Chọn 3 nơi trọng yếu thử “bảo đao” mới, ông Tập Cận Bình thực sự có ý gì?
Vì sao ông Tập lựa chọn Bắc Kinh, Sơn Tây, Chiết Giang là những địa phương đầu tiên áp dụng một phương thức mạnh tay để củng cố quyền lực?
Cuối tháng 10/2016, sau khi Hội nghị trung ương VI tuyên bố xác lập vị thế “lãnh đạo hạt nhân” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã nhanh chóng thúc đẩy phương án cải cách thể chế giám sát bằng việc xây dựng Tiểu ban lãnh đạo công tác thí điểm cải cách thể chế giám sát toàn diện quốc gia.
Theo giới quan sát, tiểu ban này đóng vai trò quan trọng trong “tiến trình cải cách chính trị to lớn của đại cục” và việc lựa chọn Bắc Kinh, Sơn Tây, Chiết Giang là những địa phương thí điểm đầu tiên cũng mang nhiều thâm ý.
Lựa chọn địa điểm
Video đang HOT
Bắc Kinh là nơi “kinh đô” yếu địa, liên quan mật thiết đến địa vị “hạt nhân” của ông Tập Cận Bình và an ninh quốc gia Trung Quốc.
Việc thành lập cơ quan giám sát ở đây, mục đích là để “làm sạch” hệ thống chính trị, khiến những thế lực ngầm khó có thể “lọt lưới”.
Với Sơn Tây, kể từ năm 2014, sau khi tỉnh này được biết đến với chuỗi sự kiện tham nhũng mang “tính hệ thống” thì việc xây dựng ủy ban giám sát giúp ông Tập có thể danh chính ngôn thuận thanh lọc triệt để lần nữa những “mầm bệnh” còn tồn tại ở đây.
Với Chiết Giang, đây vốn được coi là “vùng đất cũ” đối với Chủ tịch Trung Quốc bởi ông đã công tác ở đây một thời gian dài trước khi lên Bắc Kinh.
Giới phân tích nhận định, do là người hiểu rất rõ về chính trường Chiết Giang nên không loại trừ khả năng, nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn thông qua hoạt động cải cách này để sàng lọc quan trường nơi đây nhằm tìm kiếm người kế nhiệm trong tương lai.
Nhân tố con người
Theo đánh giá, sau khi Ủy ban giám sát mới được thành lập, quyền lực của cơ quan này còn lớn hơn cả Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI), đối tượng bị xử lý không chỉ là quan chức của khối cơ quan đảng mà còn là cán bộ của các cơ quan chính phủ.
Đồng thời các cán bộ bất luận là đảng viên hay không, chỉ cần là công chức đều được đưa vào “tầm ngắm”.
Một số ý kiến cho rằng, điều này giúp ông Tập dễ dàng ra tay xử lý “đả hổ” hơn.
Đặc biệt, gánh vác trọng trách thí điểm cải cách này chính là Bí thư CCDI Vương Kỳ Sơn – “quyền lực số hai” – trợ thủ đắc lực của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Việc “gánh nặng đường xa” dường như báo trước khả năng Vương Kỳ Sơn tiếp tục làm thêm một nhiệm kỳ sau Đại hội XIX đảng cộng sản Trung Quốc sẽ được diễn ra vào mùa thu năm 2017.
Giới quan sát nhận định, Vương Kỳ Sơn hiện là thân tín quan trọng nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình trong Ủy ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc khóa XVIII.
Trong khi đó, CCDI – cơ quan do Vương nắm quyền giống như “cây bảo đao” có thể quyết định sự “sống còn đối với sinh mệnh chính trị” của đa số lãnh đạo Trung Quốc.
Vì thế, nếu ông Tập muốn vững bước theo con đường của mình sau Đại hội XIX, thì sự trợ giúp của Vương là sự cần thiết không thể tách rời.
(Theo Soha News)