Chủ nhiệm VPCP: VN chưa đặt cọc để đăng cai ASIAD
Người phát ngôn của Chính phủ nói rằng, Việt Nam chưa đặt cọc đồng nào để được đăng cai ASIAD 18.
Trong buổi họp báo thường kỳ tháng 3/2014 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 1/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên đã nhận được nhiều câu hỏi của PV xung quanh chuyện có nên trả lại việc đăng cai Đại hội thể thao châu Á (ASIAD 18).
- Xin Bộ trưởng cho biết quy trình để một cơ quan của Chính phủ đăng cai sự kiện thể thao, văn hóa? Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL báo cáo về phương án đăng cai, tổ chức ASIAD. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã có phiên giải trình trước UBTVQH cách đây 2 tuần mà đáng lẽ phải có báo cáo Chính phủ trước. Liệu hai báo cáo này có nội dung gì khác nhau hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: ASIAD 18 là sự kiện thể thao lớn của châu Á, không chỉ mang ý nghĩa thể thao mà còn mang nhiều ý nghĩa khác. Các nước đăng cai có thể do được phân công hoặc bản thân quốc gia đó thấy có nhu cầu cần tạo một sự kiện để nâng cao hình ảnh đất nước, thu hút du lịch, đầu tư để tạo điểm nhấn, qua đó phát triển các mặt khác.
Từ năm 2010, Bộ VH-TT&DL đã nắm thông tin, báo cáo với Thường trực Chính phủ để bàn bạc thống nhất chủ trương bắt đầu chuẩn bị việc đăng cai tổ chức ASIAD 18. Sau khi được sự đồng ý về chủ trương, Bộ VH-TT&DL phối hợp các ngành, địa phương rà soát lại các công việc cần và đủ để tổ chức ASIAD 18. Trước đó, chúng ta đã tổ chức các sự kiện lớn nhưng chưa tầm cỡ bằng ASIAD. Sau đó, Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đồng ý để Việt Nam đăng cai.
Giai đoạn hai chúng ta bắt đầu chuẩn bị. Nhiệm vụ của Bộ VH-TT&DL là cùng các bộ, ngành có liên quan, cùng Hà Nội và các địa phương lân cận khảo sát lại xem khả năng chúng ta có làm được không. Lúc đó, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nắm kỹ, lắng nghe các ý kiến, sau đó báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rồi mới quyết định có đăng cai chính thức hay không. Về quy trình là như vậy.
Trong quá trình làm, Bộ VH-TT&DL nhận được yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo hoạt động thường xuyên, trong đó có việc chuẩn bị ASIAD. Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã báo cáo.
Những ngày qua, chúng ta nghe rất nhiều ý kiến của nhân dân, các chuyên gia, những người tâm huyết, có trách nhiệm với đất nước… băn khoăn và đưa ra những hình ảnh minh họa về việc nên hay không nên đăng cai ASIAD. Trong đó, vai trò báo chí cực kỳ quan trọng. Có những bài báo sắc sảo, công phu để góp ý Chính phủ trước khi quyết định.
Trong phiên họp sáng nay, Thủ tướng có giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL tuần sau báo cáo để Thủ tướng nghe và quyết định. Chúng ta tin tưởng rằng, từ những thông tin, luận cứ, góp ý… chắc chắn Thủ tướng sẽ có kết luận, quyết định có tình, có lý trên cơ sở lắng nghe từ nhiều phía.
Video đang HOT
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên
Thưa Bộ trưởng, có ý kiến từ các chuyên gia cho rằng, để được chọn đăng cai, chúng ta đã phải đặt cọc một khoản tiền không nhỏ. Vậy ngân sách đã chi bao nhiêu cho việc này? Nếu rút lui, chúng ta sẽ phải nộp phạt phải không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Tôi được biết, đến thời điểm này, Việt Nam chưa đặt cọc đồng nào, chỉ vận động, người ta xét duyệt, lựa chọn… Có điều quan trọng là mình đăng ký số tiền bỏ ra là 150 triệu USD. Thời điểm đó là năm 2010, dự định tổ chức năm 2019, có thể lúc đó tính sau 9 năm, đất nước sẽ phát triển, nhưng tình hình khó khăn.
Có người nói chúng ta “đang ở thế tiến thoái lưỡng nan”. Nhưng theo tôi hiểu, không có gì ràng buộc lớn. Tiền lệ đã có 2 nước trả lại quyền đăng cai vì lý do khách quan. “Tất nhiên quy định trả lại có điều kiện, nhưng nếu chúng ta đủ lý lẽ không đảm bảo điều kiện tổ chức thì vẫn có thể trả lại. Tôi chưa hỏi, nhưng chưa nghe có chế tài nào xử phạt khi trả lại.
- Thưa Bộ trưởng, có nhiều ý kiến của các chuyên gia ngay cả trong lĩnh vực thể thao cho rằng, Bộ VH-TT&DL tính toán có thể tận dụng 80% cơ sở vật chất thể thao, nhưng rất nhiều cơ sở được làm từ Seagame 22, tức là đã lâu. Bên cạnh đó, mức độ thi đấu của Seagame 22 so với ASIAD là rất thấp. Nếu tổng đầu tư không thể nằm ở con số như Bộ VH-TT&DL dự báo, Chính phủ có lắng nghe những ý kiến này không và Chính phủ có quyết dừng tổ chức không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Bây giờ thì chưa quyết nên chưa nói đến việc dừng hay không. Chúng tôi đã tổng hợp hầu như tất cả ý kiến và có báo cáo đầy đủ.
Nhưng chúng ta không nên trách ngành thể dục – thể thao cố gắng ra sức bảo vệ quan điểm, vì đấy là trách nhiệm của họ. Nếu để tuột sự kiện này thì sẽ không có cơ hội tổ chức sự kiện lớn, không chỉ phục vụ cho ngành thể dục – thể thao mà còn cho đất nước.
Về lý lẽ, hiện nay, cơ sở chúng ta đã làm cho những kỳ Seagame và những kỳ thể thao trước đó có thể sử dụng lại được, chỉ cần tu bổ lại. Đó là điều tra báo cáo với con số 80% cơ sở vật chất sử dụng được. Thứ hai, nếu không tổ chức ASIAD thì cũng phải bỏ một số kinh phí nhất định để bảo trì, tu bổ, bảo quản những công trình này. Những lý lẽ đó của những người đang bảo vệ việc tổ chức ASIAD cũng rất thuyết phục.
Tất nhiên, khi Thủ tướng Chính phủ làm việc thì sẽ nghe kỹ và phải có báo cáo từ Bộ VH-TT&DL, từ các cơ quan chức năng cũng như địa phương, đơn vị thẩm định. Ý kiến của bạn rất hay, tôi sẽ ghi nhận để xem xét. Tới đây khi Thủ tướng làm việc, sẽ đặt vấn đề này ra để ngành VH-TT&DL có trách nhiệm trả lời.
- Thưa ông, khi chúng ta đang bàn đến việc tổ chức Đại hội thể thao có thể tốn ít nhất 150 triệu USD thì người dân Hà Nội đang chịu cảnh “khát nước” vì sự cố vỡ đường ống. Đây là lần thứ 5 đường ống nước sông Đà bị vỡ. Tôi không có ý so sánh, nhưng nêu hình ảnh này ra để thấy rằng chúng ta còn nhiều công trình xã hội bức thiết chưa giải quyết xong. Vậy việc chi hàng nghìn tỷ cho đại hội thể thao trong hoàn cảnh hiện nay có hợp lý không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Tôi không nói rằng ủng hộ đăng cai, nhưng ý nghĩa của đại hội thể thao còn liên quan đến các vấn đề khác như: hình ảnh quốc gia, trình độ tổ chức, thu hút đầu tư, du lịch… không chỉ là bỏ tiền để chơi.
Đúng là chưa có nơi nào tổ chức đại hội thể thao có lãi, chưa kể có những công trình chỉ phục vụ cho kỳ đại hội. Tuy nhiên, không thể chỉ mang tiền ra để nói một cách đầy đủ. Tất nhiên, trong lúc đất nước ta nghèo, bỏ ra một đồng bạc cũng phải tính toán kỹ.
Vấn đề bây giờ, đưa ra phương án nào tối ưu, đưa ra tính toán, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Khampha
Thủ tướng: Có phương án khả thi mới đăng cai ASIAD
Phải có kế hoạch, phương án khả thi, cụ thể mới đăng cai ASIAD, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 1/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập tới việc chuẩn bị tổ chức ASIAD 18 (Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18, diễn ra vào năm 2019).
Thủ tướng yêu cầu trong tuần tới Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh phải báo cáo phương án, kế hoạch cụ thể về việc tổ chức ASIAD 18.
Thủ tướng nói: "Giờ phải báo cáo cụ thể xem phương án, kế hoạch thế nào, chi cái gì, cái nào được hay không được, Thủ tướng có ý kiến đã".
Thủ tướng đề nghị sau này phải làm chặt chẽ, tránh tình trạng người dân cho rằng Chính phủ làm hời hợt.
"Thưa rằng, không có hời hợt đâu. Hiện người ta mong muốn Việt Nam đăng cai. Chủ trương thì mình đồng ý, nhưng phải có kế hoạch, phương án khả thi cụ thể thì mới làm, Thủ tướng mới đồng ý cho làm. Còn không thì chúng ta không làm", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2014. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngày hôm qua (31/3), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra ý kiến nên cân nhắc rút lui không đăng cai tổ chức ASIAD 18.
Ông Đam tỏ rõ thái độ không hài lòng: Bao nhiêu vấn đề dân sinh bức thiết mà không có tiền. Quyết chi một đồng cũng phải tính kỹ. Thế này thì sao quyết được!
Ông Đam đưa ra ý kiến: Tôi đề nghị một mặt các bộ phải chốt lại xem cần bao nhiêu tiền. Nhớ là số liệu sao cho sau này không được vượt. Mặt khác nên tính phương án rút!
Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo ngành (thể thao) phải làm việc với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và một số đối tác về phương án rút.
Trường hợp không thể rút được thì phải đề nghị họ hỗ trợ tối đa cho Việt Nam; phải tính cách tổ chức tối giản và không đặt nặng vấn đề cứ phải có nhiều thành tích khi là nước chủ nhà.
Trước đó, tháng 11/2012, Hội đồng Olympic châu Á (OCA) công bố Việt Nam sẽ là chủ nhà của Asian Games lần thứ 18 năm, diễn ra vào năm 2019 (ASIAD 18). Dự kiến, nước đăng cai bỏ ra 150 triệu USD để đầu tư cho công tác tổ chức. Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh con số kinh phí 150 triệu USD. Dẫn chứng cho thấy, ASIAD 2006 tại Qatar là 2,48 tỷ USD, Á vận hội 2010 ở Quảng Châu (Trung Quốc) vào khoảng 20 tỷ USD, hay con số này dự kiến ở Incheon, Hàn Quốc cuối năm nay đã là 1,1 tỷ... Do vậy, nhiều người lo ngại về tính khả thi cũng như sự tính toán kỹ lưỡng của con số nói 150 triệu USD tại Việt Nam.
Theo Khampha
PTT Vũ Đức Đam: Cân nhắc rút đăng cai ASIAD Theo nguồn tin riêng của Khampha.vn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra ý kiến nên cân nhắc rút lui không tổ chức ASIAD 18 (diễn ra năm 2019 tại Việt Nam). Trước đó, tháng 11/2012, Hội đồng Olympic châu Á (OCA) công bố Việt Nam sẽ là chủ nhà của Asian Games lần thứ 18 năm, diễn ra vào năm 2019...