Chốn ăn, chơi của người Sài Gòn xưa
Với người Sài Gòn giữa thế kỷ trước, muốn ăn ngon phải ra quận 5, mua nhà tại quận 3, vui chơi ở quận 1 và đặc biệt tránh xa quận 4 vì nổi tiếng với nạn trấn lột.
Hơn 50 năm trước, Sài Gòn rất phổ biến bài vè về đặc điểm của những khu dân cư gọi là “đắc địa” của Hòn ngọc Viễn Đông. “Ăn quận 5, nằm quận 3, múa ca quận 1, trấn lột quận 4″ – mô tả này ngắn gọn nhưng đầy đủ về thành phố lớn nhất nước:
Quán ăn của người Hoa ở quận 5 rất hút người Sài Gòn xưa. Ảnh: Panoramio
Trong lịch sử 300 năm của thành phố Sài Gòn – Gia Định, quận 5 là nơi có cộng đồng người Hoa đông đúc. Khu vực còn gọi là Chợ Lớn này nổi tiếng với hàng loạt nhà hàng, khách sạn đủ phong cách, hương vị đặc trưng Trung Quốc.
Người Việt Nam quan niệm ăn cơm Tàu là ngon, là sang và tục này nhiều người giờ đây vẫn giữ. Mười đám cưới thì quá nửa chọn thực đơn của người Hoa nên người Sài Gòn nói “ăn quận 5″ ý là như thế.
Ngoài cơm, quận 5 còn khá nhiều món trứ danh như hủ tíu Triều Châu, vịt quay, cơm chiên Dương Châu… Hiện, khu vực Chợ Lớn và rải rác khắp TP HCM vẫn còn rất nhiều hàng quán với các món ăn danh tiếng này.
“Nằm quận 3” là đề cập đến nhà cửa lý tưởng nhất là ở khu vực này – trung tâm thành phố. Hàng loạt biệt thự, cư xá, cao ốc khang trang, đẹp có tiếng thời bấy giờ tập trung trên những con đường rợp bóng cây xanh, yên tĩnh như Tú Xương, Đoàn Thị Điểm, Ngô Thời Nhiệm, Hồ Xuân Hương…
Cư dân sống ở đây ngủ yên, ngủ ngon vì không có hàng quán, chợ búa ồn ào, phiền nhiễu. Giá nhà vì thế mà rất đắt đỏ, là niềm mơ ước của tất cả những người gắn bó với Sài Gòn.
Video đang HOT
Vũ trường Maxim’s nổi tiếng của quận 1 xưa. Ảnh: Tư liệu
Có lịch sử phát triển sớm cũng như nhộn nhịp, xa hoa nhất Sài Gòn vẫn là quận 1. Các dinh thự, ngân hàng, cao ốc, công ty, trung tâm mua sắm, siêu thị, nhà hàng, khách sạn sang trọng, bề thế đều tập trung ở đây. Ban ngày nhộn nhịp người vào ra, ban đêm cũng rộn ràng không kém.
Thời ấy, sau những ngày lao động mệt nhọc, dân Sài Gòn đều tụ tập đến sân khấu, phòng trà, xinê ở quận 1 để nghe nhạc, xem kịch, phim… Tại đây có các vũ trường hoành tráng không thua phương Tây như Đại Nam, Kim Sơn, Mỹ Phụng, Quen Bee, Tự Do rồi đến Maxim’s… Trải qua hàng trăm năm, quận 1 hiện vẫn là trung tâm tập trung đủ loại múa ca.
Chỉ cách quận 1 con kênh Tàu Hủ, song nhắc đến quận 4 nhiều người vẫn dè chừng về vùng đất dữ nhiều khu ổ chuột đầy rẫy giang hồ, cướp bóc, trấn lột . Đời sống người dân khá nghèo khó, là khu vực của dân lao động, thợ thuyền, buôn bán nhỏ, công nhân khuân vác ở kho cảng Sài Gòn. Họ ở trong những căn nhà lụp xụp, những ngõ hẻm tối tăm, nơi tệ nạn xã hội hoành hành không thể kiểm soát…
Quận 4 dần thành “đất lành” cho các băng đảng xã hội đen, buôn lậu, mại dâm, ma túy, trộm cướp lập căn cứ địa. Những con đường ở đây ban đêm không ai dám đi một mình bởi trình trạng giật dây chuyền, túi xách, cướp xe xảy ra như cơm bữa.
Tuy nhiên, hiện đây là khu vực thay đổi nhiều nhất Sài Gòn. Đường xá mở rộng, nhà phố sửa sang, khu dân cư cao tầng thay thế cho những ngôi nhà lụp xụp. Từ một quận nghèo, nhếch nhác, mất an ninh, quận 4 trở thành một vùng dân cư đầy triển vọng.
Quận 4 với các khu nhà ổ chuột là căn cứ địa của giang hồ, nổi tiếng nạn trấn lột, trộm cướp. Ảnh: Life
Một nhà nghiên cứu văn hóa ở TP HCM cho biết, đến nay vài quán ăn Tàu ở quận 5 vẫn rất ngon nhưng chỉ những người sành ăn tìm đến. Nếp ăn cơm Tàu xưa cũng không còn ở người trẻ. Tốc độ đô thị hóa, dân số ở Sài Gòn tăng quá nhanh, tình trạng kẹt xe, ô nhiễm bùng phát khiến những đặc trưng xưa dần phai nhạt.
“Giờ ở quận nào cũng có thể có quán ăn Tàu, tuy không ngon nhưng nhịp sống nhanh khiến ít người quan tâm đến việc thưởng thức. Quận 3 cũng là điểm kẹt xe và không êm đềm như trước nữa. Quận 4 thì thay đổi chóng mặt và đang dần thoát khỏi cụm từ quận giang hồ trước đây”, nhà nghiên cứu này nói.
Sơn Hòa
Theo VNE
Chợ Bình Tây xuống cấp
Trải qua gần một thế kỷ, chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), một trung tâm thương mại tấp nập và điểm thu hút rất đông khách du lịch, nay đã xuống cấp và hư hỏng nhiều hạng mục.
Chợ Bình Tây hiện nay - Ảnh: Quỳnh Trân
Kiến trúc độc đáo
Theo họa sĩ Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, chợ Bình Tây (hay còn gọi là chợ Lớn mới) do ông Quách Đàm, một thương gia người Hoa, đầu tư. Chợ khởi công năm 1928 và hoàn thành năm 1930 trong khu vực buôn bán sầm uất, nhiều người giàu có.
Còn nhà văn Lý Nhân Phan Thứ Lang, chuyên nghiên cứu về Sài Gòn xưa, cho biết: "Quách Đàm là người Hoa chính gốc lưu lạc sang đất Nam bộ với đôi quang gánh làm nghề thu gom ve chai khắp hang cùng ngõ hẻm, tối đến ngủ dưới mái hiên chợ. Khoảng vài năm, Quách Đàm dành dụm được một số vốn lận lưng xoay qua nghề mua da trâu, vi cá và bong bóng cá rồi phất to. Lúc bấy giờ, chợ Lớn cũ (nền đất Bưu điện Chợ Lớn hiện nay) quá nhỏ, không đủ chỗ cho việc buôn bán nên khi vừa nghe tin có người bán miếng đất sình lầy rộng trên 25.000 m2 ở thôn Bình Tây vào khoảng năm 1920, Quách Đàm chớp thời cơ mua ngay và cho san lấp bằng phẳng, xây dựng chợ mới bằng bê tông cốt thép để tặng nhà nước".
Ông Phạm Ngọc Trung, Chánh văn phòng Ban Quản lý chợ Bình Tây cho biết: "Chợ Lớn mới áp dụng kỹ thuật xây dựng hiện đại của Pháp thời bấy giờ. Hệ thống móng nền làm bằng đá sỏi, bê tông chắc chắn nên không có hiện tượng sụt, lún. Chợ hoàn thành rất khang trang, sạch sẽ trên khuôn viên đất khá rộng. Ngay khi được đưa vào hoạt động, với lợi thế về giao thông thủy bộ cũng như tay nghề kinh doanh của bà con tiểu thương người Việt và người Hoa, chợ nhanh chóng trở thành khu kinh doanh sầm uất, giữ tính chất đầu mối bán buôn khắp Nam kỳ lục tỉnh, sang tận Lào, Campuchia, Trung Quốc...".
Sau ngày đất nước thống nhất, chợ Lớn mới được đổi tên là chợ Bình Tây. Theo Phó ban Quản lý chợ Bình Tây Cao Văn Thành: "Chợ Lớn mới cũng có tháp đồng hồ để người đi chợ xem giờ na ná như chợ Bến Thành. Điểm độc đáo nhất là kiểu kiến trúc xây dựng theo hình bát quái, gồm 12 cổng (cả phụ và chính), bên trong có hoa viên rộng rãi để khách ngồi nghỉ ngơi, nhìn 4 con rồng đang phun nước xuống hồ và 4 con kỳ lân... giữ của. Đây là ngôi chợ cổ nổi tiếng, hằng năm có trên 120.000 lượt khách nước ngoài đến mua sắm và tham quan".
Muốn sửa, phải chờ được xếp hạng
Theo sự hướng dẫn của ông Phạm Ngọc Trung, PV Thanh Niên đã chứng kiến sự xuống cấp của ngôi chợ gần 90 tuổi này. Nhiều mái ngói trong khu nhà lồng chợ bị mục nát. Từng có khách và tiểu thương bị thương vì bị ngói rơi trúng nên ban quản lý buộc phải dùng lưới để che chắn tạm thời. Ngói hư, khi trời mưa nước mưa chảy vào một số sạp hàng gây hư hỏng hàng hóa nên tiểu thương phải lấy bạt che tạm. Hệ thống rui, mè... của chợ cũng đang có dấu hiệu nứt, gãy, buộc phải gấp rút thay mới nếu không nguy hiểm sẽ khó lường.
Mái ngói bị mục dễ rơi xuống, phải sử dụng tấm lưới để che chắn
Ông Cao Văn Thành băn khoăn: "Quận đã có chủ trương cho di dời các sạp hàng ở những khu vực bị hư hỏng ra phía trước để sửa chữa với điều kiện không được thay đổi kết cấu, kiến trúc. Tuy nhiên, hiện phải chờ phê duyệt công nhận di tích mới có thể bắt tay vào sửa chữa. Chúng tôi cũng đang chờ ý kiến của Trung tâm bảo tồn di tích (Sở VH-TT TP.HCM) để sửa chợ vì xuống cấp quá rồi". Ông Phạm Ngọc Trung cho biết thêm: "Năm 2014, Trung tâm bảo tồn di tích có văn bản yêu cầu làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích và chúng tôi cũng đã hoàn thành theo các yêu cầu để được xếp hạng di tích phần nhà lồng chợ, còn phần hạng mục xây dựng sau này, không nằm trong khu vực sẽ được bảo tồn thì vẫn tiến hành sửa chữa bình thường".
Trao đổi với PV Thanh Niên về lý do tại sao chợ Bình Tây chậm được xếp hạng di tích trong đợt vừa rồi trong khi chợ đang xuống cấp, cần được sửa chữa, ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích (Sở VH-TT TP.HCM), lý giải: "Do thủ tục công nhận di tích làm rất lâu, phải trình qua hội đồng xét duyệt di tích đồng ý thì mới tiến hành lập hồ sơ, trong khi đó số lượng di tích của TP số lượng khá nhiều nên trung tâm phải làm từng đợt. Vì chợ Bình Tây là công trình kiến trúc nghệ thuật nên hội đồng yêu cầu trung tâm phải trình bày lại, quay phim toàn bộ các góc cạnh của di tích để chiếu lên mới đánh giá cho chính xác, chứ mới chụp hình và có đơn thì vẫn chưa đủ nên vẫn phải chờ đúng trình tự".
Lê Công Sơn
Theo Thanhnien
Đệ nhất mỹ nhân đầu tiên của Sài Gòn và cái kết bi thảm "Cô Ba xà bông" là người đầu tiên đăng quang hoa hậu của Sài Gòn 150 năm trước, được in hình lên tem và là đại diện thương hiệu cho một hãng mỹ phẩm. Cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Sài Gòn, năm 1865, có tên gọi Miss Sài Gòn. Không giới hạn trong phạm vi "Hòn ngọc Viễn Đông", cuộc thi...