Chồng Việt qua đời ở Singapore và lời nhắn của người vợ trẻ
Trải qua nhiều gian nan, tưởng rằng đã được hạnh phúc nhưng cuộc đời vẫn thử thách chị Nhung khi bắt chị phải rời xa chồng mãi mãi.
Năm 2010, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung và anh Đinh Đức Hùng (Hà Nội) quen biết nhau qua công việc vì cả hai đều làm trong ngành viễn thông.
Ban đầu, thấy anh Hùng hay đưa đón con đi học, nghĩ anh đã có gia đình nên chị Nhung không hề quan tâm tới anh. Sau này chị mới biết anh đã ly hôn được 5 năm.
Có cảm tình với chị, anh đánh liều gửi lời mời kết bạn trên Facebook, không nghĩ rằng mình sẽ được chị đồng ý kết bạn.
6 tháng sau, cả hai mới có cuộc gặp mặt đầu tiên. Cảm nhận được sự nghiêm túc, chân thành của anh, chị Nhung dần có cảm xúc với anh.
Ngày anh tỏ tình là một ngày sau 8/3. Anh cầm trên tay một bó hoa phăng-xê đủ màu sắc tới chỗ hẹn. Sự chân thành, nụ cười hiền và giọng nói ấm áp của anh khi ấy khiến chị mãi không thể quên. Từ đó, chị chính thức nhận lời làm người yêu của anh.
Suốt thời gian yêu nhau, cứ 6 giờ sáng, anh lại sang nhà đưa chị đi ăn rồi đi làm. Sự thấu hiểu giữa hai người khiến chị có cảm giác như họ đã yêu nhau từ kiếp trước.
Vượt qua sóng gió, anh Hùng và chị Nhung kết hôn sau 4 năm quen biết. Ảnh: NVCC
Gia đình ngăn cản
Sóng gió bắt đầu ập đến khi bố mẹ chị biết chuyện.
Một buổi sáng, chị nhận được cuộc gọi của mẹ lúc 5 giờ. Mẹ chị hỏi: ‘Con đã dậy chưa? Xuống đón bố mẹ lên phòng. Bố mẹ đang ở cổng rồi’.
Lên nhà, bố chị bảo cho ông mượn điện thoại và ví tiền. Thế rồi, ông nhẹ nhàng nói ‘con dọn đồ đạc, đóng gói, theo bố mẹ về nhà ngay’.
Biết rằng bố mẹ muốn tách con gái ra khỏi mối tình với người đàn ông đã có một đời vợ và con riêng, chị mượn điện thoại cô em cùng phòng, nhắn tin cho anh: ‘Anh qua nhà em ngay. Bố mẹ muốn đưa em về Sơn La’.
15 phút sau, anh có mặt. Anh cố gắng thuyết phục bố mẹ chị nhưng không thành công. Chị đành theo bố mẹ về quê. Anh đoán định tình hình, đưa cho chị chiếc áo khoác, trong túi áo có một chiếc điện thoại và 2 triệu đồng.
2 tuần sau, anh lên tận Sơn La để thưa chuyện với bố mẹ chị. Chị dặn trước bố mẹ rằng ‘anh là người tử tế, nhà mình cũng tử tế nên con muốn cả nhà ngồi nói chuyện với nhau thật lịch sự. Vì biết đâu anh ấy sẽ là con rể của bố mẹ’.
Video đang HOT
Chị ra đón anh, mặc chiếc áo anh đưa hôm trước. Về sau, anh bảo với chị rằng hình ảnh ấy khiến anh vô cùng cảm động.
Anh luôn đưa vợ đi theo mỗi chuyến công tác bất cứ khi nào có thể. Ảnh: NVCC
Mưa dầm thấm lâu, bố mẹ chị Nhung dần cảm thấy sự chân thành từ anh và đã cho phép chị quay trở lại Hà Nội. Nhưng sóng gió bên nhà chị tạm qua đi thì trở ngại lại đến từ phía nhà anh.
Chị kể, ban đầu bố mẹ anh rất vui và hài lòng về chị, nhưng đến khi biết bố mẹ chị phản đối thì gia đình anh cũng quay sang không ủng hộ mối tình này.
Cuối cùng, anh chị quyết định tự tổ chức đám cưới. Ngày cưới, bố mẹ chồng chị vẫn tới dự nhưng chỉ như những khách mời bình thường khác.
Người chồng luôn nắm tay vợ khi ra ngoài
Anh Hùng, chị Nhung và con chung, con riêng của 2 người. Ảnh: NVCC
Vượt qua bao sóng gió, chị bước vào hôn nhân với tràn ngập tình yêu thương từ anh.
Suốt 5 tháng đầu thai kỳ, chị bị nghén, không ngửi nổi mùi cơm, mùi nước rửa chén, nước giặt quần áo và hầu hết mùi của thức ăn đang trong quá trình chế biến. Anh bắt tay vào ’sự nghiệp’ bếp núc từ đây.
Chị sinh con xong, anh ‘lấn sân’ sang cả việc chăm con. Anh cũng luôn là người tắm cho con, luôn là người kiên nhẫn cho con ăn, đọc thơ cho con trước khi con đi ngủ.
Đi bất cứ nơi đâu, anh luôn bế con để vợ được ăn thoải mái nhất, ngon miệng nhất. Ai thấy cũng bảo anh chiều vợ quá. Anh chỉ cười hiền và nói: ‘Vợ mình không chiều thì chiều ai!’.
Dù công việc cực kỳ bận rộn nhưng anh luôn về nhà ăn tối với vợ. Trong mọi chuyến công tác, nếu có thể anh đều đưa vợ con đi. ‘Đi bất kỳ đâu, anh cũng luôn nắm chặt tay vợ. Vì vợ thuộc tuýp người không biết định vị hướng và đường đi nên trước mỗi lần vợ đi đâu anh đều nhắn tin chỉ dẫn để vợ không bị lạc. Anh cũng cho vợ về chơi với bố mẹ đẻ ít nhất 2 lần/năm, mỗi lần dài cả tháng’.
‘Hễ đi công tác là anh sẽ gọi điện dặn vợ kiểm tra tất cả các cửa xem đóng hết chưa. Vợ thích đi xem phim, anh sẽ đi xem cùng vợ suất chiếu muộn nhất để khi về thong thả trên đường, không khói bụi và ồn ào xe cộ qua lại’.
Nhưng hạnh phúc chẳng ở lại với anh chị được bao lâu. Một ngày đầu tháng 7/2019, tại Singapore – nơi gia đình anh chị mới chuyển đến để tiện cho công việc của anh, một bi kịch đã ập đến.
Tối hôm đó, sau khi đưa chị và các con đi chơi, anh đã ra đi mãi mãi vì một cơn nhồi máu cơ tim.
Từ một người phụ nữ hạnh phúc, chị bỗng dưng mất chồng và rơi vào trạng thái hụt hẫng. Mỗi đêm, nỗi nhớ, kỷ niệm với anh ập về khiến chị không kìm nén được. Khi con đã ngủ, chị khóc đến cạn nước mắt.
Con gái riêng của anh thì mất một thời gian không trò chuyện nhiều với bạn bè vì cô bé mất đi thần tượng của bản thân.
Con trai của anh chị thì luôn khóc mỗi lần tạm biệt mẹ để đi vào lớp, suốt 2 tháng sau khi anh qua đời, vì con sợ mẹ cũng biến mất giống như bố.
Từ một người phụ nữ hạnh phúc, chị bỗng dưng mất chồng và rơi vào trạng thái hụt hẫng. Ảnh: NVCC
Phải rất lâu sau khi anh rời bỏ thế gian, chị mới dám ăn lại những món ăn quen thuộc, vì nỗi nhớ anh cứ ăm ắp trong tim, nước mắt cứ chực trào ra. Chị ước ao một lần nữa được ăn chung bàn với anh, được anh nấu cho những bữa cơm giản dị mà đầy tình yêu.
Chị bảo, nếu được gửi một lời tới người đàn ông đã đi xa của mình, chị muốn nói là: ‘Với em, anh là người đàn ông tuy không đảm đang nhất, nhưng là người chồng tuyệt vời, ngọt ngào nhất, là điều đẹp đẽ nhất mà em từng có’.
Chia sẻ câu chuyện của mình, chị Nhung nhắn gửi tới những người vợ, người chồng: Hãy yêu nhau như thể chẳng có ngày mai, vì không ai biết sáng mai liệu ta hay người ta yêu có còn được nhìn thấy ánh mặt trời…
Tôi có nên cưới lại người vợ mù tịt việc nhà, không biết chăm con?
Tôi và Hằng kết hôn sau 3 năm yêu nhau. Chúng tôi khi đó đã có công việc ổn định, tôi là kỹ sư xây dựng còn cô ấy là một giáo viên.
Thời gian đầu chung sống với nhau chúng tôi rất hạnh phúc. Tôi sống khá đơn giản, không yêu cầu gì nhiều dù biết vợ mình không giỏi nữ công gia chánh.
Mâu thuẫn bắt đầu xảy ra khi chúng tôi có con rồi chuyển về sống gần gia đình nhà vợ. Vì cô ấy muốn ông bà ngoại chăm con giúp nên chúng tôi bàn bạc cho thuê ngôi nhà đang sống để đi thuê lại một ngôi nhà khác cách nhà ông bà khoảng 100m.
Buổi sáng, hai vợ chồng đều đi làm sớm từ khi con trai chưa ngủ dậy. Bà ngoại thường sang trông cháu, đợi khi cháu ngủ dậy thì đưa về bên nhà ông bà.
Ảnh minh họa.
Từ khi về sống gần nhà vợ, tôi luôn phải đối diện với sự trách móc từ mẹ vợ. Bà luôn cho rằng tôi lấy lý do thoái thác việc nhà, đi sớm về muộn không quan tâm gia đình... Trong khi thực tế là tôi đi làm ngoại tỉnh, ngày nào cũng phải phụ thuộc giờ giấc ô tô đưa đón của công ty.
Tôi cố gắng giải thích và nhẫn nhịn cho đến khi ông bà yêu cầu chúng tôi dọn về sống cùng. Tôi không đồng ý còn vợ tôi cũng không muốn mất lòng bố mẹ. Vậy là chúng tôi thường xuyên cãi vã những chuyện chẳng đâu vào đâu.
Sau lần mẹ vợ chê trách ích kỷ vì đi làm về muộn dịp đám giỗ, tôi bắt đầu chán không muốn sang nhà vợ nữa.
Khi con trai được 4 tuổi, tôi bàn với vợ chuyển về nhà cũ cho con đi học nhưng cô ấy không đồng ý vì lo không ai đưa đón, chăm con tốt bằng ông bà.
Điểm yếu lớn nhất của cô ấy đã trở thành thách thức của chúng tôi. Từ nhỏ cô ấy đã được bố mẹ nuông chiều nên không biết làm việc nhà, vun vén chăm sóc gia đình riêng. Vấn đề chăm con đã phụ thuộc hoàn toàn vào ông bà ngoại.
Tôi vẫn nhớ những buổi đi làm về muộn thấy căn nhà lạnh ngắt vì vợ con đã sang ăn tối bên nhà ngoại. Căn nhà chúng tôi ở đúng nghĩa nhà trọ khi cả hai chỉ về ngủ và lại đi vào sáng hôm sau.
Trong tình cảnh ấy, thay vì vun vén và khuyên bảo để các con xây dựng tổ ấm thì mẹ vợ tôi lại tiêm nhiễm vào đầu vợ tôi những lời chê bai con người tôi, một mực cho rằng tôi không ra gì, không biết chăm sóc vợ con...
Cái gì đến cũng đến, tôi bắt đầu thấy cô ấy dần xa cách mình. Rồi cô ấy nói không muốn sống với tôi nữa và sẽ làm đơn ly hôn.
Tôi nghĩ cô ấy chỉ giận dỗi quá nên nói như vậy. Không ngờ, cô ấy thừa nhận đã yêu một người khác và không còn cảm xúc với tôi.
Cứ như thế, chúng tôi ra tòa trong hòa bình. Con trai do vợ nuôi nhưng thực chất là... ông bà ngoại nuôi.
Tôi trở về sống một mình trong căn nhà cũ, căn nhà mà bố mẹ tôi mua cho từ trước khi kết hôn.
Suốt mấy năm qua tôi lao vào công việc và không có ý định yêu đương hay tái hôn. Tôi sợ thêm một lần đổ vỡ.
Năm ngoái, công ty cử tôi đi học ở Hàn Quốc 1 năm. Khi về nước vì nhớ con nên tôi đến gặp cháu. Tôi biết được cô ấy cũng đã chia tay người đàn ông kia và giờ đang sống độc thân.
Gặp tôi, cô ấy xin lỗi và nói vẫn còn yêu tôi. Cô ấy muốn chúng tôi làm lại từ đầu. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa quên cảm xúc bị "cắm sừng" và phải sống theo sự sắp xếp của gia đình nhà vợ nên muốn có thêm thời gian suy nghĩ.
Trong khi tôi còn đang phân vân về đề nghị của cô ấy thì con trai liên tục gọi điện cho tôi nói muốn đi chơi cùng bố mẹ, muốn sống cùng bố mẹ. Tôi rất thương con và ẩn sâu trong tôi là những cảm xúc trái ngược, tôi không biết mình còn yêu cô ấy không hay đó là những cảm xúc thân quen sau thời gian dài từng chung sống bên nhau.
Tôi tâm sự với bạn bè có nên quay lại với vợ cũ hay không thì tất cả đều nói "cái gì đã qua hãy cho qua, đừng quay lại cánh cửa đã bước qua".
Nghe chồng ám chỉ chuyện ngoại tình, vợ đã nói điều này để chặn đứng nguy cơ Nếu chồng không ngoại tình thì người vợ dù không phải là tình đầu, nhưng cô ấy lại là tình yêu đích thực đồng hành cùng anh ta đến suốt cuộc đời. Vợ đang bận rộn chuẩn bị bữa tối ở dưới bếp, thấy chồng đi làm về liền hối: - Anh nhanh rửa tay rồi bê thức ăn ra bàn giúp em....