Chống Nga “điên cuồng”, phương Tây có thể gây thêm họa?
Tư tưởng chống phá Nga gay gắt của những chính khách phương Tây có thể là nguyên nhân khuyến khích Kiev đi theo con đường hạt nhân, bất chấp những rủi ro khôn lường.
Căng thẳng Nga – Ukraine kéo theo những lo ngại.
Nỗ lực ngăn chặn sự phổ biến hạt nhân là một trong số ít vấn đề mà các cường quốc trên thế giới có sự đoàn kết với nhau. Trong đó, các cường quốc lớn nhất luôn kiên định với mục tiêu tiếp tục hạn chế sự lan rộng của vũ khí hạt nhân và ngăn chặn những quốc gia mới tham gia vào câu lạc bộ hạt nhân.
Trong một số diễn biến gần đây, đã có những lo ngại cho rằng trong bối cảnh căng thẳng với Nga, Ukraine có thể tìm hướng đi để quay trở lại phát triển hạt nhân. Nếu điều này trở thành sự thật, cuộc khủng hoảng giữa hai nước sẽ rơi vào những rủi ro khôn lường, theo nhà phân tích Federico Pieraccini viết trên Strategic Culture.
Trong một tuyên bố gần đây với kênh Obozrevatel TV, cựu đặc phái viên Ukraine tại NATO, Thiếu tướng Petro Garashchuk tự tin khẳng định: “Tôi sẽ nói điều đó một lần nữa. Chúng tôi có khả năng phát triển và sản xuất vũ khí hạt nhân của riêng mình. Đồng thời, Ukraine không phải lo lắng về các lệnh trừng phạt quốc tế khi tạo ra các vũ khí hạt nhân này”.
Vũ khí hạt nhân luôn là vấn đề được thống nhất cần phải ngăn chặn giữa các cường quốc, đặc biệt là sau khi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí (NPT) được ký kết. Quyết định giảm số lượng vũ khí hạt nhân vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh cũng đi đôi với nhu cầu ngăn chặn sự lây lan của vũ khí hủy diệt hàng loạt sang các quốc gia khác. Đây được coi là bước đi vì lợi ích tốt nhất của nhân loại.
Trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh, cộng đồng khoa học đã nỗ lực hết sức để thuyết phục giới lãnh đạo Mỹ và Liên Xô về hậu quả của một cuộc chiến hạt nhân sẽ quét sạch loài người. Do đó, Moscow và Washington đã bắt đầu các cuộc đàm phán START (Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược) để giảm thiểu rủi ro của “mùa đông hạt nhân”.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Bản ghi nhớ về bảo đảm an ninh Budapest đã thuyết phục Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân và gia nhập NPT để đổi lấy cam kết an ninh từ các bên ký kết khác.
Tuy nhiên, Ukraine trong những năm gần đây đã bắt đầu gợi mở về khả năng quay trở lại thời kỳ hạt nhân, đặc biệt là giữa bối cảnh Triều Tiên có những động thái tương tự. Trong suy nghĩ của Kiev, bài học răn đe hạt nhân giống như Bình Nhưỡng vẫn là cách duy nhất để có được sự bảo vệ an toàn nhất trước sự bá quyền khu vực.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Pieraccini, tình hình ở Ukraine khác với Triều Tiên, bao gồm cả về liên minh và quan hệ quyền lực. Theo đó, cánh tay nối dài của NATO luôn bị cáo buộc là gắn bó với những âm mưu đen tối đứng đằng sau xúi giục Ukraine.
“Trong đó, NATO có xu hướng lôi kéo các quốc gia có xu hướng chống Nga để tiến hành những hành động cụ thể nhằm phá hoại Moscow. Cuộc chiến ở Donbass là một ví dụ điển hình”, Pieraccini nêu quan điểm.
Bế tắc giữa Nga và Ukraine có thể sẽ bị kích thích nghiêm trọng bởi những chính khách chống Nga ở phương Tây.
Tuy nhiên, Ukraine đã không thể khuất phục được phiến quân ở khu vực Donbass, cuộc xung đột đóng băng và rơi vào bế tắc.
Trong khi đó, Mỹ và EU đã không giữ lời hứa bảo đảm hỗ trợ cho Ukraine, điều này khiến cho chính quyền Kiev tuyệt vọng và bị buộc phải dùng đến những hành động khiêu khích như sự cố eo biển Kerch gần đây, theo Pieraccini.
Ý tưởng nối lại việc sản xuất vũ khí hạt nhân hiện đang được đưa ra bởi các nhân vật nhỏ ở Ukraine, nhưng nó có thể sẽ bùng phát trong những tháng tới, đặc biệt là nếu cuộc xung đột tiếp tục ở trạng thái đóng băng và Kiev trở nên thất vọng hơn nữa với các đối tác.
Giới phân tích lo ngại, lối suy nghĩ chống phá Nga gay gắt của giới cầm quyền Mỹ có thể là nguyên nhân khuyến khích Kiev đi theo con đường này, bất chấp những rủi ro khôn lường.
Về phần mình, EU có thể sẽ sợ hãi trước viễn cảnh một cuộc chiến hạt nhân sát nách mình, nhưng các nước châu Âu cũng sẽ rơi vào tình thế khó tự quyết.
Kiev, một mặt có thể yêu cầu EU những hỗ trợ kinh tế cần thiết để đổi lấy việc không tiến vào kế hoạch sản xuất hạt nhân, trong khi ở Mỹ, những chính khách chống Nga sẽ vẫn kích thích người Ukraine.
Moscow, nếu phải đối mặt với khả năng như vậy, sẽ không chỉ đứng yên một chỗ. Mặc dù Nga có quan hệ tốt với Triều Tiên, nhưng dường như không quá thích thú trước viễn cảnh có một nước láng giềng vũ trang hạt nhân.
Với Ukraine, phản ứng sẽ nghiêm trọng hơn nhiều. Một Ukraine vũ trang hạt nhân sẽ là một lằn ranh đỏ đối với Moscow, giống như Crimea và Sevastopol. Điều này khiến người ta nhớ lại những lời của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đề cập đến nguy cơ NATO xâm chiếm Crimea vào năm 2014:
“Chúng tôi đã sẵn sàng để làm điều đó” – ông Putin cảnh báo về sử dụng kho vũ khí hạt nhân. “Người dân Ngasống ở đó, họ gặp nguy hiểm, chúng tôi không thể bỏ mặc họ”.
Theo nhà phân tích Pieraccini, khi Kiev đứng trên ranh giới của việc quyết định dấn thân vào hạt nhân, Mỹ và châu Âu sẽ phải xem xét hậu quả của việc khuyên Kiev tiến bước hay dừng lại….
Theo nguoiduatin
Putin: Giới cầm quyền Mỹ đứng sau đòn trừng phạt "vô nghĩa" đánh vào Nga
Ngày 22/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, lập trường của giới cầm quyền Mỹ là nguyên nhân dẫn đến chính sách trừng phạt phản tác dụng đối với Nga, đồng thời miêu tả cuộc gặp Helsinki giữa ông với Tổng thống Donald Trump là "hữu ích".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thượng đỉnh Helsinki, Phần Lan hôm 16/7. Ảnh: Reuters
"Đó không chỉ là về lập trường của Tổng thống Mỹ. Đó là vấn đề về lập trường của cái gọi là giới cầm quyền, hiện đang điều hành nước Mỹ theo nghĩa rộng nhất của từ này", Putin nói.
Trả lời câu hỏi về cuộc gặp ông Trump hồi tháng 7 tại buổi họp báo chung với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto gần Sochi hôm 22/8, Putin khẳng định: "Về cuộc gặp của chúng tôi với Tổng thống Trump, tôi có đánh giá tích cực và nghĩ rằng cuộc gặp đó hữu ích".
Gọi các biện pháp trừng phạt là "phản tác dụng và vô nghĩa, nhất là với những nước như Nga", Putin nói thêm rằng ông hy vọng "việc thực hiện chính sách này không có tương lai gì một ngày nào đó sẽ được các đối tác Mỹ nhận ra và chúng tôi sẽ bắt đầu hợp tác theo cách bình thường".
Putin cho biết ông và Trump đã trao đổi các quan điểm về những vấn đề quan trọng nhất tại thủ đô Phần Lan, nói thêm rằng "sự trao đổi quan điểm, đối thoại trực tiếp luôn rất hữu ích".
"Không ai mong đợi rằng trong các đàm phán 2 giờ đồng hồ có thể giải quyết tất cả vấn đề cho đến nay còn gây tranh cãi", ông khẳng định.
Về các quan hệ của Nga với châu Âu, Putin bày tỏ hy vọng rằng "điều gì đó tích cực sẽ được thực hiện để khôi phục các quan hệ bình thường giữa Nga-EU" trong nửa cuối năm 2019 khi đến lượt Phần Lan đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu.
Tổng thống Nga cho biết các cuộc đối thoại của ông với ông Niinisto "mang tính xây dựng", trong khi nhà lãnh đạo Phần Lan chọn từ ngữ hoa mỹ hơn - "đầy nắng" - để miêu tả cuộc gặp Sochi.
2 nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trong vấn đề bảo vệ môi trường và thảo luận việc giải quyết các cuộc khủng hoảng Syria và Ukraine. Putin ủng hộ đề xuất của Niinisto nhằm tăng an toàn bay trên Biển Baltic và bày tỏ cam kết với việc hợp tác cùng Helsinki để thúc đẩy an ninh và ổn định tại Bắc Âu.
Ông cũng gọi Nga là "nhà cung cấp chắc chắn khí đốt" cho châu Âu, nói thêm rằng nước này sẵn sàng cạnh tranh công bằng trong khu vực.
Phú Bình
Theo baonghean/RT
Putin ra sức giảng hòa với phương Tây Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5.6 lên tiếng đề nghị phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Nga và nhấn mạnh rằng, điều đó có lợi cho tất cả các bên. Trừng phạt gây tổn hại cho tất cả Phát biểu khi đang ở thăm nước Áo, ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh rằng, các lệnh trừng phạt nhắm vào...