Chồng coi tôi như là một người dưng nước lã
Tôi ngã xe, anh không hỏi han lời nào mà còn mắng tôi sao nhà cửa bừa bãi, bạn bè nhờ gì, anh đều sẵn lòng làm.
Tôi không biêt quyết định thế nào. Cố gắng chịu đựng, sống chung để giữ gia đình cho con, vì sợ khi không còn đủ ba mẹ, đứa trẻ sẽ phát triển lệch lạc hay ly hôn để giải thoát cho bản thân, vì không còn sức chịu đựng?
Tôi năm nay 28 tuổi, đã lập gia đình được 4 năm, có một bé trai gần 3 tuổi. Trước khi có con, cuộc sống vẫn tạm ổn, có cãi vã nhau nhưng ít. Từ khi sinh con, do phải lo nhiều thứ cho con, tôi đi làm nên sức khỏe không tốt, chồng tôi vẫn đi làm nhà nước. Chồng tôi vốn kỹ tính, đụng chuyện gì cũng hay la mắng, dù việc nhỏ hay lớn cũng yêu cầu làm cho thật hoàn hảo, nhà cửa phải thật gọn gàng, bẩn một chút là bị mắng.
Nhà có con nhỏ, làm sao tránh khỏi, nên anh thường xuyên mắng tôi. Tôi cũng đi làm, lại thêm việc nhà và con nhỏ nên rất căng thẳng và mệt mỏi. Đôi lúc tôi cũng cự cãi lại. Do có mẹ tôi sống chung để chăm em bé nên sợ mẹ buồn, hai vợ chồng tôi chỉ cãi vã qua tin nhắn điện thoại. Vì không muốn cứ cãi vã mãi nên tôi cũng cố gắng nhịn chồng, cố gắng làm theo ý anh, mọi nỗi buồn tôi đều để trong lòng.
Ảnh minh họa: Inmagine.
Video đang HOT
Tôi cũng thường nhắn tin bày tỏ nỗi lòng với anh ấy, về những việc anh làm tôi buồn. Nhưng anh ấy không cảm nhận được, mà trả lời tin nhắn chửi bới tôi. Tôi rất hụt hẫng, không biết có nên nói gì nữa hay không.
Anh ấy là người rất nhiệt tình giúp đỡ bạn bè, ai nhờ gì cũng hăng hái làm, không một chút từ nan, không làm sợ ngại với với bạn bè. Còn tôi, nhờ làm gì anh cũng kêu ca, dù việc rất nhỏ, vì còn bận đi uống cafe. Bạn bè anh nhờ chở đi Sóc Trăng, xa vậy mà anh không một lời từ chối.
Chính vì sợ gia đình biết, lại buồn lo nên tôi nén nỗi buồn trong lòng, nhiều lúc chỉ biết khóc một mình. Vì đã lập gia đình nên đa số bạn bè cũng ít đi với tôi vì sợ chồng tôi ghen, đa số là nam giới, còn bạn nữ thì ở xa lắm. Dần dần, tôi rơi vào trầm cảm, đã đi bác sĩ và uống thuốc được 2 tháng.
Mới đây, trong một buổi chiều đi làm về, tôi bị ngã xe và có báo cho chồng hay. Lúc đó, anh đang đi làm ở thành phố, tối mới về tới nhưng kể từ khi báo đến hết ngày đó cũng không thấy anh nhắn tin hay gọi điện để hỏi thăm. Về nhà, gặp anh cũng không hỏi tôi có sao không, không nói một lời mà còn la mắng là sao không dọn dẹp nhà cửa, làm tôi rất sốc.
Tôi không ngờ chồng lại đối xử với mình như thế. Cũng có nhiều lần trước tôi bị bệnh, chồng cũng không thèm hỏi han hay quan tâm gì tới. Vấn đề tài chính trong nhà anh cũng chỉ lo có hạn mức, còn toàn bộ mọi sự thiếu hụt là tôi phải đảm nhận, làm gì thì làm, anh không cần biết. Tôi không sợ cực khổ bằng việc phải sống với người chồng không bằng người xa lạ. Anh ấy làm tôi cảm thấy run sợ khi nghe nói tới việc tái giá nếu tôi ly hôn. Tôi thật sự tuyệt vọng, không biết nên ly hôn để giải thoát hay cố gắng chịu đựng sống chung vì con nữa. Xin hãy cho tôi lời khuyên.
Theo VNE
Muốn hạnh phúc, đừng là người phụ nữ đảm đang
Yêu thương nên là điều nhẹ nhõm nhất trong đời, đừng khoác lên nó bài tính khổng lồ giữa cho và nhận.
Trong những mỹ từ được cho là đẹp đẽ thường dùng để nói về người phụ nữ, tôi sợ nhất là từ "hy sinh". Trong văn thơ từ trước tới nay, đức hy sinh được ca ngợi như một phẩm chất quý giá cần có của người phụ nữ đúng chuẩn theo quan niệm truyền thống, và dĩ nhiên vẫn vắt sang xã hội hiện đại.
Không biết ánh hào quang trong lời khen ngợi của người đời liệu có giúp cho những người phụ nữ cả đời hy sinh được hạnh phúc. Nhưng trong xã hội hiện đại, những quy chuẩn lỗi thời đang là chiếc gông nặng vô hình đè lên vai những người phụ nữ vốn không chỉ còn làm những việc "nhỏ".
Trong những cơ quan nhà nước danh hiệu cao quý nhất được trao cho chị em phụ nữ: "Giỏi việc nước, đảm việc nhà". Nếu xét duyệt một cách nghiêm túc, tôi thấy những người phụ nữ nhận được danh hiệu này quả thực đúng là... siêu nhân. Gánh nặng việc công họ mang nặng nề chẳng kém đàn ông, và lại còn phải gánh thêm phần "đảm việc nhà", quả thực phải có ba đầu, sáu tay mới đủ.
Đôi khi, tôi cứ tự hỏi sao danh hiệu này lại không được trao cho đàn ông. Chẳng lẽ với các đấng nam nhi, chỉ cần "giỏi việc nước" đã là vẻ vang, chuyện con cái, nhà cửa là việc "tủn mủn" giao lại cho đàn bà con gái. Giả sử có một ngày đàn ông được ưu ái gia nhập vào cụôc "đua" giành danh hiệu này, có lẽ họ mới thấy tất cả việc lớn mà họ làm chẳng thấm tháp vào đâu so với những việc nhỏ mà người phụ nữ vẫn thầm lặng vun vén mỗi ngày.
Nhưng ngay cả những người phụ nữ trong cuộc cũng bị "ru ngủ" bởi những lời tung hô sáo rỗng, để rồi dùng cả cuộc đời mình miệt mài hy sinh cho một điều gì đó, mong giữ lại sự yên ấm cho ngôi nhà mình. Khi còn trẻ, các cô tự biến mình thành người giúp việc không công của bạn trai, nấu nướng, giặt giũ, quét dọn cho anh ta mỗi ngày. Khi lấy chồng, họ nhường đàn ông cơ hội lập nghiệp, chấp nhận ở nhà đầu bù tóc rối để chồng "đánh Nam dẹp Bắc". Bầu trời trên đầu họ thu hẹp lại trong một khoảng sân, và thế giới chỉ còn lại trong ánh mắt một người đàn ông. Đến một ngày, người đàn ông mà họ vốn coi là cả thế giới nhẫn tâm quay lưng bỏ đi, họ mới oán trách tại sao những hy sinh của mình lại không được đền đáp.
Nhưng họ không biết rằng, một gia đình hạnh phúc, một xã hội văn minh không bao giờ nên được xây dựng trên sự hy sinh của bất kỳ ai, huống gì là sự hy sinh của một người phụ nữ chân yếu tay mềm. Những gì cả hai làm cho nhau khi yêu, khi xây dựng một gia đình nên là sự đồng tình từ hai phía. Không thể nói tôi đã hy sinh nên tôi phải nhận được điều này, điều kia. Đừng tạo áp lực cho đối phương bởi sự hy sinh của bạn, và cũng đừng khiến ai phải vì mình mà hy sinh.
Yêu thương nên là điều nhẹ nhõm nhất trong đời, đừng khoác lên nó bài tính khổng lồ giữa cho và nhận. Tôi rất thích một câu nói đã được đọc ở đâu đó từ rất lâu: Trong một gia đình, người mẹ hạnh phúc thì gia đình mới hạnh phúc. Sự yên ấm của một mái nhà nên do mọi thành viên cùng vun đắp, chứ không phải dựng nên từ sự hy sinh của người vợ, người mẹ. Nếu cán cân cho - nhận cứ nghiêng dần về một phía, một ngày nào đó mái nhà ấy sẽ đổ sụp vì chẳng ai chịu nổi gánh nặng mà nó đè lên.
Đức hy sinh, sự đảm đang, sức nặng của những mỹ từ ấy nên được san sẻ bớt trên đôi vai của người đàn ông trong gia đình. Nếu muốn hạnh phúc, phụ nữ nên tự mình tập cách sống hạnh phúc hơn là gồng mình lên để hy sinh, hy sinh và hy sinh. Có câu đùa rằng: sống trên đời, biết điều gì là khổ điều ấy. Nếu muốn hạnh phúc, có lẽ đừng nên làm người phụ nữ đảm đang.
Theo VNE
Cứ thử đi rồi biết... Năm tôi 18 tuổi, trong một lần anh về thăm nhà, tôi ôm quần áo trốn theo anh vào TPHCM sau khi chúng tôi ở bên nhau suốt một đêm trong ngôi nhà hoang bên bờ sông. Năm đó anh 23 tuổi, vừa mới tìm được việc làm ổn định sau 1 năm ra trường. Đó là một ngày cuối tháng 8. Tôi...