Chủ quan không tái khám, bệnh nhân ung thư thận nhập viện với khối u lớn
Đã phẫu thuật ung thư thận cách đây 14 năm nhưng cụ bà 71 tuổi, ở Hà Nội chủ quan không đi khám sức khỏe định kỳ. Khi sờ thấy cục cứng ở vùng bụng thì khối u đã phát triển lên tới gần 20 cm.
Trước đó, 2 tháng, bệnh nhân sờ thấy có cục cứng ở vùng bụng kèm đau tức, cân nặng sụt giảm nghiêm trọng. Bà được gia đình đưa đi khám tại bệnh viện tuyến dưới, sau đó chuyển lên Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.
Kết quả chụp cắt lớp phát hiện hình ảnh khối tái phát hố thận trái kích thước 10×18 cm, đè đẩy động mạch chủ bụng, lách, tụy, đại tràng trái, có phần không rõ ranh giới.
Bệnh nhân cho biết từng phẫu thuật ung thư thận năm 2006 và từ đó đến nay không đi khám lại. Qua kết quả sinh thiết kim và giải phẫu bệnh, bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư thận trái đã phẫu thuật tái phát.
Theo ThS.BS Phạm Hồng Thiện, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sức khỏe yếu, chỉ nặng hơn 30 kg. Nếu không phẫu thuật, khối u sẽ phát triển chèn ép, xâm lấn các tổ chức tạng xung quanh gây đau đớn, cản trở tiêu hóa khiến sức khỏe bệnh nhân ngày càng suy kiệt. Đáng lo ngại hơn là khả năng di căn cao, tiên lượng xấu.
Qua hội chẩn, các bác sĩ nhận định, đây là ca phẫu thuật khá phức tạp. Đánh giá trong mổ cho thấy khối tái phát hố thận trái kích thước 8 x 10 x 18 cm, chắc, dính động mạch chủ bụng, đè đẩy lách, tụy, dính rốn lách, xâm lấn cơ thắt lưng chậu, thâm nhiễm mạc treo đại tràng trái, đại tràng sigmoid.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 tiếng. Êkíp khoa Ngoại Tổng hợp đã tiến hành cắt bỏ khối u thận tái phát, phần cơ thắt lưng chậu, lách, nửa đại tràng trái và lập lại lưu thông tiêu hóa, nối đại tràng ngang – trực tràng. Bệnh nhân được truyền 500 ml máu.
Sức khỏe bệnh nhân hồi phục nhanh. Sau mổ 2 ngày, bệnh nhân đã có thể tự vận động nhẹ nhàng. Sau 4 ngày, bệnh nhân ăn uống được trở lại. Đặc biệt, phẫu thuật ung thư thận giúp người bệnh có cơ hội được chữa khỏi bệnh, sau mổ có thể không phải điều trị bổ trợ.
Video đang HOT
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân ung thư kết thúc điều trị vẫn cần đi khám sức khỏe định kỳ theo đúng lịch hẹn nhằm chẩn đoán, phát hiện sớm trường hợp ung thư tái phát, tránh nguy cơ ung thư di căn phải điều trị nặng nề, giảm thời gian và chất lượng sống.
Cũng giống như nhiều bệnh ung thư khác trong giai đoạn đầu, bệnh không gây đau đớn. Vì thế, triệu chứng của ung thư thận thường xuất hiện khi khối u đã phát triển lớn và bắt đầu ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận. Người bệnh thường được phát hiện bị ung thư thận khi đi chụp Xquang hoặc siêu âm vì một lý do khác.
Một số dấu hiệu cảnh báo ung thư thận:
Máu trong nước tiểu
Đau ở lưng hoặc vùng hông
Sờ thấy u cục ở vùng hông hoặc lưng
Sưng mắt cá chân và chân
Huyết áp cao
Thiếu máu, hồng cầu thấp
Mệt mỏi
Ăn mất ngon
Giảm cân không rõ lý do
Sốt liên tục, không phải do cảm lạnh, cúm hay nhiễm trùng
Những người bị ung thư thận có thể có tất các cả triệu chứng trên song có người lại không. Hoặc các triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu một bệnh khác không phải ung thư.
Hà An
Theo Dân trí
Bác sỹ 'choáng' khi mổ khối u quái thận khủng lồ nặng hơn 2 kg
Các bác sỹ Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội vừa phẫu thuật thành công một ca ung thư thận có khối u nặng 2 kg và đường kính khối u lên tới hơn 20 cm, gấp 5 lần một quả thận bình thường.
Ảnh minh họa: Internet
Bệnh nhân là Đàm Đình M. (52 tuổi) trú tại Sóc Sơn - Hà Nội. Theo lời anh M, cách đây khoảng 4 tháng, anh thấy khó chịu trong người nên đến một cơ sở y tế tư nhân gần nhà khám và được chẩn đoán bị thiếu máu. Sau đó, anh tự ý đi truyền đạm nhưng vẫn thường xuyên mệt mỏi. Khi thấy bụng đau tức, sờ thấy có cục cứng gồ lên thì anh M. mới đến bệnh viện kiểm tra và bàng hoàng khi phát hiện mình đang mang khối u thận có kích thước "khủng".
Kết quả chụp cắt lớp cho thấy, thận trái của bệnh nhân có kích thước lớn, đường kính lên đến gần 20cm, đặc biệt, có huyết khối tĩnh mạch thận trái, di căn hạch rốn thận trái. Nếu không được phẫu thuật sớm, u sẽ tiếp tục to nhanh, gây chèn ép các cơ quan nội tạng, thậm chí có nguy cơ bị vỡ khiến bệnh nhân mất máu nghiêm trọng dẫn đến tử vong.
Trước tình trạng trên, bệnh nhân được cho nhập viện và chỉ định mổ cắt bỏ thận trái, đồng thời, kiểm tra kĩ chức năng thận phải trước phẫu thuật nhằm đảm bảo hoạt động bài tiết của bệnh nhân vẫn diễn ra được bình thường sau này.
Khối u quái to khủng lồ ở thận của bệnh nhân M. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ca mổ kéo dài 2 giờ, các bác sĩ đã cắt bỏ hoàn toàn khối u thận trái có kích thước 15 x 17 x 18 cm, nặng khoảng 2 kg nằm choán hết 2/3 ổ bụng của bệnh nhân, sau đó tiến hành lấy mỡ quanh thận và vét hạch.
Theo ThS.BS Phạm Hồng Thiện - Khoa Ngoại Tổng hợp, do khối u to, chèn ép lên các cơ quan lân cận như: đại tràng, dạ dày, lá lách, động tĩnh mạch chủ bụng..., hơn nữa lại có huyết khối tĩnh mạch thận nên các bác sĩ phải tìm cách làm bộc lộ rõ khối u, khống chế cuống thận để tránh mất máu nhiều cho bệnh nhân, tiếp đến mới tiến hành cắt bỏ thận trái.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi liên tục. Kết quả cho thấy các chỉ số chức năng thận đều đáp ứng tốt.
HÒA THUẬN
Theo Tiền phong
Bác sĩ ơi: Phát hiện sớm và tầm soát ung thư thận như thế nào? Gia đình tôi có người bị suy thận mạn, phải chạy thận nhân tạo. Tôi rất lo lắng, liệu suy thận có dẫn đến ung thư thận không? Gia đình có tiền sử suy thận vậy những người thân có nguy cơ bị ung thư thận không? Để tầm soát bệnh thì siêu âm ổ bụng khi khám sức khỏe định kỳ là...