Chồng bảo không chấp nhận đàn ông đánh vợ
Anh đi làm về, quăng cặp lên chiếc ghế sofa, giọng bực bội: “Không chấp nhận được người đàn ông đánh vợ! Hỏng”.
Chị đang nấu ăn trong bếp, nghe thấy chỉ ậm ừ. Bảy năm vợ chồng, chị đã quá quen với những câu nói đầy phán xét ấy của anh.
Anh hành nghề luật, thường “cãi” trong nhiều vụ ly hôn mà thân chủ là những phụ nữ đáng thương, bị chồng đánh đập, nhẹ thì tím mặt sưng mắt, nặng phải nhập viện. Anh khoe với chị, các vụ như vậy thường anh “cãi” thắng. Tòa phải chấp thuận yêu cầu xin ly hôn của vợ chứ sống sao được với người chồng thích giở thói vũ phu, nhất là thói tật ấy còn ảnh hưởng đến tâm lý, sự phát triển của con cái trong nhà. Hôm nay cũng vậy, anh kể một phụ nữ đã tìm đến văn phòng anh với cánh tay bó bột, nhờ lấy lại công bằng, hỏi thủ tục ly hôn để giải thoát khỏi người chồng quen nói chuyện bằng nắm đấm.
Có lần trong bữa cơm, anh quy kết phận đàn bà, trăm ngàn sướng khổ, tự hào hay tủi hổ gì cũng đều do người chồng mà ra. Anh đơn cử, một quý bà thành đạt, đẹp đến đâu mà vớ phải ông chồng hứng lên là đánh đập thì tươi tắn mấy cũng phải héo tàn. Chị nghe mà mắt cứ xa xăm buồn. Trong giọng nói của anh, chị nhận ra niềm tự hào của người đàn ông hết mực yêu chiều vợ.
Không riêng anh, bản thân chị cũng thương lắm phận đàn bà bị chồng đánh đập. Nhất là sau lần chị đến một nhà tạm lánh dành cho các nạn nhân bị bạo hành. Ở đó, chị đứt ruột nghe chuyện của các chị, các mẹ chung phận chồng vũ phu, đến đây chảy nước mắt nắm tay nhau vỗ về. Mà có xa xôi gì, sếp nữ của chị bao phen đi làm với cánh tay bầm tím, đôi mắt sưng húp giấu sau cặp kính râm. Cô bạn của chị, mỗi lần say là chồng kiếm cớ bắt quỳ gối hàng giờ… Bởi ám ảnh điều đó mà chị chọn anh, người đàn ông học thức, nhẹ nhàng trong cư xử. Anh chẳng phụ lòng chị. Từ ngày nên duyên chồng vợ, chưa một lần anh ném cái ly hay cuốn tập trước mặt vợ, nói gì đến vung nắm đấm.
Không riêng anh, bản thân chị cũng thương lắm phận đàn bà bị chồng đánh đập. (ảnh minh họa)
Vậy mà, ngày tháng nối tiếp đi qua, sao lòng chị cứ khắc khoải một nỗi buồn, khó có thể sẻ chia. Nhiều khi chị nghĩ quẫn, so sánh thà vợ chồng cứ gây nhau cho đã, rồi anh… tát vợ một cái không biết có nhẹ lòng hơn chăng. Chỉ mới hôm qua, vợ chồng chị quyết định thay mới cái bàn học cho con. Đến cửa hàng nội thất, anh nói chọn cái bàn cao một chút để “trừ hao” thêm cho con vài năm tuổi. Chị không chịu, nói bàn học phải vừa tầm, để con ngồi không bị mỏi. Chị kêu người ta tính tiền cái bàn theo ý mình thích. Giữa đám đông nhiều khách ra vô, gương mặt anh bỗng dưng đăm lại, câu nói ở đâu chực sẵn trên môi, nhảy bổ: “Cô ăn bao nhiêu dành nuôi cái ngu hết!”. Chị sững người, thấy cổ họng đắng nghét, phải quay đi.
Cách đây mấy tháng, nhân dịp sếp lên chức mở tiệc ăn mừng, tửu lượng kém, chị say ngất sau một ly nhấp môi vui vẻ với mọi người. Tối đó về muộn, lại chẳng may vướng cơn mưa nên chị đổ bệnh mấy ngày sau đó. Anh chăm sóc nhưng nặng lời chì chiết: “Thứ đàn bà ăn nhậu, đổ bệnh về báo chồng báo con”, “Vài ngày nữa không khỏe thì đi khám, xem thử bệnh do “lây” từ ai hay tự phát sinh”. Đợi anh đi, chị úp mặt vào gối tức tưởi khóc. Mà đâu đã yên thân, hễ có dịp chị nói sẽ tham dự tiệc tùng, thể nào anh cũng lôi chuyện cũ ra, cao giọng nhắc nhở: “Ăn nhậu ở đâu, có bệnh thì đổ ở đó khi nào hết hãy về”…
Cũng không dưng, chị nhắc lại cái cảm giác đau lòng, nghẹt thở vì thương tổn của ngày hôm qua mà bao năm chị chịu đựng. (ảnh minh họa)
Video đang HOT
Chị thường chọn cách im lặng, cam chịu vì cái tính không quen bộc lộ cảm nghĩ lẫn cảm xúc của mình. Chị tự nhủ, thôi thì cố đi nhẹ nói khẽ, chiều lòng chồng để gìn giữ hòa bình, tránh xung đột. Cứ thế, những câu nói vô tình đầy mỉa mai, lên án, phán xét đã thành thói quen của anh như chiếc dao cắm sẵn trong lòng chị, ngọ nguậy khiến tim nhói buốt, tổn thương.
Sau bữa cơm, con trai ngồi vào bàn học. Còn lại hai vợ chồng, chị mang câu chuyện của anh về người phụ nữ tay bó bột ra bàn, rồi ý tứ hỏi, hồi nào giờ tòa có xử ly hôn những vụ mà người vợ không đau đớn thể xác nhưng lại rất khổ tâm? Chị cho biết xem trên các diễn đàn, thấy nhiều bà vợ bị chồng xúc phạm, hay chì chiết, đay nghiến mà không màng đến cảm nhận người nghe… dẫn đến tình vợ chồng hư hao, không muốn sống chung nữa. Anh à lên một tiếng, bảo cái đó gọi là bạo hành tinh thần. Các phiên xử kiểu này rất hiếm bởi “chuyện nhỏ vậy đâu ai ly hôn”. Không dưng chị chảy nước mắt, nói: “Thật ra, điều quan trọng là sự tôn trọng, cố gắng đừng xúc phạm, đừng làm tổn thương để chung sống hạnh phúc chứ bỏ nhau có khó khăn gì đâu anh”.
Cũng không dưng, chị nhắc lại cái cảm giác đau lòng, nghẹt thở vì thương tổn của ngày hôm qua mà bao năm chị chịu đựng. Với chị, mỗi lần trải qua cảm giác ấy, thấy như “chết trong lòng một ít” – cái “chết” giống vòng quay chiếc bánh xe đang từng ngày từng khắc lăn đến bờ vực thẳm. Chị dịu dàng thổ lộ, chồng đừng vắt kiệt tình yêu, sự kính trọng bấy lâu dành cho anh bằng lời nói xát muối, bởi sức công phá của nó, có khi còn nặng nề, bức bối gấp trăm ngàn lần thói vũ phu.
Theo Eva
Người vợ khốn khổ, 22 năm bị bạo hành
Trong khi ông Bôn dùng điếu cày đánh vợ, cậu con trai vào can thiệp. Trong lúc xô xát, đứa con trai đã trở thành nghịch tử giết cha. Đằng sau vụ án mạng đau lòng này là bi kịch mang tên bạo hành gia đình...
1. Đã nhiều ngày trôi qua nhưng sự việc Nguyễn Phú Nguyên (19 tuổi, ở cụm 2 xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) "lỡ tay" đánh chết bố là ông Nguyễn Phú Bôn (48 tuổi) khiến người dân nơi đây không ngớt xôn xao bàn tán. Người ta bảo rằng đứa con trai trở thành nghịch tử, về lý thì đương nhiên phải xét xử nghiêm minh trước pháp luật rồi. Nhưng về cái tình thì cũng cần phải cân nhắc, bởi vụ án đau lòng này bắt nguồn từ bi kịch khi kẻ nghịch tử gây tội ác chỉ vì ngăn cản hành động bạo hành của người cha đối với mẹ mình.
Án mạng xảy ra vào trưa ngày 14/12/2012. Bà Nguyễn Thị Kỳ, vợ ông Bôn rơm rớm nước mắt kể lại: Khoảng 11 giờ trưa hôm đó, ông Bôn đi uống rượu về. Vừa bước vào cửa, nhìn thấy bà Kỳ lúi húi dọn dẹp, ông Bôn lập tức đóng sập cánh cửa nhà, cầm ống điếu đánh tới tấp vào vai và lưng bà kèm theo những lời đe dọa: "Hôm nay tao đánh cho mẹ con mày chết". Bà Kỳ chắp hai tay quỳ lạy ông Bôn xin tha nhưng người chồng vũ phu vẫn không dừng tay.
Khoảng 12 giờ trưa, cậu con trai Nguyễn Phú Nguyên đi làm về đã tìm cách mở cửa để giải thoát cho mẹ. Lập tức, ông Bôn chuyển hướng sang tấn công con trai. Ông Bôn tiếp tục cầm điếu cày dồn đánh hai mẹ con. Ống điếu vỡ nhưng cơn bạo hành trong ông Bôn vẫn chưa hạ nhiệt.
Đỉnh điểm của sự việc là khi ông Bôn lại cầm ống điếu vỡ vụt vào đầu Nguyên, liền sau đó lao tới đấm con một cái vào mặt, miệng lớn tiếng chửi: "Hôm nay tao cho mày chết". Nguyên cũng to tiếng lại: "Tôi chết thì ông cũng chết", và đứa con đẩy bố ra để tránh những loạt đòn vô cớ tiếp theo. Cú đẩy của đứa con trai khiến ông Bôn ngã ngửa ra sau, đầu đập vào khuy sắt ở cánh cửa. Sau cú ngã đó, thấy bố nằm bất động trên nền nhà, đầu rơm rớm máu. Bà Kỳ gọi anh chồng là ông Nguyễn Phú Thức đưa ông Bôn ra trạm xá xã cấp cứu nhưng người ta xác định ông Bôn đã tử vong.
Ngày 15/12, gia đình tổ chức tang lễ cho ông Bôn. Mọi người đến viếng chỉ biết ông Bôn bất ngờ bị cảm. Chuyện ông Bôn thường ngày uống rượu như uống nước nên mọi người cũng nghĩ ông ấy bị trúng gió. Thế nhưng, ngày 16/12, khi Nguyễn Phú Nguyên ra Công an xã xin đầu thú về hành vi gây ra cái chết của cha thì mọi người mới biết đó là một vụ án mạng. Nguyễn Phú Nguyên bị tạm giữ hình sự về tội "giết người".
22 năm, bà Kỳ không được yên ổn trong ngôi nhà nghèo túng... Đến khi bà thực sự được sống trong ngôi nhà mình thì chồng chết, con vào tù.
2. Ở cụm 2 xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, dù rằng xã không xếp gia đình bà Nguyễn Thị Kỳ vào diện hộ nghèo, nhưng tôi đồ rằng đây là một trong những gia đình nghèo nhất xã. Trong ngôi nhà mái ngói cũ kỹ, dù cố căng mắt ra nhìn cũng không tìm thấy thứ tài sản nào đáng giá. Một bên là bàn thờ ông Nguyễn Phú Bôn. Một bên là chiếc giường gỗ ọp ẹp. Ngôi nhà tối thui vì không có bất cứ một thiết bị điện nào. Tấm trải nilon lâu ngày đã bong tróc, để lộ ra từng mảng nền đất nham nhở.
Ừ thì nghèo cũng đã sao. Bởi dù giàu hay nghèo thì xưa nay ngôi nhà vốn là chốn bình yên sum họp của mỗi gia đình. Thế nhưng với bà Nguyễn Thị Kỳ, 22 năm qua, không một ngày bà được sống yên ổn dưới mái nhà nghèo túng ấy bởi sự bạo hành dai dẳng của người chồng, ông Nguyễn Phú Bôn. Và giờ đây, bất hạnh chồng lên bất hạnh khi chồng chết, con vào tù, lại là những ngày bà Kỳ được ở trong chính ngôi nhà của mình.
Tôi đã từng tiếp xúc với nhiều người phụ nữ bị chồng bạo hành. Mỗi người bị bạo hành một kiểu khác nhau, vì một nguyên nhân khác nhau. Ở những người phụ nữ bị bạo hành này đều có điểm chung là sự cam chịu, nhẫn nhịn. Và bà Nguyễn Thị Kỳ cũng là một người phụ nữ điển hình như vậy. 47 tuổi nhưng sự lam lũ, vất vả và cả những chuỗi ngày cam chịu của người phụ nữ lành hiền này khiến bà Kỳ như già thêm hàng chục tuổi.
"Tôi cũng không hiểu vì sao ông ấy lại ghét, đánh đuổi mẹ con tôi như vậy. Chỉ biết mỗi lần đánh đuổi, ông ấy cứ chửi: "Mày về nhà tao không làm được cái việc gì cả". Từ ngày chung sống với ông ấy, tôi chưa bao giờ đối xử tệ với chồng. Lúc nào tôi cũng tâm niệm rằng sống chết gì thì tôi vẫn phải ở với ông ấy. Đời mình không nhờ được chồng thì hy vọng dựa vào con vậy. Dù đời tôi có khổ cực nhưng tôi cũng chịu được để các con tôi có bố có mẹ".
Bà Kỳ cho biết, bà lấy ông Bôn từ năm 1990. Khi ấy ông Bôn đã ly hôn vợ đầu. Bà Kỳ cũng vừa trải qua một cuộc hôn nhân chỉ kéo dài vỏn vẹn có 6 tháng. Chưa có con nên khi lấy ông Bôn, bà coi Nguyễn Phú Bình, con riêng của ông Bôn lúc đó mới 4 tuổi như con đẻ của mình. Cho đến giờ khi Bình đã trưởng thành, giữa bà Kỳ và cậu con riêng của chồng chưa bao giờ xảy ra xích mích hay kỳ thị chuyện "mẹ ghẻ con chồng".
Theo bà Kỳ thì cuộc hôn nhân tạm gọi là bình thường chỉ trong năm đầu tiên. Cuối năm 1990, khi bà Kỳ sinh cô con gái đầu lòng Nguyễn Thị Hoa thì ông Bôn dường như biến thành một con người khác hẳn. Những cuộc cãi vã lục đục, sau đó là đánh đuổi. Nhiều lần bà Kỳ phải ôm đứa con còn đỏ hỏn bỏ chạy. Bà Kỳ ngân ngấn nước mắt nói rằng, bà không có lỗi gì với chồng nên không hiểu vì sao ông Bôn lại đối xử như vậy. Thế nhưng người đàn bà này luôn nhen nhóm hy vọng có một ngày ông ấy sẽ thay tính đổi nết. "Hôm nay thì hy vọng ngày mai sẽ khác, đầu năm thì hy vọng cuối năm sẽ khác, năm nay thì hy vọng sang năm sẽ khác". Cái lý mà người phụ nữ này giải thích về việc vì sao cứ cố gắng cam chịu người chồng bạo hành là như vậy.
Nhưng sự nhẫn nhịn, cam chịu của bà Kỳ không làm ông Bôn thay đổi. Năm 1994, khi bà Kỳ sinh thằng Nguyên thì mọi việc lại tồi tệ hơn. Ông Bôn liên tục đánh đuổi 3 mẹ con, không cho ở nhà. Thằng Nguyên lẫm chẫm biết đi thì ông Bôn càng quá quắt hơn. Hễ nhìn thấy ba mẹ con bà Kỳ là ông ấy đuổi đánh. Đến mức đêm tối ngủ trên giường, ba mẹ con lúc nào cũng nơm nớp chuẩn bị tinh thần bỏ chạy bất cứ lúc nào nếu bị ông Bôn đuổi đánh. Hàng xóm đã quá quen với cái cảnh 3 mẹ con bà Kỳ "chạy loạn". Họ sẵn sàng mở cửa bất cứ lúc nào cho mẹ con bà lánh nạn.
Một người hàng xóm của bà Kỳ thở dài nói rằng, nhà ông Bôn có 4 anh chị em nhưng những người kia thì lành hiền, chỉ có mỗi ông Bôn trái tính trái nết như vậy. Nguyên nhân có lẽ là ông Bôn thừa hưởng "gen di truyền" của người cha(?). Trước đây, bố ông Bôn cũng có thói bạo hành, thường xuyên uống rượu rồi đánh đuổi vợ con. Có lẽ đã quá quen với cảnh mẹ con bà Kỳ bị ông Bôn đánh đuổi, người ta cho là chuyện bình thường. Xã thì nói bạo hành kéo dài mà chính quyền không can thiệp, là bởi không thấy bà Kỳ và các con kêu cứu bao giờ?!
Muốn sống yên ổn cũng không xong nên cái cách mà mẹ con bà Kỳ lựa chọn là "tránh voi chẳng xấu mặt nào" là cố gắng đừng để ông Bôn nhìn thấy họ. Bà Kỳ thì ra Hà Nội làm giúp việc. Cái Hoa cũng phải nghỉ học đi làm sớm. "Vì bố đuổi đánh nhiều quá nên cháu phải đi lấy chồng sớm, ở tận Ba Vì" - bà Kỳ rơm rớm nước mắt.
Học hết lớp 5, thằng Nguyên cũng phải theo ông Bôn đi phụ hồ, phụ vữa. Ghét vợ đã đành, mọi bực tức ông Bôn đều trút hết lên đầu con. Bị bố chửi bới, đánh đuổi, Nguyên nhiều lần than với mẹ: "Cực quá, không chịu nổi nữa mẹ ạ. Mẹ phải tìm lối thoát cho mấy mẹ con thôi".
Nhưng mà biết đi đâu về đâu bây giờ. Bà Kỳ nói rằng nhà ngoại ở xã bên cũng nghèo lắm, lại chật chội. Nhiều lần bà đã dắt díu các con về nhà ngoại tá túc, nhưng không có chỗ ở lâu dài nên lại đành dắt con về. Đành chấp nhận quỳ lạy xin ông ấy cho vào nhà. Nhưng cũng chỉ được một ngày. Hôm sau mọi việc đâu lại vào đấy. "Ông ấy đánh đuổi từ nhà ra sân, từ sân ra ngõ, hết ngõ ngoài đến ngõ trong. Mấy mẹ con chỉ biết ở nhờ hết nhà này sang nhà khác". Thương bà Kỳ, nhiều lúc anh em bà "xui" rằng đời bà khổ thế này thì chi bằng bà để lại con cho ông Bôn nuôi, còn bà về nhà ngoại ở.
"Nhưng tôi bảo có thế nào đi nữa thì tôi cũng phải nhất sống nhất chết với 2 đứa con. Kiểu gì tôi cũng phải giành giật nuôi 2 con chứ không thể bỏ được. Cá chuối đắm đuối vì con. Tôi chỉ nghĩ mình chịu khổ cho đời con nó sướng" - bà Kỳ bảo vậy.
Cũng chính vì muốn gia đình yên ổn nên bà Kỳ còn chấp nhận những trận đòn vô cớ của chồng. Khi chúng tôi hỏi ông Bôn thường đánh bà như thế nào, bà Kỳ chỉ vào ngực run rẩy: "Ông ấy dùng tay đánh thôi, nhưng cứ ngực, bụng ông ấy đấm. Ngã ra đất thì ông ấy nhảy lên người đánh. Có lần ông ấy xích tay tôi vào cái cột trước nhà đánh. Anh trai ông ấy sang bảo mày có gan thì đánh chết đi chứ đừng để người ta nửa sống nửa chết như vậy. Ông ấy uống rượu như người ta uống nước lọc hàng ngày. Người ta uống rượu thì say nằm một chỗ nhưng với ông Bôn thì khác. Càng uống ông ấy như càng tỉnh hơn, càng uống càng chửi nhiều hơn, càng đánh vợ con khỏe hơn".
Theo bà Kỳ thì cái Hoa là con gái nên ít bị đánh hơn. Còn thằng cu Nguyên bé thế cũng thường xuyên bị bố đòn roi. Hãi nhất là có buổi trưa, ông Bôn ngủ ở nhà trên. Biết tính ông ấy nên hai mẹ con không dám bén mảng lên mà chỉ ngồi ở xó bếp tâm sự với nhau. Không ngờ ông ấy chạy xuống chửi: "Chúng mày nói chuyện to làm tao không ngủ được". Sẵn cái chăn trên tay, ông ấy trùm lên đầu thằng Nguyên rồi vác ngược thằng bé lên, cứ thế mà đánh.
"Người ta có chồng con vui vầy đoàn tụ. Đằng này mình đi làm thì thôi, về đến nhà hễ thấy chồng là phải lảng đi chỗ khác để ông ấy không nhìn thấy. Con đang ngồi thấy bố về cũng lập tức đứng lên đi chỗ khác. 10 bữa cơm thì 5 bữa ông ấy đổ xuống đất bắt tôi ăn bốc. Nghĩ đến con, tôi cũng phải ăn". Bà Kỳ đau khổ nhớ lại.
3. Nhẫn nhịn vốn là đức tính quý của người phụ nữ Việt Nam để giữ mái ấm gia đình. Nhưng bà nào có ngờ được, sự chịu đựng của bà đã khiến những uất ức, bức xúc tích tụ trong cậu con trai cứ lớn dần khi hàng ngày nó phải chứng kiến cảnh bố bạo hành mẹ. Để rồi đến trưa ngày 14/12, bức xúc lên đến đỉnh điểm khi thấy mẹ lại bị bố đánh đập, Nguyên đã phạm trọng tội.
"Một bên là chồng, một bên là con, tôi không biết phải làm thế nào. Thôi thì đành chờ pháp luật phân xử. Thằng Nguyên cũng chỉ vì bức xúc quá, chống lại bố dẫn đến không may hại bố. Mong pháp luật chiếu cố giảm tội cho cháu để cháu sớm được về đi làm nuôi mẹ. Từ hôm cháu bị bắt đến giờ, thương cháu lắm mà nhà nghèo quá, tôi chẳng có gì để đi thăm nom cháu..." - bà Kỳ níu tay chúng tôi khóc lóc trong buổi chiều đông ảm đạm. Tiếng tụng kinh phát ra từ góc nhà đặt bàn thờ ông Bôn như thê lương hơn.
Sau vụ án đau lòng này, nhiều người trách bà Kỳ rằng, giá như bà can đảm hơn, mạnh dạn để "tố" chuyện ông Bôn đánh đập, bạo hành tới cơ quan chức năng, thì có lẽ không xảy ra hậu quả hôm nay.
Với một người đàn bà hiền lành, bản tính cam chịu như bà Kỳ, thì có lẽ sự trách cứ như vậy sẽ làm tổn thương thêm nỗi đau mà bà đang phải âm thầm chịu đựng. Có trách chăng, là sự thờ ơ của chính quyền địa phương mà lâu nay, chức năng và trách nhiệm hòa giải những mâu thuẫn từ cơ sở thuộc về họ. 22 năm chịu đựng bạo hành của bà Kỳ và các con, không lẽ nào chính quyền địa phương không biết?
Theo 24h
Vợ mất trinh, chồng cay cú đi cặp bồ Chồng chửi bới, đánh đập, cặp bồ vì trước khi cưới tôi không còn trinh trắng. Kính gửi chị Hạnh Dung! Tôi lấy chồng bốn năm, đã có hai con nhỏ. Khi lấy anh, tôi đã một lần lỡ dại, mất đời con gái. Anh biết chuyện nhưng vẫn chấp nhận cưới tôi. Khoảng thời gian hơn một năm trở lại đây, anh...