Chọn bộ tứ đối thoại Tunisia, Ủy ban Nobel muốn “nhắn nhủ” điều gì?
Tân chủ nhân của giải Nobel Hòa bình 2015 chính thức được công bố khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Trước đó, mọi kỳ vọng đổ dồn về Thủ tướng Đức Angela Merkel và Đức giáo hoàng Francis sẽ trở thành tân chủ nhân cho giải Nobel Hòa bình năm nay. Cả thế giới hết lời ca ngợi sự dũng cảm của bà Merkel vì đã mở cửa đất nước cho những người tị nạn chạy trốn chiến tranh và khủng bố, Đức Giáo hoàng đã vượt xa hàng dặm trên chiếc xe được mệnh danh là Popemobile để truyền bá thông điệp về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, người chiến thắng lại nằm ngoài sự chờ đợi của mọi người. Chiều 9-10, Ủy ban Nobel Na Uy thông báo giải thưởng Nobel Hòa bình 2015 đã được trao cho “Bộ tứ đối thoại quốc gia Tunisia” vì những đóng góp mang tính quyết định của nhóm này trong việc xây dựng nền dân chủ đa nguyên ở Tunisia sau Cách mạng hoa nhài năm 2011.
Bất ngờ bởi không mấy người biết về bộ tứ đối thoại dân tộc Tunisia này theo như kết quả thăm dò được thực hiện trên trang web chính thức của giải Nobel. 30 phút sau khi tân chủ nhân lộ diện, hơn 88% trả lời “Không” trước câu hỏi “Bạn có biết gì về bộ tứ đối thoại dân tộc Tunisia không và những việc làm của họ đối với nền dân chủ ở Tunisia là gì?”
Bộ tứ đối thoại quốc gia Tunisia trở thành tân chủ nhân cho giải Nobel Hòa bình 2015.
Video đang HOT
Tuy nhiên, tờ HindustanTimes bình luận lựa chọn bộ tứ đối thoại quốc gia Tinisia là chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm nay không chỉ là thước đo cho hoạt động của nhóm này mà còn là sự phản ánh việc Ủy ban Nobel Na Uy quan tâm tới những cá nhân, tổ chức hoạt động hướng đến mục tiêu hòa bình cho thế giới.
Chọn bộ tứ đối thoại quốc gia Tunisia là người chiến thắng, Ủy ban Nobel đang muốn gửi đi thông điệp rằng cách tốt nhất thoát khỏi khủng hoảng là đoàn kết quốc gia và phát huy dân chủ. Nhiều quốc gia ở Tây Á và Bắc Phi đã rơi vào tình trạng hỗn loạn và đang cố vật lộn với sự bất ổn sau cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập.
Tờ Hindustan Times nhận định Ủy ban Nobel đang muốn “nhắn nhủ” với các quốc gia khác rằng chỉ như ở Tunisia thì những phong trào tôn giáo và không tôn giáo mới có điều kiện hợp tác với nhau vì lợi ích tốt nhất cho quốc gia và các tổ chức đoàn thể xã hội mới có thể đóng vai trò thiết yếu trong việc dân chủ hóa một quốc gia.
Tunisia đã chuẩn bị một bước đi dài hạn để bước tiếp và đối mặt với nhiều thách thức – một sự thật mà Ủy ban Nobel phải thừa nhận. Do đó, giải thưởng Nobel Hòa bình 2015 được trao cho bộ tứ đối thoại quốc gia Tunisia là xứng đáng và đây được xem là động lực để khuyến khích người dân Tunisia và nhân dân các nước phấn đấu vì một nền hòa bình lâu bền bằng việc tăng cường thể chế dân chủ.
Ngọc Như
Theo_PLO
Nobel Hòa bình vinh danh thiện chí đối thoại
Trong một kết quả gây bất ngờ, Ủy ban Nobel đã tuyên bố Bộ tứ Đối thoại quốc gia Tunisia, thành lập thời hậu Cách mạng Hoa lài, là chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2015.
Đại diện cho Bộ tứ Đối thoại quốc gia Tunisia trong một cuộc họp báo năm ngoái - Ảnh: AFP
Trong bối cảnh hỗn loạn tại Syria, Yemen và những nơi khác, kéo theo những hậu quả thảm khốc hứa hẹn kéo dài của cuộc khủng hoảng di dân tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến 2, Ủy ban Nobel tại Oslo (Na Uy) hôm qua quyết định vinh danh một quốc gia đã có hướng đi hoàn toàn khác biệt so với những nước cùng cảnh ngộ.
Đó là Bộ tứ Đối thoại quốc gia Tunisia (TNDQ), nhóm gồm 4 tổ chức đã có những đóng góp mang tính quyết định trong nỗ lực xây dựng nền dân chủ đa sắc thái tại Tunisia sau Cách mạng Hoa lài gây rúng động thế giới Ả Rập vào năm 2011.
Giải thưởng đã được trao cho Bộ tứ sau gần 5 năm kể từ khi một người bán hàng rong tại Tunisia trong cơn tuyệt vọng đã tự thiêu giữa đường phố, kích hoạt cơn địa chấn chính trị Mùa xuân Ả Rập mà những ảnh hưởng vẫn tiếp tục lan rộng tại Trung Đông và Bắc Phi đến tận ngày nay. Việc trao giải này được kỳ vọng có thể tạo nên nguồn cảm hứng cho việc giải quyết tình hình bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi thông qua đối thoại hòa bình.
Điểm son hiếm hoi
Bộ tứ Đối thoại quốc gia Tunisia được cấu thành từ 4 tổ chức, bao gồm Tổng liên đoàn Lao động Tunisia; Liên minh Công nghiệp, thương mại và thủ công Tunisia; Liên đoàn Nhân quyền Tunisia và Hội Luật sư Tunisia vào năm 2013, khi quá trình chuyển tiếp ở nước này có nguy cơ sụp đổ và Tunisia đứng trước bờ vực nội chiến.
Theo Ủy ban Nobel, hậu quả của cuộc chính biến mang tên Mùa xuân Ả Rập bao gồm sự sụp đổ chính quyền tại Libya, Syria và Yemen; sự trở lại cầm quyền của một lãnh đạo gốc quân đội tại Ai Cập; và sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq. Do vậy, sự thành công trong nỗ lực chuyển tiếp sang chế độ dân chủ tại Tunisia được xem là một tia hy vọng hiếm hoi giữa thời buổi hòa bình vẫn là hy vọng xa vời với một số nước Trung Đông.
Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, bà Kaci Kullmann Five, đã trình bày trong bài phát biểu: "Tunisia đã chứng kiến một sự chuyển tiếp dân chủ dựa trên xã hội dân quyền đầy sôi nổi, với những yêu sách buộc phải tôn trọng những quyền tự do cơ bản của con người". Đại diện Ủy ban Nobel nhấn mạnh quá trình chuyển tiếp tại Tunisia đã mở đường cho cuộc bầu cử dân chủ trong hòa bình vào mùa thu năm ngoái. Và đây hoàn toàn là công sức của Bộ tứ trong nỗ lực hỗ trợ công việc của hội đồng lập pháp của nước này, cũng như đảm bảo quá trình trưng cầu dân ý theo đúng hiến pháp và giúp đỡ tìm kiếm những giải pháp đồng thuận cho một loạt các thách thức đến từ những chia rẽ về chính trị lẫn tôn giáo.
Tổng cộng Ủy ban Nobel đã nhận được 273 đề cử cho hạng mục Nobel Hòa bình năm nay, với các cá nhân nổi bật như Giáo hoàng Francis, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng John Kerry đến các tổ chức như tờ báo Nga Novaya Gazeta, Cao ủy LHQ về người tị nạn... Giá trị giải thưởng là 8 triệu crown Thụy Điển (tương đương 972.000 USD) và thời gian trao giải vào ngày 10.12 tại Oslo.
Thụy Miên
Theo Thanhnien
Top những nhân vật nổi tiếng giành giải Nobel hòa bình Với những đóng góp to lớn cho hòa bình thế giới, Cựu Tổng thống Nelson Mandela, Mẹ Teresa... là những nhân vật nổi tiếng giành giải Nobel hòa bình. Giải Nobel Hòa bình 2011 được trao cho các bà Ellen Johnson Sirleaf (bên phải ảnh), Leymah Gbowee (bên trái) và Tawakkul Karman (ở giữa). Đây là những nhà hoạt động nữ quyền của...