Chồng tôi có quyền cấm tôi tham gia các hoạt động xã hội?
Từ ngày tôi được bầu vào ban chấp hành hội phụ nữ xã thì cứ nhìn thấy mặt vợ là chồng tôi lại đánh tiếng nói “mát”: “Cán bộ nhà mình đấy! Cán bộ đi nấu cơm không chết bây giờ”.
Tôi lấy chồng đã được gần mười năm và sinh được hai cô con gái xinh đẹp, học giỏi. Thấy vậy, hội phụ nữ thôn có mời tôi tham gia vào tổ dân số kế hoạch hóa gia đình. Công việc của tôi chỉ đơn giản là đi cấp, phát thuốc tránh thai, bao cao su miễn phí cho chị em trong xóm ngoài làng.
Ảnh minh hoạ
Công việc cũng không mất nhiều thời gian nên tôi vẫn có thể trômg nom cửa hàng nhỏ của gia đình và chăm sóc chồng con chu đáo. Hơn nữa, có sẵn các dụng cụ tránh thai để dùng nên chồng tôi không phản đối gì. Trong quá trình làm việc, tôi cũng hòa giải được mấy gia đình có mâu thuẫn, giúp cho mấy đôi “gương vỡ lại lành” nên chị em trong xã ngoài làng rất tin tưởng và ủng hộ. Chính vì thế, đợt đại hội Hội phụ nữ xã vừa rồi, tôi được chị em bầu vào Ban chấp hành của hội, được cử giữ chức Phó chủ tịch hội phụ nữ xã.
Niềm vui chưa kịp tắt trên môi thì những giọt nước mắt cay đắng đã thi nhau lăn dài. Vì đảm nhiệm trọng trách nên công việc làm ăn của tôi có phần hạn chế. Thời gian họp hành, đi tuyên truyền vận động của tôi nhiều hơn khiến tôi không giành được toàn bộ thời gian để chăm sóc gia đình được. Cũng từ đấy, chồng tôi ra sức ngăn cản, cấm đoán tôi không được tham gia công việc xã hội nữa.
Anh ấy cho rằng: nhiệm vụ của tôi là lo cho cái nồi cơm không cháy không khê, bố con anh ấy ra đường không phải cúi mặt vì bẩn thỉu hôi hám chứ không phải “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như thế. Việc đó chỉ giành cho những người rỗi việc, vô công rồi nghề thôi.
Video đang HOT
Mỗi lần tôi chuẩn bị đi làm nhiệm vụ của Hội là chồng tôi lại chửi. Anh giấu chìa khóa xe không cho tôi đi. Nếu tôi có thái độ cự cãi là ngay lập tức bị anh ấy “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”. Anh thường đánh vào mặt tôi để “đem cái mặt ấy đi cho thiên hạ nó ngắm”. Với chồng tôi, giải quyết việc nhà là nhiệm vụ duy nhất mà tôi cần phải làm cho xã hội. Và tôi chưa “hoàn thành nhiệm vụ” đó nên không được tham gia vào bất cứ tổ chức nào nữa.
Hôm nào tôi đi làm công tác xã hội về là hôm ấy vợ chồng cãi nhau. Anh không làm bất cứ một việc gì trong nhà, từ đón con, cơm nước đến giặt giũ. Anh cho rằng thời gian tôi đi làm cái công việc “vác tù và hàng tổng” ấy đủ để làm tất cả mọi việc. Anh thường chửi tôi, chuyện nhà còn không lo hết lại còn đòi lo chuyện thiên hạ. Với anh, tôi chưa bao giờ hoàn thành nhiệm vụ của một người vợ, người mẹ nên không có quyền được tham gia công việc ngoài xã hội. Chồng tôi thường bảo, trong ấm thì ngoài mới êm. Cô làm vợ chả xong lại còn đòi đi làm “mẹ” thiên hạ.
Đã hai tháng qua, tôi như bị tra tấn bởi những lời nói mỉa mai mà anh có thể nói ra bất cứ khi nào có thể về tôi. Nào là “người phụ nữ anh hùng của mấy thằng hàng xóm”; nào là “cán bộ nhà mình đấy! Các con phải cẩn thận không cán bộ lại cho một bài bây giờ nhé.”; rồi thì “cô là loại tham ăn, lười lao động, muốn ăn trắng mặc trơn rồi động “cỡn” lên mà đi ngoại tình à…”
Tôi cố gắng giữ im lặng để gia đình được yên ấm. Nhưng càng thấy tôi im lặng, chồng tôi càng làm tới. Anh cho rằng tôi coi thường anh, không còn coi gia đình ra gì nữa. Sáng nay, lúc tôi dắt xe đi làm, anh lấy dao chặt đứt lốp xe và vứt vào mặt tôi tờ giấy ly hôn với tuyên bố: nếu đi làm thì ký vào đó rồi mới được đi.
Suốt ngày hôm nay tôi không dám ra khỏi nhà. Bao nhiêu công việc đều phải hoãn lại. Chẳng lẽ, tôi không có quyền được tham gia các hoạt xã hội hay sao? Liệu có cách nào để thay đổi suy nghĩ của chồng tôi? Anh ấy có quyền được cấm tôi tham gia các hoạt động xã hội không?
Phạm Thị Ngọc Hà
Chị thân mến! Chị là một trong số rất nhiều những người phụ nữ đang được mọi người yêu mến bởi những gì đã làm cho cộng đồng, từ việc tuyên truyền cho đến gỡ rối tâm lý gia đình. Có những người như chị, tôi nghĩ hẳn mọi người trong làng xã sẽ rất an tâm và tin tưởng. Với cuộc sống gia đình, chị đang gặp phải phản ứng dữ dội từ phía chồng chị. Phản ứng đó cũng xuất phát từ quan niệm rằng những việc ngoài xã hội là của nam giới còn phụ nữ chỉ nên lo việc bếp núc gia đình. Nhưng như chị đã thấy quan niệm đó hiện nay đã không còn phù hợp nữa bởi đã có rất nhiều những người phụ nữ thành đạt ngoài xã hội, họ đã vượt qua định kiến và trở thành những chính trị gia, thủ tướng, bộ trưởng, nhà khoa học xuất sắc, nếu ai có khả năng thì hoàn toàn có thể cống hiến và đáng được ghi nhận, điều này đã được pháp luật Việt Nam quy định rõ. Chồng chị đang nghĩ như vậy, có thể vì quan niệm của anh ấy và cũng có thể vì anh ấy chưa thực sự thấu hiểu những ý nghĩa mà chị đang làm với mọi người. Nhiều người đàn ông ngộ nhận rằng người vợ tham gia hoạt động ngoài xã hội hoặc thành đạt có thể làm giá trị của họ thấp đi, nhưng trên thực tế đó là những suy nghĩ tiêu cực và sai lầm bởi sự thành đạt của bất cứ người nào thì cũng đều làm tăng giá trị cho bạn đời của mình. Nếu anh ấy vẫn cố tình gây cản trở, chị có thể phản ứng một cách kiên quyết hơn như nói chuyện thẳng thắn với anh ấy, hoặc nhờ đến sự tác động của bạn bè, người thân, thậm chí là chính quyền địa phương. Hơn lúc nào hết, chị cần ý thức rõ những điều mình muốn làm cho gia đình và xã hội và chị có khả năng, có quyền làm điều đó. Chị cần kiên quyết hơn nữa trong việc đấu tranh tự bảo vệ mình khỏi bạo lực gia đình từ chồng và cần để anh ấy hiểu cách cư xử, giải quyết các khúc mắc trong gia đình bằng bạo lực (đánh đập, chửi mắng và hạ thấp vai trò của chị như anh ấy đã làm) là vi phạm pháp luật và chị phải đấu tranh. Cách đấu tranh như thế nào tôi nghĩ chị cũng đã nắm bắt được phần nào: vừa mềm mỏng, vừa kiên quyết hoặc nếu cần sẽ huy động sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Trong trường hợp chị đã đấu tranh mà vẫn không nhận được sự thay đổi tích cực từ chồng, chị có thể tự quyết định cho cuộc sống của mình và các con. Tôi tin rằng chị đã nhận ra: nếu tiếp tục tạo điều kiện cho tư tưởng gia trưởng, đầy định kiến của anh ấy sẽ không tốt cho cuộc sống của chị, cho các con và hạnh phúc chung của cả gia đình. Tôi tin rằng với một người thông minh và bản lĩnh như chị, chị sẽ vượt qua được mọi chuyện. Chúc chị có đủ nghị lực để giải quyết vấn đề của mình! Vũ Ánh Tuyết- CSAGA
Theo VNE
"Ba mẹ ơi chúng con đã biết khóc!"
Tôi ước gì có một tấm vé để về lại thời thơ trẻ đó, nơi mà tôi đã có những lỗi lầm thật sự.
Trong một chuyến đi biển định mệnh, gặp bão tố, ba tôi không may đã mãi nằm lại nơi biển lạnh mênh mông, bỏ lại mẹ và hai anh em tôi sống trong cô đơn buồn tủi, cùng trải qua với bao cay đắng tủi cực của cuộc đời.
Thằng em tôi kể cũng lạ, mỗi lần dọn cơm ra ăn là nó nhảy thỏm vào lòng ba nó ngồi rồi, miệng bi bô đòi ba tôi gắp cho nó đủ thứ. Có lần tôi rình gắp cục thịt từ chén nó, nó giận dỗi hất cơm tung tóe, khóc inh ỏi. Thế là bị ba tôi cho một bợp tai giụi họng, " mầy lúc nào cũng chọc em hoài". Mấy bữa nay ăn cơm không có ba, nó cứ hỏi suốt: " Ba đâu mẹ?"
"Ba đi bắt cá ở biển rồi, mai mới về". Mẹ tôi mặt buồn rượi vừa đút cơm vừa trả lời cho nó. Bà biết là ba của chúng tôi không về nữa nhưng vẫn cứ trả lời như thế cho qua chuyện. Lúc ấy, tôi thấy mẹ đưa tay quẹt ngang trên mặt, có lẽ mẹ tôi đang khóc. Hồi đó tôi học mới lớp một, tuổi thơ bé bỏng nên tôi không quan tâm đến chuyện mẹ tôi có khóc hay không mà chỉ suy nghĩ toàn điều vẫn vơ, không biết ba tôi có trở về nữa không. Tôi nghe đâu đó người ta nói ba tôi chết rồi, nhưng tôi cũng không hiểu chết là gì cả. Chỉ biết là mấy hôm nay không thấy ba tôi đâu nữa, tôi cũng thấy buồn như mẹ tôi vậy.
Hồi đó tôi rất sợ ba tôi vì ba thường đánh mắng tôi nhất. Ba tôi thường la rầy tôi như thế không phải vì ba không thương tôi mà vì tôi quá nghịch ngợm, suốt ngày cứ giành phần hơn về mình mà không bao giờ nhường nhịn cho em tôi cái gì cả.
Từ ngày ba tôi mất, mẹ tôi trở nên cơ cực bội phần, mọi cuộc sống gần như đảo lộn. Mẹ đảm nhận một lúc hai vai trò vừa làm mẹ, vừa làm cha để kiếm tiền lo lắng cho anh em tôi ăn học. Mới sớm tinh sương, khi anh em tôi còn khò ngủ trên giường thì mẹ đã dậy xuống quán để bán nước mía rồi. Cũng từ đó gia đình tôi chỉ sống phụ thuộc vào công việc bán nước mía của mẹ tôi thôi. Ngoài công bận bịu ở bên chiếc xe nước mía, mẹ còn lo toan đủ thứ.
Nhà tôi, hồi đó mỗi lần trời mưa to là trong và ngoài nhà gần như ướt đều nhau. Mỗi lần như thế, mẹ tôi phải đẫm mình hàng giờ mới có chỗ khô cho anh em tụi tôi nằm. Chiều nay sắp có mưa, mẹ lại lụi cụi ôm mấy cụm củi khô vào nhà phòng cất. Quảy nước, giặt đồ, mẹ làm ráo riết mọi việc. Những lúc không có việc gì làm, mẹ lại ra sau nhà bắt sâu cho mấy bụi cải, tỉa ớt, vun cà,...Mẹ không bao giờ cho phép mình nghỉ ngơi cả, vì mỗi lần không làm gì, mẹ lại nhớ ba rồi ngồi khóc một mình.
Nếu tôi được trở về thời đó, tôi sẽ là người con ngoan, người anh tốt (Ảnh minh họa)
Có nhiều hôm bán nước mía được đông khách, mẹ quay người dọc ngang. Đã vậy, không hiểu sao những hôm đông khách lại thường mất điện, mẹ hì hục cầm tay quay rẹt rẹt, những đoạn mía bị ngấu nghiền, nước tuôn lả tả, từng giọt mồ hôi trên người mẹ cũng rơi rải, loang theo. Những lúc trời mưa, không bán nước mía được, mẹ tôi lại nằm gác tay lên trán thở dài: " Trời cứ mưa hoài, lấy đâu ra tiền mua gạo nuôi mấy đứa nhỏ không biết". Còn tôi thì không quan tâm, có khi trời mưa tôi càng thích hơn vì được rủ bạn bè tắm mưa và không cần phải phụ má bán nước mía nữa...
Bây giờ anh em tôi đã trưởng thành, đã xa rời mái ấm thân thương của thời thơ bé và cả chiếc xe nước mía ngày nào của mẹ. Cái chiếc xe mà đã nuôi anh em tôi khôn lớn. Bây giờ nó đã bạc mòn, những bánh xe đã xì hơi không buồn căng lại. Mẹ tôi giờ đây tuổi đã xế chiều, mái tóc của mẹ đã điểm sương mai, nhìn dáng mẹ mà lòng tôi như thắt lại vì thương kính xót xa.
Có lần tôi đọc một tác phẩm cũng nói về tuổi thơ và tôi như đang bị lạc vào thế giới ấy. Tôi ước gì có một tấm vé để về lại thời thơ trẻ đó, nơi mà tôi đã có những lỗi lầm thật sự, nơi mà tôi đã làm cho mẹ tôi luôn đau buồn, cơ cực. Nơi mà tôi luôn giành đồ chơi của em tôi. Nếu tôi được trở về thời đó, tôi sẽ là người con ngoan, người anh tốt. Tôi sẽ biết bào mía, rửa ly cho mẹ và sẽ nhường tất cả những thứ đồ chơi cho em tôi. Điều đặc biệt hơn, mỗi khi cầm nén hương đốt lên bàn thờ ba, tôi sẽ biết khóc thật nhiều, thật nhiều và thật nhiều.
Khốn thay, khi tôi thấu hiểu thì chuyện đời đã quá muộn. Ba tôi đã ra đi quá sớm, ông không kịp cho tôi cảm nghiệm được thế giới này như thế nào, để có thể biết được nỗi đau nát lòng khi ông không còn nữa. Hôm nay tôi trở về, đứng trước bàn thờ ba, cầm nén hương, mà hai hàng nước mắt cứ rơi trào. Có lẽ đó là những dòng nước mắt đã thấu hiểu thực sự, nhưng đã quá muộn màng, khi mà ba tôi chỉ còn là đống xương tàn mà người đời đã quên dần qua năm, tháng.
Theo VNE
Không ngừng yêu em Lại một ngày nữa, nỗi nhớ về em cứ hiện hữu trong anh như thể ngày nào. Thời gian anh gặp em chẳng được bao nhiêu nhưng đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của anh. Anh thèm cái cảm giác được bên cạnh em, được yêu em và trong lúc này, không bao giờ ngừng yêu em. B.T. à! Đã nhiều...