Chống COVID-19: Nếu chủ quan, công sức của Chính phủ và toàn dân thành vô nghĩa
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh nếu người dân chủ quan ra đường tràn lan thì công sức của Chính phủ và toàn dân trở thành vô nghĩa.
Sau hơn 1 tuần thực hiện lệnh cách ly toàn xã hội của Thủ tướng, ở Hà Nội và TP.HCM đã bắt đầu có hiện tượng dân đổ ra đường, tụ tập đông người, làm dấy lên mối lo ngại công sức chống dịch COVID-19 thời gian qua sẽ “đổ sông, đổ biển”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định, thực trạng này cho thấy địa phương thực hiện không nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng và dân có tâm lý hơi chủ quan.
“ Người dân lại bắt đầu đi xe đông, tụ tập đông người. Ra ngoài như vậy là không tốt vì ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa thể nói được gì, chưa thể nói là an toàn khi Việt Nam vẫn ghi nhận các ca mắc COVID-19, hơn nữa còn mất dấu các ca bệnh F0″, ông Dũng nói.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. (Ảnh: VGP)
Bộ trưởng cho biết, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ sắp tới, Văn phòng Chính phủ sẽ báo cáo về việc này và phải nhắc nhở các địa phương.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16 là giải pháp rất quyết liệt, mạnh mẽ, lần đầu tiên được áp dụng ở nước ta. Vấn đề cách ly xã hội là giải pháp căn cơ, rất quan trọng để giữ được khoảng cách giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng.
Video: Dân Hà Nội lại đổ ra đường dù vẫn trong những ngày cách ly xã hội
Ông Dũng nhấn mạnh, Chỉ thị 16 yêu cầu chứ không chỉ là khuyến cáo người dân phải ở nhà. Chỉ thị cũng yêu cầu đóng tất cả cửa hàng không thiết yếu, dừng vận tải công cộng, quy định cự ly tiếp xúc giữa người với người là 2m…
Đây là giải pháp mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ. Trong khi chúng ta chưa đến mức phải công bố tình trạng khẩn cấp về y tế, chưa đến mức công bố thiết quân luật hay phong tỏa, việc làm tốt cách ly xã hội thì sẽ ngăn được dịch COVID-19 lan ra cộng đồng và lây chéo. Việc cách ly có thể phát hiện mầm mống của ổ dịch, phát hiện ca nhiễm mới sẽ xử lý và khoanh vùng luôn.
“Đây là giải pháp được nhân dân và chính quyền các cấp ủng hộ và thực hiện tốt. Có sự tham gia tích cực của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Công an và các bộ khác.
Tôi thấy rằng nhiều địa phương vào cuộc mạnh, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ như: Thiết lập chốt kiểm tra thân nhiệt, test nhanh để kiểm tra nhiễm COVID-19, rà soát các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam chưa khai báo…
Nhưng một số nơi, người dân còn lơ là, coi thường việc cách ly xã hội. Tôi cho rằng thế là không được vì rất nguy hiểm.
Phải thống nhất giữ khoảng cách để tránh lây nhiễm trong cộng đồng, lây nhiễm chéo. Như vậy mới vừa phòng chống dịch tốt vừa bảo đảm phát triển kinh tế và đời sống của người dân”, ông Dũng cho hay.
Trả lời VTC News về khả năng áp dụng biện pháp phong tỏa Hà Nội và TP.HCM, ông Mai Tiến Dũng cho biết, chỉ khi nhận thấy không quản lý được thì mới tính toán phong tỏa thành phố. Hiện tại, chúng ta vẫn quản lý được việc phòng chống dịch COVID-19.
“Điều quan trọng là mọi người dân phải đồng tình với Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Một người không làm được mà cần sự tham gia, ủng hộ của cả cộng đồng, vì COVID-19 không chọn người để lây nhiễm”, ông Dũng chia sẻ.
Chiều 8/4, đường phố Hà Nội đông nghẹt người, như chưa từng có lệnh cách ly toàn xã hội.
Từ những phân tích trên, Bộ trưởng cho rằng phải chấn chỉnh các địa phương, tránh việc các địa phương bắt đầu thả lỏng và tưởng mình thành công, “nếu làm không tốt, công sức của Chính phủ và toàn dân đều trở thành vô nghĩa”.
“ Chúng ta phải thực hiện tốt lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là toàn dân, toàn xã hội, các lực lượng vũ trang, các cấp, các ngành phải vào cuộc, phải đoàn kết, nhất trí, tích cực, mạnh mẽ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nếu chủ quan, đến lúc nào đó xảy ra biến cố phức tạp thì chúng ta không cứu lại được“, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định và nhắc đến “tấm gương tày liếp” của nước Mỹ, với 1.939 người chết vì COVID-19 trong 24 giờ, theo báo cáo sáng 8/4.
Trước việc người dân Thủ dô vẫn đổ ra đường đông nghẹt, không giữ khoảng cách an toàn, ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đang tiếp tục chỉ đạo các quận, huyện, thị xã không được chủ quan, liên tục tuần tra tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý nghiêm người vi phạm chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Ông Quý cho rằng, nếu không thực hiện nghiêm mà trong số những người đổ ra đường có ca bệnh dương tính thì sẽ nguy hiểm vì bệnh dịch lây lan trong cộng đồng và không thể kiểm soát được.
“Chính vì vậy, tôi mong rằng người dân thực hiện nghiêm túc theo chỉ thị 16 của Thủ tướng và chỉ thị 05 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội là phải tạo giãn cách, tránh tiếp xúc gần dưới 2m, nhằm hạn chế lây lan trong cộng đồng”, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Video: Chưa hết thời gian cách ly xã hội, dân TP.HCM đã ùn ùn đổ ra đường
NGUYỄN HUỆ
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Chưa thể nói trước việc kéo dài thời gian cách ly xã hội hay không
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có những chia sẻ về việc kéo dài thời gian cách ly xã hội mà người dân đang quan tâm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP.
Liên quan đến vấn đề kéo dài thời gian cách ly xã hội vì dịch Covid-19, ngày 8/4, trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chia sẻ, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 6/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận phải duy trì và thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16, thời điểm cách ly xã hội vẫn duy trì từ ngày 1-15/4 và coi đây là giải pháp rất căn cơ, quan trọng.
"Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ có thể sẽ xem xét nới lỏng, gỡ bỏ từ từ biện pháp này hoặc quyết định tiếp tục thực hiện từ sau ngày 15/4 tùy diễn biến dịch bệnh.
Như vậy, đến ngày 15/4, nếu còn phát sinh ổ dịch nào đó thì không thể dừng thực hiện Chỉ thị 16, lúc đó phải tùy tình hình để đưa ra phương án ứng phó kịp thời. Hiện nay, chưa thể nói trước gì cả việc kéo dài thời gian cách ly xã hội hay không", Bộ trưởng Dũng cho biết.
Trước việc một số địa phương triển khai khác nhau về Chỉ thị 16, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng, cách ly xã hội là việc chưa có thông lệ nên còn cách hiểu khác nhau. Sau khi có văn bản hướng dẫn thì đến nay địa phương đều đồng tình không để xảy ra tình trạng "ngăn sông cấm chợ" hay làm đình trệ sản xuất, kinh doanh.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, vấn đề cách ly xã hội là giải pháp căn cơ, rất quan trọng để làm sao giữ được khoảng cách giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng. Đặc biệt, Chỉ thị 16 yêu cầu chứ không chỉ là khuyến cáo người dân phải ở nhà. Chỉ thị cũng yêu cầu đóng tất cả cửa hàng không thiết yếu, dừng vận tải công cộng, quy định cự ly tiếp xúc giữa người với người là 2m...
"Chúng ta chưa đến mức phải công bố tình trạng khẩn cấp về y tế, chưa đến mức công bố thiết quân luật hay phong tỏa, việc ta làm tốt cách ly xã hội thì sẽ ngăn được dịch Covid-19 lan ra cộng đồng và lây chéo. Việc cách ly có thể phát hiện mầm mống của ổ dịch, phát hiện ca nhiễm mới sẽ xử lý và khoanh vùng luôn", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói.
Trong khi nhiều địa phương thực hiện tốt thì một số nơi, người dân còn lơ là, coi thường việc cách ly xã hội. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng, thế là không được vì rất nguy hiểm. Phải thống nhất giữ khoảng cách để tránh lây nhiễm trong cộng đồng, lây nhiễm chéo. Như vậy mới vừa phòng chống dịch tốt vừa bảo đảm phát triển kinh tế và đời sống của người dân.
Quan điểm của Thủ tướng là tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 để kiểm soát chặt dịch bệnh, đồng thời phê bình, nhắc nhở các địa phương còn để xảy ra tụ tập đông người. Thủ tướng cũng giao cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xử lý nghiêm hành vi tung tin sai sự thật, hành hung, chống người thi hành công vụ liên quan đến nhiệm vụ phòng, chống dịch hay hành vi tái chế khẩu trang để kiếm lời bất chính...
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Triệu Quang
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Dân chủ quan, đổ ra đường tụ tập rất nguy hiểm Ông Mai Tiến Dũng cho biết, Chỉ thị 16 của Thủ tướng là yêu cầu người dân ở nhà vì vậy nếu lơ là, coi thường cách ly xã hội là rất nguy hiểm. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng trả lời báo chí để làm rõ hơn về cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị...