rừng núi phức tạp, với nhiều đường mòn, lối mở. Hơn nữa, quan hệ dân cư biên giới đan xen, nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất cao. Ngay từ thời điểm đó, chúng tôi đã sẵn sàng chuẩn bị, chủ động các biện pháp ứng phó dịch bệnh, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Tỉnh áp dụng chiến lược chống dịch theo hướng dự phòng từ xa, từ sớm, từ cơ sở, với nguyên tắc “siết chặt kiểm soát từ bên ngoài, không buông lỏng quản lý từ bên trong”.
Chúng tôi đề ra các giải pháp cụ thể và mục tiêu rõ ràng, đó là ngăn chặn, hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào địa bàn; kiểm soát chặt chẽ tình trạng công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép; kiểm soát người từ các ổ dịch vào tỉnh để phát hiện sớm và ngăn chặn nguồn lây.
Các trường hợp nghi ngờ được giám sát chặt chẽ để có biện pháp cách ly kịp thời, và việc cách ly y tế phải đảm bảo an toàn.
Chúng tôi đã huy động tất cả các cấp, các ngành và người dân cùng tham gia chống dịch, trong đó lực lượng y tế làm nòng cốt; biên phòng, quân đội, công an là lực lượng quan trọng hỗ trợ đắc lực cho tỉnh.
Qua mỗi đợt bùng phát dịch bệnh trong nước gần hai năm qua, chúng tôi đều rút kinh nghiệm, bài học từ các địa phương khác để xây dựng, hoàn thiện kịch bản, phương án ứng phó với nhiều cấp độ, tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Sang năm 2021, khi được Bộ Y tế phân bổ vaccine, Cao Bằng cố gắng triển khai nhanh nhất chiến dịch tiêm chủng, với tinh thần “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.
Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng. Ảnh: CBV
Video đang HOT
- Cao Bằng làm gì để hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào địa bàn?
- Từ đầu năm 2020 đến nay, chúng tôi thường xuyên duy trì hơn 130 tổ chốt cố định và nhiều tổ chốt lưu động để tuần tra, kiểm soát dọc tuyến biên giới.
Tỉnh tăng cường tuyên truyền để người dân, nhất là ở khu vực biên giới nâng cao ý thức, trách nhiệm chống dịch, không xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc; không đưa người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam.
Lực lượng công an, biên phòng đã kịp thời điều tra, triệt phá các tổ chức, cá nhân đưa đón người nhập cảnh trái phép qua địa bàn.
Song song với kiểm soát biên giới, tỉnh gấp rút lập các khu cách ly tập trung từ sớm. Người nhập cảnh trái phép phải đi cách ly tập trung, đủ thời gian theo quy định của Bộ Y tế mới được trở về địa phương.
Một trong những mắt xích quan trọng để Cao Bằng giữ được tỉnh “xanh” đến nay là đảm bảo tuyệt đối không xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung; không để lây nhiễm dịch bệnh cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại đây.
Để làm được điều đó, chúng tôi chủ trương phân loại các nhóm nguy cơ trước khi đưa công dân vào cơ sở cách ly. Cụ thể, tỉnh bố trí khu cách ly riêng những người trở về từ Trung Quốc. Người từ các ổ dịch trong nước trở về cách ly tại khu khác.
Hai năm qua, tỉnh đã tiếp nhận gần 25.000 lượt công dân Việt Nam về qua biên giới, cách ly y tế tập trung tại địa bàn. Hơn 1.600 người được chuyển đến cơ sở cách ly tại Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Lực lượng biên phòng trực chống Covid-19 tại đồn biên phòng Quang Long, tỉnh Cao Bằng, tháng 4/2020. Ảnh: Báo Cao Bằng
- Việc chống dịch tại Cao Bằng thời gian qua gặp những khó khăn nào?
- Đầu tiên , tỉnh có tuyến biên giới dài, người nhập cảnh trái phép nhiều, trong khi nguồn lực hạn chế, giao thông đi lại khó khăn, nên rất khó kiểm soát được triệt để nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào tỉnh.
Thứ hai, đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư đang diễn biến khó lường tại nhiều địa phương, trong đó có các tỉnh lân cận với Cao Bằng như Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… Dịch bệnh từ những nơi này có thể xâm nhập vào tỉnh bất kỳ lúc nào. Biến dủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nếu chỉ lơ là một chút là sẽ trở tay không kịp. Vì vậy, chúng tôi luôn đề cao tinh thần cảnh giác, lường trước các nguy cơ.
Thứ ba , chiến lược tiêm chủng vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng là biện pháp quan trọng, có ý nghĩa lâu dài đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, do nguồn cung vaccine còn khan hiếm và đang ưu tiên cho các địa phương có dịch bệnh phức tạp, nên số lượng cấp cho Cao Bằng rất ít.
Đến nay, Cao Bằng mới được cấp hơn 104.000 liều vaccine; đã tiêm cho hơn 107.000 người, trong đó 63.500 người được tiêm mũi một; hơn 43.500 người tiêm đủ hai mũi. Dân số Cao Bằng hơn nửa triệu người; trong đó có gần 370.000 người trên 18 tuổi, cần được tiêm chủng. Như vậy, tỷ lệ tiêm chủng trên dân số trong tỉnh rất thấp. Chúng tôi mong muốn được cấp thêm vaccine để tăng độ bao phủ càng sớm càng tốt. Đây là giải pháp căn cơ để giữ vững “tỉnh xanh” lâu dài, bền vững.
Trước mắt, khi chưa đủ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng, tỉnh đang khắc phục những khó khăn trên bằng cách tăng cường bổ sung lực lượng tại các cửa khẩu, tăng cường tuần tra kiểm soát dọc biên giới, nhất là đường mòn, lối mở, để không xảy ra trường hợp nhập cảnh trái phép mà không được phát hiện. Tỉnh sẽ khảo sát, lập thêm các khu cách ly từ tỉnh đến huyện, xã và phối hợp với quân khu điều tiết khi số lượng người dân quá tải.
Tiêm vaccine cho lực lượng y tế tham gia chống dịch tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Báo Cao Bằng
- Với nguy cơ bùng phát dịch bệnh nêu trên, tỉnh đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó như thế nào?
- Dù chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào trong gần hai năm qua, nhưng chúng tôi nhận thức rõ nguy cơ xâm nhập dịch vào tỉnh rất cao. Trước hết là nguy cơ lây nhiễm từ người dân trở về từ các vùng dịch trong nước nếu không được sàng lọc, cách ly y tế nghiêm ngặt.
Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm từ người nhập cảnh trái phép qua biên giới luôn thường trực. Biến chủng virus hiện nay rất khó kiểm soát nguồn lây nếu để dịch bùng phát.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy các biện pháp đã chứng minh hiệu quả thời gian qua, đồng thời thường xuyên cập nhật, bổ sung kịch bản ứng phó. Trong đó có việc cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng “mỗi xã phường là một pháo đài chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ”.
Mọi người dân trong tỉnh được kêu gọi chủ động phát hiện, thông báo với chính quyền địa phương các trường hợp về từ ổ dịch, hoặc xuất nhập cảnh trái phép. Chuẩn bị nguồn nhân lưc cho các cơ sở tiêm chủng, để khi vaccine về có thể tiêm nhanh nhất cho người dân.
Các khu cách ly tập trung tiếp tục được quản lý nghiêm ngặt, đảm bảo không lây nhiễm chéo và lây lan từ khu cách ly ra cộng đồng. Các biện pháp chống dịch trên toàn tỉnh được tăng cường, nhất là những nơi tập trung đông người.
Tỉnh cũng tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chống dịch, như lập đường dây nóng để người dân phản ánh; hỗ trợ khai báo y tế toàn dân.
Đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại 8 tỉnh phía Bắc
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ 21 giờ 30 ngày 5/9 đến 3 giờ 30 ngày 6/9, khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 10-15mm, có nơi trên 60mm.
Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng tại khu vực Bắc Bộ từ ngày 5-6/9. Ảnh minh họa: TTXVN
Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng tại các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Quảng Ninh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi. Lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.
Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: Mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất, đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền. Trên biển, hiện rãnh áp thấp có trục qua khu vực Trung Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với gió mùa Tây Nam cường độ trung bình, trong đêm 5 và ngày 6/9 Vịnh Bắc Bộ, khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trước tình hình gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên các vùng biển phía Nam, các cơ quan chức năng cần thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến trên để chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống...
Các chuyên gia khuyến cáo ngư dân và các thuyền viên cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết. Khi nhận được tin bão, áp thấp nhiệt đới thì tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới mà kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.
Ngư dân và các thuyền viên cần điều khiển tàu, thuyền tránh xa vùng bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi tới. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên phải hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới, phải cho tàu thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch lớn hay nhỏ tùy thuộc vào sức đẩy của tàu thuyền, tức là chạy về hướng Bắc - Đông Bắc. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên trái hoặc ở ngay trên đường bão, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển tới cần cho tàu, thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu thuyền từ mạn phải, tức là chạy về hướng Nam - Tây Nam.
Bên cạnh đó, ngư dân và các thuyền viên cần chú ý khi điều khiển tàu, thuyền tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển phải luôn luôn giữ cho tàu, thuyền cách tâm bão, áp thấp nhiệt đới một khoảng tối thiểu từ 350 đến 400 km - khoảng 200 hải lý. Khi không thể tránh xa vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới mà lọt vào vùng gió bão, áp thấp nhiệt đới, người điều khiển phương tiện phải bình tĩnh, tập trung mọi khả năng đưa tàu, thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi vùng bão, áp thấp nhiệt đới.
Covid 24h: Kỳ nghỉ lễ trầm lắng trong đại dịch Cả nước bắt đầu kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày trong bối cảnh ghi nhận hơn 13.100 ca mắc mới vào ngày 2/9. Ngày Quốc khánh năm nay diễn ra trong lúc cả nước đối mặt với đợt dịch kéo dài đã hơn bốn tháng. Hàng loạt địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15, 16 toàn tỉnh hoặc theo...