Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh Chikunguyna
Bệnh sốt Chikungunya đang lây lan nhanh ở nhiều tỉnh, thành phố tại Campuchia, trong đó có một số tỉnh giáp biên giới với Việt Nam như: Tbong Khmum, Ta Keo, Kampot…
Thời gian qua, ngành y tế các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt công tác phòng ngừa. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh Chikungunya cũng như cách phòng tránh có hiệu quả dịch bệnh này, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Phan Vân Điền Phương, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang.
Cán bộ BĐBP An Giang phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho bà con dân tộc Chăm tại xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: Hồ Phúc
- Bác sĩ có thể chia sẻ về tình hình bệnh Chikungunya trên thế giới và tại Việt Nam trong những năm qua?
- Chikungunya là một virus thuộc chi Alphavirus, họ Togaviridae, bệnh được xác định lần đầu ở Tanzania vào năm 1952. Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh Chikungunya đã gây ra một số trận dịch lớn tại châu Phi và châu Á. Riêng khu vực châu Á, loại bệnh này đã được phát hiện tại Thái Lan (năm 1960), Ấn Độ (năm 1964), Sri Lanka (năm 1969), Myanmar (năm 1975), Indonesia (năm 1982). Cuối năm 2013, bệnh Chikungunya đã xuất hiện và bắt đầu lan rộng ở hầu hết các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương, châu Mỹ và một vài nước ở châu Âu.
Tại các quốc gia Đông Nam Á, tình trạng nhiễm Chikungunya đã được ghi nhận ở Singapore (năm 2008), Malaysia (năm 2008), Thái Lan (năm 2009), Myanmar (năm 2010), Campuchia (năm 2011). Trong khi đó, tại Việt Nam, các ghi nhận về tình hình nhiễm Chikungunya rất hạn chế. Năm 2010, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 36 ca nhiễm Chikungunya, chiếm tỷ lệ 5,8% trên những bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue có xét nghiệm Dengue âm tính ở khu vực phía Nam.
- Những bệnh nhân khi mắc phải bệnh Chikungunya thường có những triệu chứng như thế nào, thưa bác sĩ?
Video đang HOT
- Bệnh nhân mắc bệnh Chikungunya khi phát bệnh có những triệu chứng lâm sàng như sốt cao đột ngột 38-39oC, có các nốt xuất huyết dưới da, nhất là ở phần đùi và cẳng tay, người mệt mỏi, một số trường hợp bệnh nhân bị đau cơ, khớp; niêm mạc mắt đỏ, kết mạc sung huyết… Bệnh này có biểu hiện lâm sàng gần giống với bệnh sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, người mắc bệnh Chikungunya còn có biểu hiện: Đau khớp, đau lưng, đau đầu, phát ban, viêm miệng, loét miệng, hiếm hơn, bệnh nhận có thể xuất hiện các u máu, biểu bì bọng nước, buồn nôn, đau cơ, xuất huyết, gan to, hội chứng não-màng não… Cũng giống như bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh Chikungunya chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để chữa bệnh. Việc điều trị bệnh chủ yếu là làm giảm thiểu các triệu chứng và biến chứng lâm sàng xảy ra. Mặc dù bệnh Chikungunya chưa có vắc xin để phòng bệnh nhưng nếu đã mắc bệnh thì có thể miễn nhiễm lâu dài với bệnh này.
- Bác sĩ có thể chia sẻ về các biện pháp phòng ngừa bệnh Chikungunya?
- Việc phòng, chống và kiểm soát bệnh Chikungunya phải cần xem xét những nơi muỗi truyền bệnh có khả năng hoạt động, phát triển và sinh sản. Muỗi truyền bệnh Chikungunya là muỗi vằn, muỗi này cũng là tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết. Biện pháp phòng chống và kiểm soát bệnh Chikungunya cũng giống như bệnh sốt xuất huyết, cần phải tiêu diệt hết hoặc làm giảm đến mức thấp nhất số lượng muỗi vằn đóng vai trò truyền bệnh. Muốn thực hiện được vấn đề này, cần tổ chức công tác truyền thông về sức khỏe một cách sâu rộng, huy động mọi lực lượng của cộng đồng, người dân cùng tham gia tích cực các biện pháp phòng, chống như: Triển khai chiến dịch diệt loăng quăng, phát hoang bụi rậm quanh nhà, diệt muỗi …
Bên cạnh làm tốt công tác vệ sinh môi trường cần chuyển đổi quy mô can thiệp sang hình thức phun chủ động hoặc dập dịch diện rộng khi đủ tiêu chuẩn. Ngoài ra, việc người dân tự bảo vệ cá nhân, hạn chế hay tránh việc muỗi đốt truyền bệnh như sử dụng quần áo dài phòng hộ, ngủ trong màn (kể cả ngủ ban ngày), dùng màn tẩm hóa chất xua muỗi, các hóa chất thoa ngoài da, sử dụng nhang đuổi muỗi… Về muỗi truyền bệnh, muỗi Aedes aegypti hoặc Aedes albopictus đều có khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết, bệnh Chikungunya và cả bệnh Zika. Vì vậy, các hoạt động diệt loăng quăng, diệt muỗi là các biện pháp phòng ngừa chủ động, hiệu quả, cần duy trì thường xuyên và liên tục.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh Chikungunya, BĐBP các tỉnh khu vực biên giới Tây Nam đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Hiện nay, phía biên giới tiếp giáp tỉnh An Giang đã có người nhiễm bệnh Chikungunya, vì vậy, BĐBP An Giang đã phối hợp với chính quyền các huyện, thị xã, thành phố biên giới tăng cường kiểm soát dịch bệnh cũng như tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả. Cán bộ, chiến sĩ phụ trách các địa bàn thường xuyên kiểm tra, chốt chặn, thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện qua lại biên giới, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cũng như bệnh Chikungunya.
Gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết trong cộng đồng
Tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực phía Nam nói chung, bệnh sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp khi số ca mắc trong cộng đồng có xu hướng tăng dần.
Bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết.
Dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, đỉnh dịch năm nay sẽ rơi vào tháng 10 - 11 với số người mắc không cao như những năm trước nhưng người dân không nên chủ quan với dịch bệnh này. Đặc biệt, các bác sĩ khuyến cáo, khi mắc sốt xuất huyết, người dân cần đến cơ sở y tế để điều trị, tránh trường hợp lo ngại COVID-19 đưa vào bệnh viện quá muộn khiến bệnh có diễn tiến nguy hiểm.
Liên tục gia tăng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, trong 2 tháng gần đây, trung bình mỗi tuần, Thành phố ghi nhận 500 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tích lũy từ đầu năm 2020 đến đầu tháng 9, Thành phố Hồ Chí Minh có 11.404 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6.277 người phải nhập viện và 5.217 trường hợp điều trị ngoại trú.
So với cùng kỳ năm 2019, năm nay số ca mắc giảm sâu đến 71,8%; tuy nhiên, dịch bệnh này đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể, trong tuần cuối tháng 8, Thành phố ghi nhận 543 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, tăng 16 ca so với 4 tuần trước đó. Trong tuần, toàn thành phố ghi nhận 40 ổ dịch sốt xuất huyết phát sinh ở 31 phường, xã thuộc 13/24 quận, huyện. Các địa phương có ổ dịch mới nhiều nhất trong tuần là huyện Củ Chi và Quận 12.
Đáng chú ý, Thành phố đã ghi nhận bệnh nhân đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết tính từ đầu năm đến nay. Đó là bệnh nhân nữ, 16 tuổi, ngụ tại Quận 7. Ngày 29/7, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Quận 4 điều trị. Sau nhiều ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân chuyển biến xấu và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, bệnh nhân tử vong vào ngày 8/8.
Ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy, số ca mắc sốt xuất huyết cũng đang có xu hướng gia tăng. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm cho biết, đơn vị này đang điều trị nội trú cho 25 ca mắc sốt xuất huyết; trong đó có một số ca bệnh nặng. Con số này đang có dấu hiệu tăng lên với khoảng 10% bệnh nhi có diễn tiến nặng như tụt huyết áp, đi ngoài ra máu...
Tại Khoa Sốt xuất huyết - Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đang điều trị cho khoảng 60 bệnh nhi cả nội trú lẫn ngoại trú. Số bệnh nhân đang có xu hướng gia tăng. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa Sốt xuất huyết, trong thời gian qua có nhiều ca mắc sốt xuất huyết có biến chứng nặng. Do đó, người dân không nên chủ quan với dịch bệnh này.
Cẩn trọng với biến chứng của sốt xuất huyết
Gần một tháng nay, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận liên tiếp 5 trường hợp sốc sốt xuất huyết Dengue nặng; trong đó có 3 bệnh nhi sốc nặng kèm suy hô hấp. Điển hình là bé trai T.G.H. (12 tuổi, ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh) nhập viện trong tình trạng nặng đã được các bác sĩ kịp thời cứu sống.
Trước đó, bệnh nhi T.G.H sốt cao liên tục 3 ngày, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, kèm đau bụng nhiều nên được gia đình cho nhập viện cấp cứu. Tại bệnh viện, bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng do có nhiều yếu tố khiến bệnh diễn tiến nặng như sốc sớm, dư cân béo phì, tái nhiễm sốt xuất huyết (bệnh nhi từng mắc sốt xuất huyết cách đây 3 năm). Có thời điểm bệnh nhi suy hô hấp, tổn thương nhiều cơ quan.
Trường hợp khác, một nữ sinh viên 20 tuổi, ngụ tại Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh cũng rơi vào tình trạng bệnh diễn tiến nặng khi chủ quan với sốt xuất huyết. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân này bị sốt cao liên tục 3 ngày nhưng chỉ đến tiệm thuốc tây gần nhà mua thuốc hạ sốt. "Con sốt mấy ngày nhưng cả nhà tôi nghĩ không có gì nghiêm trọng nên chỉ mua thuốc uống. Hơn nữa, dịch COVID-19 đang phức tạp, gia đình cũng ngại cho con đi bệnh viện", mẹ bệnh nhân kể.
Tuy nhiên, sau 3 ngày không giảm sốt kèm thêm tình trạng cơ thể mệt mỏi không thuyên giảm, bệnh nhân đến Bệnh viện Quận 11 khám và được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue.
Bác sĩ Phạm Anh Tuấn, Phụ trách Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Quận 11 cho biết, bệnh nhân này nhập viện khi tiểu cầu giảm thấp, bị xuất huyết trong tình trạng máu cô đặc rất nhiều: "Rất may bệnh nhân này chưa vào sốc, huyết áp còn chấp nhận được, nếu để trễ thêm sẽ vô cùng nguy hiểm".
Bác sĩ Tuấn cảnh báo, người dân khi có bệnh nên đến cơ sở y tế, không nên mua thuốc tây tự điều trị tại nhà bởi hậu quả của biến chứng sốt xuất huyết là không lường trước được.
Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong,Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo, đã xuất hiện một số trường hợp người mắc bệnh sốt xuất huyết không đến cơ sở y tế khám bệnh do e ngại dịch COVID-19. Điều này là vô cùng nguy hiểm bởi sốt xuất huyết biến chứng nặng có nguy cơ tử vong cao.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi có dấu hiệu sốt xuất huyết, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp. Đối với những trường hợp bệnh nhẹ, những người không có bệnh nền, không mang thai hoặc không phải là trẻ em nhỏ tuổi, người lớn tuổi, người có cơ địa béo phì... bác sĩ có thể cho điều trị tại nhà, tái khám mỗi ngày hoặc cách ngày để theo dõi diễn tiến của bệnh.
Tuy nhiên, trong quá trình điều trị tại nhà, người bệnh cần lưu ý, sốt xuất huyết có thể trở nặng vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 sau khi khởi phát bệnh. Thông thường đến giai đoạn này người bệnh đã giảm sốt, thậm chí hết sốt nhưng đây lại là lúc có thể xuất hiện các biến chứng bất thường nguy hiểm. Trong trường hợp có nôn ói, chảy máu cam, xuất huyết, đau bụng nhiều, đi ngoài phân đen, trẻ em tay chân lạnh... cần đến bệnh viện ngay lập tức.
"Người dân nên đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh bởi hiện nay tất cả cơ sở y tế đều được trang bị hệ thống khai báo y tế, sàng lọc. Khu vực khám bệnh có triệu chứng hô hấp được tách biệt riêng, hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn tốt nên người dân có thể hoàn toàn yên tâm. Không chỉ bệnh sốt xuất huyết mà nhiều bệnh lý khác có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời", bác sĩ Phong khuyến cáo.
Lâm Đồng tập trung khống chế lây lan dịch bệnh bạch hầu Lâm Đồng nằm trong khu vực có nguy cơ cao, do tiếp giáp với các địa phương đang có dịch bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, nên việc lây lan dịch bệnh rất khó tránh. Đầu tháng tám, địa phương ghi nhận ca bệnh bạch hầu đầu tiên và bộ máy phòng, chống dịch bệnh lập tức kích hoạt, khẩn trương...