Chống ‘lợi ích nhóm’ cài cắm trong xây dựng pháp luật thế nào?
“Lợi ích nhóm người ta cài vào thì chuyên gia pháp luật mới phát hiện được, cài kín lắm, cài đủ các loại luôn, rất kín. Không có sự phát hiện, bóc tách thì rất tai hại”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền, cảnh báo.
Sáng 19/2, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đề cập quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, việc các cơ quan của Quốc hội chủ trì việc sửa đổi, bổ sung nội dung của dự án luật là sự phối hợp không hợp lý, dẫn đến trách nhiệm trong hoạt động lập pháp không rõ ràng, làm cho chính cơ quan soạn thảo không phát huy đầy đủ thế mạnh của cơ quan trực tiếp quản lý mọi mặt của đời sống xã hội. Đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến việc chất lượng của một số dự án luật được Quốc hội thông qua không bảo đảm, như: Bộ luật Hình sự, hay Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội.
Vì vậy, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam kiến nghị, sửa đổi Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cơ quan soạn thảo phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án luật trình Quốc hội. Nếu cuối cùng Quốc hội vẫn không đồng tình thì Chính phủ và Quốc hội phải nghiên cứu, phân tích, phản biện và giải trình để tìm ra một phương án chính sách mới phù hợp nhất có thể để đưa trình Quốc hội tại các kỳ họp sau.
Tuy nhiên, từ thực tiễn nhiều năm tham gia hoạt động Quốc hội, ông Nguyễn Đình Quyền cho biết, trước năm 2003, tất cả các dự án luật thì sau khi đại biểu Quốc hội có ý kiến rồi thì cơ quan chủ trì soạn thảo về chỉnh lý. Nhiều khi “Quốc hội xi nhan phải thì về ông rẽ trái. Tức là Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này thì về sửa một kiểu, cho ý kiến một đằng thì sửa một nẻo. Đến khi ra Quốc hội bảo chưa được, lại đưa về sửa tiếp, cứ thế, “lợi ích nhóm” cài vào văn bản. Khi Quốc hội thấy mệt mỏi quá, thôi bảo thông qua cho xong”, ông Quyền cho hay.
Từ đó, ông Quyền cho rằng: Quốc hội phải nắm trọn quyền lập pháp của mình, gồm xây dựng chương trình, thẩm tra. “Ông trình thì ngứa chỗ nào gãi chỗ ấy. Tức là ông là người quản lý nhà nước, người thực hiện chức năng của mình trên phương diện thực tiễn thì ông biết chỗ nào ngứa thì ông trình. Song giải quyết chỗ ngứa đó như thế nào thì phải là Quốc hội”, ông Quyền nói.
Bày tỏ sự đồng tình với việc MTTQ tham gia phản biện văn bản pháp luật, ông Quyền nhận xét, đây là quy định phù hợp, nhất là trong giai đoạn hiện nay thẩm định, thẩm tra vẫn để “lợi ích nhóm” len lỏi vào. “Lợi ích nhóm người ta cài vào thì chuyên gia pháp luật mới phát hiện được, cài kín lắm, cài đủ các loại luôn, rất kín. Không có sự phát hiện, bóc tách thì rất tai hại”, ông Quyền cảnh báo.
Ông Nguyễn Đăng Dung, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ – Pháp luật lại cho rằng Quốc hội làm luật rất khó. Cho nên tốt nhất là Quốc hội chỉ ra người nào làm luật, tức là lựa chọn ông bộ trưởng tốt. Theo ông Dung, sự cần thiết trong việc xây dựng luật và ra chủ trương chính sách đề ra trong luật thì Chính phủ phải lo.
Video đang HOT
Ông Thái Vĩnh Thắng, Hội đồng tư vấn Dân chủ – Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết quan điểm lập hiến, lập pháp hiện nay trên thế giới khác nhau. Có những vấn đề tổ chức nhà nước, quyền cơ bản của công dân thì là lập pháp nhưng có những vấn đề Quốc hội không thể lập pháp vì là chuyên môn, cần phải giao cho cơ quan chuyên môn. Việt Nam nên có chính sách thế nào đó quy định những lĩnh vực nhất thiết phải lập pháp, còn những lĩnh vực không cần thiết phải lập pháp mà chỉ lập quy thôi. Từ đó, ông Thắng đồng tình với quy định, cơ quan chủ trì thẩm tra dự luật phải chịu trách nhiệm chỉnh sửa. “Lập pháp phải giao cho Quốc hội, tránh hiện tượng có kẽ hở, lồng lợi ích nhóm, lợi ích ngành, cục bộ vào trong đó”, ông Thắng nói.
VĂN KIÊN
Theo TPO
GS.TS Nguyễn Đăng Dung: 'Làm luật như vá săm xe đạp'
"Tôi đã ví làm luật như vá săm xe đạp. Khi xe đi được vẫn cứ đi, đừng có chọc ra để vá", GS.TS Nguyễn Đăng Dung nói về sự cần thiết khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản luật.
Sáng 19/2, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Đăng Dung, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, chia sẻ thấy "rối" khi có quá nhiều văn bản luật.
Theo ông, không phải cái gì cũng làm luật. Luật ở trong cuộc sống hình thành và người ta chấp nhận chứ không phải ép từ trên xuống.
Ông Nguyễn Đăng Dung ví von làm luật giống như vá xăm xe đạp. Ảnh: H.V.
"Tôi đã ví làm luật như vá săm xe đạp. Khi xe đi được vẫn cứ đi, đừng có chọc ra để vá. Làm luật để lợi ích nhóm, làm luật để lấy quyền của người này cho người kia là không đúng quy tắc", ông Dung nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp, cho biết luật này đã qua 3 lần sửa đổi nhưng đều có thấy còn những bất cập như thẩm định chưa tốt, đánh giá tác động và lấy ý kiến nhân dân còn hình thức.
Về công tác phối hợp, ông Quyền cho rằng cần có sự phối hợp giữa chủ thể đi giám sát và chủ thể chịu sự giám sát.
"Nếu công tác phối hợp chuẩn bị các cuộc đi giám sát không tốt, xuống chỉ chạm chén uống rượu với nhau thôi thì không giải quyết được vấn đề gì", ông Quyền nói.
Nhấn mạnh vai trò phản biện của MTTQ trong xây dựng luật, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp nhận định đây là cơ hội tốt để MTTQ thể chế hóa quy định về chức năng phản biện xã hội, trong đó có phản biện chính sách pháp luật, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi việc thẩm định, thẩm tra luật vẫn để lợi ích nhóm len lỏi vào.
Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp. Ảnh: H.V.
"Bộ Tư pháp thẩm định vẫn để lọt, các Uỷ ban của Quốc hội thẩm tra vẫn lọt, vẫn còn có lợi ích nhóm. Thẩm định, thẩm tra rồi vẫn có những văn bản ban hành như ở trên trời", ông Quyền nêu quan điểm.
Theo ông, trong xây dựng luật, lợi ích nhóm luôn được cài cắm rất kín và chỉ có các chuyên gia pháp luật mới có thể phát hiện được.
"Quốc hội làm chưa tốt thì phải làm cho tốt. Tất cả người ở cơ quan thẩm tra làm chưa tốt thì nghỉ đi cho người khác làm. Chưa tốt phải củng cố tổ chức lại, củng cố năng lực lại, tăng cường trách nhiệm lên để làm cho tốt", ông Quyền góp ý.
Ngoài ra, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp đề nghị đưa vào dự luật này quy định nếu gửi tài liệu không đúng thời hạn quy định của pháp thì không thẩm tra và không trình Quốc hội.
Vì đây là căn bệnh trầm kha bao nhiêu năm nay, cứ chuẩn bị Quốc họp mới trình sang, thời gian không đủ nên tất cả quy trình thẩm tra không bảo đảm chất lượng. Thậm chí, có khi lãnh đạo Quốc hội đề nghị "làm ngày làm đêm" cho kịp.
Nguyên thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên thì cho rằng khi làm luật, đại biểu Quốc hội phải đề cao trách nhiệm trong việc lấy ý kiến của nơi bầu ra mình. Đồng thời, phải chuyển tải chính sách mới về cho cử tri, trước khi nói lên tiếng nói của mình phải nói tiếng nói của cử tri.
Theo ông Liên, nếu thấy luật trình lên chưa đạt, Quốc hội phải trả lại, giống như thi chưa đỗ thì phải về lần sau thi lại, chứ đừng đặt vấn đề trình ra lần thứ 2 rồi thì nhất định phải thông qua.
Theo Zing.vn
Các mẹ có kế hoạch mang bầu nên biết: Từ 1/7/2020, sẽ tiếp tục tăng mức trợ cấp thai sản cho các cặp vợ chồng sinh con Theo đó, từ 1/7/2020, lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng thay vì 1,49 triệu đồng/tháng như hiện nay. Chính vì thế, từ thời gian này, mức trợ cấp thai sản đối với các cặp vợ chồng sinh con cũng sẽ tăng theo khá nhiều. Để bảo vệ sức khỏe và thu nhập cho lao động nữ khi thực hiện thiên chức...