Chơi vơi Bạch Mã
Bạch Mã là dãy quần sơn được nhiều văn nhân thi sĩ xem như của hồi môn mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Nhưng Bạch Mã cũng có số phận riêng và đã nhiều lần trải qua những cay đắng bởi biến động của lịch sử lẫn những lát cắt của tư duy. Cứ mỗi lần như thế, Bạch Mã lại hằn lên những vết thương sâu hơn…
Biệt thự Cẩm Tú, một trong nhiều biệt thự được trùng tu nay gần như đã bỏ hoang
Tan giấc mơ hoa
Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã thuộc địa giới hành chính hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam, với diện tích 37.487 ha, trong đó trung tâm của dãy quần sơn hùng vĩ này thuộc H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Từ khu vực trung tâm hành chính huyện lên đến đỉnh Bạch Mã gần 20 km, toàn đèo dốc quanh co khúc khuỷu. Nếu không có ô tô riêng, khách phải thuê ô tô thông qua Trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường (DVDLST và GDMT), thuộc VQG Bạch Mã. Giá thuê xe mỗi lần lên đỉnh Bạch Mã là 900.000 đồng cho khách đi về trong ngày và 1,1 triệu đồng cho khách ở lại qua đêm. Sau này chúng tôi mới biết, VQG Bạch Mã không “biên chế” được chiếc ô tô nào cho dịch vụ vận chuyển, mà phụ thuộc vào cánh tài xế địa phương.
Bốn chúng tôi xuống xe tại nhà nghỉ Bảo An ở đỉnh Bạch Mã, sau khi thuê chiếc ô tô 24 chỗ với giá 1,1 triệu đồng. “Trung tâm du khách” trên đỉnh lúc này có 3 nhân viên. Cùng một người nhưng họ làm đủ thứ việc, từ đầu bếp, chạy bàn, tạp vụ, đến lễ tân, thu ngân… Nam nhân viên tên Dân giới thiệu cho chúng tôi một phòng nghỉ có thể ở đến 10 người với giá chỉ 300.000 đồng/đêm. Căn phòng tuồng như từ lâu không có người ở, xộc mùi ẩm mốc, nhà vệ sinh dùng chung nên chúng tôi từ chối và chọn thuê hai phòng ở biệt thự Sao La, với giá 500.000 đồng/đêm. Giá không hề rẻ, nhưng ngẫm lại chúng tôi thuộc diện “may mắn”, bởi cùng có mặt trên đỉnh Bạch Mã lúc ấy có 3 du khách người nước ngoài và họ đã đặt phòng trước gần 3 tháng, như cách nói của Dân.
Bạch Mã ngắm từ Vọng hải đài – Ảnh: Đình Toàn
Ném chiếc ba lô vào phòng nghỉ, chúng tôi đi khám phá “vườn hoa xứ lạnh” ở Bạch Mã mà Bộ KH-CN phê duyệt hồi giữa năm 2008 với nguồn kinh phí gần 1 tỉ đồng. Vườn hoa được giao Sở KH-CN tỉnh Thừa Thiên-Huế xây dựng trên diện tích khoảng 2.000 m2. Có 5 loài hoa được chọn trồng trong dự án lúc ấy là cúc, địa lan, đồng tiền, lay ơn, cẩm chướng Hà Lan, do Trung tâm nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) chuyển giao công nghệ. Theo kế hoạch, khoảng giữa tháng 5.2010 dự án sẽ hoàn thành, sau đó những cành hoa không chỉ tô điểm thêm hồng nhan Bạch Mã mà còn trở thành mặt hàng lưu niệm cho du khách trong mỗi chuyến đến với nơi này. Nhưng trước mắt chúng tôi giờ là một ngôi nhà chỉ toàn cỏ dại ngửa mặt nhìn trời. Ngôi nhà cạnh bên có vài chậu lan thoi thóp. Xuống “vườn hoa Trần Lệ Xuân” trước biệt thự Phong Lan – một trong ba vị trí xây dựng “vườn hoa xứ lạnh”, thấy chỉ có cái bể bơi khô khốc mọc đầy cỏ cây hoang dại, hoa viên xưa vẫn u uất đến tội nghiệp. Dự án gần cả tỉ bạc như đã trôi theo mây trời.
Đứng trên đỉnh núi cao này người ta có cảm giác gì đó thật chơi vơi, nhất là khi bốn bề hoang lạnh. Đôi kính viễn vọng ngắm tuyệt tác thiên nhiên trong vùng phụ cận của Bạch Mã chỉ còn lại hai cột sắt. Ngôi nhà lục giác cạnh đó kính cũng vỡ toang…
Thêm một lần hoang phế
Video đang HOT
Được khám phá từ năm 1932 bởi một kỹ sư người Pháp có tên M.Girard, đến nay Bạch Mã đã có quá nhiều thay đổi. Bạch Mã từng được ghi nhận có 139 biệt thự được xây dựng từ thời Pháp thuộc nhưng đã hoang phế do biến động của lịch sử, do chiến tranh lẫn bàn tay con người. Kể từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000, có 9 biệt thự (nhà nghỉ) với 54 phòng ở đỉnh Bạch Mã được trùng tu, phục hồi để phục vụ du lịch nghỉ dưỡng. Nhưng rồi do lượng khách ít, thua lỗ, nhất là việc “đóng cửa” Bạch Mã trong gần 4 năm (2009 – 2013) để nâng cấp, mở rộng đường lên nơi này khiến các doanh nghiệp đành để biệt thự sau khi trùng tu tiền tỉ hoang tàn trong mây gió.
Mùa này những cây phong ở Bạch Mã đua nhau khoe sắc. Lá phong đỏ rực góc rừng níu những bước chân cô lữ. Nhưng phàm thứ gì cũng thế, nhất là hoa lá, mỗi khi rời cành không được tiếp tục dưỡng nuôi từ dinh dưỡng của đất mẹ, chúng đều nhanh chóng tàn tạ. Và những thảm lá phong héo úa dày đặc như nhân đôi nỗi buồn khi chúng tôi “lạc” vào hai biệt thự Morin 1 và Morin 2. Hai biệt thự ở vị trí tuyệt đẹp có 12 phòng này do Công ty du lịch Hương Giang và Công ty khách sạn Xanh ở Huế đầu tư, cùng đưa vào sử dụng năm 2001 nhưng nay đã hoang phế. Những bậc cấp ngập lá phong héo khô. Mái hiên nhà với những liếp ngói vỡ, những thanh gỗ mục rơi vãi, chiếc ghế đẩu bên ngoài sân chỉ còn 3 chân ngửa bụng lên trời thật ai oán…
Dang dở một kỳ quan
Chúng tôi ngược lên Vọng hải đài, nơi có độ cao 1.450 m so với mặt nước biển. Ở đây con người luôn phải thu mình lại trước vũ trụ, bởi cái cảm giác cô đơn và quá bé nhỏ, bé nhỏ đến mức có lúc không tự nhận ra mình bởi đã hòa quyện vào thiên nhiên, như mây, như gió. Nhưng bây giờ, đứng trên đỉnh núi cao này người ta có cảm giác gì đó thật chơi vơi, nhất là khi bốn bề hoang lạnh. Đôi kính viễn vọng ngắm tuyệt tác thiên nhiên trong vùng phụ cận của Bạch Mã chỉ còn lại hai cột sắt. Ngôi nhà lục giác cạnh đó kính cũng vỡ toang, bên trong bỏ rất nhiều tượng Phật chẳng khác tượng Táo quân bị bỏ bê sau cái ngày người ta cúng tiễn ngài lên trời. Ở đời có những loại “quà biếu” rất khó chối từ, nhất là những quà biếu ấy mang tính tâm linh, có khi gán ghép cho tâm linh. “Quả là phản cảm thật, những tượng Phật đó là do du khách tự mang lên đặt. Tôi sẽ cho anh em thu dọn lại”, Phó giám đốc VQG Bạch Mã Nguyễn Vũ Linh nói khi thấy chúng tôi xót xa.
Trên đường trở về từ Hải vọng đài, chúng tôi gặp đoàn khách hiếm hoi đến từ TP.Huế. Chiều muộn, nhưng họ vẫn ngồi bên vệ đường cạnh tấm bảng chỉ dẫn đường xuống thác Bạc đã bị vùi trong cỏ dại để chờ một số thành viên đang còn đi lạc đâu đó bên dưới thác Bạc. “Tụi mình có biết đâu, hầu hết các bảng chỉ dẫn đều hư hỏng, gãy đổ. Tui thề đây là lần đầu nhưng cũng lần cuối tui tới Bạch Mã”, người phụ nữ tên Thúy, một thành viên trong đoàn, nói giọng xót xa.
Nhớ lại hơn 20 năm trước, tôi cùng những người bạn học cấp 3 có những bước chân đầu tiên lên khám phá Bạch Mã trong nỗi đam mê lẫn sợ hãi. Mê trước vẻ kỳ thú của thiên nhiên, sợ trước vẻ bí ẩn của rừng thiêng mây mờ phủ lối, trong cảm giác tò mò sờ mó lên những bức tường đen của những ngôi biệt thự xa xỉ một thời. Và cả sự quyến rũ của những vạt rừng đầy hoa phong lan, địa lan, lay ơn… mà có lần tôi thẹn thùng ngắt một nhánh bên đường tặng cô bạn tên Hoài An để đánh dấu một mối tình không lời hẹn ước. Còn bây giờ, khi đứng ngắm những ngôi biệt thự, những tuyệt tác “kiến trúc Âu nằm giữa trời Đông” được trùng tu rồi bỏ hoang, lòng tôi bỗng co thắt. Những vết thương cứ thêm hằn trên lưng chú ngựa huyền thoại ở “ngọn núi ảo ảnh” này.
“Ngựa trắng” về đâu ? Bạch Mã, một tuyệt tác của thiên nhiên đang thực hiện chức năng bảo tồn và lấy hoạt động du lịch làm chức năng bổ trợ. Nhưng Bạch Mã sẽ ra sao, đi theo hướng nào thì câu hỏi đang còn bỏ ngỏ. Nhắc chuyện này, ông Nguyễn Vũ Linh nói đại ý rằng lãnh đạo VQG rất rộng cửa đón các nhà đầu tư, nhưng kinh doanh lỗ, thời tiết lại khắc nghiệt (độ ẩm trung bình luôn trên 80%, lượng mưa cao nhất nước với 8.000 mm/năm) nên nhiều nhà đầu tư đã bỏ cuộc. “Vấn đề phát triển du lịch sinh thái ở Bạch Mã vẫn còn mang cảm tính của nhà quản lý du lịch kết hợp với bảo tồn thiên nhiên. Do chưa có quy hoạch chi tiết về loại hình này ở Bạch Mã nên việc quản lý, đầu tư và phát triển không dựa theo hệ thống các tiêu chí, quy hoạch và quy định cụ thể nào cả”, ông Linh giãi bày.
Theo TNO
Dị nhân 'nói' được tiếng 200 loài chim
Sau một hồi uốn lưỡi thử giọng: "róc... róc... róc", "huýt... huýt", "cúc... cu", đáp lại những tiếng "nhái" giọng chim là ồn ào cả một góc rừng tiếng chim "xịn" đáp trả.
Hàng chục năm nay, anh Trương Cảm (ngụ thôn Phú Thạch, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã theo dõi, bảo vệ nhiều loài chim ở vườn quốc gia Bạch Mã, nhờ chim làm "gián điệp" báo tin về tình hình khu rừng... Tất cả nhờ vào biệt tài "có một không hai" của anh: "Nói" được ngôn ngữ của hơn 200 loài chim.
Hiểu ngôn ngữ chim như tiếng mẹ đẻ
Sau những lần cố gắng liên lạc chỉ được trả lời "Mình đang ở đỉnh rừng", "Đang đi tuần, bữa khác bạn nhé", cuối cùng chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với "người rừng" Trương Cảm để tìm hiểu về khả năng bắt chước tiếng chim của anh. Không để khách chờ lâu, anh Cảm lần lượt biểu diễn những tiếng chim khác nhau trước sự ngỡ ngàng của những người chứng kiến. Những tiếng "róc... róc... róc", "huýt... huýt", &'cúc cù... cu" nối tiếp nhau vang lên đủ cung bậc y hệt tiếng chim thật đang hót.
'Vua chim' Trương Cảm biểu diễn biệt tài bắt bắt chước tiếng chim.
Anh Cảm kể rằng từ nhỏ đã vào rừng làm rẫy nên thân thuộc với cuộc sống hoang dã. Sau những giờ lao động mệt nhọc, cậu bé tìm niềm vui bên những chú chim rừng bé bỏng, anh cho biết mình rất mê tiếng chim. "Nhiều hôm mải nằm nghe tiếng chim quên cả việc kiếm củi, đến lúc mọi người đầy gánh ra về thì mình vẫn chưa có một thanh, may mà bạn bè thương tình góp củi cho", anh Cảm cười kể chuyện ngày bé.
Thích nghe chim hót từ nhỏ nên anh thường tập hót theo, lâu ngày thành thói quen có thể "hót" theo như chim, có thể "điểm danh" từng loài chim qua tiếng hót.
Anh giải thích: "Chỉ riêng một giống chim đã có đến hàng chục giọng hót khác nhau như: tiếng chim đực, chim cái, tiếng gọi bầy đi ăn, tiếng báo kẻ địch, tiếng gọi tình nhân".
Cảm lý giải thêm: "Tiếng chim gọi nhau đi ăn thường gấp gáp, nhanh, kéo dài từng quãng. Khi có kẻ địch tiếng chim trở nên thất thanh, kêu theo từng nhóm, vừa kêu vừa bay nháo nhác nhằm báo cho đồng loại biết".
Chia sẻ bí quyết gọi chim của mình, "vua chim" Trương Cảm "bật mí": "Có thể dùng hai bàn tay vỗ mạnh vào nhau theo nhịp đều, khi đó chim sẽ hót bởi tưởng rằng có chim nơi khác đến giương oai, thách thức. Cách này chỉ áp dụng đối với chim cu gáy". Dứt lời, anh vỗ tay làm mẫu cho khách xem.
Anh cho biết thêm, để hót được tiếng chim như thật, ngoài việc điều chỉnh được âm lượng của giọng, người tập hót còn phải có đam mê thực sự và kiên trì. Theo anh, không thể "ngày một ngày hai" mà hót được như chim, trước hết phải tìm hiểu kĩ tập tục sinh hoạt của từng loài chim, chú ý lắng nghe và hót theo là phương pháp tập luyện hiệu quả nhất.
"Hôm đó mải nằm trong lùm cây rình đôi khướu tán tỉnh nhau, bỗng nhiên tôi thấy nhột nhột ở bắp chân, nhìn xuống thì một con rắn hổ dài hơn mét đang nằm gọn trên chân. Chỉ cần cử động là con rắn cắn ngay, may mà không có chuyện gì xảy ra", anh nhớ lại một lần thoát chết.
Cầm cuốn sổ ghi chép tên, đặc tính các loài chim trên tay, anh lần lượt giới thiệu từng trang và khẳng định có thể bắt chước tiếng hót của hơn 200 loài trong tổng số 358 loài chim sinh sống tại vườn quốc gia Bạch Mã.
Anh Cảm tâm sự: "Với tôi Bạch Mã là tất cả".
Giữ rừng nhờ biệt tài gọi chim
Tại trạm kiểm lâm vườn quốc gia Bạch Mã người ta vẫn rỉ tai nhau chuyện tuần tra giữ rừng đặc biệt qua tiếng chim của kiểm lâm viên Trương Cảm. Nói về phương pháp tuần tra có một không hai này, anh cho hay: "Cả trạm chỉ có mười anh em nhưng phải canh giữ một diện tích rừng rất lớn nên không thể cùng lúc có mặt ở mọi nơi.
Một lần mọi người đang ăn trưa chợt nghe tiếng chim bay nháo nhác, đoán có chuyện chẳng lành, mấy anh em lập tức có mặt ở địa điểm trên mới phát hiện rằng lâm tặc đang phá rừng. Khi kiểm lâm đến nơi chúng đã nhanh chân tẩu thoát, chỉ còn lại những tang vật như cưa máy, rìu... nằm ngổn ngang khắp nơi". Sau lần đó, anh tự vấn: "Tại sao mình không căn cứ vào chim thú để kiểm tra rừng?".
Từ suy nghĩ đó "vua chim" Trương Cảm đã mạnh dạn đổi mới công tác tuần tra, bảo vệ rừng của trạm. Lúc đầu nhiều người thắc mắc bởi công việc có vẻ "kì quặc" của anh nhưng khi đã rõ chuyện thì ai nấy đều trầm trồ thán phục về hiệu quả.
"Mỗi lần đi tuần đến đâu chỉ cần hót "nhái" tiếng chim sống ở đó, nếu có tiếng chim trả lời chứng tỏ rừng bình yên, không có lâm tặc. Khu vực nào có nghi vấn tôi sẽ cho lực lượng mai phục, tăng cường tuần tra", anh cho biết.
"Bình thường khi gõ nhẹ vào hốc cây con chim Trĩ Sao sẽ kêu lên đáp trả, nhưng hôm đó anh Cảm gõ mãi mà không thấy tiếng chim trả lời. Nghi vấn đã có lâm tặc vào săn bắt nên cả đội quyết định mật phục. Ba đối tượng săn bắt động vật trái phép với đầy đủ tang vật như bẫy chim, lồng sắt, chim mồi... đã bị bắt giữ", một kiểm lâm viên thuật lại.
Tâm huyết với công việc giữ rừng, Trạm trưởng Trương Cảm đã tận tình bày vẽ, hướng dẫn các anh em trong đội tập hót tiếng chim để áp dụng "phương pháp" mới vào công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Anh vui vẻ cho hay: "Ai cũng nghĩ tập hót tiếng chim chỉ để cho vui, nhưng không phải vậy, nắm bắt được tập tính từng loài chim sẽ rất có ích trong công tác bảo vệ rừng. Đảm bảo hiệu quả công việc trong hoàn cảnh hạn chế nhân lực như hiện nay".
Cuộc trò chuyện gián đoạn bởi tiếng hót của chim Khướu ngoài vườn, đứa con trai đầu anh Cảm cũng đang say mê hót theo chú Khướu. Thấy người lạ đứa trẻ vội bỏ chạy ra xa. Nhìn theo bóng con, anh Cảm mỉm cười hạnh phúc: "Thằng bé cũng có tài bắt chước tiếng chim hót của một số loài nhưng tính nó hay thẹn. Nó tên Trương Bảo Lâm, tôi đặt tên con như vậy để nhắc nhở con mình sau này không được phá rừng".
Theo Xa lộ pháp luật
Điều tra nghi án giết người yêu rồi tự tử Cơ quan chức trách tỉnh Thừa Thiên-Huế đang nỗ lực điều tra nghi án về một thanh niên giết người yêu rồi tự tử sau khi phát hiện đôi thanh niên nam nữ này chết trong một phòng trọ vào sáng 24.2. Khu nhà trọ hai tầng, nơi xảy ra vụ án mạng Vụ án mạng kinh hoàng nói trên xảy ra tại...