Chủ động phòng ngừa bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò
Tiền Giang đang triển khai quyết liệt các biện pháp khoanh vùng, dập dịch cũng như khuyến cáo hộ dân chủ động phòng ngừa bệnh viêm da nổi cục, bảo vệ đàn trâu, bò…
Tiền Giang có ngành chăn nuôi bò phát triển với tổng đàn 121.000 con, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm trước, tập trung tại các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước, thành phố Mỹ Tho.. nhưng bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò đã xuất hiện tại 3 huyện có nghề chăn nuôi bò phát triển là Chợ Gạo, Tân Phước và thành phố Mỹ Tho với 44 hộ dân có 73 con bò mắc bệnh.
Bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục. Ảnh (minh họa): Nguyễn Thành/TTXVN
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, trước tình hình trên, địa phương đang triển khai quyết liệt các biện pháp khoanh vùng, dập dịch cũng như khuyến cáo hộ dân chủ động phòng ngừa bệnh viêm da nổi cục, bảo vệ đàn trâu, bò trong tỉnh.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã tiến hành cấp 7.750 liều vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho các huyện để tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch. Đến nay, có tổng đàn gần 5.000 con bò của 1.266 hộ chăn nuôi đã được tiêm phòng bệnh.
Đồng thời, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn trực tuyến qua phần mềm Zoom về các giải pháp phòng, chống hiệu quả bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; đặc biệt là tập huấn về thao tác kỹ thuật tiêm phòng vaccine.
Video đang HOT
Tại huyện Chợ Gạo, ngành nông nghiệp đã cấp phát 37 lít thuốc sát trùng cho 8 xã trọng điểm về chăn nuôi phục vụ phun xịt khử trùng các ổ dịch đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về cách nhận biết bệnh và hướng dẫn nhân dân những giải pháp phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò.
Huyện Tân Phước đã cấp phát hàng chục lít thuốc sát trùng cho các xã có dịch phục vụ phun xịt diệt khuẩn, bảo vệ môi trường chăn nuôi, tiêu độc các ổ dịch không cho lây lan. Đồng thời, thông báo rộng rãi tình hình, diễn biến dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để hộ chăn nuôi cập nhật, chủ động phòng, chống. Thành phố Mỹ Tho cũng nhanh chóng tiến hành rà soát, điều tra, thống kê tổng đàn trâu, bò địa phương, giám sát chặt chẽ dịch tễ và tổ chức tiêm phòng, hướng dẫn hộ chăn nuôi cách phòng, chống hiệu quả.
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ ngành chăn nuôi trâu, bò tại địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang yêu cầu các huyện, thành, thị xã tăng cường theo dõi, giám sát bệnh viêm da nổi cục tại địa phương mình; thực hiện tiêu độc, khử trùng tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp theo đúng quy định.
Đặc biệt, thống kê lại tổng đàn trâu, bò tại địa phương để tổ chức tiêm phòng, bao vây ổ dịch đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu 90% trên tổng số gia súc thuộc diện tiêm phòng tại ấp có dịch và đạt tối thiểu 80% tổng số gia súc thuộc diện tiêm phòng tại các ấp giáp ranh ấp có dịch. Ngoài ra, tạo thuận lợi cho lực lượng thú y cơ sở tham gia tiêm phòng bao vây ổ dịch nhưng cũng đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thanh Hóa: Hơn 3.600 con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục, phải tiêu hủy 230 con
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa, đến ngày 13/4, toàn tỉnh có 3.619 con trâu, bò ở 21 huyện, thị xã, thành phố bị mắc bệnh viêm da nổi cục.
Thanh Hóa đã có 3.619 con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Thanh Hóa, tính đến 16h ngày 13/4 trên địa bàn tỉnh đã có 3.619 con trâu, bò của 2.875 hộ chăn nuôi tại 552 thôn, 175 xã của 21 huyện, thị xã, thành phố bị mắc bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) và buộc phải tiêu hủy 230 con.
Trong đó, các địa phương có số trâu, bò mắc bệnh nhiều như: thị xã Nghi Sơn (1.425 con), huyện Yên Định (1.030 con), Nông Cống (403 con), Thọ Xuân (258 con), Nga Sơn (70 con), Ngọc Lặc (74 con), Hoằng Hóa (70 con)...
Cơ quan chức năng đã phải tiêu hủy 230 con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục.
Ngay sau khi có thông tin dịch bệnh, Sở NN&PTNT Thanh Hóa, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã làm việc với các địa phương có dịch để triển khai công tác phòng, chống dịch và cử cán bộ chuyên môn trực tiếp bám sát địa bàn để phòng, chống dịch.
Ngoài ra, việc thành lập tổ công tác để điều tra tổng đàn, nắm bắt tình hình, tổ chức tiêm phòng bao vây vắc xin cho đàn trâu, bò tại vùng đệm, vùng bị uy hiếp và vùng dịch, cơ quan chức năng nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ trâu, bò trên địa bàn xã, phường có dịch.
Bên cạnh đó, thành lập các chốt kiểm soát, tổ kiểm soát lưu động trên các tuyến giao thông ra vào địa bàn túc trực 24/24 để phòng, chống dịch; đồng thời tổ chức thực hiện việc phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại, đường làng, ngõ xóm, bãi chăn thả tại các thôn có dịch 2 ngày/lần, các thôn chưa có dịch tiêu độc 3 ngày/1 lần bằng các loại hóa chất sát trùng...
Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết: "Người ăn hay không ăn thịt trâu, bò bị bệnh thì sợ nhất bệnh nền, còn bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò chỉ lây sang trâu, bò với nhau chứ không lây sang người".
Về các biện pháp phòng, chống dịch, đến thời điểm 16h ngày 13/4, các địa phương trên toàn tỉnh đã tiến hành tiêm được tổng số vắc xin cho 221.425 con trâu, bò.
Hiện nay các ngành chức năng cũng đã công bố hết dịch đối với xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc.
Nghệ An: Dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò diễn ra trên diện rộng Đến ngày 02/4, có 17/21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An xuất hiện dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò. Các địa phương Quỳ Hợp, Cửa Lò, Nam Đàn, Thanh Chương và Quế Phong là những đơn vị mới nhất xuất hiện dịch viêm da nổi cục trên trâu bò. Trước đó, có 12 địa phương đã có trâu,...