“Chốt” thời gian cho tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Hà Nội
Để đạt mục tiêu cuối năm 2015 khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa “chốt” thời gian cho nhiều hạng mục công trình.
Tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Hà Nội có chiều dài 14,5 km chạy từ Cát Linh xuống Hà Đông với 12 nhà ga. Dự án tuy được khởi công ngày 10/10/2011, đến nay đã thực hiện được nhiều khối lượng công việc nhưng chậm 1 năm so với tiến độ điều chỉnh.
Đến cuối năm 2015, Hà Nội sẽ có tuyến đường sắt trên cao đầu tiên
Để đạt được mục tiêu đến tháng 9/2015 vận hành, chạy thử và đến tháng 12/2015 khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, UBND các quận, Cục Đường sắt Việt Nam, tổng thầu EPC và các đơn vị thi công phải xác định rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, chủ động, tích cực, khẩn trương hoàn thành giải phóng mặt bằng tại các điểm chưa hoàn thành.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu trong tháng 3/2014, các đơn vị phải hoàn thành giải phóng mặt bằng tại các nhà ga Cát Linh, La Thành. Trong tháng 1/2014 phải hoàn thành giải phóng mặt bằng tại các nhà ga Thái Hà, Láng và chợ tạm Ngã Tư Sở; đoạn qua khu dân cư phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân; đoạn qua khu dân cư phường Thịnh Quang, quận Đống Đa. Các nhà ga Thanh Xuân 3, bến xe Hà Đông, Văn Khê, bến xe Yên Nghĩa phải hoàn thành trong tháng 2/2014. Tuyến đường nhánh ra, và depot hoàn thành trong tháng 12/2013…
Để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng với tiến độ nêu trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội phải trực tiếp chỉ đạo, giao ban thường xuyên hàng tuần với UBND quận Đống Đa để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, tuyên truyền, vận động người dân chủ động lựa chọn phương án để di dời đúng tiến độ.
Phó Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc bồi thường 100% đối với ki ốt của chợ tạm Ngã Tư Sở trên cơ sở xác định giá nguyên vật liệu, nhân công theo đúng quy định của Nhà nước.
Chủ đầu tư Dự án phải làm việc ngay với Sở Xây dựng Hà Nội để làm rõ và xử lý dứt điểm các việc liên quan đến di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác giải phóng mặt bằng Dự án. UBND quận Hà Đông cùng chủ đầu tư dự án tập trung vận động, hỗ trợ phù hợp cho dân để sớm hoàn thành việc di dời nghĩa trang Văn Nội.
Đối với công tác thi công, Chủ đầu tư phải tăng cường giám sát chặt chẽ, yêu cầu tổng thầu EPC đẩy nhanh công tác thi công và có giải pháp khắc phục các góp ý của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước để bảo đảm chất lượng. Bố trí thời gian tổ chức thi công những hạng mục công trình cấp thiết cần hoàn thành sớm nhằm bảo đảm tiến độ dự án, kể cả thời gian nghỉ Tết Âm lịch…
Với công tác thi công Phó Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư tăng cường giám sát chặt chẽ, yêu cầu tổng thầu EPC đẩy nhanh công tác thi công và có giải pháp khắc phục các góp ý của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước để bảo đảm chất lượng.
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, 1 trong 8 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội là công trình rất có ý nghĩa đối với Thủ đô. Tuyến số 1: Ngọc Hồi – Yên Viên – Như Quỳnh; Tuyến số 2: Nội Bài – Trung tâm thành phố – Thượng Đình; Tuyến số 3: Nhổn – ga Hà Nội – Hoàng Mai; Tuyến số 4: Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy/Hoàng Mai – Thanh Xuân – Từ Liêm – Thượng Cát – Mê Linh; Tuyến số 5: Nam Hồ Tây – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc; Tuyến số 6: Nội Bài – Khu đô thị mới phái Tây Ngọc Hồi; Tuyến số 7: Mê Linh – Đô thị mới phía Tây Nhổn – Vân Canh – Dương Nội; Tuyến số 8; Cổ Nhuế – Vành đai 3 – Linh Nam – Bát Tràng – Dương Xá.
Theo Dantri