Chú sói Wolfoo chinh phục khán giả ngày đầu tiên ra rạp
Trong 64 năm lịch sử ngành hoạt hình Việt Nam, lần đầu tiên có một bộ phim hoạt hình Việt được ra mắt khán giả trên màn ảnh lớn, ‘Wolfoo và Hòn đảo kỳ bí’ đã ghi dấu ấn đặc biệt cho lĩnh vực này.
Bộ phim hoạt hình chiếu rạp đầu tiên của Việt Nam – Wolfoo và Hòn đảo kỳ bí vừa chính thức ra mắt khán giả trên toàn quốc. Đây là một cột mốc quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình của hoạt hình Việt Nam – từ sản phẩm trực tuyến và truyền hình sang địa hạt điện ảnh.
Một cảnh quay trong phim ‘Wolfoo và Hòn đảo kỳ bí’.
Trước Wolfoo và Hòn đảo kỳ bí, đã từng có vài cái tên được đặt nhiều kỳ vọng khi trình làng sẽ thay đổi cục diện của ngành hoạt hình Việt Nam như Tôi là Bê-tô (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh), Dưới bóng cây: Hành trình trở về (dự án thực hiện bởi Colory Animation Studio)… Song vì một số lý do mà các tác phẩm này vẫn chưa thể ra mắt khán giả Việt trên màn ảnh rộng, để lại khoảng trống lớn trong quá trình phát triển của hoạt hình Việt Nam.
Wolfoo và Hòn đảo kỳ bí là sản phẩm sáng tạo của Sconnect Việt Nam – đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong việc sản xuất phim hoạt hình trên nền tảng trực tuyến như loạt phim ngắn Wolfoo, Clay Mixer, Luka,… đã từng thu về hàng tỷ lượt xem trên YouTube.
Hành trình đưa chú sói Wolfoo từ màn ảnh nhỏ sang màn ảnh lớn không hề dễ dàng, nhưng đơn vị này đã quyết tâm mở ra cánh cửa mới cho hoạt hình “make in Vietnam”.
Video đang HOT
Đại diện đơn vị sản xuất Wolfoo và Hòn đảo kỳ bí chia sẻ: “Thời điểm nhận được thông tin bộ phim đã vượt qua tất cả các khâu kiểm duyệt để chính thức ra mắt khán giả Việt, cả ê-kíp như vỡ oà vì xúc động. Sau hơn 3 năm thai nghén, Wolfoo và Hòn đảo kỳ bí đã hoàn thành sứ mệnh mang hoạt hình Việt lên màn ảnh rộng. Thực sự tự hào khi chúng tôi có thể góp phần đưa phim hoạt hình Việt đến gần hơn với khán giả Việt”.
Bên cạnh việc cố gắng đẩy nhanh tiến độ sản xuất, ê-kíp của Wolfoo và Hòn đảo kỳ bí phải tìm tòi và thử nghiệm liên tục các công nghệ sản xuất mới, cải tiến nội dung, kịch bản phim nhằm mục đích mang những thước phim chất lượng đến với khán giả. Xem một bộ phim chỉ mất chưa đến 2 tiếng nhưng để sáng tạo và hoàn thiện là cả một quá trình chuẩn bị, thai nghén trong nhiều năm.
Sau thành công bước đầu, ê-kíp tiếp tục đối mặt với câu hỏi làm sao có thể tạo ra không chỉ một mà là nhiều bộ phim hoạt hình hấp dẫn hơn nữa. Đây chính là bước đệm để các đơn vị sản xuất cùng nỗ lực giúp khán giả Việt Nam có cái nhìn tích cực hơn đối với phim hoạt hình nội địa.
Một công đoạn trong quá trình sản xuất của ê-kíp ‘Wolfoo và Hòn đảo kỳ bí’.
Trong ngày đầu khởi chiếu, chú sói Wolfoo đã trình làng khán giả Việt ở hệ thống rạp chiếu phim trên toàn quốc như CGV, Galaxy, Lotte,… Tuy chưa có số liệu chính thức nhưng Wolfoo và Hòn đảo kỳ bí nhận được những dấu hiệu tích cực đầu tiên, đặc biệt là khán giả nhí.
Tại một số hệ thống rạp ghi nhận lượng người xem khá lớn, phần lớn là các gia đình có trẻ nhỏ. Các bé rất chăm chú thưởng thức cuộc phiêu lưu của Wolfoo tinh nghịch cùng nhóm bạn, cảm thấy phấn khích vì có thể gặp “chú sói tỷ view” ngay tại rạp trong không gian trình chiếu hiện đại.
“Chủ sói tỷ view” Wolfoo nhận được sự yêu mến từ khán giả nhí Việt Nam.
Wolfoo và Hòn đảo kỳ bí ra rạp điện ảnh không đơn thuần chỉ là một sự kiện mang tính thương mại, mà còn là một bước đi đột phá để thay đổi định kiến của khán giả về phim hoạt hình nội địa: người Việt hoàn toàn có thể tạo ra những bộ phim hoạt hình chất lượng, thu hút người xem mọi lứa tuổi.
Giấc mơ hoạt hình Việt Nam: Cần nhiều cái bắt tay hơn để có sản phẩm chiếu rạp
Dù là lĩnh vực có tiềm năng phát triển song hoạt hình Việt Nam vẫn đang đứng trước vô vàn khó khăn.
Nhân vật sói con Wolfoo là nhân vật hoạt hình quen thuộc với nhiều bạn nhỏ ở lứa tuổi mầm non. Điều bất ngờ là sản phẩm giáo dục sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau như Pháp, Nga, Indonesia, Trung Quốc..., thu hút hơn 2 tỷ lượt xem trên Youtube lại là một sản phẩm hoàn toàn "made in Việt Nam". Việt Nam vốn không có tên tuổi trong làng hoạt hình thế giới nhưng Wolfoo đã thực sự là một niềm tự hào khi được nhắc đến là một sản phầm do người Việt Nam tạo ra.
Tuy nhiên, kể từ bộ phim Đáng đời thằng cáo ra đời năm 1960 đến nay, ngành hoạt hình Việt Nam đã sản xuất hàng ngàn bộ phim, trong đó có gần 100 bộ phim hoạt hình đã được trao giải Bông sen Vàng, Bông sen Bạc, giải thưởng Cánh diều và nhiều giải thưởng quốc tế khác. Hãng Phim hoạt hình Việt Nam vẫn được đặt hàng khoảng 15 phim/năm, nhưng chủ yếu sản xuất phim ngắn. Trong khi đó, từ năm 1990, đội ngũ của Xưởng phim Hoạt hình thành phố Hồ Chí Minh đã vắng dần. Khoảng 10 năm trở lại đây, họ hầu như không còn làm phim nữa. Hoạt hình Việt Nam dường như đang bị lãng quên và thiếu vắng những bộ phim lớn có thời lượng dài, đủ sức chiếm lĩnh rạp chiếu.
"Dường như cuộc chơi của các nhà làm phim hoạt hình ở công ty tư nhân tương đối tự phát, gần như là họ không tham gia vào cuộc chơi chính của các kỳ liên hoan phim hay giải Cánh diều. Hoạt hình dường như vẫn chỉ được đánh giá là lĩnh vực tiềm năng", bà Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam chia sẻ.
Thiếu kinh phí nên khó tránh khỏi thiếu chuyên nghiệp, khó khăn không chỉ với những nhà làm phim độc lập có ngân sách eo hẹp mà với những đạo diễn của những hàng phim hoạt hình lớn nhất cũng phải xoay sở đủ kiểu. Thế nhưng đủ kinh phí không có nghĩa là đủ điều kiện sản xuất, hoạt hình còn đang thiếu trầm trọng nhân sự, đặc biệt là các nhân sự giỏi. Thiếu thốn đủ bề nên đội ngũ các nhà làm phim hoạt hình Việt đang làm công việc gia công cho các tác phẩm quốc tế, chưa sản xuất phim quy mô.
"Đã đến lúc có một bộ phim ra rạp mà nó là tổng thể sức mạnh rất lớn giữa các đơn vị có thể bắt tay với nhau, giữa Nhà nước và đơn vị bên ngoài. Đó là tín hiệu rất đáng mừng", đạo diễn Trịnh Lâm Tùng bộc bạch.
Hoạt hình Việt Nam hiện chưa có chỗ đứng khi ra quốc tế kêu gọi vốn hay đấu thầu dự án. Ngay trong khu vực Đông Nam Á, các nước như Philippine, Thái Lan, Malaysia... đã có nền công nghiệp hoạt hình khá phát triển, đã gia công cho những hãng phim như Disney hay Pixar từ 20 - 30 năm nay. Các nhà làm phim từ đó tích lũy được chuyên môn và trình độ, nguồn dữ liệu riêng đáp ứng được thị trường cung cầu. Điều này được xem là bất khả thi với Việt Nam trong thời gian ngắn. Theo các chuyên gia, cần coi phim hoạt hình như một ngành sáng tạo để thu hút đầu tư bởi dư địa nguồn thu từ hoạt hình là có nếu biết cách khai thác.
"Phải có đào tạo bài bản để những người đang làm hoạt hình có thể chưa nổi danh nhưng phát hiện những tài năng mới. Điều thứ hai là khi mở ra hợp tác quốc tế, sẽ không còn quan niệm rằng Việt Nam là công xưởng nữa mà chúng ta là đối tác để hợp tác làm phim. Đó là một sản phẩm hợp tác bình đẳng giữa hãng phim hoạt hình Việt Nam và các công ty lớn trên thế giới", bà Ngô Phương Lan cho biết.
"Tôi vẫn mong một ngày nào đó chúng ta sẽ có đủ hội tụ tất cả các yếu tố để có một tác phẩm hoạt hình ra rạp là made in Việt Nam", đạo diễn Trịnh Tùng Lâm nói thêm.
Mỹ, Nhật Bản, Pháp là ba nước có ngành công nghiệp hoạt hình phát triển bùng bổ. Tại Nhật Bản, chỉ có 5.000 hoạt sĩ và nhà làm phim hoạt hình nhưng đã tạo ra ngành công nghiệp hoạt hình giá trị tỷ USD. Đây là một trong những lĩnh vực đầu tư quan trọng của công nghiệp làm phim tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Tháng 8 vừa qua, bộ phim hoạt hình Giấc mơ gỏi cuốn đã vượt qua hơn 1.500 ứng viên để giành giải thưởng ở hạng mục Tìm kiếm tài năng mới ở Liên hoan phim Canes 2022, khẳng định tiềm năng phát triển của hoạt hình Việt Nam. Nhưng một vài cánh én nhỏ không tạo nên mùa xuân, cần nhiều cái bắt tay hơn để làm nên giấc mơ phim hoạt hình Việt Nam chiếu rạp.
Cánh diều 2021: Lần đầu 'bay' ở Nha Trang, nghệ sĩ nói gì? Lần đầu tiên giải thưởng Cánh diều rời 2 địa điểm quen thuộc là Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội để đến với thành phố biển Nha Trang xinh đẹp. Sự thay đổi này của Hội Điện ảnh Việt Nam đã nhận được nhiều sự hưởng ứng từ các nghệ sĩ, Hội viên Hội Điện ảnh. TGĐA đã có...