Chủ nhật Đỏ Tây Nguyên: Hàng nghìn người dân sẵn sàng hiến máu
Khi biết tin Chủ nhật Đỏ sắp diễn ra tại huyện nhà, hàng nghìn người dân ở huyện vùng sâu Ea Kar (Đắk Lắk) sẵn sàng đến sẻ chia giọt máu để cứu người.
Đông đảo người dân huyện Ea Kar xếp hàng chờ hiến máu tại Chủ nhật Đỏ năm 2018
Huyện Ea Kar là điểm chính, điểm cuối trong chuỗi 5 đơn vị đăng cai tổ chức chương trình hiến máu Chủ nhật Đỏ năm 2021, tại Đắk Lắk. Công tác vận động, chuẩn bị phần lễ hội mang đậm chất Tây Nguyên (thông qua phần biểu diễn văn nghệ, cồng chiêng, trang phục dân tộc…) được ban tổ chức chuẩn bị chu đáo.
Tuy nhiên, diễn biến COVID-19 phức tạp nên ban tổ chức hủy phần lễ hội thay vào đó là các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch. Ngày 1/2, bà Trần Thị Châu, Phó chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ phụ trách (Phó Ban vận động hiến máu tình nguyện của huyện Ea Kar) thông tin, công tác chuẩn bị cho sự kiện Chủ nhật Đỏ ngày 2/2 đã sẵn sàng với hơn 2.200 người đăng ký hiến máu.
“Những ngày qua, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến máu. Dù dịp Tết, nhưng bà con ai cũng hồ hởi tham gia sự kiện Chủ nhật Đỏ do Báo Tiền Phong phối hợp các cơ quan của tỉnh tổ chức”, bà Châu nói.
Ngoài nhiệm vụ chính hiến máu, ban vận động hiến máu tình nguyện huyện còn phối hợp với các đơn vị khác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như: Tăng cường đội ngũ y bác sĩ; phun hóa chất khử trùng; đoàn thanh niên sẽ bố trí tình nguyện viên đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn, phát khẩu trang; lịch phân bổ thời gian cho các đơn vị, thôn buôn đến hiến máu kéo dài hết ngày 2/2.
Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham gia công tác phòng chống COVID-19 để sự kiện Chủ nhật Đỏ diễn ra an toàn, thành công. “Đắk Lắk chưa ghi nhận có ca nhiễm COVID-19, nhưng chúng tôi đã chỉ đạo Phòng Y tế huyện Ea Kar phải thực hiện nghiêm công tác phòng dịch, đảm bảo việc hiến máu”, ông Nay Phi La nói.
Những gia đình hiến máu cứu người
Video đang HOT
“Không có tiền, mình giúp đồng bào bằng giọt máu, đó cũng là việc thiện. Dịch dã lại cận Tết, ta càng phải hiến máu dự trữ. Tôi sẽ đeo khẩu trang, chấp hành theo đúng quy định của ngành y tế để đi hiến”, ông Võ Ngọc Báu (60 tuổi, thôn 3, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) 22 lần cho máu, nói.
Ông Báu hiến máu lần đầu vào năm 2010. Khi ấy, ông định đi thử, ai ngờ hiến được nên duy trì 1-3 lần/năm (mỗi lần hiến 350 đơn vị máu). Từ vài người, nay thôn 3-nơi ông sống đã có hơn 50 người đi hiến. Ông Báu còn vận động vợ chồng con trai hiến máu.
Ông nhớ nhất đợt cả 3 cha con cho máu cấp cứu tại BV Đa khoa Đắk Lắk (nay BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên) vào năm 2016. “Lúc ấy tầm trưa, tôi nhận được cuộc gọi của người nhà nạn nhân (cùng xã Ea Kmút) bị tai nạn, cần máu mổ gấp. Tôi chạy từ rẫy về nhà, gọi cả con trai, con dâu đi. Tôi cho nạn nhân, 2 người con hiến tặng nguồn máu dự trữ tại bệnh viện. Nạn nhân được cứu sống, gia đình có thêm 1 người thân”, ông Báu nhớ lại.
Mười năm trôi qua, anh Phạm Minh Thể, Bí thư chi bộ thôn An Cư (xã Cư Huê, huyện Ea Kar), vẫn chưa quên chuyện hiến máu trực tiếp cho 1 người em kết nghĩa bị xuất huyết dạ dày nằm ở bệnh viện tỉnh. Nhận tin cần máu, anh và 7 người chạy bằng xe máy hơn 60 cây số. Cả 7 người cùng cho máu (vừa cứu bệnh nhân, vừa hiến vào nguồn dự trữ của bệnh viện).
Thế nhưng, bệnh nhân không qua khỏi. “Giá như tôi đến và cho máu sớm hơn. Người bệnh không thể đợi máu quá lâu. Mỗi khi vận động người dân hiến máu, tôi đều chia sẻ câu chuyện này. Bản thân tôi cũng hơn 8 lần cho máu”, anh Thể tâm sự.
Chương trình Chủ nhật Đỏ tại huyện Ea Kar diễn ra ngày 2/2, dự kiến tiếp nhận 1.200 đơn vị máu. Trước đó, chương trình diễn ra tại Trường Đại học Tây Nguyên (9/1), Công an tỉnh Đắk Lắk (15/1), huyện M’đrắk (20/1), huyện Cư M’gar (24/1), tổng thu về khoảng 2.000 đơn vị máu.
Kỷ lục người M’nông hiến máu nhiều nhất xã Cư Huê thuộc về thầy giáo Y Đhok Du (giáo viên Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, ở buôn M’Hăng, hiến 18 lần). Anh Y Đhok cho máu lần đầu vào năm 2013. Thời điểm đó, ít người đi hiến, đồng bào thiểu số càng hiếm, anh Y Đhok là người tiên phong. “Tôi phải vượt qua nhiều lời không hay như hiến máu sẽ bị bệnh…
Về sau, tôi trở thành nhân chứng sống về hiến máu. Tôi vận động vợ- Nguyễn Thị Hương M’lô (hiến trên 10 lần), con trai Y Nhị Thần Du (hiến từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nay đã 6 lần), con gái H’ Nhật Linh Du (đang là sinh viên cũng hiến máu nhiều lần), anh Y Đhok kể.
Ông Phan Văn Sỹ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cư Huê thông tin, toàn xã có 18 thôn, buôn với gần 10 dân tộc anh em. Nhiều năm qua, Cư Huê là 1 trong những đơn vị dẫn đầu phong trào hiến máu. Ngoài tuyên truyền qua văn bản, cuộc họp, loa đài, cán bộ còn đến tận nhà vận động. Đặc biệt, xã này có những gương hiến máu truyền cảm hứng như anh Thể, gia đình anh Y Đhok Du…
Ông Y Nhuân Byă, Bí thư Huyện ủy Ea Kar (Đắk Lắk) cho biết, toàn huyện có hơn 20 nhóm đồng bào dân tộc anh em rất đoàn kết, nhiệt tình đi hiến máu. Nhiều năm qua Ea Kar luôn vượt chỉ tiêu số máu thu về, dẫn đầu tỉnh về phong trào hiến máu.
Tại chương trình Chủ nhật Đỏ sắp tới, Ban thường vụ Huyện ủy thống nhất rất cao và chỉ đạo cụ thể: Cấp ủy đảng địa phương phải có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm, vận động người dân tham gia; UBND huyện lo phần tổ chức, đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19.
Người đàn ông khmer 29 lần tham gia hiến máu
Chương trình Chủ nhật Đỏ - hiến máu tình nguyện do báo Tiền Phong tổ chức tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình đáng trân trọng về hiến máu. Một trong những tấm gương ấy có ông Lê Thanh Tươi (dân tộc Khmer) với 29 lần hiến máu.
Ông Lê Thanh Tươi (dân tộc Khmer) - 57 tuổi (Cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Thuận Hoà, huyện Châu Thành) cho biết, việc hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, đầy tính nhân văn, nhiều người bệnh hiểm nghèo đã được cứu sống khi có sự tiếp máu của người khác. Chính vì thế, ông tham gia hiến máu rất nhiều lần, tính từ năm 2002 đến nay, ông Tươi đã 29 lần hiến máu.
Ông Lê Thanh Tươi tham gia hiến máu.
"Lần đầu tiên tham gia hiến máu tình nguyện, khi ấy tôi cũng có chút lo lắng, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng sau lần hiến máu đầu tiên, thấy sức khỏe bình thường nên từ đó tôi tiếp tục hiến máu và vận động nhiều người khác, trong đó có vợ và các con tôi, cùng tham gia hiến máu. Theo tôi, việc hiến máu không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn giúp mình cảm thấy vui hơn vì những giọt máu của mình góp phần mang lại sự sống cho người khác", ông Tươi chia sẻ.
Người đàn ông với 29 lần tham gia hiến máu.
Ông Tươi cho biết, xã Thuận Hoà có hơn 70% là người dân tộc khmer. Để phong trào hiến máu ở địa phương ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa trong cộng đồng, ông đã tham mưu xây dựng kế hoạch vận động hiến máu tình nguyện hàng năm; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động mọi người cùng tham gia hiến máu.
"Gia đình tôi đã ba thế hệ tham gia hiến máu, hiện mỗi người có trên 10 lần cho máu. Sáng nay, vợ tôi có việc đột xuất chứ không cũng theo tôi đến đây tham gia. Vợ cũng 7 lần hiến máu rồi", ông Tươi bộc bạch.
Ghi nhận đóng góp của ông Lê Thanh Tươi trong hiến máu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã biểu dương khen thưởng ông tại Hội nghị tôn vinh những người hiến máu tình nguyện tiêu biểu năm 2020.
Nữ phóng viên tham gia hiến máu.
Chị Danh Chanh Tô Da - Phóng viên Đài phát thanh huyện Châu Thành, sáng nay cũng đến tham gia hiến máu, chị chia sẻ: "Hàng năm, thời điểm trước Tết Nguyên đán lượng máu khan hiếm, chính vì thế khi hay tin tôi đến tham gia, tính đến nay cũng 6 lần cho máu. Với tôi, mỗi giọt máu cho đi góp phần mang lại sự sống cho nhiều người nhất là những hoàn cảnh khó khăn. Sáng nay mặc dù có lịch công tác nhưng cũng tôi xin ý kiến lãnh đạo đến đây hiến máu rồi mới đi làm".
Ngoài ra, tại ngày hội Chủ nhật Đỏ còn có nhiều người có thành hiến máu đáng ngưỡng mộ như ông Lý Bé Tư (dân tộc Khmer), 62 tuổi ở ấp Trà Canh, xã Thuận Hòa (Châu Thành) 20 lần hiến máu. "Tham gia hiến máu tình nguyện là việc làm rất có ý nghĩa, nhất là khi những giọt máu của mình có thể giúp đỡ, góp phần cứu chữa những bệnh nhân đang cần máu, tôi luôn thấm nhuần thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nên tôi sẽ tiếp tục tham gia hiến máu cho đến khi nào không còn được hiến nữa mới thôi", ông Tư nói.
Bà Trần Thị Hồng Liệt - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Châu Thành, cho biết, thời gian qua, phong trào hiến máu tình nguyện ở huyện ngày càng phát triển sâu rộng, được sự tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân và đã có nhiều cá nhân điển hình trong phong trào hiến máu, có người hiến 29 lần.
Bà Trần Thị Hồng Liệt nhận xét: "Ông Lê Thanh Tươi là người rất tích cực tham gia hiến máu tình nguyện. Ông là tấm gương điển hình cho mọi người noi theo trong tham gia hiến máu cứu người".
Theo bà Liệt, để làm tốt công tác hiến máu tình nguyện, hàng năm Hội Chữ thập đỏ huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai công tác hiến máu đến 100% cơ sở hội. Đồng thời, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến máu bằng nhiều hình thức. Nhờ tuyên truyền sâu rộng, nên nhiều người hết lòng với công tác hiến máu tình nguyện và mỗi khi nghe có đợt hiến máu tình nguyện, đông đảo tình nguyện viên có mặt. Qua đó, phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn ngày càng lan tỏa, kết quả số lượng đơn vị máu tiếp nhận được năm sau cao hơn năm trước, góp phần cung cấp lượng máu cho cấp cứu và điều trị bệnh ở các bệnh viện. Chỉ tính năm 2020, huyện đã tổ chức 3 đợt hiến máu, thu được 1.023 đơn vị máu, đạt 123,3% chỉ tiêu giao.
Chủ nhật Đỏ ở Tây Nguyên: Đến hiến máu sớm để kịp về làm lễ ăn hỏi Sáng 24/1, trong số hàng ngàn người có mặt tại Trung tâm văn hóa huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) tham gia hiến máu tại sự kiện Chủ nhật Đỏ lần thứ XIII - năm 2021 tại Đắk Lắk, có nhiều cặp vợ chồng đến sớm, cùng nhau làm việc ý nghĩa. Có thanh niên 8h làm lễ ăn hỏi, 7hkém đã xuất hiện...