Chống lại Barca trong màu áo Real, Figo giành được tất cả
20 năm trước, Figo tạo ra cú sốc khi rời bỏ Barca để tới Real Madrid. Song “cuộc đào tẩu” đó đã đưa anh cùng Real Madrid tới vinh quang và đẩy Barca vào khủng hoảng.
Trong lịch sử, nhiều cầu thủ từng chơi cho cả Barca và Real Madrid. Tuy nhiên, sự phản bội của Figo luôn để lại lòng căm thù và tranh cãi với các CĐV Barca. Không lý do nào được những người của Barca chấp nhận ngay cả khi Figo nói rằng “Tôi bị Real Madrid lừa”.
Tuy nhiên, “cuộc đào tẩu” sang Real Madrid chính là quyết định sáng suốt nhất sự nghiệp của Figo. Tại đây, anh giành được tất cả, từ Champions League, La Liga, Quả bóng Vàng đến trái tim của các CĐV Real Madrid.
Sự kiện đáng nhớ nhất của Figo trong quãng thời gian khoác áo Real Madrid là ngày 23/11/2002, khi đối đầu Barca tại chính Camp Nou. Trên khán đài, các CĐV Barca chửi rủa Figo bằng những từ ngữ như “Thằng phản bội”, “Lính đánh thuê”, “Đồ cặn bã”, ném xuống sân hàng tá vật thể lạ, trong đó có cái đầu lợn.
Cái đầu lợn biết bay
Figo sẽ không bao giờ quên được buổi tối điên rồ trên sân Camp Nou vào ngày 23/11/2002. Đó là mùa giải thứ 3 của anh ở Real Madrid từ khi rời bỏ Barca. Những tiếng la ó dành cho anh có âm thanh quá lớn và tạo ra áp lực khủng khiếp.
Ở giữa hiệp 2, Real Madrid được hưởng quả phạt góc. Giữa cơn mưa vật thể bay, Figo phải mất hơn 2 phút để thực hiện nó và suýt ghi bàn. Khi tiến đến vị trí sút phạt, anh cúi xuống nhặt bật lửa, chai nước và giơ ngón tay giữa với nụ cười mỉa mai. Thậm chí trọng tài Luis Medina Cantalejo phải cho tạm dừng trận đấu.
Hàng nghìn tờ tiền mệnh giá 10.000 peseta giả được in hình ảnh của anh lên đó. Cam, bánh mì, chai lọ, bật lửa và thậm chí là cả điện thoại di động trút xuống sân như cơn mưa rào. “Tôi đã rất lo rằng một số kẻ điên khùng có thể đánh mất tự chủ”, Figo nói. Vài kẻ điên đã làm thế, với chiếc đầu lợn.
Cái đầu lợn được ném xuống sân khi Figo chuẩn bị thực hiện pha sút phạt góc.
Trận đấu phải tạm dừng 16 phút và có người phát hiện cái đầu lợn nằm ở góc sân. “Tôi không nhìn thấy nó. Nếu tôi thấy nó trên sân, tôi sẽ ăn nó như món khai vị”, Figo đùa. “Tôi không ngờ rằng kẻ nào đó lại mang được cái đầu lợn vào sân. Đấy không phải là thể thao. Tôi hiểu sự thù địch. Tôi từng chơi các trận Juventus-Inter, Inter-Milan. Thế giới này là vậy”.
Buổi tối đó, Figo thi đấu dưới sức và Real Madrid phải nhận thất bại 0-2 trước Barca. “Tôi là một trong số rất ít các VĐV phải chống lại 120.000 người cùng lúc. Họ chỉ tập trung vào tôi, không phải Real Madrid”, Figo khẳng định. Cùng với đó, Chủ tịch Florentino Perez cũng thừa nhận: “Bầu không khí đã giết chết chúng tôi”.
Sau trận đấu, Giám đốc Gabriel Masfurrol của Barca cáo buộc truyền thông Madrid dựng chuyện, rằng cái đầu lợn đã được giấu trong túi máy ảnh. Cố vấn của Chủ tịch Jose Maria Minguella đáp trả: “Chúng tôi không ăn thịt lợn ở Catalonia”. Hai tờ báo Marca và AS đã phản ứng rất nhanh, với những bài viết và hình ảnh được ghi từ các phóng viên hiện trường. AS gọi cái đầu lợn là “đáng ghê tởm”. Marca thậm chí còn phỏng vấn “Vua đồ tể”, người mô tả hành động ấy là “sự xúc phạm con lợn”.
“Figo đã khiêu khích các CĐV”, HLV Louis van Gaal tố cáo. “Mọi chuyện đều là có chủ ý mà không cần trọng tài làm bất cứ điều gì”. Chủ tịch Gaspart nói thêm: “Tôi không cố gắng biện minh, nhưng sự khiêu khích của Figo là không đúng chỗ và hoàn toàn không cần thiết”.
Khiêu khích? Bằng cách thực hiện pha sút phạt góc? Phản ứng của Chủ tịch Gaspart cho thấy ông bị tổn thương như thế nào khi mất đi biểu tượng. Figo đã phá hủy cả thập kỷ làm việc của ông.
Figo sinh ra là để chơi cho Real Madrid
5 năm khoác áo Barca là khoảng thời gian đẹp với Figo. Có thể anh không được sinh ra ở Catalonia, nhưng anh được coi là người xứ Catalonia. Theo bước Johan Cruyff, Figo được xem là hiện thân của Barca với thứ bóng đá đầy mê hoặc. Tại sân Camp Nou, anh giành cúp C2, Siêu cúp Châu Âu, 2 Siêu cúp Tây Ban Nha, 2 Copa del Rey và 2 La Liga. Đến năm 2000, anh còn giành danh hiệu “Cầu thủ hay nhất châu Âu”.
Video đang HOT
Figo từng là đội trưởng và thủ lĩnh tinh thần của Barca. Thậm chí những người Barca còn khẳng định rằng: “Kế hoạch của chúng tôi rất đơn giản. Chuyền bóng cho Figo. Anh ấy có thể làm được tất cả”.
Trong ngày Barca tổ chức lễ đăng quang La Liga và Copa del Rey vào cuối tháng 4/1988, Figo còn châm chọc Real Madrid với câu hát “Những kẻ áo trắng khóc nhè. Chúc mừng nhà vô địch” từ ban công cung điện Catalan Generality ở quảng trường Sant Jaume. Các CĐV Barca cũng hùa theo: “Đừng dừng lại Figo. Tiếp tục đi, tiếp tục đi!”.
Luis Figo từng tạo ra cơn sốt của sự ngưỡng mộ ở Barca.
Khi còn ở Barca, tiểu sử về Figo được tờ SPORT xuất bản có tiêu đề “Sinh ra để chiến thắng” mà Pep Guardiola đích thân viết lời mở đầu trước khi so sánh anh với Diego Maradona. Tiểu sử được xuất bản vào tháng 4/2000. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, Figo quyết định gia nhập Real Madrid.
Khi đó, cuộc bầu cử chủ tịch Real Madrid đang diễn ra giữa Lorenzo Sanz và Perez. Thay vì hứa hẹn về những chính sách phát triển CLB ở tầm vĩ mô, Perez đánh thẳng vào lòng hận thù của các CĐV Real Madrid. Ông tuyên bố sẽ mua Figo nếu được bầu làm chủ tịch.
Perez đã đề nghị Figo ký “hợp đồng bảo hiểm” trị giá 2 triệu euro. Nếu Perez đắc cử, Figo sẽ phải tới Real Madrid. Trong trường hợp Figo không tôn trọng hợp đồng, anh sẽ phải bồi thường 25 triệu euro. Ngược lại, nếu Perez thất bại, Figo sẽ nhận tiền và ở lại Barca.
Cuối cùng, vào ngày 16/7, Perez đã chính thức trở thành tân chủ tịch Real Madrid khi hơn Sanz đến 3.000 lá phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc Barca chỉ có cách duy nhất để cứu Figo là trả 25 triệu euro để bồi thường cho Perez. Tuy nhiên, Barca không thể bỏ ra phí chuyển nhượng cao thứ 5 trong lịch sử CLB chỉ để mua lại cầu thủ của chính họ.
Ngày 24/7, Figo chính thức ra mắt ở Real Madrid bằng bản hợp đồng trị giá 60 triệu bảng, mức phí chuyển nhượng kỷ lục ở thời điểm ấy. Anh được thừa kế chiếc áo số 10 của huyền thoại Alfredo Di Stefano, và mức phí phá vỡ hợp đồng cũng được điều chỉnh lên gần 120 triệu euro. “Tôi hy vọng sẽ hạnh phúc như khi còn khoác áo Barca”, Figo nói. Ngay lập tức, Perez khẳng định: “Figo sinh ra để chơi cho Madrid”.
Luis Figo chưa từng hối hận vì quyết định chuyển sang Real Madrid.
Figo đã cảm thấy ban lãnh đạo Barca không thừa nhận và cho hưởng những gì xứng đáng. Anh đã nói rõ ràng về việc chuyển tới Real Madrid nhưng Barca không tin và nghĩ anh lừa họ.
Sau khi Figo ra đi, Barca bỏ ra khoảng 133 triệu euro để ký hợp đồng với những Marc Overmars, Gerard Lopez, Alfonso Perez, Emmanuel Petit, Javier Saviola, Fabio Rochemback và Francesco Coco nhưng không mang lại thành công.
Trong khi đó, sự nghiệp của Chủ tịch Gaspart bị sụp đổ. Barca rơi vào khủng hoảng, khi kết thúc mùa giải 2000/01 và 2001/02 ở vị trí thứ tư trên BXH La Liga. Đến mùa giải 2002/03, họ thậm chí còn rơi xuống vị trí thứ 6 và kém Real Madrid tới 22 điểm.
Ở chiều ngược lại, Figo đưa Real Madrid tới chức vô địch Champions League 2002 và La Liga 2003. Anh trở thành mảnh ghép quan trọng trong đội hình “Galacticos” với những Raul, Zidane, Ronaldo Nazario, David Beckham, Roberto Carlos và Michael Owen. Figo cũng giành được danh hiệu Quả bóng Vàng năm 2000.
Figo đã trở thành tâm điểm của các trận El Clasico đầu thế kỷ XXI. Anh thực sự là biểu tượng của cuộc chiến về niềm tự hào đã vượt tầm khỏi phạm vi bóng đá. Thậm chí, anh còn được gọi là “Di Stefano mới” và gây ra tranh cãi như Emilio Guruceta, trọng tài điều khiển các trận El Clasico ở thập niên 1970.
Barca không những mất đội trưởng mà còn mất đi cầu thủ giỏi nhất. “Cuộc đào tẩu” của Figo càng tiếp thêm lòng hận thù giữa Barca và Real Madrid. Nhưng cuối cùng đó là quyết định đúng đắn nhất sự nghiệp và thay đổi cuộc đời của Figo.
Bình Minh
Vì sao Barca luôn mâu thuẫn nội bộ?
Những hỗn loạn ở thượng tầng của Barca không phải điều mới lạ với đội bóng sở hữu cách hoạt động hiếm thấy trong giới bóng đá.
Barca luôn tự hào với khẩu hiệu "Mes que un club" (Hơn cả một CLB) bởi tính dân chủ của đội bóng này. Đội bóng sẽ thuộc về CĐV, do người hâm mộ bỏ tiền, điều hành và bảo vệ. Những trường hợp như Roman Abramovich hay Nasser Al-Khelaifi sẽ không thể tồn tại được ở Camp Nou.
Chính sách và tư tưởng của Barca chống lại việc một ông bầu thôn tính và điều khiển đội bóng đi theo hướng mình muốn, qua đó tránh khỏi những trường hợp CLB bị các ông chủ bòn rút tiền của như nhà Glazer làm với MU nhiều năm qua.
Dẫu vậy, chính sự dân chủ này đã tạo ra Barca luôn gặp hỗn loạn ở khâu thượng tầng, mà những gì diễn ra trong thời gian qua là ví dụ không thể tiêu biểu hơn.
Chủ tịch Josep Bartomeu là nhân vật tâm điểm trong những hỗn loạn vừa qua của Barca. Ảnh: Getty.
Kẻ hèn nhát
Ông Emil Rosaud là một trong 6 quan chức của Barca bất ngờ từ chức hồi giữa tuần. Cựu phó chủ tịch Barca bị Chủ tịch Joseph Bartomeu ép rời khỏi Barca theo thông tin từ báo chí Tây Ban Nha. Ông Bartomeu chuẩn bị bước vào năm cuối cùng trong nhiệm kỳ điều hành đội chủ sân Camp Nou và chỉ muốn những nhân vật thân tín nhất trợ giúp mình.
Một cuộc hoạch định (hay thanh trừng) nhân sự đã diễn ra và ông Rosaud là một trong 6 nhân vật bị trảm. Chính ông Rosaud xác nhận lại thông tin này. Trả lời Marca, ông nói: "Tôi cảm thấy bị phản bội vì những lý do mà Bartomeu đưa ra. Chúng phi lý".
"Điều khiến tôi tức giận hơn cả chính là ông ấy chọn thời điểm này để làm chuyện đó, và cũng chẳng phải cuộc gặp, mà là thông qua điện thoại".
Đây không phải lần đầu tiên một vị chủ tịch Barca ép buộc thủ hạ phải ra đi thông qua động thái mờ nhạt như thế.
Huyền thoại Johan Cruyff (phải) từng bị đá khỏi Barca sau đòn đâm sau lưng từ Chủ tịch Josep Nunez (trái). Ảnh: Getty.
Ngày 18/5/1996, báo chí Tây Ban Nha từng rúng độ khi Barca xác nhận Bobby Robson sẽ trở thành HLV trưởng đội bóng, gián tiếp xác nhận huyền thoại số một trong lịch sử đội bóng Johan Cruyff mất việc.
Trước đó chỉ 2 ngày, Cruyff có cuộc gặp với Chủ tịch Josep Nunez và PCT Joan Gaspart và không được thông báo bất kỳ điều gì. Cruyff sau đó tới Camp Nou để nói chuyện phải quấy. Phó chủ tịch Joan Gaspart ngỏ ý muốn bắt tay để bắt đầu câu chuyện, huyền thoại người Hà Lan đã đẩy ra và đáp trả: "Ngươi là kẻ phản bội".
Trong cuốn sách Barca của Jimmy Burns, Cruyff khi ấy không giấu được sự tức giận: "Sao chuyện này có thể xảy ra được chứ? Nunez không có gan để nói với tôi về các vấn đề một cách trực tiếp mặt đối mặt được ư?".
Cuộc cãi vã chỉ kết thúc khi Gaspart dọa sẽ gọi cảnh sát tới để tống Cruyff khỏi Camp Nou vì tội gây rối. Huyền thoại vĩ đại bậc nhất lịch sử Barca còn bị đối xử như vậy, thì không khó để hiểu cách những nhân vật kiểu như Emi Rosaud của hôm nay bị đá đít.
Những cú đâm trong bóng tối
Mang tiếng là đội bóng dân chủ và được những CĐV điều hành, song Barca chưa từng chứng kiến điều kỳ diệu nào ở cương vị chủ tịch của CLB. Chẳng CĐV nào của Barca có thể đứng ra cạnh tranh chức vụ chủ tịch Barca nếu không sở hữu 77 triệu euro trong tài khoản.
Đây không hẳn là tài sản của người tranh cử, nhưng là khoản tiền cho thấy khả năng vận động và các mối quan hệ đủ rộng của họ, có thể đi vay mượn và quyên góp rồi trả lại sau bầu cử.
Những ứng viên còn phải có điều kiện đủ vận động được tối thiểu 2.534 chữ ký từ các "socio" (các thành viên chính thức của CLB) chỉ để có tên trên lá phiếu. Năm 2015, hội CĐV có tên Seguiment FCB, bị loại khỏi cuộc đua vì thiếu 14 chữ ký so với quy định.
Messi bị chính chủ tịch Barca bôi nhọ bằng những tin đồn liên tiếp trên mạng xã hội. Ảnh: Getty.
Những người vào vòng đấu cuối cùng khi ấy đều là các cựu chủ tịch Barca và các quan chức cấp cao từng dính líu tới đội bóng.
Họ vừa có tiền, quyền đồng thời chẳng phải lo những ông chủ bên ngoài tới phế truất mình. Những cuộc biểu tình nhỏ lẻ từ các CĐV hoàn toàn có thể bị dập tắt trong chốc lát.
Trên hết, họ sẵn sàng đạp những thủ hạ ngay dưới chân mình. Chủ tịch Barca, Josep Bartomeu, đã chiêu mộ hẳn một công ty truyền thông với giá 1 triệu euro, cao gấp 10 lần giá thị trường, chỉ để bôi nhọ chính những cầu thủ của đội nhà như Lionel Messi, Gerard Pique hay người cũ Pep Guardiola trên mạng xã hội.
Mục tiêu của Bartomeu khá rõ ràng: Hạ thấp những nhân vật chóp bu để tự nâng mình lên.
Bất chấp việc ông Bartomeu phủ nhận toàn bộ những tin đồn này và chấm dứt hợp đồng với công ty truyền thông nọ, thì câu chuyện giờ chỉ còn là vấn đề thời gian: Công ty kiểm toán danh tiếng PwC đã vào cuộc và xác nhận mọi thứ sẽ sáng tỏ trong ít ngày tới.
Những quan chức bị ép buộc rời Barca như Emil Rosaud đang kêu gọi cuộc bầu cử mới diễn ra ngay trong mùa hè này, sớm 1 năm so với thời hạn kết thúc nhiệm kỳ của Bartomeu, nhằm đẩy vị chủ tịch tai tiếng này khỏi Camp Nou.
Dẫu vậy, đây liệu đã là giải pháp cho mọi vấn đề? Không ai rõ. Sau Bartomeu, rất có thể sẽ có một vị chủ tịch X nào đó với nhiều tiền bạc, quyền lực và cả sự tinh quái hơn tới với Camp Nou. Những đấu đá nội bộ sẽ không bao giờ chấm dứt.
Goal ví những gì diễn ra tại Barca là "Cuộc chiến vương quyền". Khó có điều gì chuẩn xác hơn thế. Chỉ tội nghiệp những cầu thủ và CĐV Barca chứng kiến đội bóng con cưng liên tục bị xỉa xói và mỉa mai trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
Nhật Anh
Đến lúc Barca cần định nghĩa lại Ba thập kỷ trước, một người đàn ông vĩ đại từ Hà Lan đến Tây Ban Nha xây dựng một đội bóng vĩ đại, được gọi là "Dream Team". Đó chính là "Thánh" Johan Cruyff, và "Dream Team" trong 5 năm ông làm HLV tại Barca chứa đầy những con người huyền thoại. Họ là 4 trụ cột của ĐT Tây Ban Nha...