Chống tham nhũng hướng đến ‘không có củi’ chứ không phải ‘tạo củi đốt lò’
Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, trong điều kiện hiện nay, luật Phòng chống tham nhũng “tiếp lửa” cho “lò” nhưng về lâu dài không phải luật này “tạo củi để đốt lò” mà hướng đến “không có củi”.
Tại hội thảo về mở rộng phạm vi luật phòng chống tham nhũng bao gồm khu vực ngoài quốc doanh diễn ra hôm qua ở Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 rất quan trọng.
“Tuy nhiên cũng phải khẳng định, luật Phòng chống tham nhũng không phải cây gậy thần để phòng chống tham nhũng như nhiều người hy vọng cứ luật ra đời thì công tác phòng chống tham nhũng tự nhiên thành công”, ông nhấn mạnh.
Phó chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Nguyễn Mạnh Cường
Để chống tham nhũng, phải có các luật khác đồng hành, chẳng hạn luật Phòng chống lãng phí.
“Lãng phí là anh em với tham nhũng, nhiều khi để tham nhũng được, người ta sẵn sàng lãng phí rất nhiều lần. Xây dựng một công trình nhiều khi chẳng để làm gì mà chỉ để tham nhũng ít tiền”, ông Cường nêu.
Nói lương đủ sống thì không tham nhũng là không đúng
Phó chủ nhiệm UB Tư pháp cho biết, luật lần này được xây dựng hướng đến 3 mục đích: không cần, không thể, không dám tham nhũng.
Không thể tham nhũng là nói về thể chế phải chặt chẽ; không dám tham nhũng là nói về việc trừng trị tham nhũng một cách nghiêm minh; không cần tham nhũng là nói về cơ chế chính sách liên quan tới tiền lương cho cán bộ công chức phải tự sống bằng lương của mình…
Trong điều kiện hiện nay, khi việc phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng thì luật Phòng chống tham nhũng “tiếp lửa” cho “lò” phòng chống tham nhũng nhưng về lâu dài không phải luật này “tạo củi để đốt lò” mà hướng đến “không có củi”. Nghĩa là phải tạo ra các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ.
“Mục đích sâu xa, lâu dài của luật là hướng đến phòng ngừa là chính”, ông Cường nói.
Video đang HOT
Liên quan các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong hoạt động kinh doanh khu vực công, ông nhấn mạnh việc thực hiện quy tắc ứng xử của người giữ chức vụ quản lý trong DN, trong đó có kiểm soát xung đột lợi ích.
Cụ thể như quy định người giữ chức danh, chức vụ trong DN nhà nước không được ký các hợp đồng với các DN của người thân.
“Đây chính là quy định chống DN sân sau”, ông Cường cho rằng các biện pháp phòng chống tham nhũng vừa qua chưa đầy đủ, nhất là trong thực trạng hiện nay, công tư đan xen, tình trạng các DN sân sau rất phức tạp.
Hay như quy định không bố trí người thân làm thủ quỹ, kế toán; không được thành lập DN trong lĩnh vực kình quản lý trong thời hạn nhất định; quy định về tặng quà, nhận quà…
“Ví dụ như cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa có những DN hoạt động trong lĩnh vực bà quản lý mà bà Thoa lại có vốn, có cổ phần. Những trường hợp như thế là vi phạm”, ông Cường dẫn chứng.
Bắt người nước ngoài phải kê khai tài sản, thu nhập là không khả thi
Một biện pháp phòng ngừa tham nhũng quan trọng khác được ông Cường nhắc đến là kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong DN.
Thực tế cho thấy đối tượng kê khai rộng nhưng áp dụng chung 1 hình thức kiểm soát, trong khi cơ quan xác minh dàn trải, không độc lập.
Vì vậy luật lần này chia ra loại 2 loại hình kê khai. Đó là kê khai và kiểm soát chặt chẽ những người giữ chức vụ cao, những vị trí có nguy cơ tham nhũng, từ giám đốc sở trở lên. Những người này thuộc diện kiểm soát chặt chẽ thì phải kê khai hàng năm, kê khai khi bổ nhiệm.
Còn những người giữ chức dưới giám đốc sở, hoặc không nắm giữ vị trí dễ phát sinh tham nhũng chỉ kê khai lần đầu và kê khai bổ sung khi thu nhập trong năm phát sinh từ 300 triệu đồng trở lên. Các quy định này cũng được áp dụng tương tự đối với DN nhà nước.
Giải thích lý do không áp dụng kiểm soát tài sản, thu nhập với mọi loại hình DN, ông Cường cho hay, có những DN có người quản lý là người nước ngoài thì rất khó khả thi. Bởi nếu bắt người nước ngoài phải kê khai tài sản thu nhập của họ ở nước của họ, cả con, vợ họ thì không phù hợp với thông lệ quốc tế và cũng không khả thi.
Theo PLO
Không hợp pháp hóa tài sản bất minh
Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sáng 20-11, đã rút quy định về xử lý tài sản không rõ nguồn gốc do còn nhiều ý kiến khác nhau
Sáng 20-11, với 452/465 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) biểu quyết tán thành (chiếm 93,20% tổng số ĐB), QH đã thông qua dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), với việc rút quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc. Luật gồm 7 chương, 46 điều, có hiệu lực từ ngày 1-7-2019.
Phải tịch thu tài sản tham nhũng
Trong quá trình xây dựng luật, ban soạn thảo đã đưa vào dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc. Theo đó, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%. Quy định này từng gây ra nhiều tranh luận, trong đó nhiều ý kiến cho rằng làm như vậy chẳng khác nào giúp hợp pháp hóa tài sản bất minh, tài sản do tham nhũng mà có.
Trước khi QH bấm nút thông qua với nội dung quan trọng này, thay mặt Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, cho biết đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này. Trong khi đó, tài sản, thu nhập của người dân, cán bộ, công chức, viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội và pháp luật chưa quy định đánh thuế đối với tài sản thì việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp.
Mặt khác, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản - quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp nên cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. "Tại tất cả phiên thảo luận về nội dung này, ý kiến các ĐBQH, các cơ quan hữu quan còn rất khác nhau và phân tán" - bà Nga thông tin.
Chính vì vậy, để bảo đảm thận trọng, UBTVQH đã chỉ đạo Tổng Thư ký QH gửi phiếu thăm dò ý kiến các ĐBQH. Kết quả, 43,09% tổng số ĐBQH tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án; 32,16% tán thành với phương án thu thuế. "Như vậy, không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số ĐBQH. UBTVQH nhận thấy do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật" - bà Nga nêu rõ.
Trên cơ sở đó, UBTVQH đề nghị QH chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự luật mà thực hiện theo pháp luật hiện hành.
Theo quy định hiện hành, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật và nghị quyết tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: ĐÌNH NAM
Ngành công an có 199 tướng
Sáng cùng ngày, QH đã thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi) với 416/464 ĐB có mặt tán thành.
Khi biểu quyết thông qua điều 25 quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân, chỉ 354/465 ĐB có mặt tán thành.
Theo điều 25, bộ trưởng Bộ Công an có quân hàm đại tướng; thượng tướng là thứ trưởng, không quá 6 người; trung tướng không quá 35 người; thiếu tướng không quá 157 người. Đây là điểm mới so với luật hiện hành vì đạo luật thông qua trước đây không quy định "cứng" số lượng trung tướng và thiếu tướng.
Những người có cấp bậc hàm trung tướng, gồm: cục trưởng, tư lệnh và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
Những người có cấp bậc hàm thiếu tướng, gồm: cục trưởng của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và chức vụ, chức danh tương đương; giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I và là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông (không quá 11); phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an trung ương (không quá 3 người).
Bên cạnh đó, cấp bậc hàm thiếu tướng còn dành cho phó cục trưởng, phó tư lệnh và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an (17 đơn vị mỗi đơn vị tối đa 4 người; các đơn vị còn lại mỗi đơn vị tối đa 3 người); phó giám đốc Công an TP Hà Nội và Công an TP HCM (mỗi đơn vị tối đa 3 người)...
Một trong những điểm mới được thông qua tại Luật Công an nhân dân (sửa đổi) là đưa công an xã trở thành lực lượng thuộc tổ chức của công an nhân dân. Theo đó, có 1.100 xã, thị trấn biên giới được bố trí công an xã chính quy để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ riêng theo quy định của pháp luật.
Kỳ họp đổi mới, dân chủ
Sau gần một tháng làm việc, sáng 20-11, QH đã họp phiên bế mạc và thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6 QH khóa XIV. Tại kỳ họp, QH đã thông qua 9 luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác; thông qua 4 nghị quyết về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. QH cũng đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá kỳ họp tiếp tục có những đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của QH; việc thảo luận, tranh luận và trách nhiệm giải trình thể hiện dân chủ, trách nhiệm. Đặc biệt, với sự tín nhiệm rất cao, QH đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, được nhân dân và cử tri đánh giá cao.
VĂN DUẨN
Theo nld.com.vn
Luật Phòng chống tham nhũng chưa quy định "xử lý tài sản không rõ nguồn gốc" Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sáng 20/11 đã rút quy định về xử lý tài sản tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc do còn nhiều ý kiến khác nhau và không có luồng ý kiến nào chiếm "quá bán" tổng số đại biểu Quốc hội. Sáng 20/11, với 452/465 biểu quyết tán...