Chơi gì ở Quảng Bình khi chỉ có một ngày?
Không chỉ có vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng hùng vĩ, Quảng Bình níu chân du khách bởi nhiều điểm đến mang dấu ấn lịch sử, văn hóa và thiên nhiên đặc sắc.
Quảng Bình được mệnh danh là “vương quốc hang động” với gần 400 hang động lớn nhỏ, thu hút du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh trải nghiệm trèo đèo lội suối, khám phá thiên nhiên hùng vĩ, du khách có thể lưu lại trải nghiệm văn hóa, lịch sử và thiên nhiên cho chuyến vi vu Quảng Bình sắp tới.
Tận hưởng khung cảnh bình yên ở làng Cảnh Dương
Muốn khám phá nét văn hóa đặc sắc của Quảng Bình, tận hưởng không gian nghệ thuật và thiên nhiên tươi đẹp, du khách không thể bỏ qua làng chài Cảnh Dương – tọa lạc tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Làng có lịch sử hơn 375 năm với truyền thống khoa bảng, chống giặc và thờ thần biển, là một trong “Bát danh hương” (8 ngôi làng nổi tiếng) của Quảng Bình xưa.
Làng chài Cảnh Dương bình yên với những bức bích họa sống động thu hút du khách. Ảnh: Oxalis Adventures. |
Cảnh Dương còn được biết đến là làng bích họa, khi sở hữu gần 50 bức tranh 3D sống động trải dài từ đình thờ Tổ đến hết đường ven biển. Không chỉ đẹp mắt, những bức bích họa còn mang đến cho du khách góc nhìn chân thực về cuộc sống, lịch sử và tinh thần người dân làng Cảnh Dương.
Ở làng, Miếu Linh Ngư (xây dựng năm 1809) cũng là điểm đến văn hóa đặc sắc. Nơi đây thờ cá Ông – vị thần biển được người dân kính trọng và tín nhiệm. Người dân làng Cảnh Dương tổ chức lễ Cầu Ngư vào ngày mùng 2 tháng Giêng (Âm lịch) để cầu mong năm mới bình an, phát đạt, thuận buồm xuôi gió.
Tham quan đền Thánh mẫu Liễu Hạnh
Tọa trấn tại Đèo Ngang, đền Thánh mẫu Liễu Hạnh là địa điểm du lịch văn hóa, lịch sử nổi tiếng của Quảng Bình. Ngôi đền cổ xây dựng năm 1809 thờ Công chúa Liễu Hạnh – một trong các vị “Tứ bất tử” được nhân dân tôn kính.
Đền thờ sở hữu kiến trúc độc đáo, gồm cổng, bức bình phong, cổng tam quan, hai trụ đầu lân, đền Tiền và đền Hậu. Trong đền có tượng cá Ông và tượng Công chúa Liễu Hạnh trang trí bằng vàng, bạc, ngọc, bảo.
Đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh nằm dưới chân Đèo Ngang. Ảnh: Quangbinhtourism. Video đang HOT |
Hàng năm, nơi đây diễn ra lễ hội Hoành Sơn Thánh Mẫu – nâng cấp từ Lễ giỗ Thánh mẫu Liễu Hạnh vào 1-3/3 (Âm lịch) tại Di tích đình Vịnh Sơn và Di tích đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Không chỉ để người dân bày tỏ lòng thành kính với Thánh mẫu, lễ hội còn là dịp để du khách khám phá nét văn hóa tâm linh độc đáo của tín ngưỡng thờ mẫu và các hoạt động văn hóa tại Quảng Bình.
Viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa – Đảo Yến
Vũng Chùa là bãi biển hoang sơ, với làn nước trong xanh, cát trắng trải dài và hệ thực vật phong phú, đa dạng nằm dưới chân Đèo Ngang hùng vĩ. Đảo Yến nằm cách Vũng Chùa không xa, tạo nên cụm danh thắng “Vũng Chùa – Đảo Yến” cảnh sắc thơ mộng, nguyên sơ.
Vũng Chùa – Đảo Yến là điểm du lịch tâm linh nổi bật tại Quảng Bình. |
Điểm đến trở nên nổi tiếng từ năm 2013, khi được chọn làm nơi yên nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hàng năm, nhiều du khách đến viếng mộ, thắp hương, bày tỏ lòng biết ơn vị Đại tướng của nhân dân.
Thăm làng Cao Lao Hạ
Tiếp theo, trên hành trình Bắc – Nam, du khách có thể đến Cao Lao Hạ – ngôi làng bên dòng sông Gianh với lịch sử hơn 375 năm. Nơi đây cũng nổi danh bởi truyền thống khoa bảng, chống giặc và thờ thần biển, là quê hương của cố thi sĩ Lưu Trọng Lư.
Làng Cao Lao Hạ có số lượng nhà thờ họ nhiều bậc nhất ở miền Trung. Ảnh: Langcaolaoha. |
Ngôi làng bên dòng sông Gianh sở hữu số lượng nhà thờ họ nhiều bậc nhất miền Trung. Mỗi nhà thờ “cất giấu” một câu chuyện dài về lịch sử, văn hóa của từng dòng họ. Không chỉ mở cửa vào ngày cúng, nhà thờ họ ở đây còn “mở hội chung” mỗi năm 2 lần dịp lễ Thanh minh vào 15/3 (Âm lịch) và lễ cúng Cồn Cui 16/6 (Âm lịch). Đó là dịp hàng nghìn người thuộc các dòng họ sống, làm việc tứ xứ quay về, xúng xính áo quần như trẩy hội, cùng vui chơi, ăn uống, ca múa.
Check-in bãi Đá Nhảy
Nằm dưới chân đèo Lý Hoà, cách trung tâm thành phố khoảng 25 km, bãi Đá Nhảy được xem như tác phẩm điêu khắc kỳ diệu của thiên nhiên. Những dãy núi đá được mài dũa bằng sóng biển, theo thời gian, tạo thành quần thể đá gồ ghề, hình thù lạ mắt như con cóc, con trâu nằm, hình “trống – mái”, hình hổ quỳ, voi phục… nhô ra giữa mặt biển.
Bãi đá với hình thù lạ mắt thu hút du khách. |
Màu sắc của các tảng đá thay đổi theo thủy triều. Khi nước dâng lên, đá có màu đen huyền bí. Khi nước rút xuống, đá dần chuyển sang màu cam đẹp mắt. Tạo thêm sự khác biệt cho địa danh này là đường bờ biển dài, cát vàng mịn và màu nước xanh ngắt.
Vùng biển có nhiều rạn san hô ngầm, tạo điều kiện sinh sống phong phú cho tôm, mực, ghẹ, cá… Có lẽ vì thế, hương vị tươi ngon, hấp dẫn của hải sản bãi Đá Nhảy chinh phục tâm hồn ăn uống của bao thực khách. Trong đó, cháo cá ăn cùng cải cay và nấm là món ăn du khách nên thử khi ghé nơi đây.
Hướng tới một di sản thiên nhiên liên quốc gia
Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) có đường biên giới tiếp giáp với Vườn quốc gia Hin Nam No (tỉnh Khăm Muộn) của nước bạn Lào.
Cùng nằm trong hệ thống đá vôi có diện tích lớn nhất Đông Nam Á lại có rất nhiều sự tương đồng, việc hợp tác, liên kết giữa hai vườn quốc gia sẽ làm tăng quy mô, đồng thời nâng cao công tác bảo tồn và hướng tới trở thành di sản thiên nhiên liên quốc gia.
Cảnh đẹp của hệ thống hang động Tú Làn ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. |
Hiện, hai tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn đang tích cực phối hợp hoàn thiện hồ sơ đề cử kết hợp hai vườn trở thành di sản thiên nhiên liên quốc gia và dự kiến đệ trình UNESCO vào cuối năm 2024.
Nhiều sự tương đồng giữa hai vườn quốc gia
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO hai lần công nhận là "Di sản thiên nhiên thế giới" vào năm 2003 và năm 2015 với các tiêu chí về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học và phát triển các hệ sinh thái trên cạn. Đây cũng là di sản đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đạt ba trong bốn tiêu chí dành cho một di sản thiên nhiên thế giới.
Phong Nha-Kẻ Bàng là khu vực karst rộng lớn nhất trên toàn cầu, có lịch sử hình thành cách đây hơn 400 triệu năm, với đầy đủ các giai đoạn phát triển chính của vỏ trái đất. Nơi đây có hơn 1.000 hang động, trong đó 425 hang động đã được khảo sát, đo vẽ; có hệ động, thực vật vô cùng đa dạng, phong phú (2.953 loài thực vật, 1.394 loài động vật), với 43 loài mới phát hiện và nhiều loài quý hiếm chỉ thị cho hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi.
Bên kia biên giới, Vườn quốc gia Hin Nam No của tỉnh Khăm Muộn có tổng diện tích hơn 82.000 ha, là nơi cư trú của 40 loài động vật có vú, hơn 200 loài chim, 46 loài lưỡng cư và bò sát, hơn 100 loài cá và hơn 520 loài thực vật; đồng thời có nhiều hệ thống hang động đá vôi đẹp...
Theo các nhà khoa học của Viện Địa chất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam No có vị trí liền kề nhau và cùng nằm trong khối đá vôi có diện tích lớn nhất Đông Nam Á.
Qua nghiên cứu đã phát hiện nhiều giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học tương đồng. Không những vậy, các thông tin khảo cổ học thu thập được ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và những phát hiện mới đây ở Vườn quốc gia Hin Nam No cho thấy những nét tương đồng về khảo cổ học, đó là sự có mặt của cư dân tiền sử ở cả hai khu vực.
Phát hiện này đồng thời đã bổ sung minh chứng cho sự thích ứng của cư dân tiền sử với môi trường tự nhiên, qua đó góp phần nâng cao giá trị của Phong Nha-Kẻ Bàng và Hin Nam No, làm nổi bật hơn các giá trị toàn cầu phục vụ xây dựng hồ sơ khoa học chung.
Giám đốc Vườn quốc gia Hin Nam No, ông Khamkeo Latthayod cho biết, Vườn quốc gia Hin Nam No và Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng của Việt Nam liền kề nhau trên dãy Trường Sơn, bao gồm các khu rừng ẩm tương đối nguyên vẹn với hàng chục khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học cao.
Việc thể hiện các giá trị đa dạng sinh học nổi bật hiện nay trong danh sách di sản thế giới chỉ giới hạn ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Trong khi đó, thuộc tính xuyên biên giới đại diện cho thành phần hệ sinh thái núi đá vôi quan trọng nhất và về cơ bản là nguyên vẹn trong các khu rừng ẩm thuộc dãy Trường Sơn.
Trong số các hệ sinh thái và môi trường sống đa dạng trên khắp khu vực xuyên biên giới, nổi bật là các đỉnh núi đá vôi khô với hệ động, thực vật có tính đặc hữu rất cao. Điều này cũng đúng đối với các khu rừng thường xanh và nửa rụng lá tươi tốt trong các thung lũng giữa các dãy núi đá vôi ở cả hai vườn quốc gia.
Thể hiện rõ nét nhất là khu rừng núi cao hoang sơ và hẻo lánh trên đá sa thạch ở Hin Nam No và rừng lá kim quý hiếm trên đá vôi của Phong Nha-Kẻ Bàng. Thuộc tính xuyên biên giới còn cho thấy, bên dưới mặt đất có các hệ thống hang động và hệ thống sông ngầm với vô số sinh vật cực kỳ chuyên biệt, không được tìm thấy ở các nơi khác trên thế giới.
Ông Khamkeo Latthayod cũng cho rằng, trong những năm gần đây, hai nước và hai địa phương đã có nhiều cuộc họp, hội thảo nhằm tăng cường hợp tác hướng tới mở rộng di sản xuyên biên giới. Đó là thỏa thuận hợp tác hằng năm được Thủ tướng Chính phủ hai nước ký từ năm 2020, xây dựng khung quản lý xuyên biên giới Hin Nam No và Phong Nha-Kẻ Bàng năm 2021; thiết lập các đầu mối cho việc đề cử ở cả hai quốc gia và xác định nhiệm vụ của ban chỉ đạo cấp tỉnh, thực hiện công việc quản lý rừng xuyên biên giới.
Được hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và sự ủng hộ của Ủy ban Di sản thế giới, tháng 2/2023, Chính phủ Lào đã trình đề cử Vườn quốc gia Hin Nam No là phần mở rộng xuyên biên giới của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng của Việt Nam.
Nếu được chấp thuận, phần mở rộng này sẽ bổ sung, tạo thành khu bảo tồn núi đá vôi lớn nhất thế giới. Danh hiệu Di sản thế giới liên quốc gia nếu được công nhận sẽ là một nền tảng và động lực để hợp tác hiệu quả hơn trong công tác bảo vệ, bảo tồn và khai thác bền vững hệ sinh thái xuyên biên giới.
Di sản liên quốc gia đầu tiên trong tương lai
Đại diện Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết, Ủy ban Di sản thế giới ủng hộ, hoan nghênh việc Việt Nam hợp tác với Lào về bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là ở khu vực bảo tồn xuyên biên giới và đề cử chung khu bảo tồn quốc gia Hin Nam No cùng với Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng của Việt Nam trong tương lai.
Khuyến nghị này dựa trên logic của bảo tồn thiên nhiên và diễn tiến sinh thái không bị giới hạn trong ranh giới hành chính. Hơn thế, trong bối cảnh mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam và Lào thì đây là cơ hội và hy vọng sẽ sớm có một di sản thiên nhiên xuyên biên giới đầu tiên ở châu Á. Mục tiêu của UNESCO là mở rộng hợp tác cùng bảo tồn và gìn giữ di sản có nhiều đặc điểm chung, hai nước Việt Nam-Lào đang phối hợp hoàn thiện hồ sơ di sản thiên nhiên liên quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á và dự kiến sẽ đệ trình UNESCO vào cuối năm nay.
Điều này khẳng định cam kết của Việt Nam đối với UNESCO trong việc bảo tồn, gìn giữ di sản thiên nhiên thế giới, cam kết ủng hộ, đồng hành cùng nước bạn Lào trong việc đề cử ghi danh và gìn giữ tài sản chung của nhân loại, góp phần phát triển bền vững hai quốc gia và khu vực. Nếu được ghi danh là di sản thiên nhiên thế giới, Phong Nha-Kẻ Bàng và Hin Nam No sẽ trở thành biểu tượng kết nối hai dân tộc Việt Nam-Lào, góp phần tiếp tục vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng Phạm Hồng Thái cho biết: "Trên cơ sở tuyên bố chung về hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học liên biên giới giữa Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam No; các biên bản hội đàm được ký kết hằng năm giữa lãnh đạo hai tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn... chúng tôi đã tổ chức nhiều chuyến thăm, làm việc với mục đích trao đổi thông tin quản lý, hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy giá trị tiềm năng cảnh quan liên biên giới giữa hai khu vực".
Tháng 7 vừa qua, tại thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn (Lào) diễn ra hội nghị trao đổi kinh nghiệm, rà soát việc thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và vườn quốc gia Hin Nam No. Hai bên thống nhất việc chỉnh sửa nội dung hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Hin Nam No là Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới với Phong Nha-Kẻ Bàng.
Hai bên chuẩn bị thủ tục hồ sơ để hai vườn quốc gia hoàn thành đăng ký Danh lục xanh của IUCN. Đồng thời, Vườn quốc gia Hin Nam No cũng sẽ ủng hộ Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tham gia vào các diễn đàn, tiến trình xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và công viên địa chất toàn cầu.
Ông Khamkeo Latthayod cho rằng, việc kết hợp hai Vườn quốc gia Hin Nam No và Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành di sản thiên nhiên thế giới liên quốc gia, xuyên biên giới chung sẽ làm tăng diện tích và quy mô các giá trị nổi bật toàn cầu của hai vườn quốc gia, bảo đảm tính thống nhất và toàn vẹn của di sản; đồng thời tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa Lào-Việt Nam trong công tác bảo vệ, bảo tồn và khai thác một di sản thiên nhiên tầm cỡ quốc tế được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cả hai quốc gia có chung dãy Trường Sơn.
22 hang động nguyên sơ mới được phát hiện ở Quảng Bình Đoàn thám hiểm hang động vừa phát hiện thêm 22 hang động mới mang vẻ đẹp nguyên sơ, kỳ vĩ ở khu vực Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và vùng phụ cận ở tỉnh Quảng Bình. Các chuyên gia hang động bên trong một hang mới phát hiện ở Quảng Bình. Ảnh: ĐTHCC Ngày 23.4, thông tin từ Ban Quản...