Chống dịch Covid-19 và những điều chưa từng có ở Việt Nam
“Những biện pháp phòng chống dịchCovid-19 của Việt Nam thời gian qua chưa từng có trong tiền lệ, trong đó cách ly xã hội, giãn cách xã hội là biện pháp mạnh nhất” – ông Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên Dân Việt.
Sau nhiều tháng tham gia chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, điều ông rút ra và nhận định về đại dịch toàn cầu này là gì?
- Có thể nói, trong lịch sử loài người chưa bao giờ xuất hiện dịch bệnh nào có sức tấn công mãnh liệt như đại dịch Covid-19. Đây là dịch bệnh điển hình trong một thế giới phát triển, tốc độ lây lan rất nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn đã có khoảng 3 triệu người mắc bệnh, hơn 200.000 người tử vong.
Các bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh và xuất viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Ngọc Thành
Hiện nay các đáp ứng toàn cầu để phòng chống dịch Covid-19, kể cả ở Việt Nam, chưa từng có trong tiền lệ. Vì tất cả các hoạt động phòng chống dịch ở tất cả các nước trên thế giới hiện nay đều ở mức độ cao nhất.
Đối với Việt Nam, chúng ta đã chủ động áp dụng một loạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh chưa có trong tiền lệ với quy mô lớn. Cụ thể là, lần đầu tiên chúng ta áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội. Ngay từ đầu, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp phải cao hơn 1 mức so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)…
Đặc biệt, virus gây bệnh Covid-19 cũng có rất nhiều điểm bí ẩn, do đó ngay từ đầu giới khoa học toàn cầu đã đồng loạt bắt tay vào nghiên cứu, chỉ sau 14 ngày đã có bản đồ gen, tuy nhiên vẫn còn nhiều câu hỏi về sản xuất vaccine, thuốc đặc trị hiện vẫn chưa có lời giải…
Biện pháp phòng dịch Covid-19 của Việt Nam đã đưa lại những kết quả khả quan khi chúng ta hạn chế được các ca bệnh. Ông nhận định sao về chiến lược phòng dịch của chúng ta?
- Nhiều bài học, nhiều quan điểm, chiến lược phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam nhận được những lời khen của thế giới. Tôi có thể tóm lại các điểm lớn: Vấn đề thứ nhất chính là sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, của Nhà nước.
Khi dịch mới xảy ra thì Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã chỉ đạo rất quyết liệt. Chưa bao giờ một sự kiện y tế mà cứ 4 ngày Thường trực Chính phủ họp 1 lần, 2 ngày Ban Chỉ đạo quốc gia họp 1 lần và hàng ngày có báo cáo dịch, tất cả các thông tin dịch đều được cập nhật mỗi ngày vài lần.
Chúng ta đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng chống dịch, đặt trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp, các đơn vị. Đây là một điều rất quan trọng, vì người đứng đầu cấp ủy và chính quyền phải thấy được trách nhiệm của mình để trực tiếp chỉ đạo điều hành việc này ở địa phương mình, đơn vị mình.
Video đang HOT
Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam – TS Kidong Park đánh giá, Việt Nam đã phản ứng sớm và hành động tích cực chống dịch bệnh. Báo cáo đánh giá rủi ro đầu tiên đã được thực hiện từ đầu tháng 1, ngay sau khi có thông tin về dịch bệnh ở Trung Quốc. Việt Nam sớm thành lập một ủy ban phòng chống dịch bệnh quốc gia và ngay lập tức triển khai kế hoạch ứng phó quốc gia.
Vấn đề thứ 2: Chúng ta huy động được toàn dân tham gia chống dịch. Điều này có ý nghĩa để đạt được những thành quả rõ rệt. Trong Công văn 79 của Ban Bí thư ngày 29/1 đã nói rất rõ, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia vào công cuộc chống dịch Covid-19. Chúng ta đã huy động ngay lực lượng quân đội tham gia vào chống dịch. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã đưa lực lượng quân đội ngay vào “trận chiến” phòng dịch Covid-19 từ những ngày đầu.
Vấn đề thứ 3: Chúng ta đã áp dụng triệt để các biện pháp cần thiết trong vấn đề đối phó với dịch bệnh. Chiến lược phòng dịch chúng ta đã đặt rõ ngay từ đầu: “Ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị”. Đây là chiến lược bất di bất dịch mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại, là chiến lược chúng ta kiên định để thực hiện.
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, về biện pháp có thể linh hoạt, uyển chuyển để phù hợp với tình hình thức tế nhưng nguyên tắc chiến lược sẽ nhất quán, không thay đổi.
Ông có thể phân tích cụ thể hơn về nguyên tắc chiến lược phòng dịch “Ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị” bất di bất dịch của Việt Nam?
- Ngăn chặn là ngay từ đầu chúng ta đã ngăn chặn nguồn dịch xâm nhập từ nước ngoài. Chúng ta ngăn chặn triệt để, cách ly triệt để những người nhập cảnh. Lúc đầu chỉ cách ly người từ vùng dịch về, về sau này chúng ta nâng dần từng mức độ cho từng nước, từng khu vực và đến giờ là cách ly toàn bộ người nhập cảnh. Chiến lược này rất quan trọng.
Tiếp theo là toàn bộ lực lượng y tế của Việt Nam đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo triển khai rất bài bản, từ vấn đề giám sát, cho đến phát hiện, điều trị, phân tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19…
Chúng ta đã liên tục cập nhật các tình huống, phác đồ điều trị theo kinh nghiệm điều trị của thế giới. Và chúng ta đã ban hành kế hoạch có tất cả các tình huống ứng phó cấp độ 3 (khi có hơn 1.000 ca bệnh). Chúng ta liên tục bổ sung, sửa đổi kế hoạch ứng phó cho phù hợp thực tế, các ngành các cấp có thể triển khai phù hợp, hiệu quả.
Riêng về điều trị, chúng ta đã có một mạng lưới điều trị nối mạng với tất cả các bệnh viện chính trong vấn đề điều trị để trao đổi, chia sẻ, hội chẩn cho tất cả các bệnh nhân. Đó là lý do tại sao đến nay Việt Nam vẫn chưa có trường hợp tử vong vì Covid-19, là 1 trong 3 nước có trên 200 ca Covid-19 mà chưa có ca tử vong.
Đến thời điểm này, chúng ta tự tin rằng các biện pháp của Việt Nam đã có hiệu quả và thời gian tới chúng ta tự tin kiên trì với các biện pháp này.
Cho đến giờ phút này, tại Việt Nam, khi các ca Covid-19 đã giảm dần, nhiều ngày không có ca bệnh mới, ông đánh giá thế nào về hiệu quả trong giãn cách xã hội?
- Cách ly toàn xã hội là một trong những giải pháp mạnh mẽ nhất mà chúng ta đang thực hiện để phòng chống dịch Covid-19. Phần lớn người dân thực hiện nghiêm túc yêu cầu giãn cách xã hội, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân.
Dịch bệnh tạm lắng nhưng chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Vì hiện nay, qua phân tích dịch tễ, theo dõi các yếu tố liên quan, chúng tôi nhận định có 1 số ca Covid-19 đã lọt ra ngoài cộng đồng, lây lan trong cộng đồng. Do đó, nếu người dân thấy ca bệnh có xu hướng giảm bớt mà chủ quan, lơ là phòng chống dịch thì sẽ rất dễ mắc bệnh từ ca Covid-19 “chưa lộ mặt” trong cộng đồng.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam chuẩn bị tất cả các kịch bản, kể cả những kịch bản xấu hơn thực tế hiện nay. Chúng ta liên tục cập nhật các tình huống, tất cả đang trong thái chuẩn bị kỹ lưỡng, khi có tình huống xảy ra lập tức có thể triển khai.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Diệu Linh
Bộ Công an trao tặng thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19 cho các nước
Những khoản hỗ trợ các loại vật tư y tế thiết yếu cho phòng, chống dịch COVID-19 tới các đối tác của Việt Nam đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đã được Bộ Công an thực hiện liên tục trong suốt thời gian cao điểm của đại dịch.
Đây là một trong những chỉ đạo nhất quán, quyết liệt của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Công an, góp phần vào nỗ lực chung của Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy hợp tác quốc tế ứng phó với đại dịch trong bối cảnh diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Công an) trao 60 nghìn khẩu trang y tế gửi tặng các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ cho Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Caryn McClelland, ngày 17-4-2020.
Cùng với nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần đắc lực vào nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong nước, công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh lây lan toàn cầu cũng được Việt Nam đề cao nhằm thể hiện tinh thần trách nhiệm, đoàn kết quốc tế của Việt Nam, nhất là khi nước ta đang đảm đương vai trò kép Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN 2020. Nhiệm vụ này đã được Bộ Công an thực hiện một cách chủ động, tích cực, nắm chắc tình hình, tham mưu kịp thời cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, củng cố sâu sắc thêm quan hệ với các nước có quan hệ truyền thống với Việt Nam.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, Cục Đối ngoại - đơn vị chủ trì, đầu mối các hoạt động hợp tác quốc tế của Bộ Công an đã thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật các nước đối tác như Lào, Căm-pu-chia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, các nước ASEAN khác và một số đối tác truyền thống trong Liên minh châu Âu (EU) để phối hợp triển khai các biện pháp khẩn trương và hiệu quả nhằm chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Ngay sau khi nắm thông tin cập nhật về tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt là các nước ASEAN, đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã gửi thư cho Bộ trưởng An ninh, Cảnh sát và Nội vụ các nước ASEAN để thăm hỏi và chia sẻ về tình hình dịch bệnh. Đồng thời, đồng chí Bộ trưởng cũng đã trao đổi một số định hướng các hoạt động trong năm Bộ Công an chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 14 và các hội nghị liên quan (AMMTC 14). Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an cũng gửi thư thăm hỏi tới người đứng đầu các cơ quan an ninh, nội vụ các nước có quan hệ hợp tác hiệu quả và đang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh COVID 19 như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Ý, Séc, Đức, Tây Ban Nha, Tư lệnh Cơ quan Cảnh sát quốc gia và Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc; các cơ quan thực thi pháp luật Cu-ba, Ấn Độ, I-ran, An-giê-ri...
Trên tinh thần chủ động hợp tác quốc tế, chung tay ứng phó, ngăn chặn lây lan dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, Bộ Công an đã nhanh chóng nắm tình hình diễn biến của dịch cũng như những khó khăn của các đối tác chủ chốt, các nước bạn để có những hỗ trợ kịp thời các trang thiết bị y tế cần thiết nhất phục vụ cho lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch, chia sẻ khó khăn mà các đối tác đang gặp phải, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm, chủ động của Việt Nam trong năm là Chủ tịch ASEAN 2020 nói chung và là chủ nhà của Hội nghị AMMTC 14 nói riêng.
Đối với hai nước bạn Lào và Căm-pu-chia: trong ngày 5-4-2020, tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) và ngày 9-4-2020, tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh), đại diện Bộ Công đã bàn giao cho Bộ An ninh Lào và Bộ Nội vụ Căm-pu-chia các vật tư y tế cần thiết cho phòng, chống dịch, gồm khẩu trang y tế vô trùng, khẩu trang vải kháng khuẩn, quần áo bảo hộ và dung dịch kháng khuẩn trị giá gần 1 tỷ đồng (cụ thể: viện trợ cho Bộ An ninh Lào 30.000 khẩu trang y tế, 20.000 khẩu trang vải kháng khuẩn; 3.000 đôi găng tay y tế; 1.000 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn nhanh; 100 bộ đồ bảo hộ); Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Lào của Công an nhân dân đã huy động ủng hộ bạn 100 triệu đồng và 1.000 khẩu trang vải kháng khuẩn; Bộ Công an Việt Nam đã bàn giao cho Bộ Nội vụ Căm-pu-chia 30.000 khẩu trang y tế, 20.000 khẩu trang vải kháng khuẩn; 3.000 đôi găng tay y tế; 1.000 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn nhanh; 300 bộ đồ bảo hộ.
Cùng với đó, lực lượng Công an các tỉnh giáp biên, kết nghĩa với Lào, Căm-pu-chia đã tổ chức phối hợp nắm tình hình, kiểm soát người qua biên giới, chủ động thăm hỏi và có hình thức hỗ trợ vật tư y tế phòng dịch cho lực lượng phòng, chống dịch của bạn.
Đối với các đối tác EU: Bộ Công an thường xuyên cập nhật, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh của một số nước đối tác có quan hệ gắn bó truyền thống với Việt Nam. Khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nâng mức cảnh báo lây nhiễm toàn cầu đối với dịch COVID-19 lên mức cao nhất là lúc dịch bệnh ở châu Âu bùng phát, số ca tử vong do nhiễm COVID-19 tại nhiều nước châu Âu ở mức cao trên thế giới, vật tư, thiết bị y tế trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết, Bộ Công an đã tổ chức trao tặng Bộ Nội vụ các nước Séc, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Đức các vật tư y tế mà bạn đang rất khan hiếm như: khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ y tế, gel rửa tay, trị giá 115 - 262 triệu đồng (hỗ trợ Séc: 10.000 khẩu trang vải kháng khuẩn; Ý: 10.000 khẩu trang vải kháng khuẩn, 3.000 đôi găng tay y tế, 1.000 chai dung dịch sát khuẩn, 300 bộ đồ bảo hộ y tế; Đức: 20.000 khẩu trang vải kháng khuẩn; Tây Ban Nha: 10.000 khẩu trang vải kháng khuẩn; Anh: 10.000 khẩu trang vải kháng khuẩn).
Trung tướng Trương Văn Thông, Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Công an) trao khẩu trang của Bộ Công an Việt Nam gửi tặng các cơ quan thực thi pháp luật Anh cho Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward.
Được sự đồng ý của đồng chí Bộ trưởng, ngày 15-4-2020, lãnh đạo Cục Đối ngoại đã trao tặng Bộ Nội vụ Iran 10.000 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn. Đại diện lâm thời Đại sứ quán Iran đã bày tỏ sự biết ơn đối với Bộ Công an Việt Nam, cá nhân đồng chí Bộ trưởng và khẳng định "đây mới là những người bạn thật sự, quan tâm, chia sẻ ch nhau những lúc khó khăn".
Hiện nay, Cục Đối ngoại cũng đang hoàn thiện các thủ tục tặng khẩu trang vải kháng khuẩn của Bộ Công an cho các cơ quan thực thi pháp luật Liên bang Nga đồng thời tiếp tục tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ viện trợ cho Cảnh sát Nhật Bản 10.000 khẩu trang và Cảnh sát Hàn Quốc 10.000 khẩu trang phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Việc viện trợ, tặng vật tư y tế cho các nước đối tác của Bộ Công an được phía bạn đánh giá rất cao, gửi Thư cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Công an đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các nước. Điều này góp phần củng cố và làm sâu sắc thêm quan hệ của Bộ Công an Việt Nam với cơ quan thực thi pháp luật các nước.
Trung tướng Trương Văn Thông, Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Công an) cho biết, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh của các đối tác, bạn bè truyền thống của Việt Nam để kịp thời tham mưu, đề xuất cho Lãnh đạo Bộ Công an các biện pháp hỗ trợ, chia sẻ cũng như trao đổi kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ ưu tiên số 1 trong thời gian qua, tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Bộ Công an Việt Nam với các đối tác; củng cố niềm tin chính trị giữa các bên. Cục Đối ngoại cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đại sứ quán để nắm thông tin về tình hình công dân các nước bị cách ly, bị nhiễm COVID-19 tại Việt Nam; tình hình công dân các nước bị mắc kẹt tại Việt Nam, tình hình công dân Việt Nam tại các nước để kiến nghị các cơ quan chức năng thực hiện công tác bảo hộ công dân.
Cùng với đó, Bộ Công an đang phối hợp với cảnh sát, an ninh, nội vụ các nước và các tổ chức quốc tế nghiên cứu, biên soạn tài liệu về cách phòng, chống dịch COVID-19 trong trại giam, xu hướng tội phạm trong thời kỳ đại dịch toàn cầu. Đây là những vấn đề đặt ra cần có sự hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
P.V
Tỉnh táo khi nhận bảo hiểm xã hội một lần Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đã phải thu gọn, tạm ngừng hoạt động dẫn tới tình trạng nhiều người lao động mất việc làm, thất nghiệp. iều này đã dẫn tới tình trạng không ít người lao động tại các khu công nghiệp phía nam bán sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho các đối tượng...